Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU/ Phần 2/


RƯỢU TRONG TRUYỆN KIỀU/ 2/

Khảo Luận
ĐƯỜNG VĂN - HOÀNG DÂN


       
2. Rượu với  Kiều – Thúc
2.1
.
Khi gió gác, khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu
, câu thần nối thơ
Đây là câu thơ tả cảnh Kiều – Thúc Sinh đối ẩm chơi bời trong lầu xanh Tú Bà những ngày đầu gặp gỡ. Với Thúc Sinh, một thương khách ăn chơi khét tiếng quen thói bốc rời, trăm nghìn đổ một trận cười như không, thì được gặp hoa khôi Kiều nhi như được gặp tiên: ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng/ nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng hết ngày này sang ngày khác không dứt ra được vì sắc đẹp, sự quyến rũ của Thúy Kiều. Say mê đến mức: trước còn trăng gió sau ra đá vàng. Chàng đã nhen nhóm ý định nghiêm túc với nàng Kiều – kỹ nữ hàng đầu ở thành Lâm Tri này.
Thực ra, cả đoạn thơ từ câu: Hoa khôi mộ tiếng…cho đến 2 câu Khi gió gácnối thơ, ngòi bút Tố Như hầu như đứng ngoài để kể – tả cảnh lái buôn họ Thúc ăn chơi phóng đãng ở lầu xanh và cảnh kỹ nữ Thúy Kiều tiếp khách, chiều khách. Phải chăng Nguyễn Du đã có phần mỹ lệ hóa lối sống trác táng, sa đọa, mua bán xác thịt, ăn bánh trả tiền ấy bằng những dòng thơ tao nhã, những hình ảnh xinh tươi, đẹp đẽ, bóng bẩy?! Câu thơ ngắt đôi thành 2 cặp tiểu đối nhịp nhàng: 3 - 3: khi gió gác/khi trăng sân/ 4 - 4: Bầu tiên chuốc rượu/câu thần nối thơ góp phần thể hiện dụng ý lý tưởng hóa lối sinh hoạt trong nhà thổ, giữa kỹ nữ - khách chơi. Hình ảnh bầu tiên chuốc rượu, nếu tước đi cái cảm giác sang trọng, đẹp đẽ: bầu tiên thì chỉ còn trơ lại hình ảnh Kiều buộc phải nghiêng bầu rót, rót, hết chén này đến chén khác, cố chuốc cho chàng khách sộp càng say càng dễ vung tiền đổ một trận cười như không, hoặc ngược lại, Thúc cố chuốc cho Kiều thực say để cuộc hưởng lạc càng thêm khoái thú! Rượu – uống rượu ở đây, lúc này hiển hiện hoàn toàn ý nghĩa thực dụng, trần tục, bẩn thỉu, lợi dụng lẫn nhau, mua - bán sòng phẳng. Có thể có những khả năng xảy ra. Từ giả say thành say thật, một người hoặc cả hai người. Rượu và men say đã tha hóa, trụy lạc họ. Khi viết những dòng này, có thể Nguyễn Du cũng nhớ đến những năm tháng tuổi trẻ ăn chơi nổi tiếng ở Thăng Long khi còn là cậu Chiêu Bảy giàu sang, hào hoa phong nhã. Hay có thể ông quá yêu, quá nâng niu, quá độ lượng với nhân vật của mình? Chỉ biết đọc những câu này, người đọc hình như bỗng quên đó là cảnh khách chơi - tiếp khách, dụ khách mà tưởng như cảnh sống hạnh phúc trẻ trung của một cặp vợ chồng tài tử giai nhân phong lưu đài các giữa chốn phồn hoa đô hội. Phẩm chất nhân văn, nhân đạo cao quý của Tố Như Tử chính là ở đó chăng?
2.2.
Mảng vui rượu sớm, cờ trưa,

Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.
Hai câu này thuần dùng hình ảnh ẩn dụ – tượng trưng để tả nhịp thời gian trôi hằng ngày từ sớm đến trưa, mùa nối mùa từ cuối xuân vừa chuyển sang sang đầu hạ. Ở đây, thời gian tâm lý trôi khá nhanh vì cả hai vợ chồng Thúc – Kiều đang mải mê hạnh phúc gia đình riêng trong bầu không khí tự do, một vợ một chồng, đắm chìm trong niềm hoan lạc, hạnh phúc riêng tư khi vừa được viên quan mặt sắt đen sì nhưng yêu thơ - liên tài, thương tình tha bổng và Thúc ông cũng đã nguôi lòng chấp nhận. Ngoài ra, không có ý nghĩa thẩm mỹ sâu xa nào khác. Câu này cũng tương tự như câu thơ nổi tiếng tả 4 mùa trong năm chuyển tiếp tuần hoàn: Sen tàn, cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân. Cái tài của bậc thi hào là ở chỗ viết về 1 cảnh rất dễ mòn sáo, khô khan mà câu thơ vẫn mượt mà, sang trọng, lại thấp thoáng cái ngụ ý tiếc thời gian trôi nhanh.
2.3. Tiễn đưa một chén quan hà Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình. 2.4.  Cầm tay dài ngắn thở than Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời. 2.5.  Chén đưa nhớ bữa hôm nay Chén mừng xin đợi ngày  rày năm sau.

Cần phân biệt chén quan hà ở đây với chén hà trong câu: Chén hà sánh giọng quỳnh tương đã nói ở mục 1.2. Chén hà chỉ chén rượu ngon, quý (hà tương- nước móc, uống vào có thể đắc đạo); còn chén quan hà là chén rượu uống khi tiễn đưa người thân qua sông (hà), qua ải (quan). Một đằng là chén rượu trong đêm thề nguyền thiêng liêng, chén rượu đã được mỹ lệ, ước lệ hóa về chất lượng rượu để tôn vinh thêm cái trang trọng của nghi lễ; một đằng chủ ý nói cái thời điểm, tính chất, hoàn cảnh và mục đích cuộc đối ẩm giữa hai người. Ở câu đầu, với 3 điển tích - ẩn dụ: chén quan hà, xuân đình, cao đình làm cho ý thơ có phần nặng nề, khô khan, nghi thức. Tuy nhiên, với từ thoắt (Nguyễn Du nhiều lần sử dụng tài tình, đắc địa động từ thoắt này trong những văn cảnh khác nhau: Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương/Thoắt thôi tay lại cầm tay/ Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường/Thoắt mua về, thoắt bán đi/Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương…) không những chỉ sự chuyển dịch không gian nhanh chóng cực kỳ mà còn hé lộ tâm trạng không yên, lo lắng của hai người, nhất là của Thúy Kiều – người đưa tiễn. Cảnh chung vui vẻ (xuân đình) bỗng chuyển nhanh sang cảnh chia tay ngậm ngùi (cao đình). Cái tài của Tố Như chính là ở đó. Rượu – uống rượu, ở câu này, chỉ là cái cớ, cái nghi lễ tối thiểu không thể thiếu mà thôi.
Đến câu tiếp theo, nhà thơ lại tả cảnh ngừng chén (tạm thời) để cho tâm trạng dùng dằng, nghẹn ngào, lo lắng, thắc thỏm, thương xót… cùng dào lên trong cùng 1 động tác tạm nghỉ uống, để cầm tay nhau, để mặt đối mặt, mắt trong mắt, xiết bao lưu luyến, yêu thương không muốn rời, muốn dứt. Về phía Thúc Sinh, có lẽ chủ yếu là tâm trạng không muốn xa người đẹp, phải ngán ngẩm về với vợ già; mặt khác, trong lòng anh ta luôn e nể, sợ hãi, lép vế trước tiểu thư họ Hoạn, nhưng tình thế buộc anh phải có chuyến hồi hương này mà chưa lường được kết quả sẽ ra sao. Còn Thúy Kiều, không phải ít thương yêu chàng Thúc, nhưng chủ yếu bằng linh cảm mẫn tuệ của mình, nàng đã mường tượng được chuyến về quê gặp vợ cả của chồng mình lành ít dữ nhiều. Kiều ý thức rất rõ thân phận hiện tại của mình trong quan hệ với Thúc Sinh: Đôi ta chút nghĩa đèo bòng. Hiểu rõ tính cách yếu đuối, thiếu quyết đoán của Thúc, Kiều càng lo lắng, bất an như đã linh tính điều gì chẳng lành mơ hồ đâu đó chờ đợi số phận bất hạnh của nàng. Cho nên mới có cảnh cầm tay dài ngắn thở than, ngừng chén rầu rĩ, nghẹn lời như vậy. Đó là tâm trạng và những giọt nước mắt rất thật, cơ hồ nhỏ vào chén quan hà, làm thành rượu đắng, rượu chát, rượu lệ, rượu sầu mà hai người cùng nhắp, cùng ngừng trong buổi biệt ly.
Câu cuối là ý nhắn gửi trực tiếp cất lên thành lời mong mỏi chân thành của Thúy Kiều trước phút người lên ngựa, kẻ chia bào. Ghi nhớ và tin  tưởng, hiện tại và tương lai. Chén đưa hôm nay và chén mừng hội ngộ cũng ngày này sang năm. Tấm lòng và niềm tin của người vợ trẻ ký thác vào anh chồng yếu đuối và vào sự may mắn của số phận mới trong sáng và đáng thương làm sao! Chén rượu lúc này trở thành chén tiễn đưa, chén chờ đợi, chén hi vọng, chén rượu củng cố, cổ vũ quyết tâm và niềm tin nơi chàng Kim đang cố ý dùng dằng. Kiều thật tình nghĩa, chu đáo, lo sâu, nghĩ xa. Tất nhiên nàng lo cho Thúc, nhưng chủ yếu vẫn là lo cho thân phận lẽ mọn về lâu về dài của mình trong cái gia đình thương gia giàu có này.Và vẫn không thôi phấp phỏng, phấp phỏng mà vẫn phải tự an ủi mình, an ủi chồng, tin vào ngày tái ngộ vui vẻ, êm đẹp trong một kỳ hạn dự định (đúng một năm). Nhưng thật trớ trêu, con Tạo đâu để nàng được yên ổn với niềm hi vọng nhỏ nhoi, bình thường, đẹp đẽ ấy? Tiếp theo là những ngày cô đơn vò võ vầng trăng ai sẻ làm đôi của Thúy Kiều cho đến cái đêm thình lình nàng bị Ưng, Khuyển ập vào, đánh thuốc mê ngất xỉu, vực thẳng xuống thuyền về nhà Hoạn Bà. Cái chén mừng hi vọng đau đáu ấy không bao giờ có nữa!
Câu thơ toàn từ thuần Việt, giản dị như lời nói thường nhưng sức khái quát của câu Kiều này rất lớn, rất rộng. Nó được lẩy, trích, vận dụng trong những hoàn cảnh khác nhau rất ngọt, đắc dụng. Hồ Chủ tịch từng lẩy câu Kiều này trong lần tiễn đưa một đoàn thượng khách nước ngoài khiến các vị khách rất ngạc nhiên, xúc động trước sự uyên bác, thông tuệ, nho nhã, thanh lịch của vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tóm lại, rượu – uống rượu trong 3 câu Kiều này có đặc điểm chung là biệt ly, đưa tiễn, nhớ nhung và hi vọng.

3.    
Rượu với Kiều – Hoạn – Thúc

(Hoạn Thư) Khen rằng: - Hiếu tử đã nên,
Tẩy trần, mượn chén giải phiền đêm thu.

Vợ chồng chén tạc chén thù,

Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi.

Bắt khoan, băt nhặt, đến lời,

Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.

Sinh càng như dại như ngây

Giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi.

Ngảnh đi, chợt nói, chợt cười,

Cáo say
, chàng đã tính bài lảng ra.

Tiểu thư vội thét: Con Hoa!

Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn
!

Sinh càng nát ruột tan hồn

Chén mời
phải ngậm bồ hòn, ráo ngay.

Tiểu thư cười nói tỉnh say

Chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi.

Đây là đoạn Nguyễn Du tả – kể – dựng cảnh rượu – uống rượu dài nhất trong Truyện Kiều (8 câu – 16 dòng), trong đó có tới 8 câu trực tiếp tả cách uống rượu, hầu rượu, say rượu và giả say.
Theo tôi, đây là 1 trong những đoạn tiểu thuyết – thơ tuyệt tác mà Tố Như tử không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò vai trò của 1 tiểu thuyết gia, 1 thi hào, 1 nhà viết kịch mà trên hết, là 1 nhà tâm lý  thiên tài, 1 nhà nhân văn vĩ đại. Và thú vị là ở chỗ, rượu và uống rượu, trong trường hợp này cũng lại chỉ là cái cớ, hoặc 1 nghi thức tối thiểu và quen thuộc để các nhân vật chính, hoặc thể hiện mưu ma chước quỷ nhằm hành hạ nạn nhân, hoặc để cố giấu đi tâm trạng khốn khổ, bẽ bàng và tự bộc lộ bản chất tính cách nhu nhược, hèn hạ, hoặc thúc thủ chịu trận. Nhưng nếu không có rượu và uống rượu, nghĩa là không có cái tiệc tẩy trần, mượn chén giải phiền do Hoạn tiểu thư bày ra thế ấy, thì làm chi có đoạn thơ Kiều bất tử thế này! Tầng bậc, lớp lang, tình tiết… đâu ra đó, tiến thoái, vào ra, nhịp nhàng, linh hoạt. Lời thơ như nước chảy mây trôi mà cười ra nước mắt như lớp kịch bi hài siêu đẳng.
Trước hết, với Hoạn Thư, người đồng thời thủ liền tới 4 vai mà vai nào cũng xuất sắc, bậc thầy: tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên chính, khán giả.
Đúng vậy! Ai là người nghĩ ra cái chiêu trò quái ác này để trả thù, đánh ghen một cách tàn độc, tinh vi, cao cấp để dằn mặt cả anh chồng trót ăn vụng lại không biết chuì mép, dằn mặt và hành hạ cô vợ nhỏ của chồng mà trong thâm tâm, chính Hoạn cũng trọng nể phần nào vì tài sắc phi thường của nàng? Kịch bản đã được một trí tuệ phụ nữ mẫn tiệp, thông minh, sắc sảo sáng tạo, hoạch định công phu, bài bản, từng bước, từng bước theo 1 quy trình vạch sẵn và đều thành công mỹ mãn. Bữa tiệc hôm nay chính là điểm đỉnh, điểm nút của của kịch bản cốt làm cho mệt cho mê, cho đau đớn ê chề cho coi, cho bõ đau ngầm bấy nay của Hoạn.

Với vai trò đạo diễn, nàng rất chủ động chỉ đạo 2 diễn viên cùng đóng với mình, và điều tiết cảnh kịch, nhịp độ hành động nhân vật. Dẫn dắt, tung hứng, uốn nắn, làm mẫu,… đủ vành đủ vẻ công việc chuyên môn xuất sắc của 1 đạo diễn kiêm luôn diễn viên chính. Điệp từ bắt láy lại 5 lần muốn chứng tỏ cái oai quyền tối thượng của Hoạn ở đây, cái hả hê, sung sướng của  y trong tiệc rượu này. Từ dáng điệu đài các, tha thướt, vẻ thung dung như nhàn tản, vô tư nhất trên đời đến những câu hỏi han, chăm sóc chồng ân cần, dịu dàng… bỗng thoắt vang tên tiếng thét lanh lảnh cảnh cáo nàng hầu: Tiểu thư vội thét: - Con Hoa, khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn! Và khi con mồi (tôi xem cả Thúc, cả Kiều chỉ là những con mồi khờ khạo mà con thú ghen tuông thường tình – khủng khiếp trong Hoạn Thư đang vờn vỡ trước khi rau ráu nhai cả thịt lẫn xương!). Đến khi đâu lại vào đấy theo đúng ý định của mình, thì lúc ấy: Tiểu thư mới cười nói tỉnh say và lại nghĩ ra trò chơi độc địa, tinh vi khác. Rõ ràng, ở đây, Hoạn Thư có uống rượu, ít nhiều không rõ, nhưng không hề say, chưa lúc nào say. Hoạn chỉ giả say, mượn say để hành hạ chồng và tình địch cho hả cơn ghen bấy lâu ngùn ngụt trong lòng. Rượu chỉ đóng vai trò rất nhỏ, nhưng vẫn không thể thiếu, đối với mưu kế, cạm bẫy và thủ đoạn của Hoạn Thư.

Trong vai trò khán giả, xem màn bi hài kịch này, Hoạn Thư tỏ ra rất hứng thú thưởng thức, có lẽ phải gấp 3 người thường! (tất nhiên vì kịch hay, hấp dẫn đã đành  nhưng chủ yếu là vì Hoạn đồng thời thủ  cả 3 vai trò, như trên đã phân tích). Hoạn Thư là một khán giả tinh tường, sắc sảo. Nàng tỏ ra rất khách quan theo dõi tỉ mỉ từng vai diễn (trong đó có cả vai diễn của nàng, và tự hài lòng tự nhủ: Mình diễn cũng khéo đấy chứ!) Còn với vai diễn của Thúc, thì Hoạn hơi bị ngạc nhiên và thất vọng vì nàng không thể ngờ anh chường lái buôn quen thói bốc rời của mình lại có thể đớn hèn, bỉ lậu đến mức ấy! Nhưng nghĩ sâu hơn một chút, nàng lại giật mình, hay là hắn đóng kịch, hắn cũng đang diễn như mình? Nếu đúng vậy thì tay Thúc kia diễn cũng bợm đấy! Nhưng mà hắn làm sao qua nổi mắt gái này?! Từ nay, ta càng cần phải cảnh giác chặt chẽ, luôn để mắt đến cái gã giăng gió trai lơ, bấy bớt này mới xong. Nhưng chả có lẽ!? Mình còn lạ gì Thúc nữa! Đây mới là bản lai diện mục của anh ta…! Trong đầu tiểu thư họ Hoạn cứ dịch chuyển những ý nghĩ trái ngược như thế khi xem Thúc nâng chén, đặt chén, cáo say, gượng nói, gượng cười vô duyên, lố lỉnh… Và nàng cứ phải ngọ nguậy cái đầu, liếc ngang con mắt, nghiêng tai lắng nghe, như nghi ngờ khả năng thưởng thức, đánh giá diễn xuất diễn viên của chính mình!

Càng xem Thúy Kiều diễn, trong lòng Hoạn Thư bỗng dưng càng dịu bớt đi niềm hả hê, thù hận và hình như càng tăng chút thương cảm, không nỡ xuống tay thêm nữa. Nên sau khi tiếng thét dọa đánh đòn chưa dứt, đã được thực thi quá sự mong muốn của người ra lệnh, nhất là sau khi nghe Hoa Nô đàn lần thứ 2 bản đàn bạc mệnh, thì:/ Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng. 
Hiển nhiên, người trên tiệc nát lòng ấy là Thúc Sinh. Còn người trên tiệc này (Hoạn) thì khoái thú, hân hoan đang râm ran từng tế bào con thú no mồi. Cùng diễn ra cái cười nụ của nàng Hoạn bên cạnh cái khóc thầm của anh – ả, quả thật đã bõ bèn công phu sắp đặt, dàn dựng bấy lâu! Nhưng thấy hành hạ thế đã đủ, khuôn uy cũng giảm một vài bốn phân. Dõng dạc, Hoạn Thư ra lệnh: mãn tiệc! Trò chơi quái ác kết thúc nhanh cũng như khi nó được bày ra, cũng có phần bởi cái tình biệt nhỡn liên tài, biết dừng, biết đủ, nhìn xa trông rộng của Hoạn Thư. Cùng với một vài hành động nương nhẹ với Kiều tiếp theo như ta đã biết, đủ là những dẫn chứng sắc bén, đầy sức mạnh thuyết phục khiến vị phu nhân của đại vương họ Từ đang sát khí đằng đằng, chuẩn bị trả thù khốc liệt chính danh thủ phạm, phải lập tức chuyển quyết định: Tha ngay! (Đó là chuyện sau này).
Với Thúc Sinh, có lẽ đây là lần uống rượu khốn khổ, bẽ bàng, nhục nhã nhất, bộc lộ tính cách, cá tính rõ ràng nhất, trung thực nhất – điển hình cao độ của 1 trang nam nhi thân dài 8 thước mà sợ vợ đến không còn chút nhân cách, bản lĩnh. Hèn hạ một cách đáng khinh bỉ. Như cua với ếch, hoàn toàn thúc thủ, bắt diệt thì diệt, vắt thì vắt, như con trâu, con bò trước ông chủ cày. Nén lòng mà uống. Chén rượu đắng hay chát, ngọt hay nhạt, Thúc nào có hay! Rượu hoàn toàn vô vị! Chén đầy, chén vơi rượu hòa trong giọt giọt nước mắt ngắn dài, dốc qua cái cổ họng mỏi mệt vì ăn chơi trụy lạc của Thúc Kỳ Tâm. Thúc uống trong sợ hãi, lo lắng, và dần mất hết cảm giác trước những chiêu trò mới không ngờ của bà vợ cả mặt mày đang tươi như hoa, bả lả, cười cợt kia bỗng chợt hiện nguyên hình sư tử cái Hà Đông nhe nanh múa vuốt, gầm thét vang trời, xông vào cắn xé chàng linh dương èo uột. Thúc đành nhắm mắt, thảm thê chờ chết. Không uống được cũng phải uống! Cáo say cũng không thoát!
Chúng tôi cho rằng với cảnh tiệc rượu tay ba này, Nguyễn Du đã dựng được 1 bức tranh ngôn từ nghệ thuật bi hài tuyệt hảo về người đàn ông sợ vợ, người đàn bà ghen tuông, hành hạ chồng và người tình. Thúc Sinh, trong tiệc và trong tay vợ cả, như cái máy, như con rối, như cái giẻ rách lau sàn, không hơn! Rượu với Thúc ở đây, chẳng khác gì nước lọc. Uống rượu hay uống gì đi nữa, trong trường hợp này, với Thúc, cũng chỉ là hành động vô thức của kẻ tội đồ chịu tội một cách ngẩn ngơ, ngớ ngẩn.
Còn Thúy Kiều, trong tiệc rượu, chỉ là kẻ trì hồ hai nơi, hầu hạ, hầu rượu, mời rượu nhỏ nhoi, mang tên Hoa Nô (nô tỳ đẹp như hoa! Khéo thay cái tên mẹ con Hoạn Thư đã đổi cho nàng khi bị/được xung vào đội quân áo xanh nhà họ Hoạn). Tâm trạng Kiều, khi ấy, hẳn cực kỳ lo sợ, bối rối, không làm chủ được mình, chỉ biết răm rắp nghe và làm đúng lệnh chỉ của bà chủ đang ngất ngưởng ngồi trên. Bảo rót thì rót, mời thì mời… sau nữa, đàn thì đàn. Sai chỉ một ly, đòn vọt đã lập tức giáng xuống đầu. Kiều, trong tay Hoạn Thư, lúc này, cũng thành cái máy, con rối, chẳng khác gì Thúc Sinh. Cấm kêu, cấm cãi! Rượu - uống rượu, trong tiệc này, với nàng Kiều, hoàn toàn chẳng có ý vị gì mà chỉ càng kéo dài thêm đau đớn, nhục nhã, ê chề cảnh địa ngục trần gian: con ở, chúa nhà, đôi nơi. Có lẽ Kiều, trong những giây phút nặng nề, u uất dằng dặc ấy, chỉ còn mong muốn duy nhất là, càng nhanh chóng chấm dứt tiệc rượu càng hay, hoặc mong sao Hoạn Thư say mèm, ngất xỉu, tiệc sẽ tàn … thì nàng mới được tạm chấm dứt sự giày vò, hành hạ! Nhưng sự thật tàn nhẫn hơn nhiều. Trò chơi thử tài đàn, làm nhục mới của Hoạn Thư đã được sắp sẵn từ lâu, đang đợi nàng.
Nghệ thuật tả cảnh, tả người, tả việc, tả tâm lý của Nguyễn Du trong đoạn này là nghệ thuật của nhà viết kịch - thơ bậc thầy. Trong tiệc rượu tẩy trần vô tiền khoáng hậu ấy, mỗi nhân vật đã đóng trọn vai trò của mình trong men dẫn, chất xúc tác nhẹ nhàng của rượu. Có thể tạm định danh rượu này là rượu ghen, rượu đánh ghen, hờn ghen, trả thù chồng và người tình. Ngắn gọn hơn: đó là chén rượu Hoạn Thư./.


2012. ĐV
Tác giả gửi bài.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét