Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Đò đưa/ CÂU THƠ NGÀY VỀ của Trương Nam Hương




Thơ Vũ Bình Lục

CÂU THƠ NGÀY VỀ

của Trương Nam Hương


Ước mang được chút nắng về
Thường khi cứ Tết là quê mưa dầm
Mệt nhoài cơm áo quanh năm
Hiếm hoi có một đêm nằm với quê

Gối đầu sóng nước ta nghe
Sông côi cút tiếng hò khuya buồn buồn
Mẹ theo hương khói lên nguồn
Sau ta thăm thẳm cánh buồm lẻ loi

Ruổi rong khắp bốn phương trời
Câu thơ hành khất theo người hành hương
Ta gom nhặt giữa đời thường
Nỗi đau của mẹ, nỗi buồn của cha

Ngày về sau tháng năm xa
Trắng bàn tay, trắng dần qua mái đầu
Có gì để tặng quê đâu
Đời thơ bèo bọt dăm câu bọt bèo

Cũ mèm vần điệu khi gieo
Thể như mẹ gánh cái nghèo kinh niên
Một thời mũi đạn làn tên
Mấy thời giông bão tràn lên đất này
Thức cùng quê một đêm nay
Rồi mai lại tính từng ngày cách xa
Bao giờ cơm áo buông tha
Câu thơ thay được đời ta. Bao giờ…


Người ta thường quý yêu nhau mà tặng nhau những “văn hàm”, “thơ hàm”cao quý. Khách quan có, chủ quan cũng nhiều, lại đôi khi cũng quá lên một tý. Ví như Thái Doãn Hiểu cao hứng xếp nhà thơ Tế Hanh vào hàng thi hào, trên cả Nguyễn Đình Thi chẳng hạn. Rồi thì vua trường ca, vua Truyện ngắn, vua Tiểu thuyết, vua Kịch, vua Lục bát…Có người tôn vinh Nguyễn Duy là vua Lục bát. Hàm lượng của sự chính xác như thế nào, cũng còn phải chờ thêm đã! Dẫu sao thì đó cũng là cái tình trân trọng “biệt nhỡn liên tài” đối với những tài hoa nghệ thuật, chẳng “xâm hại tài sản” của ai, cũng chẳng chết ai… Những nhà thơ viết Lục bát có thành tựu hiện nay, không nhiều lắm. Tôi cho rằng, Trương Nam Hương cũng là một “tay” lục bát đáo để. Bài “Câu thơ ngày về” là một trong không ít bài thơ lục bát hay của Trương Nam Hương, được chọn in vào cuốn “Thơ Việt Nam thế kỷ xx”(Thơ trữ tình)-2005.
Đương nhiên, việc chọn thơ vào tuyển, cũng còn phụ thuộc vào cái “gu” của những người làm tuyển, ấy là chưa tính đến những ưu đãi ngoài văn chương, không thể không có. Đến như việc bỏ sót thơ hay rải rác khuất lấp đó đây, cũng không phải là không có. Bài “Câu thơ ngày về” của Trương Nam Hương hẳn không nằm trong trường hợp ưu đãi nào, vì nó là thơ hay, chính danh vậy!
Bốn câu đầu, nói việc tác giả sinh sống ở nơi xa, chắc là ở phương Nam nhiều nắng, muốn đem theo về quê chút quà nắng ấm cho quê hương, bởi vì quê anh xứ Huế “thường khi cứ Tết thì quê mưa dầm”… Đã thấy cái tình sâu nghĩa nặng của đứa con xa quê, “mệt nhoài cơm áo quanh năm”, về quê, thương quê mà “ước mang được chút nắng về”…Một chút nắng, dẫu là có thực, cũng không thể làm cho quê hương anh giàu có thêm lên, nhưng cái tình quê thì ấm áp vô cùng.
Phần tiếp theo của “Câu thơ ngày về” là quê hương ở bề sâu tâm tưởng. Tác giả viết: “Gối đầu sông nước ta nghe / Sông côi cút, tiếng hò khuya buồn buồn / Mẹ theo hương khói lên nguồn / Sau ta thăm thẳm cánh buồm lẻ loi”…
“Hiếm hoi có một đêm nằm với quê”,
 nên chắc là thi nhân không ngủ. Quá khứ ùa về, với bao nỗi niềm trăn trở. Dòng sông Hương như thể thành ra côi cút, mang mang một “điệu hò khuya buồn buồn”. Nhưng tâm điểm vẫn là hình ảnh người mẹ của anh, giờ đã “theo hương khói về nguồn”, anh thành mồ côi , như một “cánh buồm lẻ loi” chơi vơi giữa biển đời “thăm thẳm”…Mẹ còn hiện lên trong nỗi nhớ của tác giả, song hành với gian nan vất vả, với tần tảo nắng mưa, với cái nghèo đeo đẳng, cùng với “một thời mũi đạn làn tên / mấy thời giông bão tràn lên đất này”…
Thi nhân trăn trở mãi với cái nghèo. Cuộc đời thi sỹ “ruổi rong khắp bốn phương trời”, quăng quật với áo cơm, cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay:
“Ngày về sau tháng năm xa
Trắng bàn tay, trắng dần qua mái đầu

Có gì để tặng quê đâu

Đời thơ bèo bọt dăm câu bọt bèo”…

Nguyễn Bính, một thi sỹ suốt đời lận đận long đong, đã có những ngày dài lang thang nghèo túng ở xứ Huế nhiều mưa này, cũng đã phải thở dài chua chát dặn con: “Mai sau chớ lấy chồng thi sỹ / nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!”. Cái kiếp thi nhân ở đất nước mình nó bạc bẽo lắm, cơ hàn lắm. Biết vậy rồi, mà biết bao kẻ mộng mơ vẫn mắc vào cái cảnh “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” (Truyện Kiều) buồn thương đến thế?
Trương Nam Hương, thi sỹ của thời hiện đại, cũng không thoát ra được số kiếp của “đời thơ bèo bọt dăm câu bọt bèo”, để rồi xót xa than thở cho cái sự cùng cực “trắng bàn tay, trắng dần qua mái đầu” của mình…
Kết thúc bài thơ, lại trở về với chuyện áo cơm quanh quẩn, cùng với khát khao đổi đời, cho thơ và cho những kẻ mê thơ
“Thức cùng quê một đêm nay / rồi mai lại tính từng ngày cách xa / bao giờ cơm áo buông tha / câu thơ thay được đời ta. Bao giờ…”

Bao giờ, bao giờ, nghĩa là cái ước mơ tưởng chừng như bé xíu kia, mới chỉ là một khát khao còn đang chấp chới ở “thì” giả tưởng, ở “thì tương lai”, kiểu như “bao giờ trạch đẻ ngọn đa” (ca dao) chăng? Và chính điều đó lại góp phần đẩy cao lên chót vót cái bi kịch nỗi niềm của nhân vật trữ tình.
Trương Nam Hương là người gốc Huế, nhưng mẹ anh lại quê Kinh Bắc. Hai vùng văn hoá lớn hoà trộn trong tâm hồn thi nhân, để giàu có thêm chất uyển chuyển mượt mà sâu thẳm trong thơ? Có cái ngọt ngào đằm thắm dân gian Quan họ, lại có chất men say đắm của tình điệu Nam Ai Nam Bình da diết trong giọng hò sông Hương trong vắt. Huế là một Bài thơ, nên chi Trương Nam Hương chỉ đặt tên cho bài thơ của mình là “Câu thơ…” Đó cũng là một sự tinh tế, phù hợp với tính cách khiêm cung của người Thuận Hoá xưa nay!

Hà Nội Xuân 2011

Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét