Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU (4/ Hết)

RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU/4, Hết/
Khảo Luận
ĐƯỜNG VĂN - HOÀNG DÂN


5.
Từ: Kiều say đầy tháng,
Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến…
 Đến… Vân dở say…

5.1. Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến
                                      
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Dở say, lại ép cung đàn nhặt tâu…

Trong 26 cuộc rượu nàng Kiều có mặt, có cuộc rượu nàng là người chủ động uống, chủ động dừng và chủ động say hoặc giả vờ say; nhưng cũng có những cuộc rượu nàng hoàn toàn thụ động chịu trận. Có những cuộc rượu khiến nàng Kiều thăng hoa (Kim-Kiều, Kiều-Thúc) ; lại có những cuộc rượu thực chất chỉ là trò chơi độc ác của những kẻ tiểu nhân đắc chí (Kiều hầu rượu Hoạn Thư-Thúc Sinh, Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến). Có thể nói, cuộc rượu thụ động bi thảm nhất của nàng Kiều là cuộc hầu rượu Hồ Tôn Hiến.
Hồ Tôn Hiến và Từ Hải chỉ xuất hiện trong Truyện Kiều có một lần duy nhất và mỗi nhân vật để lại trong lòng người đọc muôn đời những ấn tượng hoàn toàn trái ngược nhau. Từ Hải - bức tượng đài về người anh hùng sa cơ thất thế, nhưng vẫn không kém phần kiêu dũng, lãng mạn: “Trơ như đá, vững như đồng/Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”! Còn Hồ Tôn Hiến thì để lại một màn trò uống rượu bi hài cũng đáng… “lưu danh thiên cổ”:
Bắt nàng thị yến dưới màn
Dở say, lại ép cung đàn nhặt tâu
Chúng ta từng bàn về cái “dở say” của Thuý Vân và bây giờ lại gặp cái “dở say” của Hồ Tôn Hiến. Hai cái “dở say” này giống nhau về hiện tượng, nhưng khác nhau một trời một vực về bản chất. Thuý Vân “dở say” để có can đảm nói ra những sự thật mà nếu tỉnh táo thì không thể nói ra được. Sự thật được công bố trong tâm trạng “dở say” của Thúy Vân tuy khá tàn nhẫn và đau lòng, nhưng đúng là sự thật hiển nhiên, ngay cả nàng Kiều cũng phải thừa nhận; còn tất cả các thành viên trong gia đình Vương ông cũng không có ai phản bác điều gì. Ngược lại, cái “dở say” của Hồ Tôn Hiến chỉ là cái cớ để y giở trò dâm đãng với một nạn nhân vừa bị chính y lừa đảo. Tiếc thay, cái “dở say” của Hồ Tôn Hiến đã bị Nguyễn Du bắt quả tang từ thế kỉ 18, thế mà đến thế kỉ 21 này, hình như vẫn là chuyện “Đau đớn thay phận đàn bà”!
Vậy Hồ Tôn Hiến là người như thế nào? Tại sao y lại phải bày trò “dở say”?
Hồ Tôn Hiến được giới thiệu như một vị tướng tài: tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài. Vị “tướng tài” ấy được trao một cái quyền lực rất lớn: Đẩy xe, vâng chỉ đặc sai,/Tiện nghi, bát tiễu  việc ngoài đổng nhung.
Thử xem, trước và sau khi Từ Hải bị bức hại, Hồ Tôn Hiến “tài” đến đâu?
 Thứ nhất, Hồ Tôn Hiến cũng tỏ ra là người biết người, biết ta:Biết Từ là đấng anh hùng,/Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.
Y cũng biết dùng thủ đoạn suy bụng ta ra bụng người: Đóng quân, làm chước chiêu an,/Ngọc vàng, gấm vóc, sai quan thuyết hàng. Hồ Tôn Hiến quả có con mắt tinh đời khi quyết định chọn nàng Kiều làm đột phá khẩu để nổ bác đồng tiêu diệt Từ Hải.
Về các ngón nghề chiến tranh tâm lí, Hồ Tôn Hiến đáng được ngồi cùng chiếu với Tú Bà và Mã Giám Sinh. Nếu Tú Bà nói ngọt lọt đến xương khiến Kiều từ bỏ ý định tự tử để mụ bảo toàn được vốn thì Mã Giám Sinh bóc mẽ được tâm lí khách làng chơi để ung dung nẫng tay trên cái ngàn vàng của Kiều. Còn Hồ Tôn Hiến cao tay hơn một bậc, bởi dù sao y cũng  thuộc cỡ phương diện quốc gia, chứ đâu phải hạng chủ chứa, cò mồi vớ vẩn?! Y đã sớm phát hiện ra một trạng thái tâm lí điển hình của nàng Kiều. Đó là tâm trạng  nôn nóng sớm được trở về quê hương để đoàn tụ gia đình. Nói cách khác, y đã đọc được tâm lí nạn nhân, một tâm lí bao trùm lên toàn bộ cuộc đời Kiều kể từ khi nàng bị lưu lạc chứ không phải chỉ là những phản ứng tâm lí nhất thời trước hoàn cảnh như trường hợp bị Tú Bà ép buộc tiếp khách.  Hồ Tôn Hiến có đủ tư cách pháp nhân (trọng thần triều đình), thừa điều kiện (bạc vàng, gấm vóc), dư sức mạnh (cầm quân đánh dẹp), và là người duy nhất có thẩm quyền cấp giấy phép cho Kiều hồi hương! Những cái y có trong tay, Kiều biết quá rõ. Nói cho công bằng thì bất cứ ai ở vào hoàn cảnh Kiều mà chẳng nghển cổ trông chờ vào sự che chở của y? Nghĩa là, Hồ Tôn Hiến thừa biết rằng nếu đánh vào cái tử huyệt ấy của Kiều thì chắc chắn nàng sẽ gục ngã lập tức!
Và một khi Kiều đã trở thành tay trong, thành nội gián vô tình thì việc đánh dẹp Từ Hải chỉ còn là một cuộc diễu binh mà thôi!
 Quả nhiên, Hồ Tôn Hiến đã thắng tuyệt đối! Thuý Kiều thật đáng thương và cũng thật đáng giận biết chừng nào! Sao nàng lại có thể ngây thơ về chính sự, đến mức:Nàng thời thật dạ tin người/Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu!...Trong cái thật dạ chết người kia còn có cả chút lòng tham và thói ưa được phỉnh nịnh rất đàn bà của Kiều. Đó là cái tử huyệt mà Hồ Tôn Hiến đã khai thác triệt để  như một đột phá khẩu của đột phá khẩu vậy!
Rồi nàng Kiều chợt rùng mình sợ hãi quá khứ: Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân. Trong tâm trạng mệt mỏi, chán chường ấy, thì việc nảy sinh tư tưởng cầu an, tưởng cũng chẳng có gì lạ: Bằng nay chịu tiếng vương thần,/Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì./Công tư vẹn cả hai bề/Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương... Thương thay cho cái viễn cảnh đầy ảo tưởng của Kiều! Sao lại có thể có cái viễn cảnh đánh đổi bằng sự đầu hàng đơn giản, chóng vánh đến thế?! Và cái công tư ở đây cũng thật mơ hồ! Sao nàng lại có thể tự dối mình, dối người đến thế?? Rồi trong màn sương khói huyễn hoặc ấy, nàng đã mơ tưởng tới một địa vị cao sang: Cũng ngôi mệnh phụ đường đường /Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha. để hoảng sợ  một cách khó hiểu ngay khi đang ở cạnh  người anh hùng Từ Hải: Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng/E dè sóng gió hãi hùng cỏ hoa.
Phải chăng khi Hồ Tôn Hiến vừa xuất hiện, Kiều đã sẵn có tâm thế chờ đợi chước chiêu an của y?
Thứ hai, Hồ Tôn Hiến quả đáng mặt gian hùng trong cổ kim thiên hạ. Y rất trung thành với phương châm đối nhân xử thế của Tào A Man: Thà ta phụ người, chứ quyết không để người phụ ta!:
Hồ công quyết kế thừa cơ/Lễ tiên binh hậu, khắc cờ tập công.
Tổng binh Hồ Tôn Hiến tài cầm quânlà nhe thế! Quyết kế gì? Đó là cái xảo kế ti tiện, đớn hèn: Nuốt lời hứa với một người đàn bà và phản trắc với một hổ tướng! Thừa cơ gì? Đó là cái cơ hội cắn trộm khi không dám dàn mặt chơi một trận sòng phẳng cho mặt Hán đại trượng phu! Thật nực cười khi chiến dịch tảo thanh giặc cỏ của Hồ Tôn Hiến đã được kết thúc bằng một màn trò: Ba bề phát súng, bốn bên kéo cờ, đánh vào một người lãng tử đang đủng đỉnh ngắm mây bay, lá rụng...
Thứ ba, có thể nói Hồ Tôn Hiến là một “cá thể đực” dại gái điển hình (cũng đáng “lưu danh thiên cổ”), dại gái hèn hạ, dại gái đến mức quên phắt “phương diện quốc gia” của mình. Giữa lúc y đang cao hứng nhất (vừa hoàn tất “võ công dẹp giặc”), thì nàng Kiều (vì quá phẫn uất) đã chỉ thẳng tay vào mặt y thét lên: Rằng: - Từ là đấng anh hùng,/Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng biển khơi,/Tin tôi nên quá nghe lời,/Đem thân bách chiến làm tôi triều đình!
          Có thể nói, trong suốt 15 lưu lạc, đây là lần « vùng lên » dũng cảm nhất của Kiều vì nàng đã dám đối đầu với kẻ « đại diện quốc gia » có quyền sinh sát tuyệt đối trong tay để công khai vinh danh một tên giặc cỏ lên bậc anh hùng!
        Tại sao trong hoàn cảnh thất thế tuyệt đối, không còn con bài nào để có thể gây sức ép cho đối thủ (trong cuộc đối đầu với Tú Bà, nàng còn có con bài tẩy vàng ngoài bốn trăm để nắm thóp mụ) mà nàng Kiều lại có thể dũng cảm như vậy ? Phải chăng, với « kinh nghiệm lầu xanh » và với một mẫn cảm cực kì bén nhạy của đàn bà, nàng đã đọc vị được thói háo dục trong đôi mắt thú vật của Hồ Tôn Hiến, ngay từ cái nhìn đầu tiên ?! Và nàng đã tận dụng khả năng mê hoặc trời phú của mình như một thứ « vũ khí » để tấn công vỗ mặt Hồ Tôn Hiến!?
        Lạ lùng thay, Hồ Tôn Hiến đã không giết Kiều, cho dù y chỉ cần buộc tội Kiều dan díu với giặc là có thể chém đầu nàng một cách « công khai, minh bạch »! Thậm chí y còn bỏ qua cả những lời lẽ khi quân và phản nghịch động trời của Kiều (mà lẽ ra, theo « phản xạ chức quyền », y sẽ nổi khùng lên như bạo chúa)! Bởi vì trong huyết quản của y đang sôi réo dòng máu dê của gã Mã Giám Sinh: Nghe càng đắm, ngắm càng say,/Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình!...
Hẳn là, khi dòng máu họ Mã hối thúc trong huyết quản, Hồ Tôn Hiến cũng có một thoáng phân vân giống như họ Mã, chỉ có điều Mã thì phân vân giữa « của trời » với cái uy của mụ Tú, còn Hồ Tôn Hiến thì phân vân giữa « thể diện quốc gia » với dục vọng cá nhân. Nhưng rồi, cũng giống như Mã, dục vọng cá nhân đã thắng, khi ấy ngay cả cái gọi là « thể diện quốc gia » cũng chẳng là cái... đinh gì !
Tuy nhiên, từ một vai bề trên uy nghi đường bệ muốn đổi sang vai chớt nhả đàng điếm hạ đẳng thì cũng phải có một « mẹo vặt » nào đó cho nó đỡ khó coi trước con mắt của đám thuộc hạ chứ? Mẹo vặt đó chính là mượn rượu để... dở say! Và ngay lập tức, y thực thi diệu kế :      
Bắt nàng thị yến dưới màn,/Dở say, lại bắt cung đàn nhặt tâu...
Sau khi đã thủ vai « dở say » thì Hồ đại nhân muốn làm gì... tuỳ thích! Có lẽ, cả nàng Kiều (vốn cực kì thông minh, nhạy cảm) và đám thuộc hạ của Hồ Tôn Hiến (vốn quá rành bản tính của chủ tướng) đều biết tỏng là Hồ Tôn Hiến chỉ giả say để trút bỏ cân đai áo mão cho đỡ... vướng!
Nếu màn trò uống rượu dừng lại ở đây thì cùng lắm người đời cũng chỉ nhớ đến Hồ Tôn Hiến như một « cá thể đực » tôn thờ lí tưởng sống « rượu và gái » mà thôi! Như thế thì thường quá! Chẳng có gì đáng để ta phải tốn thời gian, giấy mực. Và Nguyễn Du cũng chẳng hơn gì hàng ngàn các cụ khác suốt đông tây kim cổ từng bàn về chuyện «rượu và gái». Cu Tố Như quả là thâm nho khi « thiết kế » thêm phần « hậu dở say » của vị trọng thần Hồ Tôn Hiến.
Hồ Tôn Hiến chủ mưu bày ra tiệc rượu «mừng công» và cưỡng bức Kiều phải hầu rượu, đánh đàn chỉ để phục vụ cho riêng y. Trong cơn hưng phấn tột độ của kẻ « tiểu nhân đắc chí », hẳn Hồ Tôn Hiến đinh ninh rằng, nàng Kiều là « chiến lợi phẩm đặc biệt » của riêng y, hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của y, cho nên y muốn khai thác « hết công suất » của thứ chiến lợi phẩm đặc biệt ấy. Người Việt có câu rất hay : «Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh người rồi thì mặt vàng như nghệ!». Hồ Tôn Hiến cũng vậy. Chưa «chiếm đoạt» được Kiều thì y cảm thấy ngứa ngáy, bứt rứt, thèm khát. Và y hùng hổ chiếm bằng được. Nhưng chiếm được rồi thì y bỗng... toát mồ hôi! Y sợ. Y run. Và có thể cả xấu hổ nữa! Thực ra, cỡ đại thần đầu triều như y mà không còn biết xấu hổ là gì nữa thì cũng không có gì lạ, nhưng ở chỗ này, cụ Nguyễn Du tài tình lắm, cụ không nỡ (hay không dám? Vì sau này, khi đọc Truyện Kiều, vua Tự Đức đã chẳng doạ đánh Cụ tới cả 100 roi là gì?) dìm Tổng đốc trọng thần xuống tận... bể phốt! Cụ vẫn để cho y hơi giật mình và hơi xấu hổ! Khổng Tử chẳng đã dạy: «Biết xấu hổ tức là cái tội lỗi ấy không còn đáng xấu hổ nữa!». Quan Tổng đốc vẫn là quan Tổng đốc, cho dù có lúc quan cũng lồm cồm liếm láp như một gã lưu manh mạt hạng! Xử lí như thế mới là thiên tài Nguyễn Du!
Vậy Hồ Tôn Hiến hơi giật mình và hơi xấu hổ vì cái gì?
Nghĩ mình phương diện quốc gia,/Quan trên trông xuống, người ta trông vào...
Thì ra, y thực sự bối rối khi phải đối mặt với cái phần con trác táng, dâm đãng của chính mình:
Phải tuồng trăng gió hay sao/Sự này biết tính thế nào được đây?
Và y đã kịp nảy ra một «diệu kế» mới không kém phần gian hiểm, độc ác đối với nàng Kiều:
Lệnh quan  ai dám cãi lời/Ép tình mới gán cho người thổ quan.
Tóm lại, nếu Thúy Vân “dở say” thật thì Hồ Tôn Hiến “dở say” giả. Y chỉ giả vờ “dở say” để che giấu dục vọng thấp hèn của y, giả vờ “dở say” để che mắt đám thuộc hạ lính tráng của y và giả vờ “dở say” để phòng ngừa những phản ứng của nàng Kiều (nếu có)… Nhưng vai diễn giả vờ “dở say” của Hồ Tôn Hiến lại dở ẹc, bởi cuộc rượu chưa kết thúc mà y đã giật mình, sợ hãi : “Nghĩ mình phương diện quốc gia”... chủ mưu bày ra trò « dở say », tức y là thủ phạm. Nhưng rồi chính y lại phải cuống quít tìm cách đào thoát khỏi màn trò ấy, tức y là nạn nhân. Té ra Tổng đốc trọng thần (vai người « chức cao vọng trọng ») lại trở thành nạn nhân của vai con (bản năng thú tính). Nói cách khác, trong màn trò « dở say » bi hài này, Hồ Tôn Hiến vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân! Tôi liều đoán rằng, khi xây dựng chi tiết này, chắc Nguyễn Du vừa tủm tỉm cười vừa buột miệng thốt lên cái câu tuyệt cú mèo của người Việt (vốn tôn thờ lẽ sống « tiếng cười bằng mười thang thuốc »): « Vừa đ. vừa run! »...
 Nhưng nếu so với vai diễn “giả vờ say” của nàng Kiều thì y chưa đáng mặt học trò. Thế mới hay, trong màn “dở say” ô nhục của Hồ Tôn Hiến thì y không chỉ “thấp cơ thua trí đàn bà” mà còn “thua trí một con đĩ”!
Xin ngả mũ bái phục ngài Hồ Tôn Hiến đại nhân với vụ “dở say” kinh điển như sách… gối đầu giường của các loại quan tham lại nhũng xưa nay!!!

5.2. Cuộc say đầy tháng
của Kiều ở lầu xanh Tú Bà

Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Sau khi Kiều bị sập bẫy tình của Sở Khanh (thực ra là chước đà đao của Tú Bà), Tú Bà đã hiện nguyên hình là con quỉ cái dữ dằn với tất cả móng vuốt; Còn nàng Kiều đáng thương thì hết quyền lựa chọn, chỉ còn nước “qui phục”, không phải chỉ vì trận đòn dằn mặt kinh hồn, mà cái chính là vì một “đầu óc thực tế” của kẻ cùng đường tuyệt lộ: Thân lươn bao quản lấm đầu/Chút lòng trinh bạch, từ sau xin chừa! Và cái “thân lươn” ấy ngay lập tức bị rơi vào cảnh:
          Biết bao bướm lả ong lơi/Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Cụm từ “Cuộc say đầy tháng” hiểu như thế nào? Bằng vào vốn sống, trình độ, sở thích… và đặc biệt là hoàn cảnh sống (có kẻ sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, sống như ông hoàng bà chúa từ trong trứng; lại có người sinh ra và lớn lên trong bần hàn tăm tối, suốt đời làm thân trâu ngựa/Có kẻ cuộc đời đã được “bày cỗ” sẵn như một con đường thẳng tắp trải đầy vinh hoa phú quí; lại có người suốt đời lên voi xuống chó lê la nơi gầm cầu xó chợ…) của mỗi cá nhân, có thể cách hiểu của mỗi người là rất khác nhau. Điều này chẳng có gì lạ, bởi xưa nay thơ hay (như Truyện Kiều là đỉnh) vốn đa nghĩa; và vì đa nghĩa mà có hàng ngàn dị bản trong lòng người đọc.
Theo tôi, để có thể tạm “lấp đầy” cái “khoảng trống” mà cụ Nguyễn Du “để dành” cho con cháu mai hậu, ta nên tách bóc từng lớp nghĩa trong cụm từ trên.
Trước hết, “Cuộc say” là gì? Ta quen gặp các từ ngữ “cuộc sống, cuộc đời, cuộc tình…” và “cơn say, cơn giận, cơn bão…”, mà ít gặp “cuộc say”. “Cuộc say” phải chăng được ghép bởi hai cụm từ (nghĩa tường minh): cuộc tình, cuộc làm tình (ở lầu xanh) + cơn say, những cơn say (trong quá trình chài mồi khách làng chơi, khi mua bán xác thịt).
Như vậy, “cuộc say” ở đây gồm: “rượu + xác thịt”. Hai “món” này quyện lấy nhau để tạo thành một thứ mùi vị đặc trưng của nhà thổ; đó là thứ mùi nồng nặc, tanh tưởi và luôn gây cảm giác buồn nôn. Trong những “cuộc say” kiểu này, hầu hết những gã đàn ông đàng điếm thèm khát của lạ đều say thật, say cả rượu lẫn say đĩ điếm, say đến nỗi mê muội, mù quáng như những con vật hạ đẳng. Còn nàng Kiều? Hoàn toàn tỉnh táo. Nàng không có lí do gì để say cả. Tại sao? Vì ngay khi đã là “thân lươn” rồi, nàng vẫn luôn ý thức một cách đau đớn, ê chề: “Một cơn mưa gió nặng nề/Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hoa?”. Nghĩa là, ngay trong khi đang bị hành hạ, bị giày vò bởi những con thú đực cuồng dâm; Kiều vấn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng nàng lại phải giả vờ say để chiều lòng khách (một “điều luật” nghiệt ngã của Tú Bà, Bạc Bà nói riêng, tất cả những ông Tú, bà Tú khác từ xưa đến nay nói chung). Hoàn toàn tỉnh táo mà phải giả vờ say. Giả vờ say nhưng lại phải say như thật! Đó mới là tấn bi kịch kéo dài suốt 15 nămthân lươn” của Kiều. Với một người con gái khuê các, có nhan sắc, học vấn, tài năng, có lòng tự trọng như Kiều, thử hỏi, trên đời này, còn nỗi đau đớn ê chề, tủi nhục nào lớn hơn thế nữa?!
Tiếp theo, “đầy tháng” là gì? Ta quen gặp cách nói “cháu đã đầy tháng, đầy năm (đầy tuổi tôi)” và hiểu: “cháu đã tròn một tháng tuổi, tròn một năm tuổi”; vậy “đầy tháng” có nghĩa là “đủ tất cả các ngày trong một tháng, tính theo thứ tự từ 1 đến … 30, 31”. Tức là nàng Kiều phải “giả vờ say như say thật” liên tục các ngày trong một tháng, các tháng trong một năm, các năm trong chuỗi thời gian đằng đẵng 15 năm lận! Không có “ngày nghỉ” nào! Với một tần số “giả vờ say” khủng khiếp như vậy thì “Bấy chầy gió táp mưa sa/Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn” còn là nhẹ, bởi 15 năm “giả vờ say” mà nàng Kiều không bị phát điên thì quả là phi thường! Nàng Xuý Vân chỉ giả dại có một thời gian ngắn hơn 15 năm rất nhiều, thế mà đã bị dại thật kia mà! Có người cho rằng, sức bền chịu đựng cũng là một phẩm chất của con người có ý chí, có niềm tin; nhưng cũng có người phản bác: Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn! Trong bài thơ “Đợi” của Vũ Quần Phương có hai câu thơ rất hay: “Đứng một ngày đất lạ thành quen/Đứng một đời em quen thành lạ” (Tạm hiểu: với một đơn vị thời gian tối thiểu, có thể “lạ” thành “quen”; còn với một đơn vị thời gian quá dài, có thể “quen” thành “lạ”). Nàng Kiều đã nhẩn nha, vật vã “tiêu hết” quĩ thời gian của 15 năm để thủ một vai diễn bất đắc dĩ “giả say nhưng say như thật” và đã diễn hoàn hảo tới mức, cho tới buổi đoàn viên, nàng vẫn hoàn toàn minh mẫn để thưa gửi rành rẽ lớp lang, mặc dù ngay trong buổi đoàn viên, nàng còn bị Thuý Vân giáng một đòn cân não chí tử, vậy mà nàng vẫn có thể giữ được phong thái ung dung của một kì nữ để tiếp tục đối thoại thấu tình đạt lí với chàng Kim trong cái tạm gọi là “hậu đoàn viên”, và đã thuyết phục thành công chàng “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”. Quả là đáng kinh ngạc! Nếu ở trên, tôi dùng từ “phi thường” thì ở đây, tôi xin phép được dùng cụm từ “trên cả phi thường” dành tặng cho nàng Kiều của Nguyễn Du! Người Việt có câu “Có ăn nhạt mới thương mèo”. Giả sử người nào đó không may rơi vào cảnh ngộ như Kiều, liệu có sống sót được một cách kì diệu như nàng chăng?! Và tuyệt đại đa số những người chưa hề biết “mùi vị” của cuộc sống nhà thổ như Kiều đã từng phải cộng sinh suốt 15 năm, liệu có chút đồng cảm nào với những “thân lươn” xưa và nay chăng?! Một nhà văn phương Tây có nói: “Không ai muốn hứng chịu những bất hạnh, nhưng đôi khi bất hạnh sẽ giúp ta có một bộ thần kinh thép”. Thiết nghĩ, một thân liễu yếu đào tơ như nàng Kiều đáng để chúng ta ngưỡng mộ là người phụ nữ “có bộ thần kinh thép”!
                                                                                                                                

5.3.         Thúy Vân dở say
         trong tiệc đoàn viên

Tàng tàng chén cúc dở say
Đứng lên, Vân mới giãi bày một hai.

Kiều uống rượu, say rượu thì đã quen như… chuyện thường ngày ở huyện! Còn với Vân? Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Kiều uống rượu trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng Vân chỉ uống rượu trong một hoàn cảnh duy nhất - buổi đoàn viên của gia đình họ Vương. Hãy đọc lại đoạn đoàn viên: Một đoàn về đến quan nha/Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy/Tàng tàng chén cúc dở say/Đứng lên Vân mới giãi bày một hai. Có thể thấy, trong tiệc, chỉ duy nhất Thuý Vân uống rượu và mượn rượu để nói và nói khá dài. Điều này có vẻ không bình thường! Tại sao?
Có lẽ không ít người đọc quên đoạn đoàn viên và nhân vật Thuý Vân trong Truyện Kiều? Quên đoạn đoàn viên bởi cho rằng chẳng qua cái đoạn có hậu ấy chỉ minh hoạ cho những định đề có sẵn: Khổ tận cam lai; Ở hiền gặp lành. Quên Thuý Vân bởi nàng có ngoại hình phúc hậu quá, hiền lành quá: Vân xem trang trọng khác vời,/Khuôn trăng đầy  đặn, nét ngài nở nang. Thậm chí: Thuý Vân dại dột quá khi nàng dám liều lĩnh nhận lời lấy một người mà nàng không hề yêu! Vậy, có thể bỏ đoạn đoàn viên được chăng? Và Thuý Vân chỉ là một nhân vật lạc lõng vô hồn? Nếu thế, Nguyễn Du thiên tài ở chỗ nào? Người ta ca ngợi Nguyễn Du rất am tường tâm lí các nhân vật, đặc biệt là những nhân vật đàn bà, con gái. Vì thế, có thể nói, chỉ qua ba nhân vật Thuý Vân - Thúy Kiều - Hoạn Thư cũng đã đủ làm thành một thế giới tâm trạng vô cùng sôi động và thú vị!
       Hãy bắt đầu từ câu: Một đoàn về đến quan nha,/Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy.
        Đoàn viên nghĩa là sum họp sau một thời gian li tán. Trong cuộc sum họp cụ thể này thì cha con, anh chị em ruột thịt, tình xưa, người cũ được gặp lại nhau. Lẽ ra cuộc sum họp phải diễn ra ung dung, thong thả, có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng để các thành viên đều được hàn huyên cho bõ những ngày xa cách, cớ sao phải vội?
        Có ý kiến cho rằng thời gian nghệ thuật, thời gian tâm lí trong Truyện Kiều là thời gian quanh năm cấp bách, bốn mùa khẩn trương với dày đặc những mau, kíp, gấp, vội... Đó là thời gian luôn sôi lên sùng sục như cái vạc dầu mà bất cứ nhân vật nào bị ném vào cũng ngay lập tức phải cong người lên nhảy ra, nhưng rốt cuộc tất cả dường như đều biến thành những con tôm luộc! Cả Truyện Kiều là cái thời gian khắc nghiệt như thế. Cho nên thời gian của buổi đoàn viên cũng không thể ngoại lệ. Nó thể hiện sự nhất quán về thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. (Thi pháp Truyện Kiều - Trần Đình Sử. NXBGD, 2006 (?)
          Xin trở lại câu hỏi: Tại sao phải vội?
       Thứ nhất, xét về mặt quan hệ xã hội, chỉ qua một từ vội, có thể cảm nhận được tâm trạng bất an đến hoảng hốt đang bao trùm lên cả gia đình họ Vương. Bởi trước đó mười lăm năm, chỉ cần một lời vu oan của gã bán tơ vô danh là gia đình ấy đã lập tức tán gia bại sản! Nay biết đâu lại chẳng có một gã bán tơ nào khác đang rình mò? (Nên nhớ cái xã hội trong Truyện Kiều ấy, những thằng bán tơ hẳn phải đếm tới năm chữ số trở lên!). Nói cách khác, cái bất hạnh bủa vây vĩnh cửu, còn hạnh phúc chỉ là tia chớp vụt loé lên trong đêm đông. Cho nên, nếu không nhanh tay chộp lấy thì nó sẽ vuột mất nhỡn tiền. Vậy nên phải đoàn viên thật lẹ, kẻo hối không kịp!
        Thứ hai, xét về mặt quan hệ con người, tất cả các thành viên trong gia đình họ Vương đều phải gánh chịu một sức ép tâm lí rất nặng nề, ngột ngạt. Thay vì mừng mừng tủi tủi, sớm muộn họ cũng phải nhất thiết làm cho xong một việc bất đắc dĩ, cực chẳng đã: Tuyên bố bứt Kim Trọng ra khỏi Thuý Vân để trả lại cho Thuý Kiều! Thực chất đây là một hành động chia uyên rẽ thuý khó khăn và đau đớn hơn tất cả những cuộc li hôn từng có trên đời này. Nhưng, trong gia đình, ai là người có đủ tư cách pháp nhân đứng lên tuyên bố cái bản án cân não kia? Vương ông, Vương bà: không thể ! Vương Quan: càng không! Thuý Kiều: không nốt! Còn chàng Kim? Trong trường hợp này, chàng Kim chỉ là một gã chầu rìa! Rốt lại, chỉ còn Thuý Vân, duy nhất Thuý Vân mà thôi! 
          Kế đó, Thuý Vân đã xuất hiện trong câu lục bát tiếp theo: Tàng tàng chén cúc dở say, Đứng lên Vân mới giãi bày một hai.
        Tại sao lại là dở say chứ không phải say mèm, say xỉn? Phải chăng nếu hoàn toàn tỉnh táo thì không thể nói ra những điều mà chính Vân nhận thấy là vô cùng phi lí? Có người vợ nào lại tự nguyện dâng hiến chồng mình cho một người đàn bà khác, dù người đàn bà khác ấy là chị ruột mình chăng nữa? Thế nhưng, liệu có ai thèm chấp lời lẽ của một kẻ say rượu? Cho nên chỉ có dở say là thượng sách. Dở say là ngà ngà say, cũng có nghĩa là Vân chỉ mượn hơi men để đủ can đảm nói ra những điều mà bình thường không thể và không nên nói ra bởi đôi khi thật thà quá hoá tàn nhẫn. Vân đã nói những gì? Trước hết, Vân nói về hạnh phúc: Rằng: -  Trong tác hợp cơ trời …Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao? Tôi và chàng Kim không hề có tình yêu! Chắc là chị Kiều chưa quên cái ngày đã phải:  Cậy em em có chịu lời? Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa!... Xét cho cùng, tôi và chàng Kim chỉ có cuộc hôn nhân áp đặt, kết quả của hành động buộc vào cơ học, vô cảm! Tiếp theo Vân nói với Kim Trọng: Những là rày ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình? Với tư cách là chồng, suốt 15 năm qua chàng đã xử sự với tôi như thế nào? Chàng đã có một cuộc ngoại tình về tâm hồn kéo dài suốt 15 năm ròng. Cảnh chàng với tôi chẳng qua chỉ là đồng sàng dị mộng! Tiếp: Vân nói về lòng tin: Bây giờ gương vỡ lại lành,/Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi. Nếu trước đây Vân chỉ mất lòng tin vào con người thì bây giờ ngay cả Trời (Khuôn thiêng) nàng cũng không tin nữa. Té ra cuộc đời chỉ là một cuộc “lừa lọc” lớn mà Trời chính là thủ phạm!
         Cuối cùng, Vân nói với Kiều: Quả mai ba bảy đương vừa,/Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì. Ba bảy là hai mươi mốt, nhưng thực ra Kiều đã ba mươi mốt tuổi rồi? (Kiều gặp Kim lúc 16 tuổi + 15 năm lưu lạc). Nếu chị chưa chịu yên phận mà vẫn còn ham hố chuyện chồng con thì phải nhanh lên kẻo lỡ thời cơ! (Thời phong kiến: con gái 15, 16 tuổi lấy chồng; 30 tuổi thì: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng!)
       Có thể thấy những lời lẽ của Vân thật rành mạch, lạnh lùng và đáo để. Riêng đối với Kiều, Vân tỏ ra sòng phẳng đến tàn nhẫn. Vân đã đánh thẳng vào vùng cấm kị nhất và cũng tế nhị nhất đối với bất kì người phụ nữ  phương Đông nào: vấn đề tuổi tác! Không có một người lịch lãm nào lại hỏi tuổi một người đàn bà, chứ đừng nói đem chuyện tuổi tác ra để móc máy. Tại sao Vân quyết liệt với chị như vậy? Thì Vân có khác gì Hoạn Thư đâu? Trước hết, Vân là đàn bà: Rằng tôi chút dạ đàn bà,/Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Về cái tư chất đàn bà này, Khổng Tử còn cực đoan hơn: Đàn bà vốn là tiểu nhân ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời”.Cho nên phải thông cảm cho Vân đang ở trong một tâm trạng giằng xé phức tạp: Đớn đau, uất ức, hờn giận, ghen tuông... Tất cả những cảm xúc ấy đều bị đẩy tới giới hạn cuối cùng trong trạng thái: Tàng tàng… dở say!
        Vân và Hoạn Thư là hai giọt nước có phẩm chất hệt nhau, nghĩa là rất thông minh và phân minh: Lòng riêng riêng những kính yêu, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!
         Trong vị thế quan hệ xã hội, rõ ràng phần lí hoàn toàn thuộc về Vân và Hoạn Thư bởi Vân lấy Kim Trọng và Hoạn Thư lấy Thúc Sinh là chính danh, còn Kiều chỉ là phận đèo bòng. Vì thế, nếu Kiều có bị Vân và Hoạn Thư xúc phạm cũng là chuyện thường tình! Chỉ có điều mức độ và cách thức, lời lẽ  xúc phạm của Vân xem ra có vẻ còn đáo để hơn cả Hoạn Thư. Vân đã xỉa xói vào cái tử huyệt nhạy cảm nhất của Kiều, đó là chuyện tuổi tác và duyên phận. Vân đã đánh vỗ mặt vào cân não Kiều, còn Hoạn Thư  thì chỉ dùng mẹo đàn bà (siêu hạng) để giỡn mặt anh chồng dại gái và cảnh cáo Kiều, để Kiều hiểu: Mình là ai? Đang ở đâu? Quan hệ với ai? Trong hoàn cảnh nào?...
         Vốn thông minh sắc sảo hơn người, lại từng trải vì phải chung sống với đủ loại người, hơn ai hết, Kiều đọc rõ tâm trạng của Vân, chịu cái lí của Vân nên cũng lần đầu tiên Kiều tự tuyên bố khai tử danh phận của mình một cách chân thành (điều Kiều chưa từng làm, ngay cả khi đối thoại với Từ Hải): Dứt lời, nàng vội gạt đi,/Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ./Một lời tuy có ước xưa/Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều./Nói càng hổ thẹn trăm chiều,/Thà cho ngọn nước thuỷ triều chảy xuôi... Lẽ ra chị nên chết ở sông Tiền Đường mới phải. Chị sống trở về để trở thành kẻ đe doạ cướp đoạt hạnh phúc của em. Thật đau lòng! Nỗi tủi nhục, ê chề đến mức buộc Kiều phải hai lần dối lòng mình! Thật ra, trong suốt 15 năm lưu lạc, Kiều vẫn đinh ninh Kim Trọng là chồng mình và trong khát vọng cháy bỏng đoàn tụ gia đình, thì được tái hồi với chàng Kim luôn là điều cốt tử nhất. Ngay khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy gia đình, Kiều đã buột miệng thốt lên: “Này chồng, này mẹ, này cha/Này là em ruột, nọ là chàng Kim”; thế mà Kiều phải nói dối Vân, rằng chuyện duyên tình của mình với chàng Kim đã xưa như trái đất rồi. Đó là lần dối lòng thứ nhất. Tuy nhiên, vốn là người cực kì nhạy cảm, ngay lập tức Kiều đã tự “đính chính” từ “Này chồng” (Kim Trọng) có tính chất vơ vào, đến “nọ là chàng Kim” mang tính khách quan hơn. Lần thứ hai, ngay sau đó, khi Kim cứ phớt lờ vợ (Vân), nằng nặc đòi cưới mình, mặc dù vẫn còn rất nặng tình với chàng (tiếng reo vui không sao cưỡng nổi: Này chồngkhi nhìn thấy chàng Kim cũng đại gia đình), nhưng Kiều đành dằn lòng tàn nhẫn hạ nhục người yêu: Nói chi kết tóc xe tơ, /Đã buồn cả ruột, lại dơ cả đời!
          Tóm lại, trong buổi đoàn viên, Thúy Vân phải dở say (cũng có thể giả say !) để « tính sổ » với chồng (Kim), với chị (Kiều) và với Trời (khuôn thiêng). Cuộc « tính sổ » bất đắc dĩ và vô cùng đau đớn. Bởi xét cho cùng, đó chính là tấn bi kịch của Thúy Vân – Bi kịch tan vỡ hạnh phúc gia đình và bi kịch lòng tin với ngay cả những người thân thiết nhất trong gia đình ấy. Sau cuộc dở say này, Thúy Vân sẽ sống ra sao ?! Trời biết !!!                                                                                            
                                                                                   

KẾT
         
          Chúng tôi viết thiên khảo luận Rượu – uống rượu trong Truyện Kiều nhằm 3 mục đích:
          + Bổ sung một nội dung lý thú cho cuốn sách Cảm luận về Truyện Kiều và Nguyễn Du (đã xuất bản năm 2002).
          + Tiếp tục niềm đam mê Truyện Kiều, cái sự tình, nỗi niềm…mà hình như càng thêm tuổi càng ham, của mình.
          + Cùng chia sẻ và kính mời các tri kỷ tri âm gần xa cùng xướng họa, đổi trao, bình luận về 1 trong những vấn đề văn chương cổ điển truyền thống tao nhã, thú vị bậc nhất, và thiết nghĩ, cho đến nay cũng vẫn luôn mới mẻ, thời sự với đời sống tinh thần con người hiện đại.
          Chúng tôi lại thêm một lần muốn từ một giọt nước mặn mòi, lung linh mà hiểu cả đại dương bát ngát; qua việc khảo chứng và luận bàn về 1 chủ đề, thoạt nhìn có vẻ nhỏ nhặt, phù phiếm, nhưng thực chất là ngược lại, để ngõ hầu cảm hiểu, thức nhận sâu thêm đôi chút về Nguyễn Du và Truyện Kiều vĩ đại - niềm kính ngưỡng, mê say suốt đời của chúng tôi, và hẳn không chỉ riêng chúng tôi!
          Nhưng từ ý tưởng, mong ước đến thực tế thể hiện thành văn bản bao giờ cũng là một khoảng cách, nhiều khi… rất xa. Bởi vậy, mức độ nông, sâu, chất lượng hay, dở của từng tiết, từng mục trong khảo luận này… xin để tùy bạn đọc xét định.
          Ngừng bút, chỉ xin được cụ Nguyễn Tiên Điền lượng cả bao dong ban thưởng cho cháu chắt hậu duệ mỗi đứa một chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân để cùng nhắp cho tiêu bớt cái oi ả, sầu muộn của trời hè từ tháng bảy năm Thìn, sang tháng sáu năm Tỵ./.

Trèm – Thạch Bàn, 22 – 7 – 2012;
Đọc, sửa lạ, bổ sung, 6 - 2013
ĐV - HD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét