Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Cánh hẩu lòi đuôi


Cánh hẩu lòi đuôi

Vĩnh Nguyên
 .
Bản báo Nghệ Thuật Mới (NTM) - phụ trương của báo Người Hà Nội ra số đầu tiên (2/2/2012) đã gây sự chú ý của bạn đọc. Bởi bản báo nội dung phong phú, dụng công tìm tòi tác giả, tác phẩm xưa và nay. Bởi mãng ảnh, hội họa và cách trình bày của họa sĩ Lê Thiết Cương là khá ấn tượng.
Số báo khổ lớn nầy có đến hai bài phỏng vấn nhà văn, nhà thơ ngoài nước và trong nước. Ngoài nước phỏng vấn nhà văn García Márquez còn trong nước thì phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (NKĐ). Cái ấn tượng ở hai trang phỏng vấn NKĐ trước hết là 3 tấm ảnh của ông ấy. Một ảnh nhỏ nhà thơ đang đọc sách còn hai tấm lớn chiếm đến gần ¼ trang báo diễn tả tác giả đang tư lự…
Thứ nữa là cuộc phỏng vấn dẫn dắt rất khéo qua từng câu hỏi - đáp rồi in những câu thơ, đoạn thơ hợp lý có chọn lọc để cù để mê dụ bạn đọc vào “guồng” của họ…
Tôi chẳng phải là nhà phê bình và có thể chẳng bao giờ nghĩ đến công việc nầy. Nhưng vừa rồi đọc Văn nghệ Trẻ số 10/2012 có bài “Những nhà ngoại giao phê bình và sự “dối trá hoàn hảo”, tôi thấy đúng lắm! Hay lắm! Đã đến lúc các nhà phê bình phải quyết liệt, chẳng vì cả nể một ai, dùng “roi quất cho con ngựa lồng lên”. Chứ chơi trò phỏng vấn dài dài thì dễ xuôi theo một chiều, bởi các cánh hẩu cứ bốc thơm nhau lên tận mây xanh còn phía độc giả thì bị động theo “mê lộ” dàn xếp hoàn hảo vậy?
Tôi là người thẳng thắn, không ngại đụng chạm nên muốn nói lên sự thật về câu thơ “Tôi sống với người chết vì người” đang làm tựa đề bài phỏng vấn mà cặp đôi hỏi - đáp là nhà văn Văn Chinh (VC) và nhà thơ NKĐ mà tôi gọi họ là cánh hẩu, nhằm ngõ hầu quý nhà phê bình thực tâm cùng bạn đọc một ít thông tin được chăng?
Trước hết, phải nói ngay câu thơ Tôi sống với người chết vì người: không hiểu tác giả hay VC hay biên tập thay chữ với thành chữ cùng? Bởi chưa biết nên tôi vẫn dựa theo văn bản cũ bài Cõi lặng tác giả viết ngày 17/1/2003 và in trong tập Cõi lặng (2007) và in trong Thơ NKĐ tuyển tập 40 năm do tác giả chọn (2012) đều in chữ với.
Mở đầu, VC liệt kê các chức vụ của NKĐ rồi mớm một câu tỏ ra khách quan: Tôi không biết những năm nắm quyền lực lớn, ông đã có những công tích gì… để khéo léo dẫn dắt vào Đại hội 5 Hội Nhà văn Việt Nam. Ông VC tự bạch : Tôi lên đọc tham luận “Hãy tạo hành lang pháp lý cho văn học mới”. Nội dung là hệ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa nói từ nghèo nàn lạc hậu (A) chúng ta tới thẳng XHCN (Z), nay nói từ A qua thị trường (Y) rồi mới tới (Z). Vì AYZ là một đường cong nên nếu cứ áp thước AZ mà đo lại bất cứ điểm nào của AYZ đều thấy nó sai hoặc chệch hướng. Nhưng một số đại biểu vỗ tay đuổi xuống, dạy cho một bài học thấm thía về hội đoàn. Sau đó, tôi có đến Hội trình bày với Tổng thư ký NKĐ nội dung bản tham luận… Thì quá rõ, VC đọc tham luận, bị đại biểu đuổi xuống, hôm sau, VC mang bản tham luận đến trình bày riêng với Tổng NKĐ, thì, sao ở trên VC lại nói Tôi không biết? Như vậy là mâu thuẫn rồi, và, cánh hẩu đã bắt đầu lòi cái dở!
“Cái dở rất nguy hiểm”! Đó là tựa đề cho một bài báo của nhà văn Nguyên Ngọc. Ông VC vẫn cho cái dở tiếp lòi ra khi hỏi về giải thưởng Nhà Nước, giải thưởng Hồ Chí Minh? Đến đây xin quý bạn đọc thẩm định lại cho: Vào giữa năm 2011 nhiều tờ báo đưa tin: Nhà văn Nguyên Ngọc và nhà thơ NKĐ xin rút khỏi giải thưởng Hồ Chí Minh. Xin thưa bạn đọc kính mến! Hai người xin rút nhưng hai hoàn cảnh rất khác nhau, không thể đánh đồng. Nguyên Ngọc xin rút là bởi, ông không làm hồ sơ dự giải. Văn phòng Hội Nhà văn thấy ông xứng đáng nên làm thay cho ông. Còn NKĐ thì đơn từ nghiêm chỉnh, nhưng phạm quy. Tập Cõi lặng chưa đủ thời gian 5 năm nên NKĐ mới xin rút!
Nhà văn Colombia García Márquez trả lời phỏng vấn, có nói: Càng có quyền lực, anh càng khó nhận ra ai đang nói thật, ai đang nói dối mình… NKĐ bởi quá ham quyền lực, nó ở câu thơ viết cho vợ: Anh mãi mê trên đường hoạn lộ nên phạm quy chế mà vẫn không biết. Guồng máy hành chính trì trệ đã giao cho NKĐ kiêm nhiệm quá nhiều chức tước. Ở trên, ông VC liệt kê còn thiếu. NKĐ là Trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa Trung ương nên buộc phải kiêm chức Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nữa. Chao ơi, một công dân chỉ cần làm một nghề giỏi, trung thực, có sức sáng tạo cao, vượt qua nhiều gian nan thử thách là có thể lập nên nhân cách một công dân?
Ở trên bài phỏng vấn, VC có đặt vấn đề: ông NKĐ đã có những công tích gì, những sai sót gì? Thì xin thưa những gì tôi được biết được nghe: Ở Bộ Chính trị thì thành tích NKĐ thuộc tập thể chung chung đố ai mà biết? Ở Ban tư tưởng thì NKĐ đã ra lệnh tịch thu, cấm phát hành hoặc xay bột luôn tại nhà in trên 10 quyển sách. Những tác phẩm ấy, các tác giả đã bỏ ra biết bao tâm lực, đã chính kiến và bày tỏ quan điểm của họ hết sức trung thực chứ không hề đối kháng chế độ. Tại Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa 6, nhà văn Phạm Xuân Nguyên có bài “Nghĩ sao nói vậy” có đề cập về 10 đầu sách ấy.
Đám tang Nhà văn Trần Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa chia buồn, băng tang trên vòng hoa có ghi các chức danh, thì bị NKĐ biên tập cắt cúp các chức danh của ông Trần Độ để gia đình và dòng họ người ta phản ứng khi sắp hạ huyệt. Nghĩa chết là nghĩa tận mà sao NKĐ ác thế! Thử hỏi, bây giờ hưu rồi, cuộc họp nào có ông ông đều lên ngồi hàng ghế đầu để mong người ta giới thiệu ông nguyên chức này nguyên chức nọ. Thì những công, những chức của ông Trần Độ là có thật. Và gia đình, dòng họ người ta đã từng hưởng vinh danh trước đó lâu rồi kia mà!
Chức Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mà ông nắm nhiều năm nhưng chẳng thấy NKĐ công bố công trình khảo cứu gì sất? Còn chức Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa 5 thì NKĐ đã thừa nhận: “… Rất tiếc là hồi ấy tôi chỉ kiêm chức, thiếu thì giờ dành cho Hội… Chỉ cần thế cũng đủ để toàn thể hội viên biết rằng: Phó Tổng Hữu Thỉnh làm tất tần tật cho NKĐ vẻ vang mang danh!
“Lạm bàn về thơ Việt hôm nay” là tham luận của NKĐ in lần đầu ở kỷ yếu “Hội thảo thơ hiện đại Việt Nam nhìn từ miền Trung” (ngày 8 - 9/10/2011 tại Sầm Sơn Thanh Hóa). Báo Văn nghệ số 42/2011 in bài nầy đổi lại đề “Nhà thơ và nhân cách Việt” làm cho NKĐ và VC sướng quá nên trong bài phỏng vấn hỏi qua-  đáp lại cụm từ “nhân cách” và “nhân cách Việt” có đến 10 (mười) lần. Đến câu hỏi cuối cùng, VC: Xin một câu hỏi ngoài thơ (có nhắc đến nhà thơ Đồng Đức Bốn), thì, NKĐ đâu có trả lời ngoài thơ, NKĐ vẫn chằm chằm chủ tâm bảo vệ câu thơ cho là gan ruột nên đọc để kết thúc bài phỏng vấn Tôi sống với người chết vì người. (Đến đây thì bản báo ghi đúng văn bản cũ “với”). Nhưng “Cái dở rất nguy hiểm” lại lòi ra nhiều cái dở hơn. - Sao ông NKĐ đi đổ vào người đã chết? (Đồng Đức Bốn mất ngày 14/2/2005). Làm như vậy để không còn người đối chứng nữa chứ gì? Đến đây thì lộ rõ bản chất NKĐ là con người không trung thực dẫn đến thiếu văn hóa quá, nhẫn tâm quá, lưu manh quá!
Nguyên nhân tại đâu mà ra nông nổi nầy?
Khởi đầu có thể là từ Phan Thị Thanh Nhàn chê thơ NKĐ: “… Và anh vẫn làm thơ. Chỉ có điều tôi không nhớ được câu nào, dù là câu được bình luận tranh cãi rất  nhiều, hình như là có chữ “lột da” thì phải. Có thể do tôi đã già, đã “biết tự chán mình”? Tôi mong anh sẽ không giận nếu đọc những dòng này. 7/2007. (Văn nghệ số 32 thứ 7 ngày 11/8/2007 trang 11).
Tiếp đến là nhiều người chê tập Cõi lặng và nhất là bài Cõi lặng của NKĐ. Cụ thể, Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam đã loại tập Cõi lặng ra khỏi giải văn học hàng năm (2007) của Hội.
Nhưng có thể còn một nguyên nhân khác sâu xa hơn cả việc chê thơ kia. Ông NKĐ có người quyền lực cao o bế. Nhờ cơ hội đó NKĐ lên rất nhanh. Vào khoảng những năm 2000 - 2001 nhân dân cả nước xôn xao, nhất là ở Huế: ông NKĐ sắp lên Nhất Phẩm Triều Đình. Chưa thể dừng lại Người hùng thứ 15 của chúng ta! như lời nhà thơ Thanh Thảo đã đăng đàn. Trong khung cảnh lạc quan ấy, Đồng Đức Bốn có thơ Tặng anh Nguyễn Khoa Điềm in trên báo Nhân dân số Tết vào một góc trang trang trọng riêng, đóng khung đen riêng. NKĐ có chuyến làm việc với Thành ủy Hải Phòng, nhân đó ghé thăm nhà Đồng Đức Bốn. Hiểu gia cảnh và cuộc đời lam lũ của Bốn - anh đã từng làm nghề đóng gạch, tháng 12/2000 NKĐ có bài “Bạn thơ” tặng Đồng Đức Bốn. Thì đó là bài thơ theo thể lục bát, có 12 câu. Câu đầu là : Bạn chừ đóng gạch nơi nao, và câu cuối
              Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau
chứ câu thơ trong Cõi lặng mà NKĐ cố phân trần đâu có viết cho Đồng Đức Bốn? Bài Cõi lặng có 10 câu, hai câu số 5 và 6 đang bàn là
          Người ơi, tôi yêu người tha thiết
          Tôi sống với người chết vì người
là hai câu nhiều người chê và cho rằng NKĐ bởi xu nịnh cấp trên mà trở nên vờ vịt, sáo rỗng! Vì sao NKĐ phải xu nịnh? Thì bởi ham quyền chức và có thể bởi người quyền lực o bế không còn o bế mãi được nữa nên phải có thơ như thế để tỏ ra ta đây vẫn trung thành! Nhưng rồi được biết, cơ quan Ban Tư tưởng đến kỳ bỏ phiếu tín nhiệm, và, NKĐ chỉ được 2 (hai) phiếu. Ông NKĐ đã thất sủng. Thất sủng nghĩa là gì? - Thất sủng là không còn được người bề trên yêu mến, tin dùng nữa. Thế thì, NKĐ đâu còn nhân cách mà lạm bàn nhân cách Việt? Ấy vậy mà NKĐ vẫn lợi dụng diễn đàn, hùng dũng hô khẩu hiệu: Mệnh lệnh của thời đại là mệnh lệnh về nhân cách!
Xin nói thêm rằng, tập Cõi lặng, sau khi Hội đồng thơ gạt ra, NKĐ nghỉ hưu mang nó từ Hà Nội về Huế thì đang lúc giải thưởng Cố đô lần thứ 4 (2003-2008), NKĐ đưa Cõi lặng vào và đoạt giải B cùng với 11 người khác. (Trần Thùy Mai đoạt giải A bởi tập truyện ngắn Thập tự hoa).
Ở bài phỏng vấn nầy, nhà thơ NKĐ còn mớm thêm một giải thưởng khác nữa. Ngoài hai Giải Nhà Nước và Giải Hồ Chí Minh nên có Giải Trọn đời!
Hèn chi NKĐ cứ loay hoay với các giải thưởng: Cõi lặng phạm quy vì chưa đủ thời gian thì đến nay chắc sắp đủ rồi chăng? Và nếu trượt Giải Hồ Chí Minh thì còn có Giải Trọn đời!
Hèn chi NKĐ cố “chịu đấm ăn xôi” mà thuyết giảng chủ nghĩa nầy chủ nghĩa nọ để lèo lái mê dụ độc giả về một câu thơ là có chủ đích?
Kẻ viết bài nầy, cố sức cầm nén, nhưng đến đây, không thể không thốt lên: Ối giời ơi! Mua danh ba vạn bán danh ba đồng! Ối giời ơi!

Huế, 14/03/2012
Vĩnh Nguyên
Tác giả gửi bài qua Email

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét