Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Tọa đàm sách Thơ Bạn Thơ trên sóng HTV9


CHÀO NĂM THỨ HAI
DỰ ÁN SÁCH THƠ BẠN THƠ & VĂN BẠN VĂN

Dự án sách Thơ Bạn Thơ khởi động dịp 30/4 - 1/5 năm 2012, tính đến nay vừa đầy 14 tháng. Nhóm Bạn thơ do Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ trương, đã làm việc say mê, kiên trì, liên tục và đã in ấn phát hành 3 đầu sách Thơ Bạn Thơ 1 ( Xuân), Thơ Bạn Thơ 2 ( Hạ) và Văn Bạn Văn 1 ( Xuân). Hiện đang trong nhà in sách Thơ Bạn Thơ 3 ( Thu) và Văn Bạn Văn 2 ( Hạ), tức là 5 đầu sách đã thực hiện xong trong 14 tháng. Nhân sự kiện văn hóa này, Đài Truyền hình TPHCM (HTV9) đã thực hiện chương trình truyền hình dài 60 phút, tọa đàm và giới thiệu dự án sách Thơ Bạn Thơ. 
 
Dưới đây là hình ảnh và lược ghi các phát biểu tham gia tọa đàm tại Trường quay Đài HTV9, sáng Thứ Ba, ngày 11 tháng sáu, năm 2013.



Toàn ban tài từ, từ trái sang: Tiến sĩ, Phó Ban TGTW,
nhà thơ Trương Minh Nhựt

Sau đề dẫn Tọa đàm của nhà báo Hoàng Vũ Quân, nhà thơ Lý Phương Liên nói lời cảm ơn thơ và các bạn thơ đã tạo cơ hội và trợ giúp vợ chồng chị thực hiện bộ sách Thơ Bạn Thơ. Tiếp đó, Nhà thơ Trương Minh Nhựt, với tư cách Bạn thơ và tư cách nhà lãnh đạo Tuyên Huấn đã bằng những thống kê cụ thể chi tiết nội dung các bài thơ, số lượng các bạn thơ góp mặt trong hai tập Thơ Bạn Thơ 1 và 2, anh khảng định nhấn mạnh: Việc thực hiện bộ sách Thơ Bạn Thơ là việc làm nhân văn, tính cộng đồng cao và thực sự mang lại hiệu quả tích cực không chỉ trong phạm vi thơ văn, mà lan tỏa, kích hoạt, thức gọi các loại hình văn nghệ khác có những sáng kiến mới, góp công, góp sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà. Nhà thơ Trương Minh Nhựt cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến thực hiện hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn và bầy tỏ ý muốn cá nhân được cùng tham gia làm sách Thơ Bạn Thơ. Nhà Thơ Lý Phương Liên đã vui vẻ kính mời.
.

Nhà báo, đạo điễn điện ảnh Tô Hoàng

Nhà báo Tô Hoàng:
Trên tay tôi là hai tập thơ mang tựa đề “ THƠ BẠN THƠ” mà vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy và Lý Phương Liên là người chủ trì, chủ biên và...cũng là người chủ chi, vừa cho ra mắt bạn hữu và giới yêu thơ vào những ngày cuối năm 2012, đầu năm 2013 vừa qua.
Cấu trúc của hai tập giống nhau, đều được chia làm 3 phần.Phần 1 của mỗi tập-giống như khúc nhạc dạo  là 99 câu thơ hay của thi nhân từ xưa tới nay. Phần 2 cũng của mỗi tập là phần thơ dành cho 10 nhà thơ đã khuất núi. Phần 3 là phần “ Thơ Người thơ đương thời”. Tính tổng cộng cả 2 tập đã có thơ của 130 nhà thơ và người làm thơ được giới thiệu.
Xin bạn lưu tâm ngay tới những con số. Tại sao mở đầu mỗi tập “ THƠ BẠN THƠ” là 99 câu thơ hay, chứ không phải 100, 110, 120? Tại sao mỗi tập chỉ giới thiệu thơ của 10 nhà thơ quá cố, dù tính cho tới mùa hè năm 2013 này chưa có ai công bố con số những thi nhân rời bỏ cuộc đời trần thế này để phiêu diêu sang thế giới cực  lạc là bao nhiêu? Với những nhà thơ, những người làm thơ đương đại số tổng ở tập 1 là 55; số tổng ở tập 2 là 75. Tại sao không đông đúc hơn, xôm tụ hơn nhỉ? Dù biết rõ rằng, 2 tập này chỉ là sự mở đầu của những tập “ THƠ BẠN THƠ” sẽ ra mắt dài dài những năm tháng sau. Vì vậy, chắc chắn những con số vừa nêu tuyệt nhiên không phải là do sự hạn chế của số trang mỗi tập; càng không là sự so đo, tính toán của đồng tiền chi ra cho khâu in ấn!
Trở lại với tiêu đề của mỗi tập thơ, “THƠ BẠN THƠ”. Tuyệt nhiên không phải Thơ của Bạn Thơ. Cũng không phải Thơ và Bạn Thơ . Hiểu như thế nào đây?
Thơ và nhà thơ, và người làm thơ được tuyển chọn, giới thiệu trong 2 tập “ THƠ BẠN THƠ” tuyệt nhiên không xếp theo danh phận sang hèn, chức tước cao thấp, sự nổi danh nhiều hay ít. Họ xếp hàng đấy, mà không ra hàng lối, đan xen nhau, ríu ran, tíu tít, hồ hởi trong một sự dân chủ, bình đẳng khi đã trút bỏ được mọi hư danh thật, giả; lớn nhỏ mà miệng thế ban tặng. Họ mãn nguyện, sung sướng khi bước vào thế giới “THƠ BẠN THƠ” để không bị xếp vào những tổng tập, tuyển tập, toàn tập, thoát tránh khỏi những ánh mắt ne nét; những cái gật gù khắt khe của những quan niệm sơ cứng, công thức; những thứ lý luận đã trở nên quê mùa, kệch cỡm. Họ họp mặt trong “ THƠ BẠN THƠ” không theo ngày sinh tháng đẻ; không theo năm tháng bài thơ ra đời, quê quán của nhà thơ, để khỏi bị biệt loại thành hàng lối thơ thời tiền chiến, thời hậu chiến; thơ phía bên này hay phía bên kia; thơ mang tính chiến đấu,hay chỉ là thứ thơ buồn vui thì bật nẩy ra thơ?
Còn điều này nữa cũng đáng là cái lạ, điều đáng lưu tâm trong “ THƠ BẠN THƠ”. Xét gần lại, kể từ năm Dân chủ Cộng hòa tới nay sự sống của thơ (xin nhấn mạnh không phải là “sức sống” ) trong rất nhiều chục năm được nuôi bằng đồng tiền của Nhà nước. Tạm nói đơn giản, một tập thơ của anh của chị chỉ khi được Nhà xuất bản gật đầu, chịu chi tiền nó mới có quyền cất tiếng khóc chào đời. Đến thời buổi kinh tế thị trường, mọi chuyện trở nên đơn giản, dễ dàng, vui vẻ hơn. Có trong tay 5,7 chỉ vàng hoặc do con cháu cho, hoặc chắt chiu, bo bỏm từ đồng lương hưu bạn cứ ngồi vào bàn làm thơ đi. Và tự kiểm tra, tự kiểm soát lấy những gì sẽ bị cấm đoán, cắt bỏ. Dăm bữa, nửa tháng gom được một tập, mang tới nhà xuất bản và chờ đợi chừng ấy thời gian nữa..bạn nhất định trở thành nhà thơ; thơ của bạn sẽ được ngâm vịnh, được tung hô, chí ít ra là trong câu lạc bộ phường xóm. Đồng tiền đã và đang lũng đoạn cả thế giới thi ca thiêng liêng. Khi Thơ trở thành mặt hàng thì cũng có nhiều hàng rổm là lẽ đương nhiên. Chả đã xẩy ra những vụ om xòm, ầm ĩ quanh việc đại gia này, đại gia kia vung tiền ra để mong làm thi nhân bất tử, để mong những vần thơ nôm na, mách qué của mình trở thành tuyệt tác mang tầm nhân loại đó sao?
Với “ THƠ BẠN THƠ” vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên đã hành xử đồng tiền trong lĩnh vực thánh thiện này như chưa từng ai làm thế. Anh chị kêu gọi bạn hữu văn chương, kể cả những bạn bè yêu văn chương, có tấm lòng với văn chương hãy gửi thơ của mình tới; hãy giới thiệu những bài thơ hay mà họ biết.Anh chị gom lại, tuyển chọn,biên tập, soạn thành sách…Và điều quan trọng hơn là tự móc tiền túi in ấn hàng ngàn bản “ THƠ BẠN THƠ” ; hết tập đầu, tiếp tập 2 và lại móc tiền túi ra để thanh toàn tiền cước bưu điện, gửi hết chục tập này, chục tập khác ra miền Trung, lên Tây Nguyên, lên tít tận Tây Bắc, Việt Bắc tới những bạn thơ có thơ in trong tập. Thơ có thể đã bị lãng quên trong trí nhớ, bị mục ải trong hộc bàn, bị nghẹt thở ngay trong bào thai mà không thể cất tiếng khóc chào đời…Với “ THƠ BẠN THƠ” thơ đã hồi sinh, thơ tìm lại ban mai sinh sôi, nẩy nở của mình; thơ được khai sinh để bước vào đời..
Đã có những cuộc tài trợ lớn của những tấm lòng nhân ái để mang lại ánh sáng cho người mù lòa; mang lại sự sống cho trẻ nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh. Sự góp sức góp tiền để cho ra đời “ THƠ BẠN THƠ” có được sánh như việc từ thiện nhân đạo trong văn chương không?
Và có nên xếp sự ra đời của “ THƠ BẠN THƠ” là một sự kiện văn học của năm 2012 hay 2013 không?
Tự bỏ công sức để tuyển chọn, để biên tập, để mang thơ bạn hữu tới nhà in..Tự bỏ tiền túi ra trang trải tất cả. Một tấm lòng thanh sạch, không toan tính, không vụ lợi vì Thơ, vì Bạn Thơ như vậy sẽ có ý nghĩa ra sao trong khi đời sống văn học hôm nay có quá nhiều diễn tiến xấu, nhiều việc làm vẩn đục,  vì danh, vì lợi cho bản thân, chứ không phải vì Thơ, vì Văn…
Giải thích ra sao những gì vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên manh nha, ấp ủ, gửi gắm, ký thác vào sự ra đời của “ THƠ BẠN THƠ” đây?
Tôi ngẫm nghĩ, tôi giả định, tôi nâng lên đặt xuống các giải pháp, các lời đáp…
Sau cùng, tôi vẫn tin rằng, hai người bạn của tôi, hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên khi thực hiện việc cho ra mắt hai tập “ THƠ BẠN THƠ” họ chỉ có một mục đích duy nhất: Làm MỘT CUỘC CHƠI với thi ca, với bạn bè, với người yêu thơ, với Đời, với cái Hữu hạn trong cái Vô Hạn. Ngoài ra bạn tôi không có một đích ngắm nào khác..Như bất cứ cuộc chơi nào, cuộc chơi này của hai người thơ Nguyễn Nguyên Bẩy-Lý Phương Liên cũng chứa đầy những điều lý thú, những bí ẩn cần hợp sức khám phá! 


Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:
Cũng rất ít khi thấy có một dân tộc nào lại hay làm thơ như dân tộc ta, từ những người có chức quyền cao, đến những nhà thơ chuyên nghề được xếp vào hội nhà văn, rồi thơ nghiệp dư của những người dân trên đường phố, xóm làng .v.v…Thơ rất khó đọc, thơ trực cảm ngay vào tâm hồn vì thế thơ hay, khi đọc ta nhận ra  ngay bằng trực giác của mình - thơ không hay đọc vào truội ra ngay.Có rất nhiều người làm thơ - bây giờ phát hành sách không còn là điều quá khó khăn - Nếu thơ không có vần đề nhạy cảm, bỏ tiền ra là có thể tự in thơ của mình thơ in ra bán, tặng, thơ hay, thơ giở lẫn lộn, có bài còn trụ được, có tập in ra rơi vào quên lãng ngay.Chúng ta thiếu những nhà phê bình, thiếu sự chọn lọc tinh tế, chuyên nghiệp, công bình để có thể công tâm chọn ra được trong muôn vàn bài thơ của nhiều tác giả, tên tuổi, chức quyền, nhà thơ trẻ, những tài năng mới nhú, hay đâu đó những bài thơ hay được tuyển chọn với con mắt tinh tế, nhạy cảm, nhà nghề, công tâm nhất, những bài thơ hay trong muôn ngàn bài thơ của rất nhiều tác giả.
Để tuyển chọn những bài thơ của nhiều tác giả đưa vào tập “Thơ bạn thơ” này, nhiều người đã tuyển chọn thơ gửi tới hai nhà thơ. Anh Nguyễn Nguyên Bẩy và chị Lý Phương Liên chọn kỹ, biên tập lại và anh chị đã tự bỏ tiền của mình ra in những bài thơ này cho các bạn thơ của mình. Sách đẹp - Bìa cứng - Trang trọng. Đó là tập “Thơ bạn thơ”.  Như những nhà phê bình nghiêm túc, chuyên nghiệp, công bình, công tâm nhất. Thơ hay thế là đủ, không vì chức danh, chức quyền, tên tuổi. Thơ hay, tinh tế, tràn đầy cảm xúc của nhiều nhà thơ không tuổi - già trẻ bình đẳng từ Bắc, Trung, Nam - suốt chiều dài đất nước được tuyển chọn để đưa vào tuyển tập “Thơ bạn thơ” như 1 món quà được tinh cất từ những tinh hoa của nhiều người, chắt lọc đưa vào tập thơ này. Tình cảm của anh Bẩy và chị Liên dành cho các bạn thơ của mình như 1 đốm lửa thắp lên, đánh thức những thăng hoa đang rộ, đánh thức những tài năng định buông bỏ, khơi dậy sự hứng khởi trong niềm say mê sáng tạo của những người thơ. Không cầu danh, không cầu lợi, với tấm lòng thân thương trân trọng nâng niu - với tập “Thơ bạn thơ” anh chị đã gióng lên 1 tiếng chuông: hãy chắt lọc, nâng niu, gìn giữ những đóng góp của mọi người để cho thơ đứng đúng vào vị trí đáng gìn giữ trân trọng của văn đàn trong 1 đất nước, 1 dân tộc. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, mỗi nước đều có niềm tự hào riêng về nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc họ về những nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ - đó là những người đóng góp đặc sắc, độc đáo cho nền tảng văn hóa của mỗi dân tộc - văn hóa, nghệ thuật chính là cầu nối của các dân tộc trên thế giới đến và hiểu nhau.
Xưa chúng ta có Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, .v.v... Những thế hệ sau này đã nối dài văn hóa dân tộc của ngàn xưa đến bây giờ. Trong 1 đất nước đang phát triển - Kinh tế dường như làm mọi người mải mốt - nhà lầu, xe hơi, hàng hiệu, đất đai, chứng khoán - Những villa biệt thự sang trọng bên trong treo những bức tranh chép, thơ, văn, nhạc họa, dường như là phù phiếm xếp xuống hàng sau … trong sự sao lãng ấy đôi lúc phải có những hồi chuông gióng lên đòi, tìm trở về vị trí xứng đáng đúng của nó trong thế giới tâm hồn người. Để 1 ngày nào đó sau những giờ bận rộn kiếm ăn con người còn biết thưởng thức thơ hay, tranh đẹp, còn có sự tĩnh lặng để đọc sách, nghe nhạc và để hiểu rõ rằng thời gian qua đi sự đọng lại của tâm hồn, của dân tộc cuối cùng chính là văn hóa, nghệ thuật, là cốt lõi tinh hoa là văn, thơ, họa, nhạc.
Anh Bẩy, chị Liên đã thực sự hiểu được tầm quan trọng này, đã dành tình cảm, công sức, trí tuệ, tiền riêng của mình để cho ra mắt những tập “Thơ bạn thơ” - “Văn bạn văn” của nhiều tác giả được tuyển chọn một cách trân trọng, công bằng, với tình cảm chân thành nhất của mình. Tôi thật sự cảm động về tấm lòng, nghĩa cử tốt đẹp này của anh Nguyễn Nguyên Bẩy và chị Lý Phương Liên - Nhà thơ, người bạn, một tấm lòng cao đẹp đối với nền văn chương của nước nhà.

.

Cặp đôi chủ trương sách: Nguyễn..

Chủ biên 1/ Nhà thơ Lý Phương Liên: Thưa các bạn, Tôi Lý Phương Liên, ghi tên trách nhiệm chủ biên ngoài bìa hai bộ sách Thơ Bạn Thơ cùng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, nhưng thực ra đây là công sức đóng góp của rất đông các bạn thơ, văn trên cả nước. Hà Nội với Hoàng Xuân Họa, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Vân Hạc, Trần Nhương, Lê Hoài Nguyên, Nguyễn Khắc Phục.. Tp HCM với Triệu Xuân, Tô Hoàng, Nguyễn Thị Hiền, Thanh Tùng, Nguyễn Thái Sơn, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Chính, Dung Thị Vân..Huế với Ngô Minh.. Quảng Bình với Hoàng Vũ Thuật.. Phú Yên với Nguyễn Văn Hòa.. Xin cho tôi được nói lời cảm ơn tất cá các bạn. 
Văn chương đối với chúng tôi là một cuộc tình, trời se duyên, thủy chung trọn đời, không ly thân, ly dị. Chúng tôi đã yêu văn chương mối tình duyên kiếp ấy, và trong bể đời không mối tình nào là không hỷ nộ ái ố, không lên thác xuống ghềnh, không thênh thênh hạnh phúc. Thơ đã đưa bàn tay nâng chúng tôi đứng dậy, thơ đã bắc nhịp cầu đưa chúng tôi qua sông, và khi cánh đồng đời mất mùa, thơ đã cùng chúng tôi tranh đấu với Trời cho thuận hòa mưa nắng. Việc chúng tôi thực hiện hai bộ sách Thơ Bạn Thơ, Văn Bạn Văn đơn thuần chỉ là tấm lòng tự nguyện tri ân thơ và các bạn thơ đã sống thời chúng tôi.



Nguyên Bảy và Lý Phương Liên

Chủ biên 2/ Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy:Đầu những năm 1970 thế kỷ trước, tôi có viết và đăng báo một bài Đò Đưa thơ, bài viết có 14 chữ mà thời đó bị coi là phạm húy, trọng tội. Vì 14 chữ đó tôi chẳng những bị cấm cửa vườn thơ, mà đời sống gia đình cũng theo thơ mà lên bờ xuống ruộng. 14 chữ toàn văn: “ Thơ là thơ. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ”. Hơn 40 năm đã qua, tôi vẫn trung thành với quan niệm ấy, hôm qua, hôm nay, ngày mai, và mãi mãi 14 chữ ấy vẫn là kim chỉ nam cho ứng xử yêu thơ và đọc chọn thơ của tôi.Thơ là thơ, ba chữ thật mơ hồ, nhưng trước khi có một định nghĩa triết luận khả dĩ, xin cứ tạm bằng lòng với định nghĩa thô sơ Thơ là Thơ, / Là Khi Anh Nói Về Em/ Bông Hoa Trước Cửa Tự Nhiên Nở Bùng/ Trên Cành Một Giọt Sương Rung/ Gió Nhẹ Vô Cùng Thổi Mãi Không Rơi../ Bạn ơi, khi bạn cất lời mà cảm thấy hoa nở, sương rung, gió thổi..thì những lời của bạn dù xuôi hay vần, dù lục bát hay tứ tuyệt, cũng đích thị là thơ rồi còn cần bàn thêm gì nữa.. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ. Chắc chắn 11 chữ này không chỉ ám ảnh tôi suốt 40 năm, mà ám ảnh hầu hết bầu bạn thơ thời tôi. Thơ là bộ môn nghệ thuật chơi được nhân loại xếp đứng hàng đầu, là nghệ thuật tiếng lòng chân thật, vô tư, công bằng và luôn có nhu cầu chia sẻ cùng nhau. Vì nhu cầu có thực ấy, chiếu thơ có ở khắp nơi, quan có chiếu thơ quan, dân có chiếu thơ dân, chiếu nào cũng trọng lẽ công bằng, cũng dị ứng với cường quyền thô tục nhảy vào chiếu thơ xưng vương, xưng bá, bắt tiếng lòng thơ phải thế này, thế khác. Tôi đã mượn thơ giải cái nghĩa mang mang, tránh đụng chạm, chụp mũ, suy diễn của 11 chữ “ Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ” bằng 4 câu lục bát có tựa bài Chân Hương: / Cháy rồi, cháy hết phần thơm/ Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/ Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi/ Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương../
Thơ là Thơ/ Tôi theo thế mà đọc chọn. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ/ Tôi theo thế đọc chọn. Tôi đọc chọn say mê, kiên trì và liên tục tìm cho bằng được những giọng điệu thơ đã hình thành, đang hình thành và chờ mong sẽ hình thành. Thơ hay chắc chắn phải có giọng điệu riêng. Ví von: Thơ như vườn rừng, trong rừng lim, tùng là rừng, dây leo và cỏ cũng là rừng. Chớ bảo cỏ không là rừng, rừng không có cỏ liệu có là rừng? Ví von thêm: Thơ như vườn hoa, có lan, có hồng, có cúc..và có đủ loài hoa, mỗi hoa một sắc hương riêng, không ganh ghét, không tỵ hiềm, không tráo đổi nhau. Bữa kia, trước thềm Đại hội Hoa, tôi nghe Nắng thủ thỉ dụ hoa Nhài đừng nở trong đêm mà chuyển nở vào ngày, hoa Nhài cười đáp: Uống trà em/ Cài tóc em/ Mà vẫn khinh em hoa nở đêm/ Em vẫn cứ nở đêm/ Cho ngon trà/ Cho ngọt tóc/ Em vẫn cứ là em/ Hoa Nhài../ Thưa bạn, thơ bạn là Lan xin cứ là lan, thơ bạn là Nhài xin cứ là nhài.. Hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn được thực hiện thế nào? Khởi đầu, chúng chỉ định thực hiện 4 tập sách Thơ Bạn Thơ (Xuân Hạ Thu Đông) và kết với tập 5 (Tết Thơ) chọn đọc 100 bài thơ hay của các bạn thơ cùng thời. Trong quá trình thực hiện, hiện thời đã mở rộng thành kế hoạch thực hiện hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Bạn Văn, mỗi sách tối đa 10 tập. Chương trình mới đầy năm, sách đã in ra gồm Thơ Bạn Thơ 1, 2 và Văn Bạn Văn 1. Sách hiện trong nhà in Thơ Bạn Thơ 3 và Văn bạn Văn 2.
Cầu trời, nếu chúng tôi còn đủ sức khỏe làm việc và còn được các bạn thơ yêu mến, tin cậy hưởng ứng trợ sức cùng chúng tôi như đã từng cùng chung lòng, chung tay anh chị em một nhà, thì nhất định hai bộ sách Thơ Bạn Thơ và Văn Văn Văn sẽ có một kết cuộc tốt đẹp.
.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật từ Quảng Bình bay vào, và
BT Văn Nghệ Đài HTV, Nhà báo Hoàng Vũ Quân..
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật:Trước hết tôi muốn nói về cách tổ chức Ban Biên tập (BBT) cuốn sách Thơ Bạn Thơ. Thông thường để làm sách người ta thành lập BBT ngay tại chỗ, ít nhất từ ba người trở lên, như các nhà xuất bản xưa nay; hoặc tự biên tập và chọn bài lấy như trường hợp nhà thơ Gia Dũng đã làm. Đằng này anh Nguyễn Nguyên Bảy và chị Lý Phương Liên là người chủ trương đồng thời cũng là người tuyển chọn sau cùng, sau khi chúng tôi đã chọn từ các cơ sở. Chúng tôi như chân rết của một BBT mở rộng. Trước đây và ngay cả bây giờ các nhà xuất bản không thể nào chọn những tên tuổi không quen biết. Họ tuyển chọn theo thứ tự, lớp lang, may thì dăm ba người mới lọt vào cuốn sách. Còn chúng tôi ở tận cơ sở, chúng tôi hiểu ai là người sáng tác lâu năm, ai là tác giả mới đang được chú ý, ai mang dáng nét riêng?
Khi chúng tôi nhận những thùng sách từ bưu điện chuyển về các bạn như Giang Biên, Thái Hải, Trần Thị Huê, Hoàng Đăng Khoa…đều thốt lên: “Thế mới công bằng!” Nghĩa là lâu nay việc in sách có tình trạng không công bằng đối với người sáng tác. Tôi cho rằng, để có những cuốn sách Thơ Bạn Thơ như đã làm, trước tiên nhờ biết kiến tạo một BBT kiểu mới, linh động và sáng tạo. Một BBT biết tìm tòi, phát hiện, công bằng, dân chủ trong xuất bản. Như vậy, Thơ Bạn Thơ là bộ tuyển phong phú, có chất lượng, thể hiện diện mạo thơ của cả nước trong tiến trình đổi mới của văn học Việt Nam ta. Dù rất khiêm tốn vẫn có thể coi là bộ tuyển đầy đủ các gương mặt thế hệ, đa dạng về nội dung và hình thức nghệ thuật so với những tuyển tập khác. Thơ Bạn Thơ không phân biệt vùng miền, cảm quan chính trị, già trẻ, cũ hay mới…miễn sao có thơ hay.
Tôi có ghi thư cho anh chị Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên xin thêm 20 cuốn sách để làm quà tặng trong buổi tọa đàm cuốn Thơ Bạn Thơ sắp tới. Cuộc tọa đàm này không chỉ mục đích quảng cáo, mà vì mục đích khác.
Hiện nay ở miền trung cũng như cả nước phong trào tự xuất bản khá nhiều, đó là dấu hiệu đáng mừng hay đáng lo? Thưa rằng đáng lo. Bởi vì sách in thì nhiều, nhưng chất lượng thì ít. Có thể nói, ai cũng làm thơ, ai cũng xuất bản. Các nhà xuất bản thì cấp giấy phép vô tội vạ, miễn sao cho đạt kế hoạch bao nhiêu sách xuât bản tính cho một đầu người. Vậy thì sách đã lắm sao tôi tọa đàm làm gì. Tôi nghĩ rằng giữa một rừng sách kia, thì cuốn Thơ Bạn Thơ là sách có giá trị. Một cuốn sách thật, trong đó tác giả sáng tác ra nó rất cụ thể, có người ở ngay địa phương mình. Một cuộc tọa đàm nhằm khẳng định giá trị của cái thật giữa cái còn giả. Như vậy, tôi muốn làm sao, dù rất ít, giúp cho công chúng hiểu văn chương là gì. Một sự so sánh rất tế nhị. Âu đó cũng là cách góp phần nâng cao dân trí vậy.


nguyennguyenbay.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét