Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

TRƯỜNG SA TRONG LÒNG TỔ QUỐC

Bia1 gan lam truong sa
TRƯỜNG SA TRONG LÒNG TỔ QUỐC
Trần Vân Hạc

“Gần lắm Trường Sa” là tuyển tập thơ đầu tiên viết về Trường Sa, soạn giả, nhà thơ Gia Dũng, nhà xuất bản Văn học, năm 2013, tổng phát hành Trung tâm Văn hóa Tràng An. Tập thơ là tiếng lòng của nhiều tác giả trong cả nước với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Chưa bao giờ Trường Sa, Hoàng Sa lại là đề tài nóng bỏng như bây giờ. Bởi vậy mỗi bài thơ đều phản ánh trung thực tâm tư, tình cảm của mỗi người với vùng biển, vùng đất phên dậu phía đông của Tổ Quốc. Tập thơ gồm 52 bài, chưa phải là tập hợp được tất cả những bài thơ hay nhất về Trường Sa và Hoàng Sa nhưng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của toàn dân, toàn quân, đặc biệt với các cán bộ chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất, từng vùng biển ông cha ta bao đời khai phá và gìn giữ. Tập thơ vừa mang tính thời sự, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị nhưng không hề mất đi chất nghệ thuật cao. Ngay trong “Mấy lời mở sách”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng khẳng định: “Nét đặc sắc nhất của tập thơ này là tính chân thực. Ta gặp ở đây nhiều cảnh ngộ, nhiều tấm lòng yêu thương gắn bó với biển đảo. Có cảm xúc dào dạt ngỡ ngàng của người ra đảo mới lần đầu. Có cái nhìn sâu sắc của người đã từng lăn lộn với sóng gió. Có cả những cái nhìn từ xa và ngưỡng vọng. Tất cả đều rất thật. Cảm giác như các tác giả không “sáng tác”, mà cứ xắn từng mảng cảm xúc, từng mảng đời sống của quân dân Trường Sa vật lên trang giấy mà không cần chọn lọc, hư cấu. Vì thế cuốn sách lại có sức hấp dẫn riêng. Đó chính là vẻ đẹp của sự chân thành”. Chỉ điểm qua một số bài thơ, ta thấy rõ nét nhận định đó.
Ở bài: “Tổ quốc ở Trường Sa” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, là dòng “Tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì biển, đảo của Tổ quốc”, khiến chúng ta vô cùng cảm kích các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở đảo Gạc Ma.
Nếu như trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhà thơ Lê Anh Xuân đã xây dựng nên một “dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ” của anh Giải phóng quân thì ở đây nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã có một sáng tạo mới khi xây dựng một tượng đài bất tử trong lòng Tổ Quốc, sự hy sinh của các anh cho đất nước trường tồn:
Các con đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra

Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương
Các anh hy sinh vì sự bình yên của Tổ Quốc
Để:
Sớm mai này nắng ấm cả Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên nơi ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi giông bão
Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra
Câu thơ “… Tổ Quốc được sinh ra” được lặp lại tới năm lần với những cách diễn đạt khác nhau đã trở thành một hình tượng nghệ thuật ăn sâu vào tâm trí người đọc, trước đó chưa có ai nói về sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ như vậy.
Bài: “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa là một trong những bài thơ hay nhất của anh viết về biển đảo. Giữa nắng gió như lửa thiêu của mùa khô, người chiến sĩ đợi mưa vẫn tươi tắn, hồn nhiên giữa một cơn mưa mộng tưởng:
Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Chúng tôi sẽ trụi trần, nhảy choi choi trên mặt cát
Giãy giụa tơi bời trên mặt cát
Như con cá rô rạch nước đón mưa rào
Úp miệng vào tay chúng tôi sẽ cùng gào
Như ếch nhái uôm uôm khắp đảo
Chờ đợi, khát khao như vậy nhưng người chiến sĩ vẫn xác định:
dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Và vẫn mong đợi một cơn mưa chợt hiện “cuối chân trời”:
Mưa vẫn giăng màu lộng lẫy phía xa khơi
Mưa yểu điệu như một nàng công chúa
Từ hiện thực, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã xây dựng nên hình ảnh người lính tràn đấy tinh thần lạc quan cách mạng, chính điều đó giúp các anh thêm nghị lực, chắc tay súng. Đấy cũng là tinh thần lạc quan của cả dân tộc luôn ấp ủ niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước, dẫu phải vượt qua phong ba bão táp.
Bài: “Gần Lắm Trường Sa” của nhà thơ Lê Thị Kim như nói giùm tâm tư tình cảm của bao người chưa một lần có duyên may được đặt chân lên các đảo Trường Sa, chỉ chung một cảm nhận:
Biết rằng xa lắm Trường Sa
Nhưng Trường Sa luôn hiện hữu trong lòng, tác giả hình dung:
Hỡi quần đảo cuối trời xanh
Như trăm hạt thóc vãi thành đảo con
Sóng bào mãi vẫn không mòn
Vẫn còn biển cả vẫn còn Trường Sa
Lối ví von dung dị, chân chất ấy làm cho Trường Sa trở thành không xa trong lòng tác giả và người đọc. Tác giả thật khéo khi xây dựng được một hình tượng thơ độc đáo vừa chuyển tải được tình cảm của mình với các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Câu thơ cuối với câu hỏi tu từ cứ ám ảnh, dư ba một nỗi niềm rất thật, rất “người”:
Tay tôi như có ai cầm
Thì ra một lá me nằm trong tay
Sài Gòn cây sóng đôi cây
Trường Sa ngoài ấy người hay nhớ nhà?
Và dẫu chưa một lần đến được với Trường Sa nhưng bằng tấm lòng, tác giả khẳng định:
Ở nơi sừng sững niềm tin
Hỡi quần đảo của bốn nghìn năm qua
Tấm lòng theo mũi tàu ra
Với tôi quần đảo Trường Sa rất gần
Vâng! Không riêng với nhà thơ mà với tất cả những người con đất Việt, Trường Sa luôn rất gần. Đấy không chỉ là niềm tin mà hơn thế đấy là lời khẳng định chủ quyền của người dân đất Việt!
Với bài: “Thao thức Trường Sa” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ lại như một dòng tự sự không phải chỉ của riêng tác giả:
Trường Sa ơi, ngày mai tàu cập bến
Ta lại về phố thị thân thương
Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp
Và riêng chung bao chuyện vui buồn
Ra thăm Trường Sa rồi trở về với nhịp sống đời thường nhưng bao kỷ niệm về Trường Sa, bao nỗi niềm cứ ùa về trong tâm tưởng, câu thơ cứ nhức nhối trong lòng, đi suốt chiều dài lịch sử từ thời tổ tiên ta mở nước:
Biển dẫu yên nhưng lòng ta lại động
Lắng tim xa những cơn bão chập chờn
Bỗng hiện hiện trang sử thời mở cõi
Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn
Bạn đọc có người đã ra Trường Sa, có người chưa một lần được đến nhưng đều đồng cảm cùng tác giả và cảm nhận Tổ Quốc hiện hữu thật gần và chân chất như trên một làng quê thân thương với nhịp sống sinh sôi bất tận:
Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ
Tựa mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn
Ngắm rặng mùng tơi nghe gà cục tác
Tổ Quốc phía trùng khơi sinh nở trường tồn
Bài: “Mắt Trường Sa” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật được triển khai trên một tứ lạ:
Những con chim bay về đất liền
Sau chót đợt gió mùa
Tín hiệu những đêm trắng
Bài thơ mở ra một không gian và thời gian đầy nỗi niềm và trăn trở. Những cánh chim tín sứ từ trùng khơi ấy nối liền đất Mẹ với Trường Sa, thấm vào lòng mỗi người con đất Việt:
Những con chim bay về đây
Từ quần đảo Trường Sa bồng bềnh ngực biển
Nơi chòm sao bươm bướm cháy qua ngày
Tác giả cảm nhận và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc một cách thật cụ thể nhưng cũng thật tinh tế:
Bạn chài lưới chúng tôi mắt sáng
Vùi trong mưa bão cánh buồm
Hai mươi sải nước là nhà
Mạch đá ngầm san hô là Tổ Quốc
Và tác giả trải lòng:
Mỗi giọt mặn trên môi tôi ghì chặt
Khoảng thiêng liêng trong sạch khí trời
Là gia tài muôn thuở của đời tôi.
Cái tôi trữ tình của tác giả hòa quyện với nhịp đập trái tim của muôn người dân đất Việt đang cùng hướng về biển đảo quê hương thân yêu đã nâng bài thơ lên một tầm cao thời đại.
Có thể nói, 52 bài thơ trong tuyển tập: “Gần lắm Trường Sa” như cung đàn muôn điệu, nói lên tấm lòng của người dân đất Việt với mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, trong đó mỗi bài như một hợp âm trong sáng, tràn đầy tinh thần yêu nước, quyết tâm giữa vững biển đảo bao đời ông cha ta đã đổ bao xương máu dựng xây nên và hôm nay máu của bao cán bộ, chiến sĩ của chúng ta vẫn đổ như một nhà văn, chiến sĩ Trường Sa phát hiện: “Có lẽ không ở đâu nước biển mặn như ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mặn như máu.” – (“Mấy lời mở sách” – Trần Đăng Khoa). Mỗi bài thơ dù mang tính trữ tình thế sự vẫn hài hòa với tính trữ tình công dân, mỗi nhà thơ đã trở thành một chiến sĩ, góp thêm tiếng nói của tình cảm, lương tri, ý chí và lẽ phải với Trường Sa, Hoàng Sa yêu dấu!

Hà Nội 6.2013 Tác giả gừi bài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét