Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Bình bài thơ Bán chiếu gon của Trúc Thông


BÁN CHIẾU GON

Cói còn thơm mặt hè
Người bán chiếu đã qua vài chục bước
Chẳng có thi nhân nào chạy theo
Hai hậu duệ người đẹp Nguyễn Thị Lộ
Gày queo
Áo bạc
Thồ xe chiếu đi rong
Chao đường cây xanh Phan Đình Phùng
Đâu kịp ngẩng lên, đâu kịp thở
Hồ Tây thơm chiếu gon tình sử
Bằng sao con mong mẹ mang tiền về
Tận miền quê Tân Lễ.
.
 Trúc Thông

LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH : Ấn tượng về hình ảnh người mẹ trong bài “Bán chiếu gon” là sự tiều tụy về mặt thể xác nhưng tâm hồn thì cao cả, hy sinh hết mình vì con cái. Người mẹ trong bài thơ trên là hình ảnh người mẹ lao động cơ bắp, vận chuyển chiếu từ những cơ sở sản xuất,  những cửa hàng kinh doanh tới tận tay người tiêu dùng ở các thành phố.
 Hai dòng thơ đầu: “cói còn thơm mặt hè/người bán chiếu đã qua vài chục bước”. Sự vất vả mà nhà thơ đã nói tới trước nhất là về mặt tốc độ làm việc. Tốc độ vận chuyển càng nhanh thì càng có thể tiêu thụ được nhiều hàng. Cách so sánh bước chân của người bán chiếu nhanh hơn cả sự thăng hoa của các phân tử thuộc loại mỹ phẩm “thơm” là rất lạ. Nếu phải vận chuyển nhanh mà lượng hàng không nhiều thì sự vất vả còn có mức độ. Nhưng ở đây “thồ xe chiếu đi rong” lại quá tải, khối lượng hàng luôn ở trong tình trạng lệch trong tầm với phương thẳng đứng của xe. Con người lúc nào cũng phải huy động toàn bộ sức lực để kìm cho xe luôn ở thế thăng bằng. Đâu được vậy, cái khối lượng hàng cồng kềnh lúc nào cũng “chao” bên này đảo kia. Sức người ở phái yếu dường như khó chống đỡ nổi: “Chao đường cây xanh Phan Đình Phùng/ đâu kịp ngẩng lên/ đâu kịp thở”. Cách sử dụng điệp từ “đâu”, cũng như câu hỏi tu từ “đâu…đâu…” của nhà thơ làm nổi rõ hình ảnh những người mẹ, những người nông dân “đầu tắt mặt tối” ở các vùng quê tìm đường ra thành phố kiếm ăn. Hẳn Trúc Thông   phải có một tình yêu máu thịt với người lao động thì ông mới sáng tạo ra được những vần thơ  đầy tính chân thực đến như thế. Nếu quan sát theo trường không gian bằng cảm xúc thị giác thì đúng như tác giả đã khẳng định: “chẳng có thi nhân nào đuổi theo…”. Tuy nhiên về bản chất thì ngược lại- trái tim nhân hậu của nhà thơ lúc nào cũng trùm lên số phận và cuộc đời những “…hậu duệ người đẹp…”.
Ngoại hình cũng biểu hiện sự vất vả của những người bán chiếu: “gầy queo/áo bạc”. Tính từ “gầy queo” được chắt lọc từ trong đời thường, không hẳn chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn hàm chứa một nỗi niềm thương cảm của nhà thơ.
Từ hình ảnh người mẹ nông dân ở miền quê Tân Lễ  ra thành phố Hà Nội bán chiếu lấy tiền nuôi con, Trúc Thông liên tưởng đến hình ảnh cô hàng bán chiếu gon ở Tây Hồ trong một bài thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, ở thế kỷ XV. Chính xác hơn là hình ảnh cô hàng chiếu  Nguyễn Thị Lộ qua cuộc đối đáp thơ giao duyên giữa nhà thơ và nàng. Sự gặp gỡ ấy được lưu truyền qua giai thoại: Một lần trên đường vào triều, Nguyễn Trãi gặp cô hàng chiếu xinh đẹp nên đã có bài thơ phong tình: “Nàng ở đâu ta, bán chiếu gon/ Hỏi thăm chiếu bán hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi/ Đã có chồng chưa, được mấy con?”. Không ngờ, nàng lại có thơ phúc đáp : “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Cớ sao ông hỏi hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, có chi con”. Nhờ có cuộc hội ngộ trên mà Nguyễn Trãi và cô hàng chiếu đã nên đạo vợ chồng. Một cuộc tình đầy thi vị đã đi vào văn chương, sử sách. Lại một lần nữa ta thấy sự so sánh độc đáo của Trúc Thông. Cô hàng chiếu trong cuộc giao duyên kia càng thi vị, hạnh phúc bao nhiêu thì người bán chiếu trong bài thơ hiện đại này càng nhọc nhằn, tủi khổ bấy nhiêu: “Hồ Tây thơm chiếu gon tình sử/ bằng sao con mong mẹ tiền về/ tận miền quê Tân Lễ xa xa…”. Nhà thơ đã sử dụng thi văn liệu từ thời trung đại làm cho giá trị văn chương của thi phẩm vượt lên rất nhiều. “Bán chiếu gon” có kết cấu cách tân. Ba khổ thơ như ba họa tiết hoa văn, gắn kết thành một công trình mỹ thuật, mang dấu tích văn hóa truyền thống và hiện đại. 
Thơ Trúc Thông
Bình Lê Lanh
Trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét