Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

CHÙM THƠ NGÀY NHÀ BÁO VIỆT NAM của Nguyễn Anh Tuấn


 
Thơ
NGUYỄN ANH TUẤN


KHÓC MỘT NHÀ THƠ, NHÀ BÁO
Nhớ Trần Hoà Bình

Bạn ơi, thế là từ nay
bạn không còn được ngẩn ngơ trước một ngọn gió heo may
không còn phải băn khoăn ngày đi họp Khoa buộc phải mặc com-lê, cà-vạt
không còn nỗi lo sợ khi trót đụng chạm tới quan tham
không còn phải bận tâm sẽ ăn gì, uống với ai lúc màn đêm sập bóng…

Còn đâu nữa những tối vui Quán Xưa
vài chén rượu nhạt
mấy câu chuyện bâng quơ
và thăm thẳm nỗi thương đời…
Những kẻ trói gà không chặt
lại lo chuyện trên trời dưới bể
Những kẻ gân cổ lên cãi khi ai đó gọi là đồ gàn đa cảm
lại nhiều nước mắt hơn cả nàng Kiều 1
trước những số phận oan khiên, bất hạnh
Cả khi nước mắt xót thương đã trở thành đồ xa xỉ
và cũng chẳng còn nước mắt mà khóc nữa
nỗi đau càng tích tụ
hoá thành bệnh “Giời đày”!
Nhưng không khổ bằng cái bệnh
phải mỉm cười khi mếu, phải cất giọng hát khi đau
phải cho nước mắt lăn vòng vào đoạn kết có hậu
Và chỉ còn biết lẩm bẩm vu vơ:
“ Tất cả đều thiếp ngủ
Chỉ mình tôi ngồi khóc như người nguyền rủa” 2

Giờ đây, nếu như bạn vẫn còn vương chút máu mê nghề nghiệp-
cái nghề nghiệp không được bảo hiểm
bạn sẽ hơn hẳn chúng tôi
vì có thể tự do ra vào những ngôi nhà bí hiểm
được làm ra bằng những đồng tiền bí hiểm cũng không kém
những ngôi nhà thật to thật đẹp chứa đựng những hình nhân
đang hoá thân thành những con bọ khổng lồ theo nguyên mẫu của Kafka3
và trái tim còn băng giá hơn cả bà Chúa Tuyết! 4
Nhưng khổ thân cho bạn
vì dưới suối vàng bạn đâu đã hết mối thương tâm và phẫn nộ…

Ở  nơi dù không có viên đạn sắt và thanh kiếm thép nào đe doạ nhà thơ,  ký giả
song lại có điều đáng sợ khủng khiếp hơn
đó là sự nghi kỵ, thù hằn, miệt thị
Không ít người trong chúng ta
nếu không bị đánh văng kính, sưng vù mặt mũi, vỡ tan ống kính,
không bị cướp giật bản thảo
thì cũng phải cúi đầu gạt thầm giọt lệ tủi nhục…
Chúng tôi như đang nghe thấy tiếng bạn kêu to từ đáy huyệt sâu
cặp kính trắng long lên giận dữ:
“ Dù nỗi xót xa, lời an ủi của nhà thơ không thay thế được miếng cơm manh áo
dù cái sắc sảo tinh tường của ký giả không đem lại được công lý cuối cùng
nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa
ai dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch?
và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo
ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà?”

Bạn ơi,
thương thay!
và cũng đáng yêu thay!
khi nhắm mắt bạn vẫn không quên nổi Sứ mệnh làm Nhà thơ, Ký giả
và bạn lại đặt thêm gánh nặng lên vai chúng tôi
những kẻ đang cố ghìm tiếng khóc
giữa khi đã quá nhiều tiếng khóc…
_______________________________________
1. “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” ( Truyện Kiều )
2. Taras Chevsenco: “Bức thư gửi những người đồng bào của tôi”- Thuý Toàn dịch
3.  Tác phẩm Hoá Thân của F. Kafka
3. Nhân vật trong truyện của H. Andersen



MỘT GÓC NHÌN TRUNG QUỐC

1. Nhìn lại Tử  Cấm thành
Dưới cánh máy bay
Tử Cấm Thành
tựa một thứ đồ chơi con trẻ
Nơi tôi từng mỏi gối chồn chân
giờ chỉ nằm gọn trong vài ni tấc
có phải, đấy cũng là một trò đùa tạo hoá ?

Bên dưới kia:
đất nước của những Đại hảo hán, Đại mỹ nhân, Đại gian hùng, Đại thái giám, Đại thi hào, Đại kiến trúc…
bị thu gom vào những hình hộp
giống vết triện nung lửa hằn trên da thịt người
làm vật sở hữu cho bao Đại vương triều, Đại gia tộc
làm bùa hộ mệnh, đồ trang trí, làm vật hy sinh, làm phương tiện đe doạ và trấn áp
Chúng biến thành tiếng nấc nghẹn nơi lãnh cung
thành dáng người quỳ mọp trước sân rồng
thành chút run rẩy bản năng thơ ngây thánh thiện bị nhốt trong lồng ngọc khung vàng
Còn Đại nhân ái, Đại tự do bị lùng sục khắp hoàng cung
buộc hoá thân trong tiếng thở dài,
thành bóng ma lẩn quất trong các điện thờ, trong các viên ngói lưu ly, giữa các móng rồng bờm sư tử…
Và cuối cùng, sau rất nhiều “bữa tiệc ăn thịt người” 1
Đại nhân ái biến thành hình hoa sen, hình rùa trên gạch lát
cho khách hành hương dẫm chân qua
còn Đại tự do biến thành con Thần tài 2
để người đời sau vuốt râu sờ mông cầu may mắn
chúng canh giữ các Đại cố cung, Đại lăng mộ, Đại chùa chiền, Đại siêu thị, Đại ngân hàng…
___________
1. Chữ dùng của văn hào Lỗ Tấn
2. Con vật sau cùng trong hệ thống Rồng của tâm linh Trung Quốc cổ đại

2. Màn hình lớn ở bến Thựơng Hải
Bên sông Hoàng Phố
bữa tiệc ánh sáng mê hoặc ê hề
có một bà lão còng lưng xin bố thí
mái tóc đượm tuyết sương
chân run trong gió lạnh
Tôi đặt vào tay bà một Tệ1
rồi mang bóng dáng bà theo suốt đoạn sông dài

Màn hình điện tử chính là mặt buyn-đinh
nhưng tôi không còn nhìn thấy
những biểu đồ, những con số thành tích vượt trội
những chim bay bướm lượn
cùng bao biểu tượng của sự giàu sang tột đỉnh…
Trước mắt tôi
trên hàng vạn điểm sáng
một lòng bàn tay dăn deo với những đường chỉ chằng chịt ngoằn ngoèo
như ma trận dành cho phận người lưu lạc
như tấm bản đồ Trung Hoa nát nhàu lổ loang vết máu
Rồi lại chợt hiện lên:
một hàng xóm xưa của bà -
thím Tường Lâm cầm giày đỏ khùng điên đi tìm con bị sói ăn thịt2
Rồi tổ tiên của bà-
lớp lớp người gục ngã bên Vạn Lý Trường Thành…
Chợt hiển hiện chồng bà và các con các cháu
tất tưởi rời làng xóm, phiêu bạt tứ phương
khi chẳng còn đất ruộng đất vườn
khi dòng sông chết trước nhà bốc mùi thối rữa
một cháu trai của bà bị còng tay sau cuộc xô xát với cảnh binh
một cháu khác đang kêu cứu trong lò than vừa sập
còn đứa chắt khóc ngằn ngặt trên tay cháu dâu
đang mếu máo chờ vào khám ngộ độc sữa
Tôi lại thấy:
đồng bào của bà ngoi ngóp trong các trận lụt dữ dằn của Hoàng Hà,
Dương Tử Giang
và những đồng hương của bà có gì khác năm xưa:
trong túi vải chỉ có vắt rau lẫn mớ cám 3
rồi lại nhặt táo trộm cầm hơi trong vườn hàng xóm
nếu vẫn còn những người như ông già Đỗ Thiếu Lăng 4

Bà là công dân bất đắc dĩ của thành phố hoa lệ này
bà đâu biết:
cứ mỗi tầng nhà khu phố Đông ngoi cao lên
lưng bà lại còng thêm một chút
những đại lộ xuyên qua lòng sông
đâu thể giúp bà rút ngắn đường về cố hương?
thêm một giàn đèn màu áp đảo bên sông
mắt bà lại bớt đi một tia sống
và ngắt đi một ánh hy vọng:
có một mái nhà đơn sơ nhưng bình yên
với những ngày tạm lửng bụng
bên tiếng cười vui của cháu con…

Bà có biết
một đồng Tệ của tôi biếu bà
chưa mua nổi một phần ba bát mì sủi cảo
nhưng lại bằng giá một mét vuông đất ngọc đất vàng Thượng Hải
một đại quan chức đã mua cho người tình ?

Đêm nay, giữa đất Trung Hoa mênh mông
bà sẽ đi đâu, sẽ ngủ tạm nơi nào
trong cơn gió thu rớt bão ?

Màn hình lớn bất hợp tác với tôi
nhấp nháy mê lộ của đời người…
_________________
1. Tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc
2. Nhân vật trong một truyện ngắn của Lỗ Tấn, đã được đưa lên màn ảnh
3. Trong bài thơ “ Sở kiến hành” của Nguyễn Du khi đi sứ Trung Quốc.
4. Nhà thơ Đỗ Phủ một lần chạy loạn có thuê một căn nhà nhỏ, trong vườn có cây táo, hàng ngày một bà lão hàng xóm vẫn chui qua hàng rào nhặt táo để cầm hơi. Khi rời căn nhà, ông viết bài thơ “ Hựu trình Ngô lang”, nhắn người chủ mới là chớ rào kín lại, để bà già có thể sống qua ngày…

3. Đêm Hàng Châu1
Khi những hàng cây ngô đồng, những rặng liễu bắt đầu nhúng trong nghiên mực khổng lồ
cũng là lúc tiếng sóng vỗ sông Tiền Đường như một lời nấc nghẹn
xen lẫn nỗi thở than của Tô đê, Bạch đê 2
Tôi thao thức bên những rừng cây, những lâm viên, những bồn hoa đẹp mê hồn san sát
gió Tây Hồ dịu ngọt đắm đuối làm sao
vậy mà như uống nhầm thuốc đắng!
Đây là nơi các sứ thần-thi sĩ Việt Nam từng nghỉ lại
trên đường vạn dặm tới Trung Nguyên
Nỗi cảm hoài của các vị về vận Dân, vận Nước
khiến vẻ đẹp Đường thi, Tống thi cũng trở nên nhạt nhẽo, vô duyên
và thiên nhiên tráng lệ càng tô đậm nỗi xót đau tựa căn bệnh kinh niên
Những khắc khoải của các vị
đến tận giờ vẫn còn đeo đẳng
trong lồng ngực ọp ẹp đói dưỡng khí trong lành của tôi…
__________________
1. Thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Giang Tô, vùng Giang Nam, được coi là thành phố lãng mạn nhất của Trung Quốc.
2. Các con đê do Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị cho xây đắp  thời các ông làm quan


DŨNG CẢM LÊN CON!
Cho con gái Mai Quyên

Nửa đêm, tiếng sét giật cửa kính
Con choàng sợ hãi
Bố vỗ về con bằng lời ru do bố tự tạo ra:
Dũng cảm lên con, dũng cảm lên con…

Phải, hãy dũng cảm lên con, dù con đang làm một “kẻ ăn xin”1 rất lâu nữa trước khi là người biết cho và có khả năng cho người khác…Bởi lòng dũng cảm là cội nguồn của Nhân hậu, Lương thiện - những danh từ đã bị lạm dụng, bị lợi dụng, thậm chí bị đánh cắp nội dung từ những người đáng yêu, trong đó có kẻ “ăn xin” thần thánh như con.

Con cần có đủ lòng dũng cảm để sẽ không bị chết chìm trong những dòng thác ngôn từ hình ảnh của cái thời mà tất cả biến thành quảng cáo và mọi giá trị đều bị quy thành vàng thành tiền dù là tiền vàng dương gian hay tiền vàng âm phủ.

Dũng cảm lên con, để nhỡ khi không còn bố trên đời, con sẽ không hề lạc lõng trước những gì bố để lại cho con kể cả cái đói cái nghèo sự dày vò mệt mỏi bố từng vượt qua dù là bằng cách ngạo nghễ hay não lòng nhưng con không phải trả nợ cho bất cứ điều gì cho bất cứ ai và không xấu hổ về người đã trót sinh ra con.

Dũng cảm lên con, để mai sau nếu có khóc bên thảm án Lệ Chi Viên, con còn có nụ cười sáng lệ trước ngọn đèn xanh hoà mưa đêm2…Con sẽ cần tới lòng dũng cảm không chỉ để cõng nổi chiếc cặp sách quá tải trên lưng hay chịu đựng được ánh mắt của cô giáo khi chẳng chịu học thêm mà còn để có sức dùng được ngọn trúc của Ức Trai dò lòng suối tìm đến cánh rừng Mai nguyên thuỷ của Tình người…

Con cần đủ lòng dũng cảm để có thể hiểu thực chất hai chữ "đồng bào" chính là ý nguyện dâng hiến cao cả cho phần máu mủ ruột rà của con đang chịu bao khổ đau bất hạnh trong cuộc mưu sinh rủi ro và để biết căm giận những kẻ tham lam độc ác chà đạp lên đồng bào mình.

Lòng dũng cảm giúp con bớt nghĩ về bản thân để cảm thương hơn cho số phận cô con gái bé bỏng bị bão cuốn trôi giữa khi người cha lấn biển gian nan và khi đó con đã vô tình mang tâm hồn của Đức Mẹ Maria hay Đức Quán Âm Tống Tử khiến bố nghiêng mình trước con đúng hơn là trước cái lý do bố tồn tại trên cõi đời này.

Lòng dũng cảm cũng chính là khát vọng của con tìm lại những điều trong lành dường đang chạy trốn trong thần thoại cổ tích giúp bố vẫn là bố đi qua cái thời buổi mà sự đểu giả đốn mạt thường không bị trừng trị nhưng lòng dũng cảm nhỏ bé của con sẽ là đốm lửa nhỏ góp vào đống lửa của Lương tri đang phẫn uất cần được thổi bùng.

Sau này nếu con hỏi: con tiếp tục lấy đâu ra lòng dũng cảm? Con có cả cuộc đời trước mặt cộng với nỗi buồn và sự phẫn nộ của bố trước những gì đểu cáng để tìm câu trả lời…

Dũng cảm lên con !
____________________
1.   Ý thơ R.Tagore (Bé có hàng đống vàng đống ngọc/ Nhưng bé đã đến mặt đất này/ Như một kẻ ăn xin)
2.   Ý thơ Nguyễn Trãi

KHÓC CÙNG THẦN SIÊU
( Đọc bài thơ Nến khóc1 của cụ Nguyễn Văn Siêu)

Nơi quyền quý ấm áp, cụ ngồi thu mình trong một góc
“cười nửa miệng” để vờ vui, vờ tán thưởng
những câu đùa thâm thuý hay vô duyên
và chợt thấy mình vô duyên
giữa “cuộc vui tầm thường”
đành nhìn những ngọn nến nhỏ to sáng “tựa sao trời”
để hình dung ra chúng đang khóc
khóc cho sự vô vị của người đời trong “cuộc truy hoan”
dù những câu khen tặng nhau chẳng thua gì ngọc ngà gấm vóc!
khóc cho sự bất lực của một người muốn thoát ra khỏi sự vô vị ấy, sự vô vị có bao thứ đáng yêu làm bình phong
khóc vì cái mơ tưởng ánh sáng Phương Đông sao mà xa vời
khóc bởi trong thế gian này ánh sao băng của Cao Chu Thần thực hiếm hoi, và ánh nến đặt cạnh chỉ là đốm ma trơi
khóc cho chính mình chảy tan ra như "ngọc trai trong suốt"
mà chỉ để mua vui cho thiên hạ rỗi việc cười đùa, tán tụng và kê kích lẫn nhau
dò hỏi nhau vơ vét được những gì sau mỗi đại sự của quốc gia
nến chảy làm bỏng ruột bỏng gan người này
nhưng lại làm vui mắt kẻ khác
Nến cháy lụi tàn rồi
cái “vỏ hào nhoáng” mà nó phơi  ra trong ánh sáng cưỡng bức
cũng chợt biến mất
để lại "tiếng khóc cho đêm"
tiếng khóc còn nấc nghẹn đến tận giờ…
_________________
1. Thơ chữ Hán, do ông Nguyễn Tự Huy, hậu duệ của cụ Siêu dịch
* Trích trong ngoặc kép là ý thơ hoặc hình ảnh trong Nến khóc

GIỮA BẢN VẮNG

Tôi đã đi hết tuổi trẻ của mình
đi gần hết những đắng cay, tủi hận, khát thèm, mơ mộng
để đến với một bản hoang vắng bên sông Đà
để cảm thông hết với người con trai trong chuyện kể
sau nhiều tháng năm lặn lội đi tìm người yêu, tìm lại được nàng, sống cạnh nàng trong bảy ngày bảy đêm
rồi vỡ lẽ: nàng chỉ là một xác chết lạnh tanh…
để, giữa khi không còn cảm giác đói
thấm được vị ngọt đê mê của hạt gạo nương đầu vụ -
những hạt gạo đổi bằng máu của rừng, bằng thắt ruột
thắt gan chờ đợi, bằng cả sinh mệnh…
Mấy con khỉ mặt đỏ bạo dạn ùa tới những khu vườn
hoang, bới tìm củ đậu, quả cà, bắp ngô còn sót lại
Chàng trai đi cùng tôi định cầm hòn gạch vỡ ném đùa
Tôi ngăn lại, vì biết đâu, trong số những con khỉ ấy
có lũ con thơ buộc phải bỏ rơi trong rừng
bởi đôi vợ chồng xưa trong chạn không còn gì để ăn…
Tôi đã sống qua bao trăn trở, hoài niệm, khát khao bay bổng
quên rằng cái ăn là nỗi lo thường trực của nhiều người-
kể cả tôi
và tôi đã thi vị hoá cái nghèo, cái đói
tệ hơn, lẩn tránh vào sách vở và đủ loại triết lý siêu hình
Và cứ thế
tôi đến với hôm nay
với bản vắng
sắp chìm trong nước lạnh…

Thơ Nguyễn Anh Tuấn/ tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét