Hoàng Xuân Họa biên soạn
Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành 2004
PHẦN 1
NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT
Với tính đặc biệt của ngữ
âm tiếng Việt, tên gọi con người, tên chỉ đồ vật, các giống vật, đến những từ
chỉ thiên nhiên: trăng, sao, gió, nước, mây trời... khi nói thành lời tự thân
những âm ngữ ấy đã luyến láy lên những vần điệu du dương êm ái, người làm thơ
chỉ cần xếp đặt theo ý mình là thành những bài thơ dài ngắn, theo các thể thơ
truyền thống, hoặc niêm luật bó buộc như thơ Luật Ðường, để bày tỏ mọi biểu
hiện tâm trạng của cuộc sống con người. Ðó gọi là các thanh bằng, thánh trắc,
các từ ngữ:
Các thanh bằng và thanh trắc:
- Bằng: (b) Là những tiếng có thanh trầm, như những tiếng “Ðoản - Bình – Thanh” (tiếng không có dấu) hay có thanh thấp mà dài như tiếng “Tràng- Bình –Thanh” (tiếng dấu giọng huyền).
- Trắc: (tr) Là những tiếng có thanh cao, những tiếng: “Hồi thanh” (dấu giọng hỏi); “khứ thanh” (có dấu giọng ngã); “Tượng thanh” (có dấu giọng sắc); “hạ thanh” (có dấu giọng nặng).
Thanh bằng có thể biến đủ ra 6 thanh, tức là 2 thanh bằng và 4 thanh trắc.
Thí dụ.
Vần Bằng:
- Ðang = (Ðoản bình thanh) = không dấu.
- Ðàng = (Tràng bình thanh) = dấu huyền.
Vần trắc:
- Ðảng = (Hồi thanh) = dấu hỏi.
- Ðãng = (Khứ thanh) = dấu ngã.
- Ðáng = (Tượng thanh) dấu sắc.
- Ðạng = (Hạ thanh) = dấu nặng.
Vần quốc ngữ: Có vần chính, vần thông.
Vần Chính:
Vần chính là những tiếng đồng âm như: anh, oanh, inh, uynh, phu, thu, xu... phù, thù, xù...(vần bằng). Thế, sế, lũ, lĩ, bỏ, cỏ, bổ, sổ, bặng, lặng...(vần trắc).
Vần thông:
Vần thông là những tiếng cùng thanh bằng: xanh, xinh, đông, tây, thư, thơ, thâm, thầm thì…
PHẦN 2
GIEO VẦN TRONG THƠ
GIEO VẦN TRONG THƠ
Vần là phương thức lặp lại cấu thành câu thơ, để tạo ra nhịp điệu làm tăng sức gợi cảm, đọc cho êm, dễ nhớ, dễ thuộc. Vần được phân biệt theo từng vị trí: Vần chính, vần chân, vần lưng và vần thông. Vần có chức năng tách biệt từng dòng thơ, liên kết giữa câu trước với câu sau để tạo âm hưởng, nhạc điệu cho câu thơ, nhằm làm nổi bật ý nghĩa câu thơ, đoạn thơ.
Vần chính.
Vần chính là sự phối hợp âm thanh ở mức độ cao giữa các tiếng được gieo vần, những âm cuối câu gieo vần giống nhau, riêng các từ đầu câu muốn gieo vần phải khác nhau (gieo được vần ở đầu câu là rất khó, rất ít người làm thơ gieo nổi vần đầu):
- Say sưa, người khách lạ Bồng lai
Giận lũ chim kia khúc khích hoài
Van khẽ gió đừng vi vút nữa
Nhưng mà chim, gió có nghe ai.
(Thế Lữ)
-Thơ ngâm dở giọng, thời chưa thuận
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay
Vuốt cọp chân voi còn lận đận.
(Thâm Tâm)
-Tại anh chỉ tại anh
Em dễ quên dễ nhớ
Nhìn chi cũng hoá thành
Gương mặt anh rực rỡ.
(Lê Thị Kim)
- Hãy cất đi nơi ánh mắt của em
Cái tia chớp bàng hoàng ghê gớm ấy
Biển phút lặng mong đừng khơi sóng dậy
Chấm buồm xa đâu phải đã bình yên.
(Tô Hà)
Vần chân (cước vận):
Vần chân được gieo ở cuối câu thơ với tác dụng kết thúc câu thơ, tạo mối liên kết các câu thơ với nhau. Vần chân rất đa dạng: Lúc liên tục, khi gián cách, lúc ôm nhau, khi hỗn hợp.
Vần liên tục:
-Lại nảy nòi ra họ chích choè
Quan thì án sát, đỗ ông nghè
Áo xiêm đủng đỉnh coi ra vẻ
Cờ bạc rong chơi đủ ngón nghề.
(Nguyễn Thiện Kế)
- Mỗi khi mưa ngớt, cơn giông qua
Xắn áo ra vườn ta lượm hoa
Những cành vô duyên theo gió rã
Vừa cười vừa khóc, ta chôn hoa
(Hàn Mặc Tử).
-Thôi em đi nhé em vui mãi
Anh muốn em sung sướng suốt đời
Xa nhau hẹn ngày mai gặp lại
Nhìn nhau thấy đã lớn hơn rồi.
(Nguyễn Ðình Thi)
- Chùa lấp sau rừng cây
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa ta thấy
Hơn một trăm ăn mày.
(Nguyễn Nhược Pháp)
-Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
(Quang Dũng)
- Em vác cuốc thăm đồng
Lúa sây hạt nặng bông
Thấy vui vui trong lòng
Em mong ngày toàn thắng...
(Trần Hữu Thung)
- Ơi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng hoà mau
Tưởng đã phai màu
Ðường chiều hoa cỏ
(Phạm Thiên Thư)
Vần gián cách:
- Trời xanh thế! Hàng cây thơ biết mấy!
Vườn non sao! Ðường cỏ mộng bao nhiêu
Khi Phạm Thái gặp Quỳnh Như thuở ấy
Khi chàng Kim vừa được thấy nàng Kiều.
(Xuân Diệu)
- Anh đọc truyện em nghe
Em muốn làm cô "Tấm"
Lòng - hoàng tử anh mê
Từ buổi đầu em lấm...
(Yến Lan)
- Anh xa em như đất liền xa cách bể
Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em
Em thân thuộc sao thành xa lạ thế
Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm...
(Chế Lan Viên)
-Vừa chẵn mười xuân tôi vui với lão
Nhờ cây bút anh một phút nhập thần
A! Râu tóc hát cùng khăn áo
A! Quạt gậy múa cùng tay chân.
(Trần Lê Văn)
Vần ôm nhau:
-Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần
Tôi nói khẽ: Ôi, làm sao nhớ thế!
(Hồ Dzếnh)
-Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải tạm Thương.
(Chế Lan Viên)
Vần hỗn hợp:
-Ðưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng.
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ.
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
(Thâm Tâm)
- Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rung động đã bừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai.
(Nguyễn Mỹ)
Vần lưng (yêu vận).
Là vần được gieo ở giữa câu thơ.
Trong thơ Song thất lục bát:
- Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Ðoàn Thị Ðiểm)
- Nỗi bèo nước đã thôi thời thế
Tình cỏ sương khôn dễ mà khuây
Phòng văn trở lại gót giày
Chén tương tư rót cho đầy lại vơi.
(Tản Ðà)
Trong thơ tự do:
- Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt
Thoáng lay mình gió vuốt bỗng lao đao
(Xuân Diệu)
- Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
Thì gian nan gấp mấy cũng lên đường.
(Bùi Minh Quốc)
- Ðường nắng thương áo ong lưng chành sóng
Em bận lấy chồng gửi bóng anh chăm
(Lê Ðạt)
Trong thơ Lục Bát:
- Ðêm qua dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau.
Anh đi đâu, anh về đâu?
Cánh buồm nâu...cánh buồm nâu... cánh buồm...
(Nguyễn Bính)
Có thể gieo vần lưng ở tiếng thứ 4 câu bát:
- Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời không thấy người thương.
- Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Gạo, hàng Ðường, hàng Muối trắng tinh.
-Thấy anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo, anh bán em đi
Lấy anh em biết ăn gì?
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già.
(Ca dao)
Vần thông.
Là một loại vần được tạo nên để phối hợp các âm thanh với nhau, không hoàn toàn cứ phải lặp lại và có thể chỉ hơi giống nhau.
Ðồng vần trắc:
- Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh.
(Chính Hữu)
- Chỉ lá rụng dạt dào trên mái phố
Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
(Xuân Quỳnh)
Ðồng vần bằng:
-Tôi cũng trông thấy người tôi yêu
Ngồi cạnh suối trong cởi yếm đào.
(Hàn Mặc Tử)
-Tiếng gió lùa qua thức mộng chim
Phá tan hương khói giấc êm đềm
(Vân Ðài)
- Hồng chưa hồng lắm xanh còn xanh
Mỗi đoạn đường qua, lại ngắm mình
Yêu lắm, chút nắng chiều ngả phố
Tóc thơ trên hai mái, bồng bềnh.
- Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
(Xuân Quỳnh)
-Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa!
Vỗ giăng khuya bơi mãi! Cánh chèo mơ!
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vắng tiếng loa xưa.
(Vũ Ðình Liên
/ CÒN TIẾP/
hxh.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét