Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Phùng Thị Hà đò đưa thơ Hoàng Vũ Thuật


KÝ ỨC NGƯỜI MẸ TRONG HƯƠNG TRẤU
CỦA HOÀNG VŨ THUẬT

Phùng Thị Hà

Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ của ân tình. Đôi quang gánh, chiếc gàu dừa, cánh diều, rơm rạ, con trâu... nơi miền quê thôn dã đều được ông đưa vào thơ. Chúng trở thành những thi ảnh day dứt khôn nguôi trong lòng độc giả. Đó là những cảnh, những vật gần gũi gắn bó thân thiết và đặc biệt hơn, chúng là dấu ấn kí ức của thi sĩ về mẹ. Bài thơ “Hương trấu” in trong tập “Cỏ mùa thu-thơ chọn lọc” (NXB Văn học-1994) thể hiện rõ sự khúc xạ đó.Đọc “Hương trấu” không chỉ làm sống lại với bao kỷ niệm trong ta, mà còn được đón nhận những phức cảm chứa chan, sâu nặng của nhà thơ đối với mẹ như  tâm trạng, nỗi lòng chính mìnMở đầu bài thơ, nhà thơ khai thác hình ảnh mẹ gắn liền với hành động nhóm trấu trong những buổi chiều quê yên ả: Mẹ tôi nhóm trấu trong chiều
Khói xanh lên tận cánh diều ngày xưaHương trấu là đối tượng tác động trực tiếp đến vùng kí ức của nhà thơ: tuổi thơ với cánh diều, những ngày rong chơi cùng bạn bè, nỗi nhớ mẹ...Thao tác nhóm trấu của mẹ tưởng là việc giản đơn, quen thuộc, nhưng đối với tâm hồn của thi sĩ đó là cả một khối cảm xúc chất chứa, khôn nguôi. Cảm xúc ấy lại càng da diết hơn khi nhà thơ lồng ba hình ảnh vào nhau: mẹ, hương trấu, cánh diều. Hình ảnh mẹ lồng trong hình ảnh của quê hương. Cả ba hình ảnh đều trong tư thế vận động, chuyển hướng theo cánh diều. Sự vận động ấy chính là sự vận động của tình cảm, vì thế nỗi nhớ càng mãnh liệt hơn. Ở đây, Hoàng Vũ Thuật chỉ mượn thiên nhiên, sự vật đồng quê để hướng đến con người, đặc biệt là tình cảm dành cho mẹ. Đó là chủ đích của thơ ông. Dù viết gì, nói gì hình tượng thơ Hoàng Vũ Thuật luôn luôn chủ tâm thể hiện con người một cách yêu quý trân trọng. Thơ mang hơi thở sức sống của con người. Đọc thơ ông phải suy ngẫm đến tận cùng ngữ nghĩa mới thấy được cái thi vị của mỗi ý, mỗi lời, mỗi chữ. Nếu đọc lướt qua theo lối trực cảm thì khó cắt nghĩa giải mã được thơ ông.

Trong các đề tài thể hiện, Hoàng Vũ Thuật dành vị trí không nhỏ để nói về người mẹ của mình. Mẹ trong thơ ông là hình ảnh của sự cứu rỗi: Nhưng mẹ ơi, thưa mẹ biết không/ Con đứng lên rồi giữa bao bè bạn/ Bởi con nhớ lời mẹ dặn/ Trái tim yêu không thể sống thấp hèn (Gửi mẹ). Mẹ trong thơ ông là âm vang cuộc đời đau khổ: Loòng coòng.../ Loòng coòng.../
Tiếng cuộc đời trôi dạt trên sông/ Qua những tháng năm cơ cực/ Tiếng mõ gọi bao xóm làng thao thức/ Mẹ ơi! (Tiếng gõ chài). Ở một bài khác, là tiếng lòng thổn thức, day dứt:
Vẫn chiếc áo cũ sờn dầu dãi
Khoác lên người vệt nắng chiều thưa
Không quay lại mẹ ra đi mãi
Mặt đất xưa trơ trọi mái nhà xưa
(Mẹ thường chầm chậm bước lên nhà)
Người mẹ khi ấy với “chiếc áo cũ sờn” khoác lên “vệt nắng chiều thưa”. Giờ đây, ở “Hương trấu” bóng dáng mẹ hiện ra khá cụ thể trong chiếc áo màu phèn chua. Có thể nói “vạt áo phèn chua”nhãn tự sâu đậm nhất bài thơ. Chiếc áo ấy có mùi bùn đất, của đồng chiêm trũng. Đó là mùi của sự nhọc nhằn, lam lũ nơi miền quê gió lửa, hứng chịu nhiều bom đạn của chiến tranh, quanh năm thiên tai bão lụt, hạn hán đã hun đúc nên những nết cách chịu thương, chịu khó:
Gió lùa vạt áo phèn chua
Mẹ đi như thể sợi mưa qua đồng
Hình ảnh chiếc áo thấm màu phèn chua cùng dáng đi “như thể sợi mưa qua đồng”, đã trở thành biểu tượng của con người miền trung nhân hậu, giỏi giang, vất vả. Cách so sánh “sợi mưa qua đồng” dáng không thẳng đứng, bổ nghiêng về phía trước, đã nói hết tất cả nỗi cần lao, nhọc nhằn của người mẹ. Viết như thế, nhà thơ đã thâu tóm được thần thái của mẹ và tình cảm của mình dành cho mẹ, cho quê hương.
Các nhà thơ nói chung và Hoàng Vũ Thuật nói riêng thường sống với những quá khứ và tiếc nuối khung trời thơ mộng đã qua, coi những ngày thơ ấu là “di sản” quý trong cuộc đời mình. Hoàng Vũ Thuật nhớ đến những ngày cùng lũ trẻ hồn nhiên, vô tư, trong sáng với giấc mơ bay bổng trên vòm trời cao xanh bao la vô tận. Tuổi thơ trong trẻo, tinh khôi chưa hiểu hết giá trị của những hạt thóc “vàng au”. Hạt thóc ấy gắn liền với cuộc đời mẹ. Hạt thóc là huyền tích, thành quả của những lam lũ. Sự diễn biến theo thời gian từ mùa trước đến mùa sau như trãi rộng, khắc sâu nỗi nhọc nhằn của mẹ:
Tôi cùng lũ trẻ rong chơi
Mơ theo ngọn khói bay vòng trời cao
Biết đâu hạt thóc vàng au
Nắng hong mùa trước mùa sau bão dần
Như vậy, đọc thơ Hoàng Vũ Thuật, ta khám phá ra được tâm hồn đa sầu, đa cảm của một con người tràn đầy tình yêu. Một tình yêu bao quát cả trục thời gian: quá khứ-hiện tại-tương lai. Vì thế, hình ảnh quê hương, tuổi thơ, tình mẹ trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong thơ ông.
Bài thơ “Hương trấu” phân bố theo mạch tâm trạng. Tâm trạng lại bị chi phối bởi thời gian. Vì thế, cung bậc của cảm xúc cũng được chia đều: hiện tại-quá khứ-hiện tại:
Bây giờ chiều xế qua sânBờ tre bóng rã bần thần mái quê
Ai kia gánh thóc ngoài đê
Sao đây xác trấu tái tê lòng chiều
Lá cau xao tựa ngọn triều
Vườn đan cỏ chỉ liêu xiêu chân người
Tôi vun bếp lửa dưới trời
Nồng cay hương trấu rối bời rạ rơm
Kiểu thời gian đảo chiều liên tục giúp nhà thơ khái quát được hành trình của nỗi nhớ. Nỗi nhớ bây giờ hướng về những gì gần gũi với quê hương: bóng tre, người gánh thóc, xác trấu, lá cau, cỏ, bếp lửa, rạ rơm... Trong những chất liệu đặc tả về quê hương, vẫn đan cài hình bóng mẹ. Nếu ở đoạn thơ trên, hình ảnh mẹ hiện lên rõ rệt thì ở đoạn thơ này, hình bóng mẹ trở nên xa cách bởi cách dùng đại từ phiếm chỉ “ai”. Tình cảm nhà thơ dành cho mẹ không bao giờ nguôi ngoai, nhưng một thực tế đau lòng không thể cưỡng lại: mẹ không còn trong cuộc đời của con. Ngoài bờ đê của năm xưa không còn bóng dáng mẹ. Nỗi đau ấy lồng ghép vào những hình ảnh quen thuộc của quê hương, nhân thêm cái tình sâu lắng của nhà thơ dành cho con người và cảnh vật nơi mình sinh ra và lớn lên.
Sự hoà quyện  “nghệ thuật” giữa thanh trắc và thanh bằng của thể lục bát là cơ sở để đưa người đọc dễ dàng trôi vào nỗi nhớ, nỗi buồn đau da diết sâu lắng khi thể hiện tâm trạng “bần thần mái quê”. Chủ âm này như một sợi dây, biến hoá trong từng khung đàn, lúc trầm buồn sâu lắng lúc đau đáu thương yêu. Đúng như lời tự bạch của nhà thơ: “ Thơ tôi là hạt cát li ti ẩn giữa hai nếp nhăn vầng trán mẹ tôi nơi miền quê gió cát Quảng Bình. Là dòng chảy buồn buồn như dáng người mẹ mảnh khảnh một mình băng qua cồn cát khi ánh tà vừa xuống hoặc những lúc bất ngờ gặp trận bão cát dữ dội. Nào ai dám nói người mẹ của mình trọn đời hạnh phúc? Thơ tôi viết về cái nghiệt ngã, nỗi khắc khoải, dằn vặt về thiên nhiên, về đời sống, về tình yêu... thông qua dòng chảy ấy, viết về vẻ đẹp của nỗi buồn”(*).
Trở về với thực tại trong một câu hỏi có chủ thể:
Ai kia gánh thóc ngoài đê
Sao đây xác trấu tái tê lòng chiều
Tương tự câu thơ trên, Hàn Mặc Tử cũng từng viết:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Hình ảnh người phụ nữ gánh thóc cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó được miêu tả một cách lung linh, mà rất cụ thể. Nhưng đến với Hoàng Vũ Thuật ta thấy sự sáng tạo nghệ thuật đã làm cho câu thơ thi vị ở chiều khác. Hình ảnh người mẹ là một sự mơ hồ, hư hư thực thực. Nỗi buồn ấy được lồng ghép vào khung cảnh “xác trấu” của quá khứ nối hiện tại càng làm cho biên độ của nỗi nhớ sâu hơn và tăng lên bội phần.
Giờ đây hình bóng của mẹ được sánh bằng hình ảnh của thiên nhiên, lấy đối tượng của thiên nhiên để miêu tả cảm xúc trong đáy sâu tâm hồn của nhà thơ. Kiểu so sánh “lá cau xao tựa ngọn triều” gây sự bất ngờ. Chúng ta có thể hiểu ngọn triều là những đợt sóng khi dâng lên hay hạ xuống theo quy luật của mặt trăng. Giờ  nó cũng như nỗi mất mát của nhà thơ đang bị xáo động trước ngọn sóng trong biển cả cuộc đời. Ở trên, khi miêu tả dáng đi của người mẹ trong quá khứ “như sợi mưa qua đồng” là sự mạnh mẽ, thanh thoát, nhanh nhẹn. Nhưng giờ đây dáng mẹ như ngọn cỏ mỏng manh, liêu xiêu, yếu ớt. Quy luật của đời người sẽ thay hình đổi dạng theo thời gian, chỉ có tình yêu và nỗi nhớ của con là mãi mãi bên mẹ vững bền.
Kết thúc bài thơ “Hương trấu”, nỗi nhớ lên đến đỉnh điểm. Không còn hình bóng mẹ, chỉ mình con “vun bếp lửa dưới trời”. Nhà thơ thay mẹ vun lại hơi ấm của tuổi thơ, vun lại tình cảm mẹ con. Nhưng giờ đây chỉ còn lại mình con bơ vơ giữa dòng đời, cô đơn trước một không gian mênh mông của bầu trời. Mùi hương trấu-mùi của kí ức làm cay nỗi lòng nhà thơ.
Đọc mỗi vần thơ của Hoàng Vũ Thuật ta tìm thấy ở trong đó một điều gì thiêng liêng cao quý. Tình cảm đó không chỉ dành chung cho quê hương, cho người mẹ yêu thương mà còn dành riêng cho bạn đọc được sống lại với tuổi thơ, nghiệm ra triết lí cuộc đời. Đó cũng là một sự thức tỉnh cho những ai còn có mẹ, đừng bao giờ làm mẹ buồn, mẹ khóc.
Kể từ sau tập “Cỏ màu thu”, khuynh hướng cách tân với thể thơ tự do chiếm vị thế độc tôn trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Nhưng đọc lại “Hương trấu” ta nhận ra một điều, đi từ thể thơ truyền thống giàu xúc cảm, sang thể thơ hiện đại đầy triết lý; sự chuyển hóa này đã làm cho chất trữ tình như một thế mạnh trong thơ ông, mà ở một số tác giả cách tân khác có vẻ như hụt, thiếu. Sự thay đổi thi pháp đó là điều rất dễ hiểu. Điều này được thể hiện qua hai tập xuất bản gần đây, “Ngôi nhà cỏ” và “Màu”, mà hình như ông muốn đúc kết ở “Nghiệm”, một bài thơ đứng cuối tập “Màu” mà tôi đã nói đến.

Ba Đồn, 7/7/2011
_____
(*) Văn chương tìm và gặp, NXB Văn học-2008
Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét