Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

BA ÔNG… LÀM VUA

BA ÔNG… LÀM VUA
Đường Văn
 

Trong sự đọc hạn hẹp của mình, hiện tôi mới gặp được 3 bài thơ cùng chọn thể lục bát, cũng khai thác đề tài này: Làm vua ở Huế - Trương Nam Hương, Làm vua - Lê Dụ và Làm vua – Phạm Xuân Trường. Mỗi bài nhấn vào 1 cạnh khía sự việc, cảm xúc khác nhau và đều ánh lên nét duyên riêng, khó lẫn…. Hai ông quê miền Bắc xa xôi thích làm vua 1 chốc đã đành: Lê Dụ ở Hà Nội, Phạm Xuân Trường: Hải Phòng. Còn ông Trương Nam Hương ở ngay Huế, thật gần Ngài Ngự, mà vẫn thích ngồi ngai vàng đến độ kéo cả vợ con vào cùng chiêm ngưỡng, mới lạ! Sau đó cả 3 ông đều có thơ lục bát cảm hứng về lần đầu tiên chơi trò chơi thú vị này. Tình cờ đọc qua, thấy cả 3 bài đều thuộc loại thơ hay. Ngẫu nhiên cùng chơi 1 trò, tuy ở những thời điểm khác nhau, tức hứng về 1 đề tài, lại sống cùng 1 thời… nên trong cách cấu tứ, xây dựng hình ảnh, thể hiện thi hình, thi cảm cũng ngẫu nhiên có những điểm gần nhau, thậm chí trùng nhau. Điều đó không có gì lạ!

1. LÀM VUA Ở HUẾ
Trương Nam Hương

Ta đây thử khoác long bào
Vàng son chễm một Thi hào lên Vua!
Nửa giờ, khoác thử oai xưa,
Nghe trăm năm gió thốc lùa buốt ngai.

Vợ ta lóng ngóng bên ngoài,
Con ta rón rén như hai lính chầu.
Vua tôi chả được ai bầu,
Đến như một tấm ảnh mầu cũng mua!

Đang vua, người báo… hết giờ!
Hẫng ta trong nỗi ngây ngờ mắt con.
Vợ van ta hãy đời thường,

Về thôi! Khoác áo bụi đường nhân sinh.
12 câu tả khá tỉ mỉ quá trình tham gia trò chơi làm vua trong Đại Nội – Huế, từ mở đầu đến kết thúc. Có nhà thơ – ông chồng, ông bố sắm vai chính (vua) dưới sự chứng kiến của cả gia đình nho nhỏ gồm vợ và 2 con, trong vai khán giả – thần dân (hay hoàng hậu cùng hoàng tử (công chúa?).
Khổ đầu, người viết nhập vai hoàng đế, trong từng hành động, cử chỉ, lắng nghe từng cảm nhận mới mẻ khi thoắt được lên vua - vào ngôi quốc chủ. Biết rõ là trò chơi, là thử (điệp ngữ thử khoác, khoác thử lặp lại 2 lần), và chỉ trong nửa khắc (nửa giờ) rất ngắn ngủi… thế mà cảm giác oai phong, chễm chệ vàng son khi chiếc long bào được mặc vội che không kín bộ sơ mi - quần âu hiện đại) đã khiến thi hào (thiển nghĩ: nhà thơ, dù là Trương Nam Hương, dù rất có thể đây chỉ là cách nói hài, nói quá, tự trào, lại đặt trong ngoặc kép, nhưng từ thi hào ở đây vẫn gây cho tôi chút phản cảm về sự tự kiêu, tự thị của người viết về bản thân. TNH mà là thi hào thì nước Nam ta có bao nhiêu thi hào lận!? Chả trách người ta vẫn nói VN là cường quốc thơ, ra ngõ gặp nhà thơ!).
Nhưng cách tự xưng: Ta đây thì lại phù hợp với giọng diễn viên nhập vai khá ngọt. Từ láy chễm chệ cắt đi tiếng chệ thay bằng từ một: Chễm một làm cho ý thơ tối, dù người đọc vẫn hiểu được cả từ và ý. Nhưng phút chốc cảm giác sung sướng, lâng lâng vì được làm Hoàng đế ngự ngai rồng bỗng tan biến bởi một cảm giác mới xuất hiện:/ Nghe trăm năm gió thốc lùa buốt ngai.
Tôi cho rằng đây không phải là cảm giác thật mà là cảm giác của nhân vật nhập vai. Ngai vàng uy nghi vàng son tráng lệ, một trong những biểu tượng uy quyền tuyệt đỉnh của đức Kim Thượng, còn đó (nhưng thật ra chỉ là ngai gỗ phục chế sơn son thiếp vàng!) 13 vua nhà Nguyễn huy hoàng xưa, trải hơn trăm năm qua, chỉ còn là bóng ma vật vờ trong những trận gió lạnh buốt. Cái lạnh buốt cô độc, cô quả của người đứng đầu thiên hạ (luôn tự xưng: quả nhân, trẫm). Đó là bi kịch bất khả giải của những cá nhân mà hoàn cảnh, số phận và lịch sử đã đặt lên vai họ cái ấn ngọc tỷ và chiếc ngai vàng, tấm long bào. Sự đổi cảnh, thay cảm giác dẫn đến chuyển giọng này tạo nên khí sắc mới lạ cho khổ thơ và cả bài thơ.
Hai câu tiếp khổ 2 lại trở về cái nhìn và tâm trạng của nhà vua đang thời đắc ý – kiểu Đôn Kihôtê – đầy ảo tưởng, khi Ngài ngự quan sát vẻ lóng ngóng, sợ sệt của vợ con, như tỳ nữ, như lính hầu đang chăm chú quan sát, theo dõi từng cử chỉ, nét mặt  của ông chồng, ông bố thân yêu, gần gụi, thoắt cái trở nên đức chí tôn cao sang, cách biệt.
Theo tôi, câu Vua tôi chẳng được ai bầu chỉ nói lại ý đây là trò chơi; đây là vua mua bằng tiền, danh vị suông, hão…thế thôi. Mặt khác cách diễn đạt này cũng lại làm tối và nhòe ý chủ của bài thơ. Có ai bầu vua bao giờ? ! Tôi (bầy tôi – thần tử), càng không qua bầu cử?!
Câu cuối: Đến như một tấm ảnh mầu cũng mua!
Ý rời rạc, thiếu hẳn sự tiếp nối, gắn kết với câu trên và có phần hơi bị lạc đề. Mua tấm ảnh mầu chụp cảnh làm vua để làm kỷ niệm 1 chuyến du lịch ý nghĩa? Để khoe khoang với họ mạc, bạn bè? Thiển nghĩ, nếu mạnh dạn cắt bỏ 2 câu  này, có lẽ ý thơ, mạch thơ lại sáng rõ, liền mạch hơn.
Nhưng khổ 3 đã kịp thời lấy lại được cảm hứng mới  và đổi giọng thơ một lần nữa. Đang trong men say của vị trí cửu trùng - hoàng thượng hoành tráng, bỗng lời báo hết giờ vang lên đột ngột như tiếng sét giữa trời quang khiến cả nhà giật nẩy mình. Vua thì hụt hẫng như sắp nhào xuống vực thẳm. Các con ngây đờ ra vì ngờ vực, không tin bố mình phải thoái vị sớm thế! Cái hay và khá tinh tế của câu thơ là sự phản ánh cảm xúc gián tiếp; tâm trạng hụt hẫng của người bố được phản chiếu qua ánh nhìn ngây ngây, thảng thốt của hai con, qua lời van xin nài nỉ vì chợt tỉnh giấc mơ quyền lực của bà vợ lóng ngóng đứng ngoài. Tuy nhiên câu: Vợ van ta hãy đời thường cũng vẫn là 1 câu văn vụng và không trong sáng (hãy đời thường?!).
Về thôi!
là lời rủ của bà vợ vừa tỉnh mộng hay là mệnh lệnh cuối cùng của ông bố diễn viên vừa chơi xong trò chơi, hể hả mà hơi tiêng tiếc, hay là lời tán thành, hưởng ứng của 2 đứa con nhỏ? Hay là tiếng lòng chung của cả gia đình nhà thơ, kết 1 lần thăm Huế, 1 lần chơi làm vua? Từ thử khoác long bào làm vua, bay vút lên theo đôi cánh quyền lực vinh hoa phú quý tột cùng diễm ảo; sau nửa giờ, khoác lại tấm áo thường, tấm áo đẫm bụi đường để trở về cuộc sống đời thường, nhân sinh thường nhật. Đó mới là hiện thực lâu dài, cụ thể, bình yên, gần gũi và hoàn toàn có thật.
Bài thơ ngừng ở triết lý đời thường nhân sinh bụi bặm ấy.


2. LÀM VUA
Lê Dụ


L
iều vô Huế thử làm vua
Chỉ trong chốc lát. Trò đùa thế gian
Ta – vua
bảnh chọe, đàng hoàng
Cũng long bào, cũng ngai vàng te tua.
Mai về đất mặn,  đồng chua
Nhà tranh  vách đất ta – vua đi cày
Hóa ra trên thế gian này
Có tiền, chân đất có ngày làm vua!

Huế – 1998 - Hà Nội - 2008
  
Lê Dụ làm vua ở Huế chỉ trong chốc lát vào năm 1998. 10 năm sau (2008) mới thoát thai thành bài thơ lục bát 8 câu, 2 khổ. Khổ 1: nhớ lại cảm giác khi được làm vua. Khổ 2: cảm luận về quê hương, bản thân và trò chơi làm vua.
Câu đầu ngắt nhịp lẻ 3 - 3: Liều vô Huế thử làm vua.
Câu thơ xác định rõ tác giả là người Đàng Ngoài Huế, khác với Phạm Xuân Trường tuy cũng ở miền Bắc nhưng lại dùng về, không muốn chỉ rõ cất bước từ nơi đâu. Với Nam Hương là người bản địa thì chẳng cần về, vô gì cả mà đến cung luôn, thử khoác long bào luôn! Lê Dụ giống Nam Hương ở chỗ cùng thử mà không biết đến bao giờ mới làm vua thật!?
Chữ liều mở đầu bài thơ có ít nhiều mang  tính phóng đại không? Có thể và cũng chút chút thôi cái tâm lý kính sợ vua. Làm gì thì làm chứ làm vua đâu phải chuyện đùa, chuyện chơi! Dù trước sau vẫn hiểu đó là trò đùa, trò chơi. Nhưng vẫn cứ phải vượt lên mặc cảm sợ hãi, kính ngưỡng vị hoàng đế từ thời nảo thời nào mà nay, bản thân mình –một thường dân - thần dân, dù có là trí thức, cán bộ viên chức nhà nước chăng nữa, vẫn chưa thoát được mặc cảm tự nguyện bị thống trị này… nên vẫn muốn liều, phải liều, cứ liều một lần xem sao!!!
Nét mới trong cách biểu hiện chủ thể tự xưng ở đây là đại từ – danh từ Ta – vua: với hàm nghĩa ta làm vua, ta cũng được là vua. Vua là ta, Ta là vua… Kèm theo 2 tính từ vừa hài hóm, tự trào, tự sướng: bảnh chọe, và nghiêm trang, minh bạch: đàng hoàng. Chơi mà như thật, y thật! Có điều chỉ trong khoảnh khắc, chẳng khác gì vừa trải qua một giấc mơ. Tổ hợp từ Ta – vua này còn được nhắc lại ở khổ sau với 1 hành động quen thuộc vừa phù hợp vừa như là có sự  thay ghê gớm: đi cày. Nhưng đây không phải là vua cày ruộng tịch điền đầu xuân, mà ta - vua – nông dân trở về cánh đồng quê hương làm công việc quen mòn cả đời. Từ te tua rất đường phố, hiện đại kết hợp với điệp từ cũng, muốn tỏ rằng: rõ ràng đây là anh chàng diễn viên nghiệp dư tự nguyện đang lăng xăng trong trang phục, đạo cụ hàng chợ 1 cách lạ lẫm, hớn hở, ngỡ ngàng, ngượng ngùng và râm ran sung, khoái!
Hai câu kết bài mang ý nghĩa đúc rút, kiểm nghiệm chân lý dân gian xưa: Có tiền, mua tiên cũng được! Có tiền, cú cũng thành tiên!... Chân lý bất diệt ấy, cho đến nay, vẫn tỏ rõ sức mạnh ghê gớm, phi thường của nó.
Tuy vậy, cách diễn đạt không khỏi đơn giản, mộc mạc, lành, chưa thật sắc sảo, ấn tượng: Có tiền, chân đất có ngày làm vua!!!


3. LÀM VUA
Phạm Xuân Trường


Rủ nhau về Huế làm vua,
Vương triều cũ hóa trò đùa hôm nay!
Tôn nghiêm rứa đến thế này,
Thì ta chân đất, điếu cày lên ngôi!

Về độ dài, so với 2 bài trên, Làm vua của Phạm Xuân Trường ngắn nhất (4 câu). Thật gọn gàng, cô đọng mà không kém phần lan tỏa, khêu gợi.
Kể – tả việc: chỉ 1 câu đầu; Mô típ rủ nhau học ca dao cổ: Rủ nhau xem cảnh Long Thành, rủ nhau xuống bể mò cua, rủ nhau đi cấy đi cày… vẽ lại cái hồ hởi, náo nức được cùng nhau vào thăm Huế, cố đô nhà Nguyễn, nhất là được làm vua! Làm vua là thế nào nhỉ? Phải cố đi, cố đến 1 lần, cố thử 1 lần cho biết, mới ra dáng người trai Long Thành, hay đất cảng. Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
3 câu còn lại nói tâm trạng và bình luận, với những đối lập nhiều tầng bậc: xưa – nay, tôn nghiêm – trò chơi, nghi lễ thiêng liêng – trò đùa du lịch, vua (đấng tối cao của 1 quốc gia thời phong kiến) = dân thường (khách du lịch thời nay). Khách du, ai cũng có thể làm vua – ai cũng có thể tham gia trò chơi (miễn là có tiền!); không gian thực: cung đình Huế à không gian nghệ thuật: cung đình tôn nghiêm, nơi diễn ra các nghi lễ triều đình, quyết định những vấn đề trọng đại quốc gia à sân khấu trò diễn ồn ào, náo nhiệt mua vui cho khách nhằm mục đích du lịch - thương mại.
(Lưu ý nhỏ: riêng câu 3, về cách dùng chữ, lộ sự trùng, thừa từ… đáng tiếc: rứa – thế = thế – thế, hoặc rứa – rứa!!)
Thú vị nhất đọng ở câu cuối: Thì ta chân đất, điếu cày lên ngôi!

***
3 câu kết
của 3 ông… làm vua gợi trong tôi một vài nghĩ suy, liên tưởng xa gần:
+ Giọng điệu khoan khoái, tự hào, hài lòng cao độ, tuyệt đỉnh vì đang từ thân phận nông dân nghèo khổ, lam lũ thoắt được đổi đời lên ngôi chí tôn. Điều trong mơ cũng không dám, nay phút chốc đã thành sự thật hiển nhiên! (khoác long bào, đội mũ vua, đi giày vua, ngôi chĩnh chện, bảnh chọe  trên ngai vàng dành riêng cho vua).
+ Giá cả của sự việc hoán đổi động trời đó khá rẻ (30.000 đ/lần (1998) theo Lê Dụ. Giá hiện tại (2013) của 1 lần làm vua trong cung Đại Nội - Huế là ?). Bất cứ phó thường dân – khách du nào cũng có thể làm vua 1 vài lần, nếu thích và đủ tiền, thì cứ việc mua vé để chơi trò làm vua cho vui, cho đã!
+ Làm vua, xem xét trên một bình diện nào đó, cũng chỉ là 1 trò chơi chính trị, quyền lực ngày xưa, và trò chơi du hý trong tua tham quan du lịch Huế hiện nay.
Xưa
, khi trò chơi chính trị, quyền lực thành công ở đỉnh cao, thì kẻ chân đất, điếu cày (nông dân nghèo) cũng có thể chiếm lấy ngai vàng cho bản thân, gia đình và dòng họ, lên ngôi vua trị vì thiên hạ, hưởng giàu sang, phú quý (lịch sử Việt Nam và thế giới từng có không ít dẫn chứng sinh động về những anh hùng áo vải giành/chiếm được ngai vàng). Nhưng có khi trò chơi quyền lực kết thúc; sân khấu chính trị hạ màn: vua hoặc con (cháu, chắt…) vua thất thế lại ra quét chùa. Hôn quân bạo chúa thành trò chơi, con rối của gian thần, bị các phe phái đối lập hoặc nhân dân đảo chính, lật đổ, phế loại, bắt, giam hoặc giết, trả thù tàn khốc. Giai đoạn làm vua, vì thế cũng chỉ là trò chơi, trò đùa, tấn bi – hài kịch của lịch sử trong những thời kỳ nhất định nào đó mà thôi.
Nay,
ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, chế độ phong kiến quân chủ đã trở thành dĩ vãng xa mờ: Rồng năm móng, vua quan thành bụi đất! (Chế Lan Viên). Làm vua lại thành trò chơi là lạ, hấp dẫn không ít khách du hiếu kỳ. Nhưng chỉ trong chốc lát, hết thời gian 1 lần làm vua, trò chơi kết thúc, vua – khách xuống ngai, trong hụt hẫng, ngây ngờ mắt con. Kết thúc chuyến thăm Huế, khách lại về quê nhà tranh vách đất, nước mặn đồng chua, ta – vua đi cày (Lê Dụ), lại khoác áo bụi đường nhân sinh (Nam Hương).
Có ông bạn nhà giáo, đọc lời bình của tôi, góp thêm 2 tầng ý nghĩa nữa của Làm vua:
1. Giải thiêng cái gọi là vua xưa và lãnh đạo nay theo tinh thần câu tục ngữ Để hòn đất, cất thành bụt!
2. Tiền mua được tất cả. Xưa: mua ngôi chúa tể, thậm chí còn có thể dùng tiền để buôn vua (đó là loại hàng lãi nhất! (Lã Bất Vi truyện), nay: chạy chức tước, sang giàu!
Từ 1 sáng kiến kinh doanh du lịch nhạy bén của các nhà quản lý – di tích lịch sử – văn hóa cung đình Huế chuyển thành tứ thơ vui, hóm mà sâu; từ  trò chơi làm vua ở Huế, từ 3 bài thơ nhỏ xinh Làm vua kia, có thể đặt một câu hỏi nghiêm túc nảy ra bởi mối băn khoăn không hề nhỏ:
Trong quan niệm ứng xử văn hóa của con người nhân văn hiện đại, có nên duy trì và phát triển kiểu trò chơi làm vua này chỉ với mục đích mua vui cho khách du lịch nhằm kiếm tìm thêm lợi nhuận? Làm như vậy, phải chăng lợi bất cập hại? (xét về mặt đạo đức tôn kính tiền nhân và lịch sử). Với quan niệm như thế, phải chăng trò chơi làm vua trong cung vua ở cố đô Huế, vị tất đã là sáng kiến đáng biểu dương, cổ xúy..

Trèm, Hà Nội, 12 – 6 - 2013
Đường Văn

Tác giả gửi bài


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét