Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Ca bình minh của Lý Phương Liên




Lý Phương Liên. Thơ. Blog.spot:


Nhân ngày Valentin 14/2, con gái Nguyễn Lý Phương Ngọc thiết kế tặng Mẹ blog này, và thế là vì tình già, vì con mà cao hứng thành một blogger.
Blogger Liên em xin kính chào đông tây nam bắc bạn đọc, và hân hoan mời các bạn ghé thăm nhà cho thỏa lòng " Em muốn anh như bàn tay xòe ra là gặp", để cùng nhau chia sẻ vui buồn sướng khổ thơ thẩn thơ. Chỉ thế thôi nhé, đừng ghé nhà em mang theo ganh ghét, thị phi, em già rồi, khổ buồn thêm nữa tội lắm.
Em từ từ sẽ thưa những lời chào thưa dài dòng sau...
Bài dưới đây hiện đang có tại mặt tiền nhà anh trai Trannhuong.com em copy về làm của mình.
Cảm ơn tất cả.
 
Ca bình minh của Lý Phương Liên
 
LÊ XUÂN ĐỐ


NVTPHCM- Tập thơ Ca bình minh của nhà thơ Lý Phương Liên do NXB Văn Học ấn hành vừa ra mắt bạn đọc. Một đêm thơ ấn tượng giới thiệu tập thơ cũng rất ấn tượng Ca bình minh đã được tổ chức vào cuối tháng 3.2011 tại TP.HCM, do nhà thơ Lê Xuân Đố “chủ xị” với sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ: Bùi Quang Ngọc, Nguyễn Nguyên Bảy, Tô Hoàng, Hoàng Hưng, Phạm Lân, Nguyễn Thị Hiền, Nguyệt Lâm, Nguyễn Trọng Tường, Tô Minh Nguyệt, Khiết Cương, Nguyễn Thế Dân, Thái Thành Đức Phổ, Thanh Vân, Phan Lai Triều, Phan Hoàng, Nguyên Hưng, Trần Hoài Anh, Ngô Thị Hạnh,… và đặc biệt nhà xã hội học Eva người Thụy Điển. Sau đây chúng tôi xin lược trích một phần bài đề dẫn của nhà thơ Lê Xuân Đố trong đêm giới thiệu tập thơ Ca bình minh, cũng qua đó giúp người đọc hiểu hơn hành trình thơ chông gai của nữ sĩ tài hoa lận đận Lý Phương Liên...
Không hiểu sao tôi cảm tưởng đêm thơ này vui vẻ, được chờ đợi như một lễ thành hôn đám cưới. Chủ quan chăng? Bởi những gì trong không khí đêm nay và từ lời Mở lòng đầu tập thơ Lý Phương Liên, cùng chân dung Lý Phương Liên tuổi mười tám đôi mươi do họa sĩ trẻ Phương Ngọc - ái nữ của hai ông bà Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy thực hiện…
Như lời Mở lòng đầu tập thơ, nhà thơ Lý phương Liên cho thấy: Lý Phương Liên xuất hiện thơ từ năm 1970. Sau đó, 1971, khi hạ sinh quý tử trưởng nam, thì gặp phải thác dữ thơ. Từ đó, Lý Phương Liên đi không đổi tên, về không đổi họ, nhưng không xuất hiện thơ nữa. Hàng chục năm, cụ thể 41 năm không xuất bản thơ. Hay là Lý Phương Liên coi thơ như là rượu, hạ thổ càng lâu năm thì càng có giá?!
Khoảng tháng 8.1970, Lý Phương Liên xuất hiện như một sự kiện thơ đất thủ đô Hà Nội. Thật bất ngờ báo Nhân Dân in hẳn một trang thơ Lý Phương Liên. Thật tình chúng tôi, những người cùng thời, gồm các nhà thơ, nhà văn, lý luận phê bình đều kinh ngạc. Thưa rằng, ngày ấy, kể cả các nhà thơ tiền bối và thành danh ai được đăng một bài trên báo Nhân Dân là vinh dự lớn.
Một buổi sáng trong khuôn viên Đài Tiếng Nói Việt Nam, 58 Quán Sứ- Hà Nội, nhà thơ Trần Mạnh Thường, đã có tiếng sau bài thơ dài "Đồng Chiêm trắng" nói với tôi "Bẻ bút thôi, thơ Lý Phương Liên ghê quá, bẻ bút thôi". Tiếp mấy ngày sau, báo Văn Nghệ Trung ương đăng hẳn một trang bài thơ dài của Lý Phương Liên, tựa đề "Nghĩ về Thúy Kiều". Bài thơ này, nay in vào tập sửa lại tựa đề "Trò chuyện với Thúy Kiều".
Và nhà phê bình lý luận đầu ngành là Hoài Thanh đã bình bài thơ này trên báo Văn Nghệ. Đời ông Hoài Thanh trước 1945, chỉ tôn vinh Thơ mới 1932 - 1941. Sau hòa bình 1954, ông Hoài Thanh chỉ phát hiện và giới thiệu hai tác giả: Lưu Quang Vũ và Lý Phương Liên. Trường hợp Lưu Quang Vũ thì từ loạt thơ đầu tay trong đó có bài thơ "Vườn trong phố". Còn Lý Phương Liên thì từ chùm thơ công nhân và bài thơ dài "Nghĩ về Thúy Kiều". Đó là vinh dự lớn với đời thơ Lý Phương Liên. Tuy nhiên cũng từ bài bình "Nghĩ về Thúy Kiều" của giáo sư Hoài Thanh, lập tức một dòng thác dữ dư luận ập xuống đầu nhà thơ Lý Phương Liên. Bây giờ, theo tôi, chúng ta nên nghĩ bài thơ "Định mệnh" xuất hiện không đúng lúc, thời buổi thơ ca, văn chương đang còn tập trung khí thế anh hùng cách mạng để chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại và giải phóng dân tộc. Với lại ngày đó, theo cách hiểu ngày nay, công bằng mà nói còn những hạn chế lịch sử…
Trong đêm thơ này, quý bạn thống nhất với chúng tôi, ta chỉ bàn về cái hay, cái đẹp, cái được của thơ Lý Phương Liên sau bao biến thiên thời cuộc, và sau bao tìm kiếm đổi thay thi pháp thơ nửa thế kỷ.
Thơ Lý Phương Liên ở tuổi 18 - đôi mươi mà đã phủ sóng thơ (hồi đó miền Bắc chưa có truyền hình), phủ sóng khá rộng và xa. Sâu từ tình yêu đền người lao động: đời người công nhân chúng mình, đời người lao động xóm mình và xã hội. Thơ viết tình yêu thì rất có cánh, thơ viết về cha mẹ thì vừa tự hào vừa buồn, rất buồn. Nghĩ về Thúy Kiều thì vào điệu trầm luân phận mình, phận người, kiếp này, kiếp xưa. Thơ Lý Phương Liên lục bát nhiều, đồng dao, kể chuyện và lấn sang thơ tự do (…)
Thơ Lý Phương Liên có một mảng đề tài rất đậm nét và rất thành công. Thơ hiện đại hoặc hậu hiện đại và bây giờ ít quan tâm đến đề tài thơ. Ngày đó văn thơ trên đất miền Bắc Xã hội chủ nghĩa thường vận động và đề cao đề tài viết về nhân dân lao động, đặc biệt là công nhân. Từng có một số nhà thơ viết thành công về đề tài này, nhưng chưa thật ấn tượng. Chùm thơ của Lý Phương Liên, đặc biệt là bài "Ca bình minh" đăng nguyên trang 2 của báo Nhân Dân, như một hiện tượng thơ. Sau Ca bình minh, phải kể đến Bài thơ lời ru trong đêm (trang 19). Đây là một trong những bài thơ hay của Lý Phương Liên. Tình yêu lao động lẫn vào tình yêu cuộc đời. Nỗi niềm thường ngày hay triết lý, ta chỉ biết nó quá chân thật và rất thơ.
Hôm nào làm việc hết mình
Là đêm ấy ngủ ngon
Đêm nào em cũng ngủ ngon
 
Khi ngủ
Cánh tay trần em gối đầu
Hai chân duỗi thằng
Và sau giấc mơ thoang thoảng
Cái đầu ngủ say...
...
Ru rằng:
Tay ơi hãy ngủ ngon
Em đáng được ngủ ngon

...
Và em tin: Ngày qua ngày tiếp nối
Đêm nào em cũng ngủ ngon..."
Thơ Lý Phương Liên viết nhiều về người lao động là công nhân như những người lao động trong xóm mình, thuộc và yêu mến, kính trọng những tính cách của họ.
Trong tập thơ Ca BInh Minh, nhà thơ Lý Phương Liên viết rất cảm động về cha và mẹ của mình và sâu sắc như cội nguồn của đời.
Hình ảnh cha:
"Hai bàn tay săn chắc/ Đôi mắt sáng và xanh /Chiếc kìm đen dắt chéo túi quần/ Mặt rạng rỡ nụ cười nhân hậu"
Hình ảnh mẹ:
"Và mẹ của con ngực cò rớm máu / Cánh gánh nắng sang sông/ Mút mắt ngô khoai bờ bãi sông Hồng / Chân mang gió qua núi/ Cánh cò cô đơn, cánh còn lặn lội..."
Trong tập thơ Ca Bình Minh của Lý Phương Liên có một bài thơ dài có tên bài "Trò chuyện với Thúy Kiều". Như đã nói, bài thơ được đăng trọn bài trên báo Văn Nghệ. Đặc biệt được nhà phê bình đầu ngành là cụ Hoài Thanh bình và khen. Nhưng cũng từ bài thơ này, tác giả Lý Phương Liên bị phê phán, hơn nữa là lên án kịch liệt, nói nôm na là bị đánh. Bài thơ này hẳn là bài thơ hay, nhưng vì ra không đúng lúc, đúng thời. Thời mà toàn Đảng toàn dân tập trung đánh giặc văn chương cũng nêu cao hào hùng chủ nghĩa anh hùng, lạc quan cách mạng để cổ động đánh thắng chiến tranh phá hoại và giành thống nhất đất nước. Và còn có thể có những hạn chế lịch sử ngày đó hạn chế đến thơ ca. Còn Lý Phương Liên viết từ hoàn cảnh thân phận ra nhà mình và giữa cuộc chiến tranh quá khốc liệt đạn bom, chết chóc. Trong khuôn khổ có hạn của đêm thơ, chúng ta không có thời gian để thưởng thức và bàn sâu về một bài thơ dài. Vậy xin trích vài đoạn thơ.
Nói với Kiều thì dài tâm sự, tôi chỉ đơn cử một đoạn:
"Em tuổi hai mươi như tất cả mọi người/ Chọn số phận ở thời mình đang sống…/Muốn hỏi Kiều, hồn Đạm Tiên có hiện về báo mộng/ Thời những trang Kiều bị tan nát đạn bom/ Để một mai ai biết Kiều buồn/ Đàn nàng gẩy không còn ai nghe nữa/ Định mệnh đây, chúng tôi bay qua lửa/ Cứu sống Kiều từng trang"...
Và với mình:
"Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ nuôi đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi/ Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng"...
Với đời người:
"Sông Hồng đó nọ Hồ Tây/ Chết trong nước cuốn có ngày nổi lên/ Kiểu gì chết cũng thấp hèn/ Kiểu gì chết cũng làm hoen ố đời/ Trên chết chóc muốn dập vùi / Trên đau thương mới là người người ơi"...
Kết thúc bài thơ dài lại sáng:
 "Chúng ta mở cửa cuộc đời/ Và cầm lái cuộc đời nhân định/ Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt đến/ Sáng toàn thân ánh sáng của con người"...

Nguồn: HVNTpHCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét