Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Thi sĩ ăn cơm kê vàng nổi tiếng vì bài thơ tím.



HỮU LOAN,
Thi sĩ ăn cơm kê vàng nổi tiếng vì bài thơ tím.


Vũ Bằng

Cho đến tận năm 1949, tôi thú nhận không biết Hữu Loan là ai cả. Về văn cũng như thơ, những cây bút ở ngoài kháng chiến vẫn là những cây bút cũ như Lý Văn Sâm, Bùi Hiển, Phan Du, Kim Lân, Nguyễn Tất Thứ, Lê Tam Kính, Thâm Tâm, Vĩnh Lộc, Hoàng Cầm, Trần Huyền Trân, Tô Hoài …Phần thì tin như thế, phần lại được nghe thấy các vị cao cấp, hồi đó bảo rằng muốn tạo một lớp thợ chỉ cần năm năm, chớ tạo một lớp văn nghệ sĩ phải mười năm là ít, tôi lại càng tin rằng các văn nghệ sĩ “mới lên” chưa có gì lạ lắm, cho nên thỉnh thoảng có đọc họ mà không mấy chú ý tìm cái hay của họ. Phần nhiều tôi chỉ đọc lướt qua cho biết đại khái ra sao. Tai hại là cái thành kiến của người ta : chính vì cái thành kiến ấy tôi đã đọc nhiều bài bây giờ mới biết là hay, nhưng chính vào lúc đó thì lại cho là xoàng không đáng kể. Nói riêng về thơ, tôi yên trí chỉ có thơ Thâm Tâm, Hoàng Cầm, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư … đọc được, nên mỗi khi xem “Văn Nghệ” hay các tờ báo khác thấy những tên như Hữu Loan, Trần Dần, Yên Thao tôi chỉ đọc phớt qua. Những bài thơ như : Quách Văn Kỳ, Cô gái Triều Tiên, Nhà tôi, Tình mi tau, những kịch như kịch Tây Thi … thuộc vào loại tôi đọc rồi quên ngay, không buồn nhớ làm gì .
Phải đợi đến 1950, 1951, nhân một sự tình cờ, tôi mới biết đến hai nhà thơ nổi tiếng là Hữu Loan và Yên Thao. Chính Tạ Tỵ, một hôm ngồi ở một trụ sở trông ra hồ Hoàn Kiếm đã đọc bài Yên Thao cho tôi nghe và tôi đã xúc cảm một cách thực thà. Còn ai đã nhắc cho tôi nhớ bài “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan hiện nay thì tôi quên mất. Đặc biệt là lúc ở hậu phương tôi đã đọc bài “Quách Văn Kỳ” và cả bài “Mầu Tím Hoa Sim”, nhưng phải nói thật rằng phải đợi đến năm 1951 tôi mới thấy Hữu Loan là một thi sĩ “của một bài thơ” đã làm cho lòng tôi rung động.
Nhớ lại một câu chuyện cũ của
Một anh bạn kháng chiến nói về HỮU LOAN.

“ Ngày hợp hôn …
Nàng không đòi may áo cưới,
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn hành quân.

Nàng cười xinh xinh.
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về.
Cưới nhau xong là đi “

Lúc ấy, tôi mới đem thơ “Mầu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan ra đọc lại và cũng đến lúc ấy tôi mới thấy quả tôi là một thằng ngu và bướng, nạn nhân của chính thành kiến của mình. Đến cái địa hạt văn nghệ, âu là mình cứ thành thật là hơn, nguyên hồi đó tôi vẫn tự phụ là người xem văn sành. Tôi yên trí rằng mình đọc một bài văn mà cho là hay thì thiên hạ cũng sẽ cho là hay, mà mình đọc một bài văn hay một bài thơ mà chữ xoàng thì thiên hạ chắc chắn sẽ không buồn để ý. Sau khi đọc lại bài “Mầu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, tôi tỉnh hẳn và thấy rằng “thiên hạ” đọc văn mới sành và chính tôi tưởng tượng là mình sành thơ văn, mà hóa ra đi sau thiên hạ, đợi cho thiên hạ bảo là thơ hay, văn hay mình mới cảnh giác mà biết là hay, là đẹp.
Rất có thể có người cho như thế là “ không có lập trường vững chắc, a dua, ba phải “ và cứ nhất định kiên trì trong ý kiến nguyên thủy của mình, không chịu theo ai. Những người như thế có ý nghĩ riêng của họ và chưa biết chừng cứ bướng như thế cũng có lẽ phải riêng của họ. Riêng tôi không thế : biết là mình ngu, mình lầm thì nhận ngay; mặt khác thơ văn mà hay thật thì mình phải nhận là hay chứ không phải vì lòng tự ái của riêng mình mà nhất đản chê là dở. Phải nói thật : tôi không chịu thơ Xuân Diệu. Thơ, theo tôi, phải có hình tượng, phải cô đọng chớ không thể lòng thòng, thơ Xuân Diệu nhiều lời mà ý ít, nhưng tôi chịu Xuân Diệu đã bình phẩm thơ Hữu Loan rất đúng : “thơ của Hữu có hơi thơ Đổ Phủ”.

“ Từ chốn xa xa nhớ về ái ngại,
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại .
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh,

Trong suốt bài “Màu Tím Hoa Sim”, cũng như trong bài Quách Văn Kỳ, Tiếng Chuông Nhà Thờ, Hữu Loan đều nói một giọng mộc mạc, thật thà như thế, gần như không gọt rũa, đó đã tạo cho thơ của Hữu Loan một nét độc đáo, một chất thành thật lạ thường, khiến cho người đọc thấy lòng tê tê, thương cảm. Giá trị thơ của Hữu Loan chính là ở chổ đó và cái giá trị đó còn đáng lưu ý hơn lên một tầng nữa là văn anh thành thật như óc của anh vậy “ nông dân y như người anh vậy “.
Danh từ nông dân mà tôi dùng đây không phải là của tôi nhưng là do hai người bạn rất thân với Hữu Loan đã dùng khi nói chuyện với tôi về tác giả Màu Tím Hoa Sim : một anh chàng cùng quê, cùng học và cùng sống với Hữu Loan trong thời kỳ tiền kháng chiến chống Pháp và một anh đã sống với Hữu Loan trong thời kháng chiến và đã được Hữu Loan tự tay viết bài Màu Tím Hoa Sim lên một cây quạt để tặng đem về thành …
Vậy Hữu Loan là người thế nào ?
Tình tiết đúng nhau cả, chỉ có tuổi thì lơ mơ .
Cũng như đa số các anh em văn nghệ khác, hai anh bạn, khi nói đến tuổi Hữu Loan không nói đến tuổi tây, nhưng lại tính theo thập nhị can : tí, sửu, dần, mão … Theo anh L.K.T. Hữu Loan tuổi Dậu (năm nay 51) bằng tuổi Trần Quang Dũng, còn anh H.S.T. thì lại cho biết Hữu Loan tuổi Mùi (năm nay 53), dù là Dậu hay Mùi thì Hữu Loan năm nay cũng hơn 50 rồi, đầu hai thứ tóc, chớ không thuộc vào cái lớp “lớn lên trong kháng chiến” như một số người yêu thơ vẫn tưởng.
Anh cao chừng 1 thước 65, nước da bánh mật, hai răng cửa rất thưa, cử chỉ hiền lành một cách lạ, tiếng cười, tiếng nói hoàn toàn nhà quê không phân biệt rõ rệt được dấu hỏi và dấu ngã. Cái vật chất ấy đã tạo cho anh một tinh thần kiên nhẫn mà anh em đều mến phục, kiên nhẫn học hỏi, kiên nhẫn chịu nghèo đói chớ không mảy may nghĩ đến chuyện xoay xở hay lợi dụng thời cơ, kiên nhẫn chịu đựng các thử thách của nhiều người chung quanh, vì không kham được tính thành thực đến ngổ ngáo của anh đã tìm các cách để đày ải anh, hãm hại anh, mong cho anh chết trong thời kỳ kháng chiến.
Ngồi trên chổi lúa ăn cám mà vui như ăn cỗ .
Tự học đến bằng thành chung, rồi đậu Tú Tài phần thứ 1, Hữu Loan phải nghỉ học, không thi nốt phần 2 chính là tại gia đình anh nghèo quá. Lấy nghề dạy học kiếm tiền nuôi gia đình, anh dạy Pháp văn ở trường Nhà Chúng (sau trường nầy đổi tên ra là trường Lê Bảo Tịnh) ở Thanh Hóa, cùng lần với Phan Ngọc Hoan (Chế Lan Viên) dạy Việt văn. Trong thời gian nầy theo anh bạn chí thiết của Hữu Loan mà tôi nói ở trên kia Hữu Loan có 2 điểm đặc biệt : một là dạy tiếng Pháp thì lúc nào cũng đề cao La Fontaine là nhất thế giới không có nhà thơ nào tài bằng, hai là dạy học kiếm được tiền mà lúc nào cũng túng thiếu, nếu không muốn nói là đói khổ.
Ta đã biết cái đói khổ của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Khổng Dương, Vũ Trọng Can ra sao rồi. Đến cái đói khổ của Hữu Loan hồi năm 1945 thì có thể nói là “vượt bực”. Một anh bạn chơi thân thiết với anh từ lúc nhỏ bây giờ vẫn kể chuyện mà không cần dấu diếm vì cái nghèo có phải là cái xấu đâu
- Rằng có một hôm đến thăm Loan đã thấy anh ngồi trên một cái chổi lúa ăn cám thay cơm, thấy bạn vào anh vẫn ăn như thường và nói đó là cơm kê vàng “ngon lắm”, nói một cách thành thực tin tưởng chớ không phải nói để thi vị quá cái nghèo của mình, nói để che đậy nổi khổ của mình. Anh nói thế và ăn tiếp, ăn một cách ngon lành, ăn một cách thú vị như một người nhà quê đi ăn cỗ lòng dấm vậy.
Độc đáo, cái gì cũng muốn độc đáo .
Đó là một người chất phác, không có mặc cảm một ly ông cụ. Nghĩ cái gì, nghĩ thế nào thì cứ nói huỵch toẹt ra như thế, chứ không có đắn đo chi cả. Chính điểm đó làm cho anh thành một người độc đáo như anh đã viết trong thơ: /Nàng cười xinh xinh/ Bên anh chồng độc đáo.
Hữu Loan độc đáo từ cái tên ký ở dưới các bài anh viết. Trong báo “Đời Mới” số 99-100 Minh Đăng Khánh viết một truyện ngắn về “Cánh Hoa Sim” với một giòng đề tặng : “Anh Hữu – mến tặng tình anh trong Màu Tím Hoa Sim “ chính đã gọi cái tên cúng cơm của Hữu Loan ra. Hữu  Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, nhưng trong các bài thơ, văn, truyện ngắn anh viết đều chỉ ký một chữ cụt lủn là chữ HỮU.
Hỏi tại sao lại thế thì anh nói :
Văn nghệ sĩ các anh không độc đáo tí nào. Cái gì cũng bắt chước Tàu, ký bút hiệu bao giờ cũng dùng hai chữ : Mai Nhại, Thượng Chi, Nhượng Tống, Minh Viên … tôi không bắt chước ai cả, tôi ký là Hữu. Về sau nầy, có một vài bài của Loan ký là Phương Hữu (2 chữ) nhưng không phải là anh thay đổi ý kiến, mà chỉ vì hồi đó anh hợp tác với một người bạn tên là Phương, bút hiệu Hùng Nguyên.
Độc đáo từ cái tên, tất nhiên làm văn, viết thơ, anh cũng đi tìm cái gì độc đáo và anh tin rằng mình độc đáo mới “đúng lý” vì nói cho thực Hữu Loan là một típ người tin tưởng ở mình không chê được, tin tưởng đến cái mức không coi những người có quyền thế lúc bấy giờ không ra cái nỡm gì, hơn thế tin tưởng ở lẽ phải, ở lòng ngay thẳng của mình đến cái độ không sợ chết, thách người khác dám giết mình, thách người khác dám “chơi” mình.
Có một lúc Hữu Loan sau những giờ dạy học, thường đến viếng một vài người bạn làm tờ “Tiến” và “Ngày Mai” ở Thanh Hóa có khi ngủ lại đêm ở tòa báo. Hữu Loan đọc văn, thơ gửi đăng hai báo đó, nói “toạt móng heo” mà không sợ anh em buồn “
“Viết thế nầy thì ai chẳng viết được. Tao viết còn hay bằng mấy … Còn thơ nữa ! Dở ẹt ! Để tao làm thơ cho chúng mày coi.”
Về nhà Loan làm bài thơ thứ nhất chìa cho 2 anh chủ bút và chủ nhiệm coi, thì cả chủ bút lẫn chủ nhiệm cười hô hố bảo :
“Thơ mẹ gì lại tích tịch tình tang như là truyện Thạch Sanh.
Thôi mầy về, dạy Fables de la Fontaine đi ,chớ làm thơ thế nầy thì có khi mầy gây ra án mạng vì có người cười mà chết.”
Uất quá, Hữu Loan đi về, nhưng không nản chí, cứ làm thơ, viết văn cho tới ngày Việt Minh khởi nghĩa, anh thủ một vai trò quan trọng với mấy anh em thân thiết khác ở Thanh …
Độc đáo cả cách chửi .
Cái tính cách độc đáo của anh không vì lẽ phải hòa mình vào tập thể mà bị tiêu ma hay giảm thiểu. Hữu Loan ở với kháng chiến vẫn cứ độc đáo như thường.
Trong thời gian nầy, người quen biết Hữu Loan còn nhớ ba vụ chửi độc đáo của Hữu Loan.
Một là vụ Hữu Loan chửi anh L.T.Đ. giử một chức lớn ở Thanh Hóa lúc bấy giờ, nguyên L.T.Đ xuất thân chỉ là một thư ký hạng bét, nhân cách mạng làm to. Thấy Hữu Loan túng thiếu Đ. mời Loan lại biếu tí tiền xài đỡ. Cứ tưởng thầm là Loan sẽ nhận liền và cảm ơn vạn bội, không ngờ Loan vứt tiền xuống đất chửi Đ. một trận ê chề :” Mầy bất quá chỉ là tên ký quèn, tao chẳng ra gì cũng là giáo sư, đừng có lên mặt. Cách mạng mẹ gì mầy ! Chưa làm đã đớp tiền của dân, rồi còn làm mặt bảnh thi ân, thi nghĩa ! “
Hai là việc Hữu Loan chửi một ông Đại Tá chính ủy liên khu 4. Nguyên lúc đó Hữu Loan làm báo “Chiến Sĩ” một tờ báo của quân đội liên khu 4 . Chủ nhiệm tờ “Chiến Sĩ” là Đ.V.V. con rễ ông K.H.K. em của Thượng tọa T.M.C. bây giờ, bấy giờ Loan làm chủ bút . Vinh là bạn của tướng N.S., vì muốn tăng giá báo một hôm Loan đem một bức thư đến cho T.V.Q. lúc ấy là Đại tá chính ủy liên khu 4 . Vì tính Loan ngay thẳng, không quỵ lụy, bợ đỡ Q. không bằng lòng, lấy tay gạt lá đơn của Loan rớt xuống đất.
Thế là Loan “sửng cồ” chửi luôn không nể nang gì cả, mà cũng bất cần cả hệ thống quân giai. Q. rút ngăn kéo lấy súng ra dọa bắn, Loan càng chửi hăng hơn, chửi với đủ thứ danh từ nặng nề, chửi có sách, có vần như đàn bà. Bao nhiêu người đứng ở đó đều sợ xanh mặt và lôi Loan ra ngoài, nhưng anh không chịu, còn phanh ngực áo ra và bảo Q. :
“Mày là quan lớn, tao là thằng lính, tao thách mầy dám bắn tao, mầy không dám bắn tao thì mầy chỉ là con chó ăn cứt !”.
Thế mà Q. không dám bắn thực. Những người biết Loan quả quyết nếu Q. bắn chết anh, anh không cầu, chết thì thôi, nhưng cần nhất là phải chửi cho thật sướng.
Hữu Loan nổi tiếng vì chửi dai, chửi tục, chửi văng mạng. Chính vì chửi L.T.Đ. anh biết mình không thể làm to, nên bỏ chức Trưởng Ty Thông tin đi làm lính quèn. Sau vụ chửi T.V.Q. Loan bị đày vào liên khu 5 đi tác chiến ở những nơi đèo heo hút gió, ma thiêng nước độc, nhưng chính nhờ vậy mà thi tứ anh dồi dào, ý thơ anh hàm súc , do đó viết được một tiểu thuyết có tiếng về Thượng nhan đề là “M’nong” và nhiều thơ khi ở Dakto, Daksut, trong đó có bài Đèo Cả, có nhiều câu bi hùng như thơ Đổ Phủ mà tiếc đến nay không ai nhớ hết.
Ba là vụ Hữu Loan chửi tướng N.S., lúc ấy Loan làm báo, một hôm tướng S. mời sang ăn cháo gà, ở ngoài đó đãi ăn cháo gà là nhất. Có vài bạn văn nghệ dự, trong đó có H.T.N., ĐT.M. Đến nơi H.L. hỏi S. :
- Hôm nay có việc gì mà anh cho gọi tôi sang ?
- Sang nói chuyện và ăn cháo, chớ không có gì lạ cả !
Thế là Loan sa sầm mặt lại nhất định không ngồi thêm một phút. Về đến nhà, Hữu Loan nói với H.T.N. :
“Tôi không ngồi ăn với đồ chó ấy được. Lính thì mỗi ngày quần một ngắn, đói bỏ cha , bỏ mẹ đi ấy thế, mà chúng ăn cơm phè phởn chưa đủ, lại còn ăn cháo gà ! Anh có trông thấy vợ nó không ? Mặc sang như bà hoàng, còn cửa sổ nhà nó thì treo toàn nhung lụa … không biết nhục !
Về sau nầy H.T.N. lúc vui chuyện nhắc lại vụ nầy cười mà bảo : “Thực ra thì nhà S. có cái gì là nhung lụa đâu, có mấy miếng vải hoa che cửa sổ cho người lạ khỏi nhìn vào. Nhưng Hữu Loan tính nó như thế, nó trông thấy thế, không chửi không được, chứ đừng nói ngồi lại mà ăn …
Thì ra chửi cũng là một  “đặc trưng “ một cái gì độc đáo của Hữu Loan. Cố nhiên một người như thế không thể nào sống theo nguyên tắc qui củ được. Bởi vậy người ta hiểu tại sao lúc làm Trưởng ty Thông tin, anh được đề nghị làm Chính ủy Trung đoàn 77 lại nhất định không chịu, lại cứ nhất định xin làm lính.
Đó lại là một cái khía cạnh độc đáo khác, mà anh em đến bây giờ … dù cách trở núi sông đến ngần nào vẫn nhớ anh và thương anh chất phác, nóng tính nhưng đáng yêu hết sức, vì thành thật.
MÀU TÍM HOA SIM là sự thật từ đầu đến cuối .
Bài thơ MÀU TÍM HOA SIM là điển hình cho tính chất chất phác. Thành thật đó. Suốt từ chữ đầu cho tới chữ chót Hữu Loan đã nói lên cái đau khổ của người chết vợ, chết mà không được nhìn mặt nhau :

Tóc nàng xanh xanh.
Ngắm chưa đầy búi.
Em ơi ! giây phút cuối .
Không được nghe em nói.
Không được trông thấy nhau một lần …

Người vợ chết mà “không được trông thấy nhau một lần” nói trong bài Màu Tím Hoa Sim là cô L.T.N. con gái ông L.Đ.K. tham tá thủy lâm, lúc ấy làm ủy viên tỉnh, đại diện huyện Quãng Xương, biết Hữu Loan túng thiếu, ông K. tìm cách giúp đỡ bằng cách nhờ kèm hai con ông (sau khởi nghĩa hai người con nầy làm Trung đoàn trưởng). Ông bà K. không hơn tuổi Hữu Loan  bao nhiêu, ông vẫn kêu ông bà K. là anh chị. N. là học trò của Hữu Loan. Lúc lấy chồng N. mới có 17 tuổi, lấy chồng được hai hôm thì chồng lên Việt Bắc, để vợ ở nhà, hai người anh của N. đi chiến đấu xa, cho nên trong thơ mới có câu :

Một chiều rừng mưa
Hai người anh từ chiến trường xa vắng
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về, rờn rợn nước sông .
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng trông ảnh chị .

Tôi không biết tên cả hai người anh đó, chỉ nhớ một người tên là Khôi. Theo anh bạn L.K.T. thì cô L.T.N. vợ Hữu Loan đã mất trong khi ngồi giặt trên một bờ sông trên con đường từ đập Bái Thượng về Thanh Hóa.

Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Màu tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt …

Về đến nhà , nghe tin vợ mất, Hữu Loan đã làm bài thơ Màu Tím Hoa Sim và người được nghe đầu tiên bài thơ nầy do chính Hữu Loan đọc một cách thực thà, không trầm bỗng chút nào, chính là H.T.N. Sau nầy anh H.T.N. tả lại lúc Hữu đọc thơ nầy, cho biết là Hữu Loan vừa đọc vừa run cả chân tay lên, tay cầm cốc sữa mà đổ cả hết ra ngoài không biết .
Còn anh L.K.T. thì được biết bài Màu Tím Hoa Sim sau khi Hữu Loan đi thăm mộ vợ về. Hữu Loan ở lại chơi với L.K.T. một đêm, sáng hôm sau dậy sớm đi, không nói, không năng gì cả, chỉ để lại cái quạt tự tay chép bài Màu Tím Hoa Sim gửi anh chị L.K.T.
Loan nó còn một cái độc đáo nữa, anh có biết không ? Là lúc nào trong ba lô của nó cũng có vài cái quạt giấy, nó viết thơ của nó trên quạt, lặng lẽ để đấy, tặng bạn rồi đi, không nói với ai một lời.
Sau bài MÀU TÍM HOA SIM có gì lạ ?
Sau bài Màu Tím Hoa Sim được ít lâu, về ý thức hệ Hữu Loan có thay đổi, nhưng chuyện đó không cần nói. Chỉ biết rằng hương hồn người vợ bé nhỏ của anh đã đi vào trong văn học sử. Cơn sầu của nhà thơ Hữu Loan được coi là tha thiết không kém chi cái sầu của Đường minh Hoàng sau cái chết của Dương Quí Phi, một cái sầu “ mang mang vô tuyệt kỹ”, mặc dầu trước đó anh đã có một mối sầu khác về tình duyên với cô L. ái nữ của bà Cai Lài bị bịnh phổi mà mất trước khi làm lễ cưới và mặc dầu sau cô L.T.N. anh đã làm bạn với một người vợ khác, em của anh P.N.T. làm cô giáo. Hữu Loan là con một. Đến năm 1952, lúc tôi rời kháng chiến về thành, Hữu Loan chỉ mới có một con gái. Không biết bây giờ đã có con trai chưa và cũng không biết anh đã hết cái chặng đời vất vả về tình duyên chưa.

Vũ Bằng.
From trannhuong.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét