NỮ SĨ ANH THƠ Với mùa xuân Quê hương Việt Nam
Lê Xuân Quang
Tiểu luận
Có rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác về đề tài mùa xuân quê hương Việt Nam. Các tác phẩm đó (văn – thơ – nhạc – hoạ) đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc, người nghe, người xem. Một trong những người nghệ sĩ tài năng là Nữ sĩ Anh Thơ (tên thật Vương Kiều Ân) .
Ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn Việt nam với tập thơ Bức Tranh Quê (1937), Bà Vương Kiều Ân (Anh Thơ) đã được người đọc đương thời mến mộ, thi đàn kính nể. Tổ chức Tự lực văn đàn – một tổ chức do 7 Nghệ sĩ tài danh trong giòng Thơ Mới Việt Nam đương đại – đã vinh danh , trao giải khuyến khích cho tập Bức Tranh Quê vào năm 1939 khi bà mới 18 tuổi.
Bức Tranh Quê chỉ có 48 bài, mổi bài – phần lớn 3 khổ – viết theo thể thơ thất ngôn và thơ tự do – tám chữ. (Vì nằm ngoài nguyên tắc của những thể thơ truyền thống nên thơ 8 chữ được thời đó cho là thơ Mới). Cả tập thơ là một bản trường ca về thôn quê Việt Nam trong 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông.
Mở đầu là bài Chiều Xuân (được Hoài Thanh tuyển vào Thi Nhân Việt Nam năm 1942). Bằng 4 câu miêu tả, hiện ra khung cảnh buổi chiều mùa Xuân trên một bến đò ở thôn quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, miền Bắc Việt Nam – năm xưa:
Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng.
Ðò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm soan, hoa tím rụng tơi bời.
Ở miền Bắc, mùa xuân ẩm ướt, thường có mưa bụi dân gian gọi là Mưa xuân. Khí trời ấm lại sau hơn 3 tháng mùa Ðông hanh khô, rét ngọt. Mưa nhẹ khiến cây cỏ, hoa lá, đồng lúa tươi xanh mơn mởn.
Bến đò này nằm trên bờ con sông không qúa lớn nối từ 2 sông Cái (sông mẹ) vào. Mưa xuân kéo dài triền miên nhiều ngày khiến đường lầy lội, người , súc vật đi lại thưa vắng.
Con đò được neo giữ, như kẻ ’’biếng lười’’ nằm mặc nước sông trôi khiến thân đung đưa, vật vã mà chẳng thèm cưỡng lại. Mưa xuân, trên đường không có người đi , mấy quán hàng mái tranh, trên bến đò – đứng im lìm đón khách.
Trên bờ sông có con đê nhỏ.
Dưới chân đê lưa thưa vài mái tranh nghèo nép bên dưới rặng soan. Trên cành soan, đây đó buộc những chiếc tổ sáo do các cậu bé lây phên rổ (rổ bị hỏng, rách) – quân lại, dụ sáo vào đẻ, bắt sáo non về nuôi, dậy sáo nói. Hoa Soan nở… những chùm hoa tím thơm hắc… ’’rụng tơi bời’’ xung quanh gốc, vương vãi khắp nơi khiến cả một vùng hương thơm ngào ngạt.
Từ bến đò, hướng nhìn lên trên mặt đê, về phia xa xa :
Ngoài bờ đê cỏ non tràn cỏ biếc
Ðàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Trên bề mặt đê, hai bên lối đi, ”cỏ non tràn cỏ biếc”.
Cỏ non mới nở.
Cỏ biêc đã nở được nhiều ngày.
Trong vạt cỏ, côn trùng các loại cùng nhau sinh sống. Những con Sáo có đôi mắt tinh tường, có thói quen nhận biết từ cuộc sống của mình nên tìm đến bãi cỏ kiếm mồi về nuôi đàn con đang há mỏ đứng trong miệng những cái tổ – đặt trên các cây soan gần đó – thò cổ, réo gọi bố mẹ. Nhìn lũ sáo mổ chổ này, chô kia… tưởng chúng mổ ”vu vơ” nhưng thực ra chúng mổ rất trúng con mồi, mắt thường của con người không nhìn thấy.
Thỉnh thoảng cơn gió đông ào tới, những con bướm đang bay bị gió thổi, không chịu được sức đẩy, chúng phải gượng chống… Khi làn gió tan, cánh bướm lại trở về vị trí cũ. Trông cứ như cánh bướm đang nằm trên mặt nước bị sóng xô khiên hình ảnh trở nên ”rập rờn”. Lát sau làn gió cũ tan, gió mới tới, những con bướm đã di chuyển tới vị trí khác và cảnh cũ lặp lại.
Sau vụ cấy, những con trâu kéo cầy kéo bừa mất sức, gầy đi. Giờ đã cấy xong, thư rỗi, người chủ có thời gian rảnh chăm bẵm cho trâu lấy lại sức chuẩn bị cho vụ tới. Chúng được dắt ra bờ đê cho ăn cỏ tươi. Ðối với trâu, bò, cỏ non tươi của mùa xuân chính là bữa tiệc. Trời cư mưa, trâu cứ lăng lẽ liếm vạt cỏ trên đường. Chiêc lưỡi và hai hàm của nó lia liếm, cắt, nhai cỏ, phát ra tiếng sột soạt. Ðứng từ xa nhìn hạt mưa loang loáng rơi bao trùm cậu bé ngồi trên lưng Trâu, trùm kín trong chiến nón và áo tơi lá xòa che cả lưng trâu(3) – cứ tưởng trâu đang ”ăn mưa”.
Ðưa mắt nhìn xuống chân đê : Ðồng lúa xanh tươi. Gio đông thổi lúc nhẹ lúc mạnh. Ðây đó, thỉnh thoảng thấy bóng người mặc áo tơi nón lá, cặm cụi làm việc trên cánh đồng:
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con, chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào, cỏ ruộng sắp ra hoa.
Lúa non. Lá cây được mưa xuân tưới đẵm như kích thích sinh trưởng.
Mới tháng đầu của mùa xuân, lúa đang chớm Thì con gái. Gió nhẹ, đồng lúa như tấm thảm lụa, được gió đông thổi khiến thảm lúa xanh rờn như làn sóng lúa…
Ðể giúp lúa có đà lớn ra hoa kết hạt đúng thời vụ, nông dân phải làm cỏ ở dười gốc. Nếu để cỏ phát triển sẽ hút hết chât mầu của đất làm lúa chậm lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Công việc này đòi hỏi sự nương nhẹ, khéo tay, bền bỉ – vì cây lúa rất mảnh dẻ nếu đụng mạnh vào gốc, đứt rễ, cây bị thương tích chột đi, ảnh hưởng tới làm đòng – tạo ra hạt lúa mẩy sau này. Công việc làm cỏ dưới gốc lúa đang phát triển – đòi hỏi đức tính kiên trì, tỉ mẩn, cần bàn tay khéo léo, nhẹ nhàng… cho nên việc cào cỏ chỉ giành cho các mẹ, các chị.
Cũng trong khung cảnh, thời gian lúa đang con gái, lũ chim cò, chim cút thường lẩn dưới gốc lúa tìm mồi. Khi ”cô nàng yếm thắm” đưa chiêc cào cỏ tới gần.., lũ chim sợ, vụt bay lên. Cánh chim quạt gió đập phải lá lúa kêu đánh ”soạt”: Người và chim đều giật mình!
Với 3 khổ thơ, 12 giòng, 96 chữ, Nữ sỹ Anh Thơ đã miêu tả – vẽ Bức Tranh Quê Việt Nam như bức tranh Thủy mạc diệu kỳ. Người đọc Việt ở bất cứ đâu, của bất cứ thời đại nào , khi đọc lại Chiều Xuân – Bức Tranh Quê cũng đầy cảm xúc vê Mùa Xuân Quê Hương!
Berlin – Mùa Xuân 2012
LXQ
—————————-
(1)Thơ cũ thường quy tụ ở các thể : 7chữ, 8 câu (Thất ngôn, Bát cú – Đường Luật). Sáu Tám (Lục bát). 5 chữ (Ngũ ngôn), 7 chữ (Thất ngôn), hoặc Song thất lục bát (hai câu 7 chữ, tiếp theo 1 câu sáu, 1 câu tám). Thơ cổ còn dùng một thể khác chỉ có 6 chữ (thơ Vua Lê Thánh Tông)- Hiện nay các nhà thơ ít dùng thể loại này.
(2) Bà tên thật là Vương Kiều Ân, but danh Anh Thơ. Bà sinhn năm 1921 – mất năm 2005 thọ 84 tuổi.
(3) Loại áo tơi này làm bằng lá gồi lợp nhà. Hình lăng trụ. Choàng vào y hệt chiếc váy đầm của phụ nữ. Loại áo tơi này chống nóng, nắng, mưa, rét – rất hữu hiệu, tuy cống kềnh và nặng.
Nguồn: Ngang Qua Cuộc Chơi
Nguồn: Ngang Qua Cuộc Chơi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét