Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Giới thiệu các luật thơ, thể thơ VN/ Bài 3/ Sóng đôi và Đảo ngữ trong thơ

 Hoàng Xuân Họa biên soạn
Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành 2004


PHẦN 5
PHƯƠNG PHÁP SÓNG ĐÔI TRONG THƠ


Sóng đôi được dùng trong thơ để tạo mối tương tác giữa ngữ và nghĩa, tạo sự dồn dập, tạo hình ảnh nổi bật làm phong phú câu thơ, đoạn thơ, để người nghe dễ nhớ, dễ thuộc:
-Trời trong veo
Nước trong veo

Em buông mái chèo

Trên dòng Hương Giang.

(Tố Hữu)

- Cuộc đời vẫn đẹp sao

Tình yêu vẫn đẹp sao

Dù đạn bom man rợ thét gào...

- Một tiếng chim ngân

Một
làn gió biển...


-Thức dậy bao điều mới mẻ trong em

Thức dậy bao điều
cao quý trong em.

(Dương Hương Ly)


- Nhưng tôi biết, cái màu đỏ ấy
+
Cái màu đỏ
như cái màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi,

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người!

(Nguyễn Mỹ)



PHẦN 6
ĐẢO NGỮ TRONG THƠ

Vũ Từ Trang gọi là "cách nói ngược". Ðảo ngữ là sự cố ý có chủ định viết lỗi văn phạm (kiểu như thợ dệt làng Vạn Phúc cố ý dệt lỗi sợi vải để tạo hoa văn trên những tấm lụa Hà Ðông), vi phạm trật tự chuẩn mực các đơn vị ngữ pháp trong câu để tạo đường nét, màu sắc, tạo hình ảnh, để nhấn mạnh, để thể hiện sắc thái biểu cảm, một là: để bắt vần; hai là: để gây ấn tượng; ba là: chịu ảnh hưởng của Hán văn. Ví dụ câu dưới đây:

- Cái gái đời nay, gái mới ngoan

Quyết lòng ẩu chiến với Tây quan.

(Nguyễn Khuyến)


Chữ “Tây” là định ngữ cho chữ “quan” nên Nguyễn Khuyến đặt trước.

Những ví dụ khác:

- Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

(Quang Dũng)


- Dòng đời lệ chảy mang mang

Chống chèo tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

(Nguyễn Thanh Kim)


- Bàn tay ấy chở chegìn giữ

Biết ơn em, ta từ miền cát gió.

(Lưu Quang Vũ)


- Mẹ thường khen hàm răng con đẹp

Hé môi cười
ánh sáng cười theo.

- Tóc bới, tai căng, tay vòng lấp lánh

Con đi theo hướng mặt trời.

(Thu Bồn)

- Cay đắng ngọt bùi cuộc đời kháng chiến

Nói sao hết em ơi bao kỷ niệm.

(Tế Hanh)

- Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu

Bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước...

- Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài

Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ.

(Lưu Quang Vũ)


- Chưa biết hẹn cùng ai, lòng đã núi

mới Pha Ðin đã bối rối Ðiện Biên rồi

qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm núi

mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay.

(Nguyễn Hữu Quý)


Quang Dũng - có cách nói ngược (đảo ngữ) rất duyên và tạo ra một cách nói rất Quang Dũng. Ví dụ:

- Gió mùa chết héo mạ non xanh

(nhẽ ra, nếu nói thuận, thì: Mạ non chết héo vì gió mùa)

- Sương muối thấm vào bao đạn ướt

(nếu nói thuận, thì: Bao đạn thấm ướt vì sương muối)

-Tiếng hát dân quân đầu vọng gác

(nếu nói thuận, thì: Ðầu vọng gác vang tiếng hát của dân quân).

Cách viết của ông, đã ảnh hưởng nhiều đến thế hệ trẻ. Nhiều người đã học tập và bắt trước cách viết của ông”.

(Vũ Từ Trang, Báo Người Hà Nội  số 41, ngày 10/10/2003).

Nhân đây chúng tôi cũng xin nêu lại một từ trong một bài thơ cổ, bài “Cảnh Thu” của Bà Huyện Thanh Quan, có một câu thơ đã gây tranh luận qua mấy thập kỷ: “Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ”. Người sửa tiếng “lưng” thành tiếng “nghiêng”: “Túi nghiêng phong nguyệt nặng vì thơ”; người đổi tiếng “lưng” thành tiếng “lèn”: “Túi lèn phong nguyệt nặng vì thơ”; người cho là tiếng “lưng” ấy, ý là “lưng lửng” là vơi, là không đầy; người lại bảo cái túi thơ ấy đeo sau lưng... Trời ạ! Ðó chỉ là biện pháp đảo ngữ: “lưng túi gió trăng” mà thôi. Vì trong truyện Kiều Nguyễn Du đã viết “Ðề huề lưng túi gió trăng” mất rồi. Bà Huyện Thanh Quan không muốn sau này con cháu nghĩ bà đạo văn người khác nên đảo ngữ ra thế. Tốn giấy mực quá đi thôi!.


/ CÒN TIẾP/

hxh.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét