NGUYỄN ANH TUẤN
Là một người từng dạy môn ngữ văn cấp ba phổ thông gần 10 năm, dù đã rời bục
giảng khá lâu, nhưng trước tính chất cấp bách của vấn đề mà công luận đang sôi
nổi suốt mấy năm qua, và chắc còn lâu mới mất tính thời sự, tôi cũng xin được
tham góp đôi điều.
Trước đây, tôi đã có dịp dự một số giờ văn (cấp
hai, cấp ba) mà sau đó, học sinh không thâu nhận thêm được một chút gì hữu ích
ngoài những kiến thức chết và mớ từ rỗng; những giờ văn kiểu đó quả đã trở
thành một gánh nặng khủng khiếp đối với học trò. Không ngờ, tới hôm nay thực
trạng đó đã thành phổ biến trong việc Dạy và Học văn.
Có những điều được thừa nhận ngoài đời một cách
hiển nhiên, nhưng trong nhà trường, chúng cần được nhìn nhận phân tích
như một cái gì mới mẻ trước khi đi tới một sự khẳng định có sức lay động lý trí
và tình cảm. Giảng dạy văn học, theo tôi thực chất là công việc tích lũy tâm
hồn và trí tuệ cho học sinh thông qua những quá trình chuyển vận phức tạp, tinh
tế của đời sống được biểu hiện trong văn học, thông qua đặc trưng của nghệ
thuật ngôn từ. Người thầy dạy văn lắng sâu vào quá trình nhận thức và mỹ cảm để
có thể dẫn dắt chúng một cách nghệ thuật nhất trong tâm hồn háo hức của học
sinh. Và để làm được điều đó, trong các vốn liếng cần thiết, vốn liếng tâm hồn
và tư tưởng của ông thầy dạy văn là quan trọng hơn cả. “Kiến thức chưa phải là
tư tưởng”(Êchkecman)1. Thật vậy, mọi tri thức được tích lũy sẽ trở
nên tủn mủn, nặng nề, vô ích, nếu không được lên kết, hệ thống lại, được đốt
cháy lên bởi một năng lượng tâm hồn và tư tưởng cần thiết! Nếu như việc sáng
tác văn học nghệ thuật đi theo quy luật vĩnh cửu là “đốt cháy trí tuệ thành
trái tim” thì việc giảng dạy và học tập văn học trong nhà trường cũng không thể
đi ngược quy luật đó! Ở đây, người thầy dạy văn đích thực đã vô tình lặp lại
quá trình tâm lý của người nghệ sĩ ngôn từ khi sáng tạo tác phẩm: từ vốn sống
được nung nấu bằng tình yêu cháy bỏng, trải qua lao động nghệ thuật gian khổ,
tác phẩm được hình thành trước hết như là kết quả của một sự thôi thúc nội tâm,
đó là lý do tồn tại, lẽ sống còn của người nghệ sĩ. Nếu không cảm thông với
tình yêu nhân dân lao động của Nguyễn Du tới một mức nào đó thì làm sao có thể
giúp các em hình dung nổi cái đặc sắc mà giản dị lạ lùng vượt khỏi văn chương
thuần túy của bài thơ “Sở kiến hành”( Bắc hành tạp lục)- Những điều trông thấy:
một ông quan sứ từng dự tiệc linh đình thừa mứa mà lại biết nhìn tới cảnh bốn
mẹ con đi ăn xin dúm ró bên vệ đường, lại nhìn sâu vào tận đáy giỏ tre của mẹ
con họ, để nhận ra trong đó đựng “nắm rau cỏ lẫn tấm cám”, rồi lại thấu hiểu
được nỗi đau xót thầm kín của người mẹ khốn khổ: “Mẹ chết đâu có tiếc gì/Vỗ về
con thêm đứt ruột”…Tôi chưa thể định nghĩa được thế nào là một giờ giảng văn
tốt, nhưng nếu trong giờ giảng bài “Thúy Kiều bán mình”, các em học sinh, nhất
là các em gái không thấy xúc động sâu sắc đến ứa nước mắt xót thương và căm
giận trước cảnh một người con gái trong trắng, thơ ngây, dịu dàng bị đẩy ra
trước một thằng đàn ông xa lạ thô bỉ, một mụ đàn bà tráo trở trơ trẽn, để chúng
xem xét như một món hàng, thì dù có phân tích kỹ lưỡng dài dòng đến đâu cũng
chỉ có thể coi là một giờ giảng thất bại! Dạy ca dao cũ mà không làm cho các em
sống chan hòa trong những cảm xúc tế nhị, tình yêu quê hương đất nước và tình
yêu con người thấm vào cây cỏ, trong các khung cảnh bến đò, cây đa, lũy tre
làng, giọt mồ hôi thánh thót, cái xót xa âm thầm của hạt mưa rào, của tiếng ếch
kêu dưới vũng tre ngâm, không làm cho các em cảm được phần nào cái cuộc sống đã
làm bật lên những tiếng hát than thân, tiếng hát tình nghĩa đó của người lao
động Việt Nam thời xưa, làm sao có thể nói được rằng những bài giảng văn đó
thành công? Thiếu một độ rung cảm cần thiết của tâm hồn, những lời diễn giảng
thông minh, lưu loát, bay bướm của người thầy dạy văn sẽ trật khỏi bản chất
hình tượng tác phẩm, chúng sẽ trở nên duy lý trần trụi hoặc bóng bẩy vô duyên!
Khả năng rung động thẩm mỹ nhạy bén, sâu sắc giúp cho người dạy văn thoát khỏi
sự lặp lại một cách nhàm chán, tẻ nhạt những điều đã có sẵn nằm ở vỏ ngôn ngữ
tác phẩm, và làm cho sự phân tích các tín hiệu nghệ thuật của tác phẩm không
biến thành một sự liệt kê khô khan, hình thức, mà xâu chuỗi chúng trong một thể
thống nhất có mối liên hệ vững chắc bên trong để dẫn học sinh thâm nhập một
cách trung thực vào các giá trị thẩm mỹ thật sự. Bản lĩnh tâm hồn của người
thầy dạy văn không những có thể giúp học sinh tránh được những thị hiếu lệch
lạc & tầm thường đang có nguy cơ thao túng tâm lý xã hội, mà còn giúp nảy
nở những nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh, làm dấy lên những “cơn lốc tuyệt vời” trong
tâm hồn học sinh- theo cách nói của một nhà nghiên cứu sư phạm Nga thế kỷ trước2.
Chính sức mạnh tâm hồn người dạy văn sẽ phá vỡ
sự ngăn cách đáng lo ngại giữa học sinh và nhà văn & nhà giáo, và duy trì
mối liên hệ sâu sắc giữa đối tượng giáo dục và tác phẩm- chính trong mối liên
hệ này, dưới sự dẫn dắt khéo léo và giàu cảm xúc của người thầy, những thao tác
tư duy của học sinh sẽ được hình thành, phát triển. Bản lĩnh tâm hồn giúp người
thầy dạy văn rút bớt lời giảng rông dài, hươu vượn, và để dành khoảng thời gian
căng thẳng cho tư duy học sinh làm việc; và như thế các em có thể chạm tới được
sợi dây thần kinh của tác phẩm. Không cần buộc học sinh phải trả lời nhiều câu
hỏi như hiện nay các trường đang làm một cách hình thức, mà chính là ông thầy
cần biết đặt ra những vấn đề có sức gợi tinh tế. Ví dụ, khi giảng bài thơ “Chạy
Tây” của Nguyễn Đình Chiểu, tới hai câu thực: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ
bầy chim dáo dát bay”, có người giảng trước khi khai thác từ ngữ cụ thể, cách
đảo ngữ, đã đặt câu hỏi đầy sức gợi như sau: Hai câu thơ này miêu tả âm thanh
hay hình ảnh? Có điều gì đặc biệt ở đây? Và các em đã nhận thấy, trong trạng
thái cảm xúc căng thẳng: đó là những hình ảnh của âm thanh, của tấm lòng và trí
tưởng tượng của nhà thơ. Nhưng đó cũng là những hình ảnh cụ thể, có thực trong
cuộc sống. Điều đặc biệt là: những hình ảnh chân thực và đau xót này lại do một
nhà thơ mù miêu tả. Những âm thanh buồn thảm đã vang vọng trong tâm hồn ông;
chính con người mang trong lòng bao nỗi đau thời đại và nhân thế cũng là con
người biết lắng nghe cả những tiếng động nhỏ bé trong cuộc đời bằng tất cả trái
tim thương cảm, giữa những tiếng động vỡ đất xé trời của cuộc xâm lược tàn bạo.
Mặc dù còn nhiều vấn đề cộm cán chưa ngã ngũ về
việc tuyển chọn thơ văn trong SGK, song sự thật là: có biết bao năng lượng quý
tiềm tàng trong những tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy. Thế mà phần nhiều
chúng vẫn ở trong tình trạng chỉ được đào xới ở lớp vỏ ngôn ngữ, hoặc bị suy
diễn, bị khái quát lên thành những vấn đề chính trị-xã hội thuần túy, trong khi
người thầy dạy văn lẽ ra phải là “người nghệ sĩ thứ hai” của tác phẩm! Giờ
giảng văn nhiều năm qua đã biến thành một thực thể nặng nề với học sinh, nhất
là khi bị thầy cô giáo gọi lên nhắc lại những từ ngữ to tát do chính các thầy
cô “sáng tác” ra nhằm minh họa cho bài thơ bài văn!…
Nói rông dài là để trở lại một vấn đề “xưa như
trái đất”: đó là việc đào tạo ra ông thầy dạy văn, và liền đó là sự tu dưỡng
nghề nghiệp của bản thân ông thầy dạy văn. Thời học sư phạm văn, tôi biết rõ có
không ít bạn đồng môn chỉ biết đến những tác phẩm của Victor Hugo, Lev Tolstoi,
Dostoievki, Balzac, Stendal, Kafka… qua lời kể của giảng viên hay được tóm tắt
trong giáo trình, và sau đó trong cuộc mưu sinh chật vật, chắc gì họ đã có dịp
được đọc hết các bộ tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình, Những người khốn khổ,
Vỡ mộng, Đỏ và Đen, Hóa thân, Tội ác và Trừng phạt, v.v- những kiệt tác văn học
thế giới mà đã là học văn để ít nhất chỉ làm công việc dạy văn thì không thể
không đọc qua. Đấy là chưa kể tới biết bao sách vở khác ngoài văn học thuộc các
lĩnh vực mỹ học, lịch sử, triết học, văn hóa học… mà người thầy dạy văn buộc
phải tự trang bị cho mình để có được một bản lĩnh tâm hồn & tư tưởng cần
thiết trong hành trang làm nghề. Còn giờ đây, xem ra tình trạng còn tệ hại hơn
rất nhiều. Còn học sinh thì chán sợ môn văn đến cùng cực, không thèm ngó ngàng
đến các khoa nhân văn sau khi đã “sáng tác” ra những “quái thai” trong các kỳ
thi văn tốt nghiệp khiến bao người phải cười ra máu mắt! Điều này trước hết
phải cật vấn ông thầy dạy văn, sau đó là hệ thống dạy văn ở các Máy cái đào tạo
– tức là các trường Sư phạm hệ đại học & trung học, và cuối cùng là Hệ
thống quản lý giáo dục với những triết lý giáo dục rối mù chỉ chứng minh rõ
ràng sự Vô trách nhiệm và sự Lạc hậu!
_________
1. Theo A. Xâytlin- Lao động nhà văn. NXB Văn
học, 1976
2. A. Nhikônxki- Phương pháp giảng dạy văn học ở
trường phổ thông. NXB Giáo dục, 1978
Đạo diễn-nhà báo Nguyễn Anh Tuấn |
Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013
Về việc Dạy văn & Học văn?/ Nguyễn Anh Tuấn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét