Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU/1/

RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU/1/
Khảo Luận

ĐƯỜNG VĂN - HOÀNG DÂN
Đó là một trong những đề tài – chủ đề thường bị coi là phù phiếm, vớ vẩn, vô bổ… không thiết thực, thời sự, cấp thiết!… nhưng lại rất thú vị, hấp dẫn và không phải dễ dàng! Hơn 10 năm trước đây, khi cùng Hoàng Dân viết cuốn Luận về Truyện Kiều (NXB Thanh Niên, 2002), chúng tôi, không hiểu sao, lại bỏ qua vấn đề thống khoái, bổ ích này?! Nay mới được dịp dư dả thời gian, lại được sự khuyến khích của mấy ông bạn thơ, bạn rượu, lại vừa nhân đọc 1 tập thơ dày giặn của CLBT Mùa thu (Thái Nguyên) Hòa thơ vào rượu, chuyên chú vào chỉ 1 đề tài thú vị ấy, chúng tôi mới để tâm đọc kỹ lại Nguyễn Du – Truyện Kiều để chuẩn bị cho bài khảo luận muộn màng này. Tất nhiên thơ cụ Nguyễn Tiên Điền thuộc loại thi ca kinh điển Việt Nam: mênh mông, siêu uẩn, càng đọc càng hay, càng nghĩ càng ngợp, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Tài lực chúng tôi chỉ mong manh hạt bụi, nên đành biết đâu nói đấy, bạo gan đánh trống qua cửa nhà sấm, không khỏi khiến các bậc thức giả, các nhà Kiều học, các tửu đồ, thi nhân bốn phương chê cười… thì cũng đành cam chịu tiếng hàm hồ, con oanh học nói…chứ còn biết làm sao cho thỏa tấm lòng yêu kính Tố Như tiên sinh được đây?!.

I. Khảo:
1.   
Hệ thống Ngữ cảnh nói đến rượu – uống rượu trong Truyện Kiều (bản Đào Duy Anh, NXB Văn học, 1979), theo trình tự cốt truyện



Lt
Tt câu
               Ngữ cảnh
Hoàn cảnh xuất hiện
Cách kể – tả
1
424
Đủ điều trung khúc ân cần
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang
Kiều – Kim gặp gỡ tại nhà trọ của Kim.
Lời tác giả
2
454
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng
Kiều – Kim cùng uống rượu sau lễ thề nguyền dưới trăng.
Lời tác giả
3



4
701



727
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề, thôi đã phụ phàng với hoa.


Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Kiều ngồi một mình trong đêm, sau quyết định bán mình chuộc cha.
Trong đêm trao duyên
Tâm trạng, suy nghĩ của Kiều.

Lời Kiều tâm sự với Vân
5
1039



Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống hãy rày trông mái chờ.
Tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích
Tâmtrạng,suy nghĩ của Kiều.
6
1230



Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm
Cuộc sống của Kiều sau khi nàng buộc phải nhận tiếp khách
Lời tác giả.



7
1233

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình, xót xa!

Kiều một mình  trong đêm tàn tại lầu xanh của Tú Bà.
Tâm trạng, suy nghĩ của Kiều.

8
1295

Khi gió gác, khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.
Kiều – Thúc tại lầu xanh của Tú Bà.
Lời tác giả.
9  
1473



Mảng vui rượu sớm, cờ trưa
Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.
Cuộc sống Kiều – Thúc tại nhà riêng ở Lâm Tri.
Lời tác giả.

10
1499
Tiễn đưa một chén quan hà
Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình.
Kiều tiễn Thúc về thăm Hoạn Thư – vợ cả               
Lời tác giả.
11
1504
Cầm tay dài ngắn thở than
Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời.
nt
nt
12-13
1517-1518
Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày  rày năm sau.
nt
Lời Kiều nói với Thúc.
14
1571
Tẩy trần vui chén thong dong
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.
Hoạn Thư mở tiệc mừng chồng về thăm.
Lời tác giả.
15

16
17



18


19




20

21
22
1834

1835
1836



1840


1842




1846


1847
1848
Tẩy trần, mượn chén giải phiền đêm thu.
Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng trực  trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.
Sinh càng như dại như ngây
Giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi.
Ngảnh đi, chợt nói chợt cười
Cáo say, chàng đã tính bài lảng ra.
Tiểu thư vội thét: - Con Hoa!
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn!
Sinh càng nát ruột tan hồn,
Chén mời phải ngậm bồ hòn, ráo ngay!
Tiểu thư cười nói tỉnh say
Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi.
Hoạn Thư – Thúc Sinh uống rượu, Kiều hầu rượu.



Thúc Sinh vừa uống vừa khóc.
Thúc cáo say, lảng ra.



Thúc đánh phải cạn chén nữa.
Hoạn lại bày tiếp trò chơi.
LờiHoạn Thư
Lời tác giả.




Nt

Nt



Nt

Nt

23

24
2568

2590
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Dở say, lại ép cung đàn nhặt tâu
Hạ công chén đã quá say
Hồ công đến lúc rạng ngày nhớ ra.
Hồ Tôn Hiến dở say, bắt Kiều đàn.
Hồ Tôn Hiến quá say trong tiệc .
Lời tác giả.

nt
25
3061
Tàng tàng chén cúc dở say,
Đứng lên, Vân mới giãi bày một hai.
Tiệc đoàn viên ở nhà họ Vương.
Lời tác giả
26
3135
Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa.
Kiều  - Kim uống rượu đêm động phòng
Lời tác giả.
27
3190
Thêm nến giá, nối hương bình
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.
Nt
Nt
28
3223
Khi chén rượu, khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Cuộc sống của Kiều sau đêm đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
Lời tác giả.


2.    Nhận xét tổng hợp:
Tổng số câu thơ/lần nói về rượu và uống rượu: 28 / 28, /3254 câu thơ (chiếm khoảng 2, 9%?); trải dài suốt theo quá trình phát triển của cốt truyện từ đầu (gia thế – gia biến – lưu lạc – đoàn viên) đến cuối. Nếu so với các truyện Nôm hữu danh và khuyết danh khác, các văn tế, khúc ngâm thời trung đại ở Việt Nam thì Truyện Kiều có tổng số lần/câu thơ nói về rượu – uống rượu nhiều nhất, phong phú nhất.

     (Một vài số liệu so sánh bước đầu:
- Chinh phụ ngâm (theo bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm) có 4 lần – 7câu/475 câu nói về rượu – uống rượu. Ít hơn so với Truyện Kiều 6 lần. Trong đó có các cụm từ mới: rượu khà, đối ẩm, rượu nhạt, mượn rượu.
- Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) có 3 lần – 3 câu/2500 câu  nói về rượu – uống rượu. Ít hơn  gần 9 lần so với Truyện Kiều. Trong đó, 2 lần là lời ông quán nói với thực khách:  3 chàng Lục, Bùi, Trịnh trên đường lai kinh ứng thí. 1 lần thầy bói nói với tiểu đồng. Cả 2 lần đều nói về rượu cúc. Thú vị là có thêm cả món thuốc lá trong quầy hàng của lão quán bên đường!
- Nguyễn Khuyến là nhà thơ có nhiều duyên nợ với rượu, cả trong đời lẫn trong sáng tác thơ văn: trong thơ Nôm, thơ chữ Hán đã có tới 53 lần Yên Đổ nói đến rượu – uống rượu. Thật xứng đáng một túy ông – tửu đồ kiệt hiệt với nhiều bài hay, đoạn hay, câu thơ rất phong phú, kỳ thú: nếm rượu, chén rượu Đồ tô, rượu Trung Sơn, bầu xuân, chén chú chén anh, chén tôi chén bác, hay rượu, say nhè, rượu ngon khong có bạn hiền, không mua không phải không tiền, không mua, rượu hoa: Uống rượu ở vườn Bùi, Nghe hát đêm khuya, Tự thuật, Lên lão, Ông phỗng đá, Chợ Đồng, Mừng ông nghè mới đỗ, Ngày xuân gửi bạn, Thu ẩm, Khóc Dương Khuê (2 lần), Ba cái lăng nhăng ,Chừa rượu,  Di chúc… Nhưng ông không viết truyện thơ Nôm!(?)
- Trần Tế Xương cũng thích rượu nhưng viết thơ Nôm về rượu – uống rượu cũng không nhiều. (?). 
- Tản Đà – một trong những đệ tử - truyền nhân xuất sắc của Lưu Linh, Lý Bạch viết khá nhiều về rượu – uống rượu. Ông đã để lại cho đời không ít bài, đoạn, câu thơ trác tuyệt về đề tài này. Nhưng Thề Non Nước lại không phải là truyện thơ Nôm! (?)
- ?
Cụ thể, trong Truyện Kiều, chúng tôi nhận thấy:
+ 18/28 lần tả - kể trực tiếp cảnh uống, say rượu.
+ 3/28 lần Kiều hồi ức nhớ lại cảnh uống rượu thề dưới trăng.
+ 6/28 lần tả cuộc sống, sinh hoạt của các nhân vật, tả thời gian trôi.
+ 3 lần 28 tả uống rượu buổi chia ly (Kiều – Thúc).
+ 3 lần tả uống rượu đoàn viên (Vân - Kiều – Kim).
+  14 lần/28 tả tâm trạng nhân vật khi uống rượu, lúc say, lúc tỉnh.
+ Trung bình  1 lần tả – kể:  1 câu thơ (2 dòng lục – bát).
+   8 lần liên tiếp (15 dòng) tả – kể trực tiếp dài nhất, giàu kịch tính, giàu chất tiểu thuyết nhất (từ lần 14/1834 – 21/1848: Đoạn Hoạn Thư bày tiệc tẩy trần cho Thúc Sinh, bắt Kiều đứng trực trì hồ (hầu rượu, rót rượu cho cả hai vợ chồng) cốt đánh ghen, làm nhục Kiều và Thúc Sinh.
+ Kiều uống với Kim Trọng:  7 lần (gặp gỡ: 2, (trong hồi ức : 3); đoàn viên: 2).
+ Kiều uống với Thúc Sinh:  5 lần (ở lầu xanh: 1; ở nhà riêng của Thúc: 1, buổi tiến Thúc về quê thăm vợ cả: 3).
+ Kiều uống với  cha mẹ và hai em, với Từ Hải: 0 lần.
+ Kiều hầu rượu: 2 lần (trì hồ vợ chồng Hoạn Thư trong tiệc tẩy trần do Hoạn bày ra; thị yến Hồ Tôn Hiến, dưới màn tiệc hạ công do y bày ra).
+ Từ rượu dùng trực tiếp: 5 /28 lần: cuộc rượu, chén rượu, rượu sớm, chuốc rượu, tỉnh rượu.
+ Từ say được dùng trực tiếp: 6/28 lần: dở say (2 ), tỉnh say, cáo say, cuộc say, quá say…
+ Trạng thái say được tả bằng những từ khác: tàng tàng (2 lần): ngà ngà, hơi say, say nhè nhẹ, quá say.
+ Đồ dùng uống rượu: chén (19 /28 lần); bầu (tiên): (1 / 28 lần).
Trong đó: chén rượu (1), vui chén (1), ngừng chén (1), chén cúc (rượu cúc) (1), chén quỳnh (tương) (1), chén mồi (đồi) (1), chén đầy (1), chén vơi (1), chén đưa (tiễn)(1), chén  mừng (1), chén vàng (bằng vàng, rượu thề) (1), chén xuân (tình yêu) (10, chén hà (1), chén quan hà (1), chén tạc (mời đi)(1), chén thù (mời lại) (1), chén đồng (tâm) (1), chén mời (1), mượn chén (1)…
Chén
kết hợp với các tính từ, hoặc động từ,  hay danh từ đứng sau hoặc trước để chỉ hoặc loại rượu, hoặc chất liệu làm chén, hay hành động uống, hay tính chất, mục đích cuộc rượu, hoặc tâm trạng và tính cách người uống…
Quả thật, phong phú vô cùng! Vô cùng lý thú!
Nguyễn Tố Như tiên sinh không những không hổ danh là 1 tửu đồ chân chính mà còn là 1 cao thủ kiến văn quảng bác, uyên uẩn về rượu và uống rượu, một ẩm giả lưu kỳ danh (Lý Bạch), một  trong An Nam ngũ tuyệt ở đất Thăng Long cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19
+ Về nghệ thuật biểu hiện:
Xu hướng cổ điển - ước lệ, ngôn từ, hình ảnh trang nhã (đôi khi cũng đã sáo mòn) vẫn là chủ đạo. Xu hướng hiện thực (trần trụi, nghiêm nhặt) đã manh nha, xen kẽ, thấp thoáng, tuy còn yếu nhưng đầy triển vọng.
+ Hầu hết những lần nói về rượu và uống rượu đều gắn với các bữa tiệc lớn, nhỏ mà các nhân vật chính của truyện, đặc biệt là nhân vật trung tâm Vương Thúy Kiều được/bị tham gia. Tại đó, rượu không chỉ là đồ uống ưa thích và quen thuộc mà còn góp phần hoặc tạo nên nghi lễ trang trọng,  hoặc mua vui, biểu dương uy thế, võ công, hoặc cốt bày trò ra oai, làm nhục người khác, hoặc tăng niềm vui, nỗi mừng đoàn viên, hội tụ sau  dằng dặc 15 năm gia biến lưu lạc, hoặc thể hiện tâm sự, tâm tình và phần nào phơi mở cả tâm hồn, cá tính, tính cách nhân vật… nhưng cũng có khi chỉ để chứng tỏ 1 cuộc sống nhàn tản, vô vị kéo dài, lặp đi lặp lại 1cách bình thản, nhàm nhạt, đáng chán, hoặc đơn giản chỉ là một cách tả dòng thời gian tuần tự vô cảm trôi đi…
Thật muôn hình muôn vẻ! Nhưng rõ ràng, tuy đóng những vai trò, mức độ khác nhau, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, rượu – uống rượu đóng góp không nhỏ vào nội dung và nghệ thuật Truyện Kiều. Uống rượu không chỉ khiến các nhân vật truyện say sưa hơn, khoái thú hơn, sống và nói thành thật về mình hơn… để có thể đáng yêu hoặc đáng ghét, đáng buồn, đáng chán, đáng cười… hơn mà còn làm cho người đọc truyện cả mấy trăm năm sau vẫn cứ muốn tàng tàng, châng lâng như được cùng thưởng thức dòng quỳnh tương từ bầu tiênchén mồi rót từ tay tiên hoa hậu họ Vương để say sưa cùng nhân vật và tác giả.
Nói không quá, nếu bỏ đi những câu thơ nói về rượu – uống rượu thì Truyện Kiều sẽ kém hẳn đi sự sâu sắc, trải đời, mất hẳn cái dư vị nồng nàn, say người ngây ngất hiếm có mà bị  rơi vào tình trạng nhạt nhẽo khô khan đi nhiều lắm!
Vì sao? Có lẽ bởi cái khác, điểm hơn hẳn các tác giả truyện thơ Nôm đương thời của Nguyễn Du là ở chỗ, trong Truyện Kiều, cụ khai thác chủ đề rượu và uống rượu không chỉ với mục đích phục vụ nghi lễ, tiêu sầu, mua vui, bày tỏ tình yêu, lòng biết ơn, hay làm nhục, trả thù…mà chủ yếu là, tại những tình huống ấy, rượu – uống rượu góp phần thể hiện chân thực, sâu sắc thế giới nội tâm, diễn biến tâm trạng của các nhân vật tham gia, những mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài của họ và giữa họ với nhau, với đời, với số phận…góp phần tạo thành những bi – hài kịch lớn, nhỏ mà chính họ cùng với rượu đã trở thành những diễn viên xuất sắc dưới bàn tay đạo diễn thiên tài Nguyễn Tố Như.
Trong nhiều trường hợp uống rượu, các nhân vật Truyện Kiều dường như không còn là chính mình, không giữ được bản thân mình (Hồ Tôn Hiến dở say chẳng hạn).
Chúng tôi cho rằng rượu - uống rượu không chỉ giữ vai trò tạo thành một hệ thống các chi tiết nghệ thuật quen mà lạ, phổ biến mà đắt giá, mà còn là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, một mặt, có tính độc lập tương đối, mặt khác, gắn chặt với hệ thống hình tượng nhân vật và hình tượng thiên nhiên, góp phần không nhỏ làm nổi bật chủ đề "Đoạn trường tân thanh". Rượu – Uống rượu chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho người đọc Truyện Kiều xưa nay… say ngất ngư bởi chén chén vàng, chén chén mồi, chén chén xuân, sóng sánh quỳnh tương, ngọc dịch... rót, rót từ bầu tiên, tay tiên Nguyễn Tử hào phóng ban tặng.
Thành công đặc biệt đột xuất này, trước và sau Nguyễn Du, ở Việt Nam, thiển nghĩ, chưa có ai đạt được!
Tuy nhiên, có lẽ bởi đây là 1 tiểu thuyết – thơ,  cách kể – tả người, việc, cảnh, tình… thảy đều rất gọn nên người đọc truyện thời nay vẫn rất thèm được đọc những đoạn, những trang miêu tả thật cụ thể, tỉ mỉ, sâu hơn nữa, từ cử chỉ, hành động đến lời nói của các nhân vật, đặc biệt là diễn biến tâm trạng của các nhân vật (nhất là Kiều, Vân, Thúc, Kim, Từ, Hoạn…) khi họ uống, họ say, họ tỉnh (như kiểu Nam Cao tả trong Chí Phèo, Đời thừa…). Chẳng hạn, giá như sau câu: Khi tỉnh rượuthương mình, xót xa, Nguyễn Du viết độ dăm câu nữa đi sâu tả cái tâm trạng thương mình, xót xa ấy của Kiều vân vi, ngóc ngách như thế nào, thì thú biết mấy! Hoặc cụ bổ sung một đoạn độ chục câu tả cảnh Kiều uống rượu với Từ Hải trong trướng hùm mở giữa trung quân, sau cuộc báo ân báo oán động trời kia… Đại vương họ Từ anh hùng gươm đàn nửa gánh sẽ uống rượu như thế nào nhỉ?! Và nàng Kiều, tri kỷ số 1 - duy nhất của chàng, sẽ tiếp rượu, đối ẩm với phu quân mình ra sao? Tiếc thay, Tố Như không hề viết lấy 1 dòng, 1 chữ! Hay vì cụ quá câu nệ vào nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân? Hay cụ cố theo sát nguyên tắc thuật nhi bất tác (chỉ thuật - kể lại, không sáng tác)… khiến cho người đọc hậu thế đành chịu thiệt thòi!?
Giá như, giá như… tôi cứ miên man tưởng tượng hoài vọng, vô vọng như thế trong quá trình đọc lại Truyện Kiều, lựa lọc những câu thơ nói về rượu và uống rượu trong Đoạn trường tân thanh!
Nhưng quả thật, cuối cùng, vẫn phải khẳng định rằng: chỉ với những gì Nguyễn Du đã viết, tuy vẫn chưa vượt ra khỏi thi pháp thơ trung đại cổ điển Việt Nam nhưng đã là tập đại thành, đã ở đỉnh cao nhất, chiếm giải nhất chi nhường cho ai cả về chất lượng và số lượng, nội trong chủ đề rượu – uống rượu, trong Truyện Nôm Kiều, so với cổ nhân, đương thời, Việt Nam và thế giới, hôm nay và thách thức cả tương lai…
Chỉ nội điều đó thôi, chẳng đã đủ để cho chúng ta và đời đời con cháu mai hậu vô cùng kính ngưỡng và tự hào về Tố Như Tử và Truyện Kiều bất tử hay sao?!.
II. Luận về một số câu, đoạn sâu sắc, ám ảnh
1.    Rượu với Kiều – Kim

Trong Truyện Kiều, Kiều uống  rượu cùng Kim Trọng tất cả 7 lần. 2 lần trong đoạn đầu: gặp gỡ - thề bồi; 2 lần trong đêm đoàn viên - hội ngộ. Còn 3 lần trong thời gian gia biến - lưu lạc được Nguyễn Du tái hiện trong hồi ức của Kiều chỉ nhớ về lần uống thứ hai. Sau khi cùng chàng Kim quỳ bái dưới trăng: Tóc tơ căn vặn tấc lòng/trăm năm tạc một chữ đồng đến xương, thì đến cảnh: Chén hà sánh giọng quỳnh tương/Giải là hương lộn, bình gương bóng lồng… sống lại trong trí nhớ của Kiều như vừa mới … đêm qua. Như vậy, thực tế Kiều - Kim đối ẩm có 4 lần. Giữa 2 lần đầu và 2 lần cuối cách nhau dằng dặc một khoảng thời gian 15 năm. Tố Như tiên sinh đã tả những lần ấy như thế nào.?
Chúng tôi cho rằng lần tả rượu – uống rượu cuối cùng (26/3223) trong Truyện Kiều:
Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
/ thì chắc chắn Kiều có tham gia nhưng chưa hẳn đã có mặt chàng Kim, nên tạm không tính vào đây. Cũng với quan niệm trên, chúng tôi sẽ bình luận riêng 3 lần Kiều uống rượu trong hồi tưởng ở tiểu mục  4:  Một mình Kiều với … rượu.
1.1.
Đủ điều trung khúc ân cần;
Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng
.
Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non Đoài.


Hai người đối ẩm vào ban ngày, tại phòng trọ học của Kim Trọng, vào một ngày đẹp trời cuối xuân đầu hạ. Nhân dịp may hiếm có: cả nhà Kiều về bên ngoại dự sinh nhật, thế là cô gái đầu nhà họ Vương xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê, đang khắc khoải mong nhớ người yêu lập tức quyết định hành động táo bạo: Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường/Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng. Thì dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông. Hai người dắt tay nhau vào nhà, trò chuyện râm ran, ríu rít. Vừa trò chuyện vừa uống rượu; chuyện nhỏ, chuyện to, chén thù chén tạc. Bốn mắt nhìn nhau say đắm. Như quên hết chung quanh, chỉ còn biết có nàng, có chàng. Nguyễn Du đồng cảm sâu sắc với cặp uyên ương lần đầu được hưởng hạnh phúc ngọt ngào, ngất ngây của tình yêu thơ mộng. Câu thơ/ Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng/ 8 chữ, đắt cả 8. Từng chữ như muốn bay, muốn múa, nở hoa, tỏa hương. Lòng Kiều – Kim lúc này cùng phơi phới vui, say, tươi như ngày xuân, như mùa xuân, hoa xuân, tuổi thanh xuân tràn trề hạnh phúc trong mối tình đầu mới hé. Rót -  mời – nâng - cạn chén rượu này (không để ý, không cần biết là rượu gì!) là chén xuânchén tình say sưa, ngây ngất, được men rượu trợ hứng, càng nồng nàn lan tỏa. Cả hai, trong mắt nhau, càng trở nên xinh đẹp, phong lưu, hào hoa, yểu điệu mười phân vẹn mười. Tàng tàng là trạng thái mới bắt đầu say, hơi say: say ngà ngà, bung biêng chút chút. Nhưng cả hai (nhất là Kiều) vẫn đủ tỉnh táo để nhìn ra ngoài sân; và nhận rõ: Ngày vui ngắn chẳng đầy gang/Trông ra ác đã ngậm gương non Đoài. Thời gian tâm lý thật kỳ diệu. Cách diễn tả cũng tao nhã, hình ảnh biết bao. Sau này có lúc, trong tâm trạng ngược lại, Kim Trọng thấy: ba thu dồn lại một ngày dài ghê; còn bây giờ trời cho được ở bên nhau, sao một ngày (thời gian trừu tượng) lại có thể so với chưa đầy 1 gang tay (cụ thể?) Vừa mới gặp nhau, trò chuyện một chốc, thoắt đã cuối chiều rồi!
Trong lần gặp gỡ thứ ba này (lần đầu, đầu tháng ba năm ấy, ở hội Đạp thanh: tình trong như đã mặt ngoài còn e, lần thứ hai, bên tường, trên sân cạnh phòng trọ của Kim, Kiều – Kim tỏ tình, đổi trao kỷ vật, cách đó ít lâu), rượu – uống rượu đóng vai trò phụ: 1 nghi lễ tiếp khách quý, còn đóng vai trò chính: như chất xúc tác, trợ hứng, không thể thiếu, tuy nhiên ở đây, không quan trọng lắm. Với Kiều – Kim ngày hôm ấy, họ chỉ biết có nhau, càng nhìn, càng nói, càng nghe… càng như say, như ru, cuốn nhau, dìu nhau phơi phới bay trên biển sóng tình yêu càng lúc càng dào dạt. Không có rượu cũng đã say tình lắm, nhưng thù tạc nhau vài chén, thì cái chén xuân tàng tàng càng làm đắm đuối lòng xuân.
Bản thân tình cảm lứa đôi trai gái xưa nay luôn là một thứ rượu thần nồng nàn, mà ngọn lửa yêu đương chính là thứ men đắm say bậc nhất trong đời sống con người. Tình yêu ấy thường đẹp nhất, lãng mạn, hồn nhiên nhất ở lứa tuổi hoa niên - tuổi xuân, trong mối tình đầu. Hiểu quy luật tình cảm kỳ diệu ấy, mới càng thấy sự trẻ trung, đồng cảm sâu xa, rộng mở của tâm hồn lớn Nguyễn Du, tài hoa trác việt của nghệ sĩ thiên tài Tố Như.
Có lẽ đây là lần đầu và duy nhất, Nguyễn Du nói đến rượu – uống rượu một cách thật sung sướng, hồn nhiên, nhẹ nhàng, mà mê say, bay bổng đến thế, trong Truyện Kiều.
1.2.
Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia hai.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương,

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.
Chúng tôi phải trích hơi dài cốt cho đầy đủ cái lễ thề trang nghiêm, trịnh trọng mà giản dị, chân tình của Kiều – Kim giữa đêm trăng vằng vặc ấy. Từng câu, từng chữ, từng dòng, cả nhịp thơ, điệu thơ, lối đối: tiểu đối và đại đối… đều góp phần thể hiện không khí trang trọng, linh thiêng của cảnh vật và con người đang tiến hành và chứng kiến một trong những thủ tục, nghi lễ trọng đại bậc nhất của con người: Lễ thề tình yêu chung thủy. Kết thúc lễ thề trịnh trọng, trang nghiêm ấy là cảnh hai người cùng uống chén rượu thề (đồng ẩm) dưới sự chứng giám của trăng sáng, trời cao.
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
/
Câu thơ 6 tiếng vang lên đĩnh đạc, trịnh trọng, nhịp 2/2/2 đều đặn, chậm rãi cốt ngầm tả từng động tác đưa tay, cất chén, đặt chén cùng lúc của chàng – nàng. Nếu ở lần đầu gặp gỡ trên, tác giả dùng chén xuân để đối xứng, tiếp nối với lòng xuân là rất phù hợp thì trong nghi lễ thề bồi này, Nguyễn Du dùng chén hà (cần phân biệt với cụm từ chén quan hà dùng trong lần Kiều uống tiễn Thúc Sinh sau này) với nghĩa chén rượu quý hiếm – quỳnh tương ngọc dịch - dùng cho các vị thần tiên trên trời. Một cách nói ước lệ, đẹp lời quen thuộc của thi pháp văn thơ trung đại. Nhưng trong trường hợp này là hoàn toàn thích đáng, phù hợp. Rượu - uống rượu, ở đây hoàn toàn mang ý nghĩa 1 nghi lễ phải có, cần có, cho nên không thấy tả cảm giác ngon hay không, say hay không say… là rất tinh tế. Kiều – Kim nghĩ gì trong khoảnh khắc nghi lễ tự nguyện đó? Nguyễn Du không tả nên người đọc có thể đoán phỏng, tha hồ liên tưởng, tưởng tượng theo chủ quan mình. Riêng tôi, tôi đoán: Họ chẳng nghĩ gì cả! chỉ rất hồi hộp, có phần sợ hãi nữa. Sợ cái gì, không rõ! Nhưng có điều họ biết chắc và tự khẳng định chắc chắn, rằng: Họ đã thuộc về nhau. Từ nay sẽ mãi mãi thuộc về nhau. Họ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu trong sáng và tình cảm thủy chung của mình. Cùng tin: lời dạ thề sẽ được trời đất, thần linh chứng nghiệm và sẽ có hiệu lực vĩnh viễn… (Hai trái tim mười tám, đôi mươi non nớt, ngây thơ đâu có ngờ lời thề nguyền chính đính trang nghiêm và vô cùng trong sáng đó sẽ bị vi phạm. Chỉ ít lâu sau, bi kịch tình yêu đã bắt đầu!). Nhưng chỉ ngay câu tiếp sau, điểm nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du đã chuyển ngay sang con mắt và tâm trạng chàng Kim khi ngắm ý trung nhân của mình đang uống chén rượu thề dưới trăng. Ánh trăng – dải áo là - mùi hương (hương trầm, và hương từ quần áo, từ người đẹp thoang thoảng ) bỗng lẫn lộn, quyện hòa, lồng vào nhau, với nhau, lả lướt, quấn quýt, như bay, như mơ… trong cái đê mê, ngây ngất, tuyệt vời…

Bút pháp cổ điển đã manh nha mầm lãng mạn - hiện thực của thiên tài Nguyễn Du, trong đoạn này, có lẽ là ở đó.

1.3.
Động phòng dìu dặt chén mồi
Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa

…Thêm nến giá, nối hương bình

Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan
.


Từ những năm 70 thế kỷ trước, trong một bài nghiên cứu về Nguyễn Du – Truyện Kiều, Xuân Diệu cho rằng đoạn Đoàn viên là một tấn bi kịch mới – bi kịch cuối cùng trong đời nàng Kiều; đó là bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều. (xem Xuân Diệu: Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, 1985?). Chúng tôi hết sức đồng cảm và khâm phục nhà thơ lớn – nhà phê bình thơ xuất sắc về nhận xét đầy tính phát hiện ấy. Nay muốn nối thêm đôi ý vụn vặt liên quan ít nhiều đến rượu – uống rượu trong đoạn hội ngộ này.
Câu chuyện được khơi mào không phải từ Thúy Kiều, Kim Trọng hay Vương Quan, hoặc hai vợ chồng lão viên ngoại…mà lại chính là từ… Thúy Vân, em gái ruột của Kiều, phu nhân của tri huyện Kim từ 15 năm qua. Trong bữa tiệc gia đình mừng sum họp, tại quan nha, đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy: / Tàng tàng chén cúc dở say/ Đứng lên, Vân mới giãi bày một hai…
Đây là lần thứ 23  trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết về rượu - uống rượu với dụng ý nghệ thuật rõ ràng và tinh tế. Nhưng trước hết, ta hãy giả sử: nếu không có cái say ngà ngà do ngấm men vài chén rượu cúc (một loại rượu màu, rượu mùi nồng độ cồn nhẹ) thì liệu nàng Thúy Vân có dám đứng lên để giãi bày một câu chuyện vô cùng trọng đại, vô cùng khó nói, ngay cả với chính mình, trước cả nhà như thế hay không? Chúng tôi nghĩ, theo lôgich tâm lý, lô gich tính cách nhân vật Thúy Vân, trong hoàn cảnh ấy, nàng cũng sẽ vẫn đứng lên, vẫn nói hết ý kiến của mình. Bởi đó là điều Vân đã từng nung nấu, suy nghĩ đắn đo, đã tự làm việc với tâm não mình, chí ít cũng từ lúc gặp lại Kiều đến giờ. Và có lẽ đây là chủ quyết dứt khoát, kiên định của nàng. Nàng không muốn hoặc không thể hoặc không cần bàn qua hay hỏi ý kiến chồng (Kim Trọng). Có thể vì sợ Kim phản đối, hai vợ chồng lại tranh cãi lôi thôi! Theo Vân, đây là quyết định hoàn toàn hợp tình, hợp lý để đền bù lại bao nhiêu đau khổ, hy sinh mà chị ruột nàng phải một mình gánh chịu vì gia đình, vì nàng. Thế nhưng, tại sao Vân không nói ngay lúc mới gặp ở chùa, hoặc lúc mới về, hoặc lúc vào tiệc mà phải đợi đến lúc tàng tàng dở say? Hơn nữa, trong chuyện tế nhị này, trong gia đình họ Vương, chỉ một mình Thúy Vân nói ra, đưa ra đề nghị mới là hợp lý, hợp tình, hợp cảnh nhất. Tôi nghĩ đó chính là chỗ Nguyễn Du tâm lý và tinh tế. Một là, để có thêm thời gian cân nhắc lần cuối trước khi trình bày ý kiến trước cả nhà. Hai là, để thúc đẩy, vững chắc thêm quyết tâm, dũng khí (Tôi cho rằng, nói được rõ ràng, liền mạch, một mạch ý kiến trọng đại này, Thúy Vân phải tự vượt lên mình rất nhiều, bao dung, đại lượng và chấp nhận sự thiệt thòi, hi sinh rât nhiều. Bởi lẽ (sau khi quyết định được thực hiện, sẽ không phải là cảnh chồng chung, 2 chị em cùng lấy 1 chồng: em: vợ cả, chị: vợ lẽ…thì cũng đã ai dễ chịu nhường cho ai, dù là ruột thịt! mà ở đây là vợ nhường chồng, nhường hẳn, trả hẳn!!!) Thế cho nên trong thâm tâm, chắc Vân cũng đau đớn, giằng xé lắm chứ! Nhưng rồi cái nghĩa tình chị em ruột thịt, lòng kính yêu và biết ơn sâu nặng đối với Kiều trong Vân đã chiến thắng. Nhưng vẫn cần có chút rượu, chút hơi men ngà ngà say để tăng thêm dũng khí, đánh bạt hẳn sự do dự, đắn đo, ngập ngừng đang loảng thoảng, vấn vương trong lòng, để Vân có thể nhất khí quán hạ, một hơi trình bày xong chủ kiến của mình… và bình tâm ngồi xuống chờ nghe ý kiến mọi người. Như thế, dù chỉ lại đóng vai trò xúc tácdung môi gần giống như cảnh lần đầu Kiều – Kim song ẩm chén xuân. Cả hai lần, người uống đều tàng tàng, bồng bềnh… Trạng thái ngà ngà vô cùng khoan khoái ấy, đã một lần chắp cánh đưa Kiều – Kim lên đỉnh Giáp – Non Thần của mối tình đầu hé nở, lần này lại giúp Vân hoàn thành nhanh gọn, dứt khoát lời đề nghị chí tình chí nghĩa của mình.
Có lẽ bởi lần này cốt kể chuyện tâm lý, tâm tình, rât hiện thực đời thường nên Nguyễn Du không hình ảnh hóa, mỹ lệ hóa rượu, chén, mà ông viết giản dị: chén cúc – chén rượu cúc, đơn giản vậy thôi!
Nhưng Vân vừa dứt lời thì Kiều đã lập tức đứng dậy gạt đi, phản đối. Chàng Kim lập tức phản đối, chất vấn lại Kiều. Kiều hùng hồn, tha thiết phản bác, nói rõ ý nguyện của mình. Chàng Kim bẻ lại bằng những lý lẽ sắc bén, hết điều. Hai thân thì cũng quyết theo một bài. Cuối cùng,…Thúy Kiều đành cúi đầu ngắn dài thở than và miễn cưỡng chấp nhận!
Đến đây, tạm kết cảnh  đầu trong màn kịch cuối – đoàn viên.
Một lưu ý nhỏ bạn đọc: Tiệc vui thì hẳn phải có nhiều rượu, uống rượu nhiều để tăng vui. Đó là chuyện thường. Nhưng ở bữa tiệc vui sau 15 năm mới có này, rượu - uống rượu hầu như chỉ đóng vai trò rất nhỏ,  đủ gây cảm giác tàng tàng để Thúy Vân bắt đầu câu chuyện của mình. Thế thôi! Còn từ đó trở đi cho đến mãn tiệc, hình như mọi người đều chỉ mải nói, mải biện luận, tranh luận, phản bác, mải nghe, mải nghĩ, đến mức hình như quên bẵng cả chuyện uống, ăn… Thúy Vân là người khơi mào bằng một ý kiến khá dài, rõ ràng, dứt khoát. Sau đó, nàng chỉ ngồi im, lắng nghe, và rất tự tin, rằng cuối cùng ý kiến đúng đắn của mình sẽ được thực hiện.
Nhưng câu chuyện nhà họ Vương đâu có đơn giản, xuôi chèo mát mái như vậy!
Cảnh kịch thứ 2 với những bất ngờ mới mà rượu – uống rượu vẫn lại đóng vai trò không thể thiếu.
Nói cho chính xác, đã có 2 bữa tiệc đoàn viên nối tiếp nhau. Một tiệc lớn, chung, dành cho cả nhà, như vừa nói qua ở trên. Một tiệc nhỏ, dành riêng chỉ cho 2 người hoa xưa, ong cũ mấy phân chung tình. Bữa tiệc mà cả hai đã hết lòng chờ đợi suốt 15 năm nay, và không một ai có thể ngờ, nó, cuối cùng đã trở thành hiện thực! Nguyễn Du tả bữa tiệc này rất dụng công, dụng ý, chi tiết, tinh vi. Ở đây, chỉ xin tập trung vào chủ đề bài viết: cách tả, dụng ý tư tưởng – nghệ thuật của rượu – uống rượu trong tình huống – cảnh kịch cuối mà thôi.
Trang trọng, thiêng liêng mà thân mật, gần gũi, là thực mà vẫn như mơ, cả hai người vẫn dường như không tin vào sự thật.  Còn Nguyễn Du? ông vẫn coi đây là đêm động phòng hoa chúc của Kim tân lang –Vương tân nương. Nhà thơ đồng cảm sâu xa, hoan hỉ chúc mừng hai nhân vật yêu quý nhất của mình. Câu thơ, hình ảnh thơ, nhịp thơ… cũng như muốn dặt dìu, muốn bay, muốn múa khúc hoan ca hạnh phúc. Mà quả thật, trải 15 năm, vượt qua bao ghềnh thác, bão táp của cuộc đời luân lạc, nổi chìm, chung thủy đến cùng trong mối tình đầu của mình, giờ đây họ mới có được hạnh phúc thực sự, mới có được đêm tân hôn, động phòng thực sự! Dìu dặt chén mồi! Cách nói vừa thân mật, gần gũi vừa sang trọng, đài các, vừa uớc lệ vừa hiện thực. Chén đựng rượu  làm bằng đồi mồi cực quý hiếm. Dìu dặt dặt dìu hết chén tiếp chén mời nhau trong ánh nến lung linh, trong mùi hương trầm thơm thoảng. Men rượu và men tình yêu, hiện tại và dĩ vãng 15 năm chảy trôi, tái hiện, đồng hiện trong tâm trạng bâng khuâng, ngậm ngùi: buồn nhè nhẹ, man mác, tiếc nhớ, cảm thương…
Phải chăng đây là những giây phút ngắn ngủi, rất ngắn ngủi, sau 15 năm gặp lại, Kiều – Kim lại được hưởng khoảnh khắc thăng hoa, hạnh phúc, tuy không hoàn toàn giống với cảm giác 2 lần uống chén xuân tàng tàng và chén thề dưới trăng 15 năm trước!?
Nhưng tiếc thay, giây phút thần tiên ấy trôi qua rất nhanh…!
Thông minh và quả quyết như Kiều, dù rất muốn, cũng không thể tự cho phép kéo dài quá lâu, dễ sinh chuyện khác, khó xử thêm! Kiều tỉnh táo và dịu dàng, nghiêm trang nói lại một lần nữa chủ kiến và đề nghị của mình một cách cụ thể, đủ chứng lý mà không thiếu nghĩa tình, biện luận, lường trước đủ mọi đường gần xa … Chàng Kim chỉ còn biết lặng nghe lời nói như ru, càng nghe càng ngạc nhiên, bất ngờ, thầm lấy làm kỳ lạ, càng thấm, càng kính, càng yêu, càng phục … và hoàn toàn tán thành quyết định của người thục nữ chí cao: Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ! Kiều thì khấu đầu lạy tạ chàng Kim – quân tử khác người. Nguyễn Du viết tiếp:

Thoắt thôi, tay lại cầm tay
Càng yêu vì nết, càng say vì tình.

Thêm nến giá, nối hương bình,

Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan
.

Tình xưa lai láng khôn hàn…


Nguyễn Du vẫn tiếp tục tả rượu – uống rượu một cách trang trọng, ước lệ để tả - kể kết cục của đêm đoàn viên có một không hai này. Từ chén đồi mồi (chất liệu) chuyển sang chén rượu tiên (quỳnh tương). Giao hoan: giao đãi niềm vui với nhau. Kết thúc thật bất ngờ, có hậu, viên mãn, tình ý đều thông, tràn trề, lai láng
Nhưng đọc kỹ, đã thấy có cái gì gượng gạo, không thực! Bởi lẽ đơn giản, tác giả đã đi ngược lại lô gich cuộc sống; cố ép cho kết cuộc đoàn viên phải có hậu đẹp đẽ mọi bề! Bắt đầu từ đây, tôi cho rằng cả Kiều – Kim (nhất là Kiều) sẽ phải ngấm ngầm chịu đựng đến tận cuối đời tấn bi kịch vô vọng mà chính mình (nói đúng hơn là chính Kiều tự gây ra và Kim vì bị động và quá yêu Kiều mà tán thành!). Bởi Kiều vẫn hằng ngày sống chung một mái nhà với chàng Kim yêu dấu ấy mà bây giờ chỉ là bạn, chỉ là em rể?! Quan hệ mới ấy sẽ duy trì ra sao, liệu có một chiều êm ả?! Và ngược lại, sau phút bồng bột bị Kiều thuyết phục, trong tương lai, chàng Kim sẽ thanh thản chăng, yên lòng chăng, hạnh phúc chăng… khi tiếp tục làm vợ chồng với Thúy Vân mà trái tim vẫn chỉ khắc khoải hướng tới Thúy Kiều?

Luận theo lôgich ấy, tôi nghĩ, lần tả rượu - uống rượu cuối cùng (26) trong Truyện Kiều:
/ Khi chén rượu, khi cuộc cờ,/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên. 
Phải chăng là lần tả gượng gạo nhất, đơn điệu, lặp lại, vô hồn, sáo, giả nhất, công thức nhất, không thật nhất?! Chúng tôi cho rằng, đó chỉ là câu thơ dùng biểu tượng - ẩn dụ tả cuộc sống thường nhật của Kiều và gia đình họ Vương. Theo thời gian bàng bạc, cứ đều đều, êm ả trôi đi, chẳng có gì đáng nói nữa. Những hình ảnh, sự việc (chén rượu, cuộc cờ, xem hoa nở, chờ trăng lên…) đã bị tước đi đến 99% nghĩa đen để thay bằng 99% nghĩa bóng – với công thức tao nhã thành khuôn sáo: cầm - kỳ – thi – tửu, chỉ nếp sống của những gia đình phong lưu đài các, quan lại, danh gia vọng tộc phương Đông xưa. 
Kết cấu khi… khi… (lặp lại tới 4 lần; trong Truyện Kiều, kết cầu này được Nguyễn Du ưa thích, sử dụng vài lần ở các mức độ khác nhau, nhằm những dụng ý nghệ thuật khác nhau. Riêng lần cuối này, nó tỏ ra rất đắc dụng (có khi ngoài ý muốn ngợi ca, biểu dương của tác giả?!): khắc họa nhịp sống thong thả, nhàn tản và vô vị của nhà ông bà viên ngoại mà Thúy Kiều là một thành viên góp phần tạo nên và duy trì cuộc sống ấy, lối sống ấy, nhịp sống ấy.
Bởi vậy, chén quỳnh mà hai người đang chuốc, mời nhau từng chén, từng chén kia, chưa chắc đã giao hoan thực sự. Tôi ngờ rằng có khi cả hai đều phải tự gồng mình lên, cố làm ra vẻ như vậy (nhất là Kim Trọng)! Và cuộc rượu – uống rượu ở đây, trong trường hợp cụ thể này, không thể giúp hai người cùng say sưa, ngây ngất như những lần uống trước đó, mà chỉ giúp họ cố nuốt trôi cục mâu thuẫn bất khả giải mà cách giải quyết của Kiều, thực chất của Thanh Tâm Tài Nhân – Nguyễn Du, chẳng qua cũng chỉ là  một cách  giải quyết nửa vời, đạo đức chủ quan, không tưởng… mà thôi!

(còn tiếp)
Trèm – Thạch Bàn,  tháng 4 – tháng 7- 2012.
ĐV - HD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét