Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Lời đối thoại của tự nhiên với trái tim


Lời đối thoại của tự nhiên với trái tim


TIẾNG KHÈN
Trần Vân Hạc
.
Vút lên từ con tim
Rộn ràng như vó ngựa
Chuốt chọn từng sợi gió
Thông vi vút non ngàn
Gom muôn ánh trăng rằm
Sóng núi dâng mê mướt
Chắt bình minh chợt thức
Lửa tình đầu tinh khôi
Anh hái cả sao trời
Đợi chờ đêm thao thức
Khèn ngân rung tha thiết
Cháy bỏng lời yêu thương
Anh gửi vào mênh mông
Núi mờ sương đồng vọng
Tiếng đơn côi day dứt
Vấp lẻ loi chơi vơi
Lọc tiếng thác trào sôi
Lựa bão giông chớp giật
Chợt tiếng lòng xanh biếc
Đàn môi em thì thầm
Tiếng khèn chạm má hồng
Vụt nở hoa tươi rói
Nhịp đất trời hôi hổi
Phập phồng lời yêu trao

Lời bình của nhà thơ Ngọc Bái
.
Hẳn phải quen thuộc với vùng đất núi rừng lắm mới hiểu tận ngọn ngành của Tiếng Khèn! Nó như lời đối thoại của tự nhiên với trái tim. Không có tiếng khèn thì thật là vô lý đối với dân xứ sở này! Nhất là đối với lứa đang yêu, đang săn tìm tình yêu. Tiếng khèn thủ thỉ. Tiếng khèn kết bè, réo rắt. Không muốn nghe cũng phải nghe – không muốn gặp cũng phải gặp – khi chàng trai mượn khèn để tỏ tình! Rồi sẽ mai một dần phong tục “chọc sàn” rất hồn nhiên của người Thái. May ra còn lại Tiếng Khèn. May ra còn lại hoài niệm về một sinh hoạt văn hóa cổ sơ của dân bản địa. Người làm thơ mặc sức hình dung, tưởng tượng, rồi ví von với đủ các hình ảnh. Tiếng khèn vẫn là tiếng khèn của “đợi chờ đêm thao thức”. Rằng làm sao chịu được “lẻ loi” khi tiếng khèn còn thức suốt đêm? Nỗi niềm trào tuôn “khèn ngân rung tha thiết/ cháy bỏng lời yêu thương/ anh gửi vào mênh mông/ núi mờ sương đồng vọng”. Người làm thơ nói quá lên một chút để nhấn thêm cái linh diệu của hơi thở, của những ngón tay diệu nghệ làm cho âm thanh yêu đương phải bật lên, da diết, đắm say. Ờ nhỉ, lúc này mới thật tuyệt vời. Em đã đáp lời kìa! Những câu thơ cũng hồn hậu hẳn lên. Đúng rồi, tiếng khèn có ma lực. “Chợt tiếng lòng xanh biếc/ Đàn môi em thì thầm”. Có một tiếng cười cảm thông của thổ thần với chàng trai cô gái ấy đấy! “Chợt tiếng lòng xanh biếc”, thật trẻ trung, thật thi vị!
Chợt tiếng lòng xanh biếc
Đàn môi em thì thầm
Tiếng khèn chạm má hồng
Vụt nở hoa tươi rói
Nhịp đất trời hôi hổi
Phập phồng lời yêu trao
Rõ rồi! “Nhịp đất trời hôi hổi/ Phập phồng lời yêu trao” là cái kết cục có hậu. Con người và thiên nhiên vẫn vậy. Làm sao còn được tiếng khèn mang “lửa tình đầu tinh khôi”? Giọng thơ cũ cũ, đều đều, có lẽ hợp với khung cảnh này chăng? Mà tác giả đã không thể phá cách? Kể cũng khó, bởi Tiếng Khèn cũng chỉ mong đưa tới người đọc một thông điệp.
Yên Bái, 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét