Vào dịp cảm cúm,
không còn "địa chỉ trên yên xe", tôi mới có thời gian ngồi giở đọc tập
thơ "Gió làng ta xanh ngát" mà họa sĩ - nhà thơ Trần Nhương tặng tôi trong
dịp Nguyên Tiêu vừa rồi. Một phần cũng bởi vì, thú thực là tôi không thích thơ
Trần Nhương bằng tranh của ông... Nhưng lúc này, đặc biệt là khi dừng lại trước
bài thơ "Vớ vẩn thôi mà" trong tập, tôi không cưỡng nổi cái cảm xúc
chợt tái hiện lúc ông tặng thơ... Nhìn thấy tôi một tay xách máy quay một tay
giữ chặt con gái nhỏ len lỏi giữa đám đông ngày Thơ VN ở Văn Miếu, Trần Nhương
đang ngồi vẽ chân dung gọi giật lại và bảo: "Chú em vẫn có bài cho
trannhuong.com đây, bác tặng chú tập sách mới!" Khá nhiều người vây quanh một
chiếc bàn nhỏ kê sát gốc cổ thụ, kèm vài chiếc ghế nhựa. Trên cây có treo tấm bảng
nhỏ, chữ nắn nót.... Đó cũng là hình ảnh của ông trong ngày thơ VN tại đây bắt
đầu từ năm ngoái: ông vẽ ký họa chân dung-truyền thần tặng cho những ai mua thơ
của ông... Lúc đó, tôi bỗng xót xa nhớ đến bố tôi, một họa sĩ mà cực chẳng đã từng
nhiều lần phải lặn lội tứ phương vẽ tranh truyền thần để kiếm sống, nuôi một
đàn con qua bao thăng trầm chiến tranh, loạn lạc, cơm áo gạo tiền... Tôi chưa muốn
nói đến tranh chân dung của họa sĩ - nhà thơ Trần Nhương giống hoặc có hồn của đối
tượng nhiều hay ít, bởi điều đó sẽ là vô nghĩa: ở trong bối cảnh tất cả mọi
người như đang nhao nhác đi tìm một cái gì mà mình cũng không rõ, giữa cái dư
thừa ngồn ngộn cho con mắt và ấn tượng, thì có một người chìm đắm trong niềm mê
say của riêng mình, với công việc của một con ve sầu từng bị nhà thơ La Fontaine
châm biếm chỉ trích đến sâu cay trong truyện ngụ ngôn "Ve và kiến" (La cigale et la
fourmi)1... Cách đây hơn hai chục năm, có một sinh viên khoa
biên kịch trường ĐHSK-ĐẢ Hà Nội làm kịch bản phim hoạt hình tốt nghiệp chuyển
thể truyện ngụ ngôn này, đến hỏi ý kiến của tôi. Tôi đọc rồi bảo: nếu em cố
tình giữ nguyên ý tưởng của nhà văn Pháp này thì cũng tốt; nhưng sao không đặt
lại vấn đề: trong suốt mùa hè, nếu không có tiếng ve kêu, cuộc tìm kiếm miếng
ăn của đoàn kiến sẽ nặng nề chật vật thêm biết bao nhiêu! Với lại, như một sự
phân công xã hội- chưa cần nói đến khái niệm to tát "sứ mệnh", mỗi
công việc đều có một ý nghĩa riêng, cần thiết, không thể thay thế được cho
nhau... Tôi còn kể cho cô nghe câu chuyện về "Con Ve vĩ đại" Molier do
bố tôi kể lại và chúng đã in đậm suốt tuổi thơ tôi đến tận giờ (xin lỗi vì lại
nhắc đến bố tôi), nhà viết kịch lớn này đã ném vào mặt những kẻ chê cười hài
kịch bằng những lời phẫn nộ: "Các vị cứ khinh miệt đi, cứ riễu cợt đi!
Nhưng nên nhớ rằng: nếu không có những trận cười nghiêng ngả sân khấu, không có
những niềm vui hả hê và sự xấu hổ nhục nhã sau những trận cười đó, xã hội sẽ
trở nên trống rỗng, cái ác sẽ có cơ hội nảy nở như nấm...." (Tôi không còn
nhớ nguyên văn, nhưng nội dung chắc chắn là thế). Nhưng sau lần góp ý kịch bản,
cô sinh viên đó biệt tăm! Sau này, tình cờ tôi được biết cô đã trở thành một nữ
nhà thơ có tên tuổi. Không hiểu, trong thân phận của một "Con Ve"
theo hình tượng mà nhà văn cổ điển Pháp miêu tả, cô có lần nào ngẫm nghĩ về
cách đặt vấn đề ngược kia của tôi?
Còn giờ đây, tôi đã nhìn thấy, nghe thấy "Con ve sầu Trần Nhương múa, hát". Mới đầu, nhìn tấm lưng già nua gò xuống miệt mài với từng nét vẽ, tôi se lòng thương ông.... Nhưng ngay sau đó, tôi thấy mình vô lý! Ông làm công việc mà không ai có thể làm thay ông. Và theo ông, nó cũng chỉ là công việc "vớ vẩn". Sự "vớ vẩn" đó, được nhà thơ-họa sĩ đặt trong cả một hệ thống như thế này:
Còn giờ đây, tôi đã nhìn thấy, nghe thấy "Con ve sầu Trần Nhương múa, hát". Mới đầu, nhìn tấm lưng già nua gò xuống miệt mài với từng nét vẽ, tôi se lòng thương ông.... Nhưng ngay sau đó, tôi thấy mình vô lý! Ông làm công việc mà không ai có thể làm thay ông. Và theo ông, nó cũng chỉ là công việc "vớ vẩn". Sự "vớ vẩn" đó, được nhà thơ-họa sĩ đặt trong cả một hệ thống như thế này:
Nào những
danh gia vọng tộc
Tất cả đều vớ vẩn
mà thôi
Chức tước
xênh xang mũ áo
Tất cả đều vớ vẩn
mà thôi
Quyền
trượng oai phong ngất ngưởng
Tất cả đều vớ vẩn
mà thôi
Cổ phần,
vi la, tiền như cây cỏ
Tất cả đều vớ vẩn
mà thôi
Vĩ đại
vinh quang thống soái
Tất cả đều vớ vẩn
mà thôi
Tư tưởng
bảo hoàng, ngàn trang triết luận
Tất cả đều vớ vẩn
mà thôi
Ta đắm đuối với câu
thơ, bức họa
Cũng vớ vẩn thôi mà
nhưng ta được là ta
Cỏ cứ mướt
chân đê ngày tháng mới
Hoa cứ tàn bạc cánh
lối người qua
( Vớ vẩn thôi mà )
Vâng, với cái mạch
suy tưởng đó, có thể cứ tiếp tục dài dài. "Vớ vẩn thôi mà", những quả
bóng bay đề thơ hay thả lên trời- kể cả những câu thơ làm mất uy tín của thơ
lẫn người chọn nó. "Vớ vẩn thôi mà", những trò vè có thể tôn vinh thơ
hay hạ thấp thơ. "Vớ vẩn thôi mà", những giải thưởng & danh hiệu chân
chính hay lùm xùm... Nhưng, giá như hai câu kết bị cắt phăng đi, chỉ dừng lại
bài thơ ở cái điều mà mạch thơ dẫn tới: "Ta đắm đuối với câu thơ, bức họa/
Cũng vớ vẩn thôi mà nhưng ta được là ta", thì theo tôi, bài thơ sẽ hoàn
bích. Cái cảm nhận tất cả chỉ là "vớ vẩn" trong ông, lạ thay không
đưa người đọc tới cái ấn tượng rằng ông là kẻ hư vô chủ nghĩa, và câu kết
"Cũng vớ vẩn thôi mà nhưng ta được là ta" chính là một sự khẳng định
cho thái độ sống lạc quan, nhờ vậy mới có thể nhìn cuộc đời một cách công bằng,
sòng phẳng đến thế! Phải chăng, ông được ảnh hưởng một cách nhuần nhị tư tưởng sùng
thượng tự nhiên cùng thái độ "vô vi" (cứ thuận theo tự nhiên mà làm) của
Lão Tử- một nhân vật kỳ lạ đã giúp cho cả một dân tộc tồn tại được trong mấy
ngàn năm vật lộn với đời sống mà không có nhiều người bị bệnh điên, bệnh thần
kinh suy nhược, bệnh đứt gân máu như người phương Tây- theo cách nói của Lâm
Ngữ Đường (Trích từ "Lão Tử- Đạo đức kinh", Nguyễn Hiến Lê chú dịch
và giới thiệu-Nxb văn hóa, 1994). Mà nếu không phải thế, nếu đó chỉ là sự suy
đoán nặng sách vở của một con mọt sách, cũng mong ông bạn vong niên Trần Nhương
đại xá cho, chỉ bởi một lẽ: thằng đàn em mỗi lần mở vi tính là đầu tiên phải
bấm chuột vào trang trannhuong.com- một trong những trang mạng văn chương-nghệ
thuật tư nhân đầy công tâm, nhiều công sức không kém các trang: newvietart,
nguyennguyenbay, nguyentrongtao, trieuxuan, dotchuoinon, lethieunhon, nguoibanduong,
vanchuongviet, vandanviet, buudoan, v.v. Và mong ông cùng bạn đọc cũng coi đây
chỉ là mấy dòng vớ vẩn thôi mà!
____________________
1. Bài thơ "Ve và Kiến" do học giả
Nguyễn Văn Vĩnh dịch như sau:
Ve
sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sang tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời
Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy
Ve rằng: Luôn đêm ngày
Tôi hát, thiệt gì bác!
Kiến rằng: Xưa chú hát
Nay thử múa coi đây!
Giữa hè 2013
Đạo diễn-nhà báo Nguyễn Anh Tuấn
Tác giả gửi bài
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày
Từ nay sang tháng hạ
Em lại xin đem trả
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời
Tính Kiến ghét vay cậy
Thói ấy chẳng hề chi
Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi Ve như vậy
Ve rằng: Luôn đêm ngày
Tôi hát, thiệt gì bác!
Kiến rằng: Xưa chú hát
Nay thử múa coi đây!
Giữa hè 2013
Đạo diễn-nhà báo Nguyễn Anh Tuấn
Tác giả gửi bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét