PHÂN TƯƠI TRONG THƠ CÁN BỘ TIỂU NÔNG
Nguyễn Hoàng Đức
Ở
Mỹ, hàng năm ngoài giải Oscar giành cho những tác phẩm xuất sắc nhất
của điện ảnh, người ta cũng còn trao giải cho những bộ phim quán quân
ngược – tức là phim tồi nhất, dở nhất, kém nhất. Nếu bình bầu thơ ở đâu
có trữ lượng phân tươi nhiều nhất, chắc không ai có thể giật giải quán
quân của hội thơ Việt Nam với câu:
- tôi mơ cứt ngập nhà anh
mai anh giàu trả hai mươi phần trăm
Nhưng đây không phải giải dở nhất mà là cao nhất của Hội Nhà Văn ViệtNam trao
mới đây. Đây là bằng chứng chứng tỏ giải thưởng thẩm xú cũng như phân
gio của thơ nước nhà cũng như cách tôn vinh xú uế lên thành thẩm mỹ, mà
còn được lĩnh giải cao nhất quốc gia, thì chỉ có thơ Việt Nammới có. Xét cả về óc thi hứng thẩm xú, lẫn trao giải thẩm xú, có lẽ chỉ ViệtNam mới có. Tôi viết bài này mong tìm hiểu căn cốt của việc này.
Theo
số thống thống kê mới nhất, người Việt vẫn còn từ 85 đến 90% là nông
dân. Nông dân có nghĩa là canh tác trồng trọt trên cánh đồng với phương
châm “nhất Nước – nhì Phân”. Phân rất quan trọng với nông dân, nó đứng
thứ hai ngay sau nước. Ngay trên đường số một, ra khỏi Hà Nội hơn trăm
cây số thôi, có chợ ven đường, người ta chở cả phân trâu bằng xe cải
tiến bán cho người cần. Ngay thủ đô, bên làng hoa Ngọc Hà, người ta bón
đầy phân tươi dưới gốc hoa, và còn triết lý “phân càng thối thì hoa càng
tươi”. Một lần tôi qua một chợ quê, con trâu vừa thải ra, liền thấy một
bà hạ ngay rổ xuống, bốc nhanh đến mức không kịp nhìn như thể bưng một
chiếc bánh ga tô lớn vậy, xong bà ta hạ nón trên đầu xuống đậy lên như
một thứ của quí và bước đi có vẻ hơi dấu giếm lại vừa hân hoan như bắt
được của. Tâm lý của bà nói lên điều gì? Rõ ràng bà đã kiếm được tí phân
cho cây trồng của mình.
So
sánh với nền công nghiệp hoa Hà Lan thì thấy, mỗi ngày người ta xuất
cảng hàng vạn công-ten-nơ hoa đi khắp thế giới, nhưng người ta bón bằng
phân vi sinh chứ không thể là phân tươi vắt vẻo bên gốc hoa.
Thơ Việt Nam cũng không ít lần dính phân, như:
- Dọn tí phân rơi,
nhặt từng ngọn lá.
Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô.
Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ! (Tố Hữu)
Hay là thơ Bút Tre:
Hoan hô đại tướng Chí Thanh
Anh về phân bắc phân xanh đầy đồng
Tôi
nghe kể lại, sau khi nghe hai câu này, Đại tướng bực mình lắm đã điện
thoại cho lãnh đạo tỉnh: các anh viết thế có phải tôi về đó ị bừa bãi
khắp nơi.
Nhưng
chữ “phân” ở trên vẫn là phân văn học, là phân khô, phân đã ủ, chứ
không phải phân tươi. Trong khi đó giải quán quân về phân tươi có lẽ mở
đầu là Xuân Diệu, khi bất lực trước trường ca đã la lên như khẩu hiệu
“ca ca – cứt cứt”. Đây rõ ràng là phân tươi trăm phần trăm.
Nhưng đến phân của TT mới thật sự là tươi, mà phân hiện thực đến độ khao khát mang cả vào trong mơ: tôi mơ cứt ngập nhà anh.Chắc TT nghĩ, người Việt bảo “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Khi tôi mong cho “phân”, nghĩa là tôi yêu anh lắm?
Căn
nguyên sâu xa của việc này là gì? Tôi có gặp một típ người, anh ta bàn
vào mọi nhân vật cao siêu nhất trên đời từ chính trị gia đến văn hào hay
họa sĩ thiên tài, nhưng cuối cùng anh bảo: “các ông ấy là vĩ nhân ư,
các ông ấy ị ra cũng là cứt giống như mình”. Ý anh ta muốn bảo: mọi vĩ
nhân cũng chẳng hơn gì mình vì người ta phóng uế ra cũng chỉ là phân.
Người
Trung Quốc có câu “người quân tử mong kéo người khác lên cao bằng mình,
còn kẻ tiểu nhân muốn lôi người khác xuống thấp như mình”. Ở đời khi so
sánh, người cao thượng khoe cái đầu rồi trái tim. Còn kẻ tiểu nhân lại
lấy phân ra để so rằng ai cũng thối như ai.
Thơ
của TT vừa khoe cứt, giấc mơ cũng cứt, rồi khoe nghèo để vạ vật ăn xin,
ăn giải như : tổ tiên chúng tôi không còn để lại dù là bát mẻ.
Trong
thơ, người ta phải thoát tục để vươn đến cao sang, ít học như dân làng
Cổ Nhuế chuyên buôn bán phân bắc mà cũng còn không nhắc đến phân:
- Thanh niên Cổ Nhuế xin thề
Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương
Đấy
chúng ta thử xem, họ đâu có nhắc đến phân hay phân tươi, chỉ cần dùng
chữ “sọt” như là biểu tượng người ta đã hiểu rồi. Họ là người kiếm phân,
buôn phân, sống với phân vậy mà họ đâu có muốn nhắc đến phân. Trái lại
mấy anh nhà thơ cán bộ tiểu nông lại còn thiếu phân đến độ phải mơ đến
phân tươi trong giấc mộng của mình.
Nhưng
thứ phân như thế lại có thể qua mắt ban giám khảo thì thật là tài! Tại
sao? Có phải người ta cũng quá gần phân và gắn với phân trong mỹ học
thẩm xú nên chẳng còn nhận ra mùi vị phân. Có một câu chuyện một lão
niên trí thức kể cho tôi:
Một
con trai nhà giầu kia, thường trốn bố mẹ vào chuồng xí để hút thuốc
phiện. Sau lớn lên, lúc giầu có, anh ta hút thuốc phiện thoải mái mà
không thấy ngon. Một lần anh ta phát hiện ra: bởi lẽ nó thiếu mùi chuống
xí. Thế là từ đó đi đâu anh ta cũng đem theo một cái hộp nhỏ có chút
phân tươi. Mỗi khi hút, anh ta lại mở cái hộp đó ra ngửi như là thuốc
hãm, và cảm thấy đã bội phần.
Hiện
thực một trăm phần trăm, những người sống khu ổ chuột nhiều năm rồi
cũng quen đi. Những kẻ tù đầy lâu cũng quen, đến mức không muốn rời khỏi
nơi tù đầy mà chỉ thích cuộc sông lầm lụi chui rúc. Và những kẻ sống
nhiều với điều xấu xa cũng quen đi… Các nhà thơ cán bộ sống bằng tem
phiếu của chúng ta có quen không khi họ chẳng bao giờ muốn bước ra khỏi
vòng hào quang dù chỉ tính bằng lạng của tem phiếu?! Một thứ thơ xú uế
đến vậy mà người ta không thể ngửi thấy mùi vẫn cho giải nhất, có phải
đó chính là “thuốc hãm” của họ? Hoặc là họ quen với việc trao giải xú uế
rồi?!
Sắp
lại đến kỳ ẵm giải. Không biết với cung cách cũ người ta liệu có đem
phân vào lĩnh giải, hay là muốn ẵm giải có phân không?! Này, xin học
cách làm thơ không phân của thanh niên ít học Cổ Nhuế nhá, nếu có thì
chỉ là phân khô thôi, đừng có là phân tươi mà khổ mũi người yêu văn thơ
lắm! Thơ giải nhất là phân tươi, vậy mà có một số nhà thơ khác lại tung
hê lên mây xanh, không hiểu các ông có tí tài cán nào về thơ không, và
thơ cái gì mà cũng đòi vỗ ngực dạy đời, còn bình xét người này biết làm
thơ, người kia đừng hòng làm thơ. Liệu có nên đáng thương cho những sọt
thơ bé tí như hộp hãm xú của mấy ông không? Và những sọt đó, chúng có
mùi gì?
NHĐ 22/06/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét