Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Giới thiệu các luật thơ, thể thơ VN/ Bài 6/

 Hoàng Xuân Họa biên soạn
Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành 2004

PHẦN 13
CHƠI CHỮ TRONG CÂU ĐỐI, TRONG THƠ

*Trong câu đối:
Ðôi câu đối chửi tên quan tham nhũng Từ Ðạm:
- Kiếp trước mơ màng con đĩ Ðạm
Ðời sau gặp gỡ bố cu Từ (Ðạm Tiên - Từ Hải).
- Phên đan mắt cáo mèo chui lọt
 Nghé lội ao sen ngó nổi lên. 
(KD)
 - Mặc áo giáp, dải cài chữ đinh; mậu, kỷ, canh khoe mình rằng quý
 - Làm đĩ càn, tai đeo hạt khảm; tốn, ly, đoài khéo nói rằng khôn.
(Câu đối của Hồ Xuân Hương).
* Chơi chữ trong thơ:
Ðền ngọc sơn (đọc xuôi) 
Linh uy nổi tiếng thật là đây
Nước chắn, hoa rào một khoá mây.
Xanh biếc, nước soi hồ lộng bóng,
Tím bầm rêu mọc đá tròn xoay...
Canh tàn lúc đánh chuông âm tiếng
Khách vắng khi đưa, xạ ngát bay...
Thành thị tiếng vang dồn thích thú,
Rành rành nọ bút với nghiên này.

Ðền ngọc sơn (đọc ngược) 
Này nghiên với bút nọ rành rành
Thú thích dồn vang tiếng thị thành.
Bay ngát xạ đưa khi vắng khách,
Tiếng âm chuông đánh lúc tàn canh.
Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím,
Bóng lộng hồ soi nước biếc xanh.
Mây khoá một rào hoa chắn nước
Ðây là thật tiếng nổi uy linh.
(Tình Sĩ Tử)

Mừng Cháu đích tôn tròn một tuổi
Ðích đích tôn tôn trọn tuổi rồi
Ông ông cháu cháu nụ cười tươi
Già già trẻ trẻ cùng sung sướng
Tháng tháng năm năm thật tuyệt vời
 Mẹ mẹ cha cha cùng phấn khởi
Hàng hàng xóm xóm cũng sang chơi
Mong mong mỏi mỏi mau khôn lớn
Óc óc tim tim dựng cuộc đời.
(Lê Bầu)
Bài “Ðền ngọc sơn” tác giả xoay tiếng “này” lên đứng đầu và cứ thế cuốn chiếu đọc ngược lại vẫn đủ ý tứ. Bài sau của Lê Bầu nếu bỏ những từ láy đi thì chỉ là bài thơ 5 chữ. Mới thấy chơi chữ, “chơi” thơ cũng lắm công phu.

PHẦN 14
CÁCH NÓI QUÁ SỰ THỰC

* Ngoa dụ:
Một thủ pháp nghệ thuật dựa trên cơ sở phóng đại, cường điệu khi miêu tả:
- Lỗ mũi thì tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo tơ hồng trời cho...
- Con rận bằng con ba ba
Ðêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh...
(Ca dao)

* Nghịch lí:
Trong sáng tác văn học, nghịch lí là những điều miêu tả trái với lẽ thường, một biện pháp gây ấn tượng bất ngờ, phi thực:
- Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong...
- Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi...
-Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu...
(Ca dao)

* ẩn dụ: Nói cái này lại ám chỉ cái kia:
- Hôm qua em mất váy thâm
Hôm nay lại thấy anh cầm ô đen!...
(Ca dao)
-Anh đến vườn hoa thì hoa đã nở
Anh đến bến đò thì đò đã qua sông.
(Dân ca Nghệ An)
- Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
- Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
 (Hồ Xuân Hương) 
-Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bỗng chốc tay.
(Chiêu Hổ) Ði CâuThừa nhàn lắm lúc tớ đi câu,Biết cả các loài ở cạn sâu:Lũ bống xơi ngầm im phăng phắc, Ðàn mương ăn bẩn đến nhâu nhâu.No mồm chú ếch ngồi phùng má,Ðói bụng cu lươn rúc lấm đầu.Mồi mắc bởi chưng ăn xộp quá Không tham chưa dễ hại gì đâu.
(K.D.)

PHẦN 15
KHOÁN THỦ 

Tất cả các tiếng ở đầu mỗi câu thơ khi đọc xuôi xuống đều mang một ý nghĩa mà nhà thơ đã định sẵn như một dòng tên người, một câu khẩu hiệu, một câu châm ngôn hoặc một câu nói nổi tiếng.
Thập kỷ 60 thế kỷ 20, từ bờ nam sông Bến Hải trở vào Nam Bộ tạm thời bị sự cai trị bằng lưỡi lê của lính Mỹ và chế độ hà khắc Ngô Ðình Diệm. Nhân dân miền Nam vẫn hướng về miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, hướng về cụ Hồ bằng cách bảo nhau cùng treo bức tranh “Ông già câu cá” của một nghệ sĩ dân gian có đề bài thơ tứ tuyệt như sau:
- Cụ già thong thả buông cần trúc
Hồ rộng thênh thang mặt nước bằng
Muôn vạn đài sen đua lóng lánh
Tuổi già vui thú với non sông.
Một tên mật vụ có chút hiểu biết về thơ phú phát hiện ra, y báo cấp trên của y ra lệnh tịch thu và cấm nhân dân treo bức tranh và bài thơ trên. Bức tranh bị cấm nhưng 4 câu thơ thì đã đi vào lòng người.
Còn nhiều bài thơ chơi chữ theo lối khoán thủ. Xin giới thiệu thêm bài thể Ðường luật:
Gửi Bạn
Nhất sinh tôi bác biết nhau rồi,
Ðịnh đoạt hơn thua phó mặc trời.
Chúng mải công danh ky cóp chạy,
Ta nhìn mây nước nhẹ nhàng trôi.
Theo quan, ngán bấy câu chè lá!
Về xã, buồn thay cảnh thịt xôi.
gậy theo trăng vào quán trọ,
Ninh trà, nạp thuốc, chuốc nhau chơi!
(Quả Ngôn, một nhà nho trước 1945).
Bỏ âm h ở từ Ninh đi, đó là chữ Nin: “Nhất định chúng ta theo về Lê Nin. (Tiếng Trung Quốc phiên âm tên lãnh tụ Lê Nin là Lệ Ninh).

PHẦN 16
MỘT HÌNH THỨC THƠ ĐỘC ĐÁO,
DẠNG TẠO MÔ HÌNH

Kiểu trình bày bài thơ “hình phễu” của nữ sĩ Ngân Giang thật lạ. Bà sử dụng vần a: “gà, pha, hà, nga, hoà, ta” xuyên suốt bài thơ một cách tài tình, các dòng thơ dưới dần ngắn lại xếp thành “lục - nhất lệch: 
Ðường   về   tre   xanh   rợp  lối
Suối khe văng vẳng canh gà
Tình thương dài sử sách
Ngọc đá cũng phôi pha
Niềm  tin  bất  diệt
Gắn  bó sơn  hà
Như Ðường nga
Tâm huyết
Chan hòa 
Bạn
Ta
Lệnh Hồ Sở, tể tướng thời nhà Ðường, ông là bạn thân của Bạch Cư Dị. Lệnh Hồ Sở trình bày một lối thơ “hình tháp, cũng là một kiểu chơi chữ “nhất - thất lệch. Mới biết “chơi” thơ cũng lắm công phu (dẫn theo Phan Văn Các):
Non
Chất ngất
Chon  von
Xanh biển biếc
Bạc   mây   vờn
Thương lão sâu ẩn
Tạ  công   xa   vườn
Ðá  xưa  khe  róc rách
Thung vắng, chim ríu ran
Rừng  rậm  chạy dài ải lũng
Vượn kêu thấu suốt Kinh man
Người tục chết già trong gấu váy
Hươu  nai  tận  hưởng  cỏ hoa thơm
(Phan Văn Các dịch)

Chịu ảnh hưởng từ những phương pháp ngoa dụ, nghịch lí, ẩn dụ, chơi chữ trong ca dao dân gian, nhiều nhà thơ nửa cuối thế kỷ 20 đã sáng tác được những câu thơ khá hay cho nền thơ Việt Nam:
-Trời thì xanh như rút ruột mà xanh
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc.
(Thi Hoàng)

- Ðừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về, dẫu chỉ đò không cũng chìm...
(Ðồng Ðức Bốn)

- Muốn trèo lên nắng mà đi
Muốn đu lên gió mà về với nhau...
(Ðỗ Trọng Khơi)

- Gió không phải roi mà vách núi phải mòn
Em không phải chiều mà nhuộm anh đến tím...
(Hữu Thỉnh)

- Ðường số một chạy dài theo biển
Biển mệt nhoài nằm thở ở Nha trang
(Hữu Thỉnh)

- Mẹ mượn Ðèo Ngang buộc một đầu guốc võng
Cột gỗ nhà ta, một đầu võng kẽo cà...
(Nguyễn Hữu Quý)

- Giọt chuông Thiên Mụ rơi thầm
Ðưa đây nỗi nhớ anh cầm, Huế ơi...
(Trương Nam Hương).

- Sông Hương hoá rượu cho anh uống
Tất cả đền đài nghiêng ngả say
 (Nguyễn Trọng Tạo)

/ CÒN TIẾP/
hxh.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét