Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Chim Hòa Bình bay qua thời gian Và những nỗi đau


Nhà văn Triệu Xuân: Thế hệ những người viết văn có bản lĩnh sinh khoảng từ 1960 trở về trước, có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống bởi chiến tranh, nghèo đói... Nhưng chúng tôi có đức tính là rất trân trọng nhau, thường đọc văn của nhau, cảm nhận khen chê công tâm, khoa học. Văn đàn thời ấy không được tự do như bây giờ, nhưng những người cầm bút chân chính thấy rất ấm áp tình nghĩa khi gặp nhau. Chuyện này khác nay nhiều lắm lắm! "Bao giờ cho đến tháng Mười" hỡi Trời! Nền tảng văn hóa, đạo đức xuống cấp, băng hoại ngay cả trong làng Văn!
Bài cảm nhận sau đây của một bạn văn, sau khi đọc bài thơ Lời chim câu của Nguyễn Nguyên Bẩy có thể là một dẫn chứng cho điều ấm áp vừa nói trên chăng?

Chim Hòa Bình bay qua thời gian
Và những nỗi đau

( Đọc bài thơ "Lời chim câu" của Nguyễn Nguyên Bảy)

Nguyễn Anh Tuấn

Thời gian vừa qua, những bài thơ của NNB tựa một sự tổng kết, chiêm nghiệm những gì đã trải qua trên đường đời- như chùm thơ về Mẹ, và mới đây nhất là về Tình nghĩa trăm năm gói trong chùm "Lời chim câu". Quen biết anh từ khi tôi còn ở tuổi thanh xuân, thuộc không ít thơ anh qua nhiều giai đoạn, song cứ mỗi lần tiếp nhận một bài thơ mới của anh, tôi đều thấy ngỡ ngàng bởi sự say mê không mệt mỏi của anh trong việc khám phá thế giới bản thân mình bằng thơ ca. Nhưng dường như, đối với người thi sĩ có phần lạ lùng bí hiểm này, Nghệ thuật chữ nghĩa càng ngày càng trở nên chỉ là thứ phương tiện sau rốt. Anh tối giản câu chữ bóng bẩy, phép tu từ, mỗi câu thơ chỉ giống như lời nói thô mộc hàng ngày, hoặc chắc nịch như tục ngữ, ngọt sắc như ca dao, thậm chí đưa cả lời chú thích nặng thông tin vào cấu trúc thơ, thế nhưng, hiệu quả thơ thực bất ngờ khiến người đọc không thể chỉ đọc một lần câu thơ, khổ thơ, bài thơ ấy, kích thích họ bằng chính trải nghiệm của mình để khám phá thêm ý nghĩa và sự lý thú của chúng... Đằng sau những câu thơ, hình tượng thơ đó là toàn bộ cuộc sống đầy trăn trở ngẫm ngợi, chất chứa niềm thương yêu của người viết, và chứa đựng một nội hàm văn hóa sâu xa.
"Lời chim câu" là một trong những bài thơ như thế.
Tình nghĩa vợ chồng được hình tượng hóa bằng cuộc đối thoại giữa đôi chim câu Trống- Mái. Nếu như ở "Tiếng gù bồ câu trống", triết lý Á Đông về Âm Dương ngũ Hành được nêu bật tựa những ngọn núi chân lý để soi rọi làm sáng tỏ sự tồn tại (cùng ý nghĩa và đòi hỏi) của đạo nghĩa vợ chồng truyền thống, thì ở "Tiếng gù bồ câu mái" lại tràn ngập cảm xúc dân gian như nguồn suối mát rượi về tình nghĩa trăm năm. Thực ra, hàng ngàn năm qua, sự tồn tại đã vận hành như vậy trong đời sống, nhà thơ chỉ là người thu gom khái quát lại bằng hình thức cô đọng và bay bổng:
Vợ chồng như đất và nước

Có điều, ở đây tác giả "cá biệt" hóa cuộc sống lứa đôi của mình với muôn vàn lứa đôi khác bằng hình tượng:
Chúng tôi chỉ là đôi bồ câu
Không biết véo von chỉ biết gù

Rồi nhà thơ lại thêm một lần cầu đến sự chứng giám của Mẹ khi nói về Tình yêu và Sự nghiệp cả đời mình, bởi với anh, Mẹ chính là hiện thân của các bà tiên "Dạy tôi ghép chữ thành vần/ Dạy tôi làm chồng làm vợ" (Nơi ấy-Thơ NNB I):
Con xin Mẹ làm vô loài xướng ca
Thương thay bồ câu không biết hót!
Tôi lạc giữa vườn chữ nghĩa ba hoa
Nơi vạn vật thăng ca đều thành giống cái
 
Cái mà anh gọi vui là "vô loài xướng ca", "chữ nghĩa ba hoa" đó thực ra lại được khí thiêng sông núi (hạo khí anh linh) của người Việt tự ngàn xưa thuộc Mẹ Đất (hậu thổ,  Địa Tiên) hay Mẹ Nước (Rồng) làm cơ sở, vì vậy nó hết sức thiêng liêng:
Với em anh chót vót thanh cao
Trống mái gù lời xướng họa
Nhưng đâu chỉ là "lời xướng họa"! "Tiếng gù bồ câu" đó còn trở thành một sứ mệnh cả đời người, nó có sức lôi kéo kỳ diệu, có khả năng đặc biệt uốn nắn tư cách lẫn quan niệm sống, tạo ra sức mạnh tinh thần phi thường để vượt qua mọi "Sông Mê bến Lú", để có một nhân cách ngạo nghễ coi thường mọi hư danh trong cõi đời này (mà "công danh" chỉ là một trong đó):
Trong tiếng gù bồ câu không có lời than thở
Công danh là chuyện mưa rào
Mưa rào bồ câu không xuống sân nhặt thóc

Tiếng chim gù, hay còn là tiếng hát Trương Chi mà "Ai đi qua cũng rớt mái chèo" (Sông Tương), là "Kèn lá đa cha thổi vang trời" (Bái tình), là "giao duyên lời thề non nước" (Cầu gió); và cao hơn cả, là đó là tiếng nói được truyền từ "Thánh thơ" mà "Hồn Quát nôn thốc tháo ươn hèn" để ném ra "Những vần thơ máu ứa/ Những vần thơ rợp lửa". Cũng chính vì thế, nhà thơ hiểu thấm thía những giá trị của đạo nghĩa được diễn đạt một cách giản dị và "cổ điển" qua lời người bạn đời:
Trống ơi xin nghe mái nói
Ngày ngày em tâm thành hương hoa
Cầu cho tình tu thân đắc trung đắc chính
Đắc câu văn người vợ mình

Với một nhà thơ không biết "hót" những lời vớ vẩn kệch cỡm, không biết "véo von" những điều đáng xấu hổ, dù cho "Giấc mơ thơ nát bấy như bùn" (Quả mặt trời), nhưng khi đã xác định: "Thơ và anh chưa thể chết lúc này" (Tự sự I) thì không có "công danh" nào lớn lao hơn, đáng trọng hơn cái điều mà nhà thơ khẳng định nhiều lần chỉ trong một bài thơ- đó là Tình yêu, là khát vọng Tình yêu cần được bảo vệ trong cuộc sống thanh bình- cái thanh bình từng phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, cả sinh mạng:
Trong tiếng gù bồ câu chỉ có lời tình
...Xin dâng tặng tình trọn một chữ yêu
...Anh nguyện yêu em trọn một đời tình
...Đôi mình đã bay qua bom đạn
Vẹn nguyên về bến thanh bình
Bồ câu gù trong veo trời xanh
Vì thế, khi nhà thơ viết đoạn "Bất ngờ Picatxô" thì chúng ta không hề thấy bất ngờ. Ngắm nhìn con chim bồ câu xơ xác bay về phía trước của danh họa Tây Ban Nha, nhà thơ có cảm tưởng chân thật và "ấm áp" quá chừng:
Picatxô yêu tiếng gù của bồ câu ấm áp
Vẽ nên tranh

Con chim bồ câu đáng yêu đang dữ dội bay đó như tìm thấy sự đồng cảm của biết bao con người và bao xứ sở đang khao khát sự sống thanh bình, và nhà thơ như "vẽ" tiếp cái khát khao ấy bằng phương pháp của hội họa, của điện ảnh qua ngôn ngữ thơ ca:
Ban mai yêu tiếng gù của bồ câu ấm áp
Duỗi nằm êm ả mặt sông
Gió sớm yêu tiếng gù của bồ câu ấm áp
Lượn ôm hoa lúa hoa chanh
Vì lẽ ấy đôi mình cửa tổ
Phì nhiêu khoan nhặt gù tình…
Bốn mươi năm trước, sau những trận ném bom B52 của Mỹ, tôi cũng từng được ngắm bức tranh "Chim hòa bình" của Picatxô trong một cuốn tạp chí nước ngoài, và có làm bài thơ về con chim này, giờ đây xin được liều đem nó ra để họa cùng bài thơ "Lời chim câu" - cũng là một cách để bạn đọc (trong đó có tôi) cảm thụ thêm, hiểu thêm về bài thơ của anh NNB mà tôi không thể diễn đạt hết sự sâu sắc và lý thú của nó. ( Mở ngoặc nói thêm: sau những trận bom đó, tôi đã chia tay với gia đình anh chị NNB-Lý Phương Liên suốt bốn mươi năm sau mới gặp lại!)

VỀ MỘT CÁNH CHIM DỄ BỊ ĐÁNH LỪA
                                                      Bên tranh Chim Hoà Bình
                của P.Picasso      
Trước mặt anh
Là con chim bồ câu thực sự
Của một Con Người

Trước mặt anh
Là cánh chim bồ câu xơ xác
Đang dữ dội bay về phía trước
Trong nỗi đau và nghị lực phi thường
Anh không thể viết cho em những dòng liên tục
Thành phố buổi trưa báo động mấy lần
Cả một lũ điên cuồng, hầm hực!
Và khi bom bắt đầu nổ rung hầm
Anh lại thấy:
Một cánh chim âm thầm
Bay về phía trước…
Anh viết cho em trong nhoáng nhoàng ánh chớp
Bên cánh chim chưa một phút ngừng bay
Bên một em bé mồ côi anh bế trên tay
Moi được từ căn hầm đã sập
Anh không thể bình tâm
Khi có kẻ khóc vì chim bồ câu họ nuôi bị chó cắn
Nhưng lại lim dim mắt khi xem ảnh trẻ con Việt Nam bị cháy thiêu trong lửa napan
Ta làm sao mà dửng dưng cho được
Khi thấy một cánh chim rơi trong sức ép của bom
Tên chim là Hoà Bình !
Em ơi em, đứa trẻ nào không biết
Thích thú, vui cười bên một con chim giấy gập!
Những em gái vuốt ve chim bồ câu mỗi sớm, mỗi chiều
Đôi mắt em thành đôi mắt bồ câu…
Ta nói về chim là nói về tình thương ấp ủ
Về những miền xa mơ mộng
Ta biết đâu
Có lúc phải nghĩ về chim như nghĩ về một nỗi đau
Vô cùng tận
Khi em cầm bút vẽ chim
Dù chỉ những nét đơn sơ nguệch ngoạc
Hay nghiên cứu về những hình khối của chim
Em có biết:
Chim tượng trưng cho linh hồn bất tử
Là sứ giả của nữ thần sắc đẹp
Lúc này đây, màu trắng tinh khiết phủ màu khói xạm
Tiếng chim gù câm bặt để giấu tiếng rên la
Nhưng chim chưa bao giờ thôi là hiện thân của Mẹ
Và vẫn ngây thơ, chất phác, dễ bị đánh lừa…
Chim đã bay không biết bao chặng đường khói lửa
Từ những ngày chúng ta còn rất nhỏ
Và hôm nay chim xuất hiện
Giữa lúc bầu trời tuổi thơ bị xé nát
Trong tiếng gầm rít máy bay giặc
Những con bồ câu tổ lành bị mất
Những con chim gập không có người chơi
Đôi cánh giấy không một lần rớm máu tươi!
Lại xuất hiện một cánh chim
Cánh chim ta đã từng thương, từng yêu
Mang trên đôi cánh xác xơ những nỗi đau
Chẳng khi nào tính được!
Và lấy chính những cánh chim đau chở che mặt đất
Nơi những vết thương còn nhức tấy chưa tan
Em có biết vì sao
Hoạ sĩ không vẽ chim ngậm cành ô-liu?
Vì vết thương trên mình chim và vết thương trên mình đồng loại
Vì cú ăn đêm vẫn ngậm ô-liu rao bán hoà bình
Chim không kêu rên, nhưng lòng người nhức ngối
Chim chỉ vỗ cánh âm thầm
Nhưng ai cũng hiểu chim vội vay về tới đích
Chim bay từ đâu, bay về đâu và đã qua đâu
Có ai hỏi, khi chim chưa muốn nói một lời nào
Khi chim đang làm một chứng nhân yên lặng
Bay qua mọi toà xử án
Và mọi thể chế…
Có thể, chim sẽ kiệt sức và rơi
Khi vừa bay tới khoảng trời xanh lồng lộng
Để lại cho đời vết tử thương
Không bao giờ hàn kín miệng
Cùng bài học xót xa
Về niềm tin chất phác dễ bị đánh lừa…
Nhưng giờ đây, em có thấy không
Chim vẫn bay, bay mãi
Trong nỗi đau và nghị lực phi thường…

                                                                
 Hà Nội , 1972
Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét