Đặng Đình Hưng - Tạ TỵĐẶNG ĐÌNH HƯNG
MỘT CUỘC CÁCH TÂN THƠ ÂM THẦM
NGUYỄN THỤY KHA
nguyentrongtao :
Đặng Đình Hưng là một thi sĩ “chín muộn”. Từ một cậu học sinh trường
Bưởi, rồi sinh viên trường Luật Đông Dương, rồi cán bộ tuyên huấn, đến
Đoàn trường kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương, người
ta biết đến một nhạc sĩ Đặng Đình Hưng nhiều hơn. Mãi tới tuổi “ngũ
thập tri thiên mệnh”, Đặng Đình Hưng mới dốc mình vào thơ và tới khi “tạ
mùa đi” ở tuổi 67, thơ ông mới thực sự chín sáng qua “Ô mai”, “Bến lạ”.
Nhưng từ trong bản thể, Đặng Đình Hưng đã có khát vọng cách tân từ sớm.
Khi hoạt động âm nhạc, ông đã từng định làm mới chèo bằng cách hát cộng
minh, bằng việc đệm piano cho các làn điệu.
Qua khát vọng cách tân ngây thơ ấy, Đặng Đình Hưng đã ngộ ra hai chữ “dân tộc”. Khúc Rondo “Mừng chiến thắng Tây Bắc” (lời: Thái Ly) đã là một minh chứng cho sự tìm về bản thể của Đặng Đình Hưng. Trong ba nhạc sĩ “dính” vào “vụ nhân văn giai phẩm” là Tử Phác, Văn Cao và ông, Đặng Đình Hưng cũng hết sức quyết liệt dấn thân. Ông thôi mọi chức vụ và đi thực tế dài ngày ở Nông trường Quân đội cho đến khi về làm Tạp chí Âm nhạc. Cho đến khi cảm thấy đã tìm được nhịp điệu riêng cho thơ mình, ông mới bước sang địa hạt thơ và thực sự thành công cùng Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt. Nhân dịp trung tuần tháng 4/2013, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức hội thảo về thơ ông, NTT xin trân trọng giới thiệu bài viết về thơ Đặng Đình Hưng của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Qua khát vọng cách tân ngây thơ ấy, Đặng Đình Hưng đã ngộ ra hai chữ “dân tộc”. Khúc Rondo “Mừng chiến thắng Tây Bắc” (lời: Thái Ly) đã là một minh chứng cho sự tìm về bản thể của Đặng Đình Hưng. Trong ba nhạc sĩ “dính” vào “vụ nhân văn giai phẩm” là Tử Phác, Văn Cao và ông, Đặng Đình Hưng cũng hết sức quyết liệt dấn thân. Ông thôi mọi chức vụ và đi thực tế dài ngày ở Nông trường Quân đội cho đến khi về làm Tạp chí Âm nhạc. Cho đến khi cảm thấy đã tìm được nhịp điệu riêng cho thơ mình, ông mới bước sang địa hạt thơ và thực sự thành công cùng Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt. Nhân dịp trung tuần tháng 4/2013, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức hội thảo về thơ ông, NTT xin trân trọng giới thiệu bài viết về thơ Đặng Đình Hưng của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Gần
đây rất mừng là trong Từ điển Văn học bộ mới (Nhà xuất bản Thế Giới) đã
có mục riêng cho Đặng Đình Hưng. Tác giả Vũ Thanh đã viết về Đặng Đình
Hưng với những đánh giá rất chân xác về đóng góp của ông trong cuộc cách
tân thơ Việt Nam hiện đại. “Đó là thơ văn xuôi có nhạc tính, cách biểu
hiện hiện đại nhưng vẫn chứa đựng chất dân gian, dân tộc … thơ Đặng Đình
Hưng là những thể nghiệm mới nhằm cách tân tiếng Việt, góp phần làm
phong phú thêm bộ mặt thơ ca Viêt Nam”. Vậy là phải chờ đợi tới hơn 20
năm – bằng cuộc long đong phiêu dạt của nàng Kiều – nàng thơ của Đặng
Đình Hưng mới được chấm giải Hoa Hậu Việt Nam.
Trong
số các nhà thơ được gọi là các nhà thơ trong nhóm Nhân Văn Giai phẩm
thời ấy, Đặng Đình Hưng là người “chín muộn” hơn cả. Để tìm ra hướng
cách tân riêng của mình, Đặng Đình Hưng đã tự dấn thân, tự lột xác tự
nhúng mình nhức nhói trong thực hiện đầy giông bão của một thời đại. Và
đến “Bến lạ”, cái riêng của ông đã lộ sáng khi nằm trên giường bệnh, kề
sát với cái chết. Đấy cũng là cuộc trùng phùng vinh quang của hai cha
con ông, khi Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm quốc tế
mang tên F.Chopin lần thứ 10 vào mùa thu 1980. Chỉ có khác, vinh quang
của Sơn là ở sự nổi tiếng. Còn vinh quang của Đặng Đình Hưng là sự chiến
thắng chính mình. Chiến thắng nỗi cô đơn.
Có
một nghịch lý ở con người là không ai muốn chung sống với cô đơn. Nhưng
chính nỗi cô đơn lại là nguồn năng lượng thúc đẩy con người lớn lên.
Với các nhà thơ nói trên, có thể nói cô đơn là bi kịch của họ. Nhưng với
bi kịch ấy, họ đã tự khẳng định tầm vóc đích thực của mình. Một tầm vóc
mà không quyền uy nào có thể phủ nhận được. Họ đã hoàn thành xuất sắc
sứ mạng thơ ca của thế hệ mình bằng những sáng tạo trong dằng dặc cô
đơn. Nếu Hoàng Cầm là chất thuỷ, Văn Cao là chất thổ, Trần Dần là chất
hỏa, Lê Đạt là chất mộc, thì Đặng Đình Hưng là chất kim. Họ vừa tạo nên
một ngũ hành tương sinh về tư tưởng, lại vừa tạo nên một ngũ hành tương
khắc về biểu hiện. Hà Đồ – Lạc Thư nơi họ dựng lên một khao khát tự do
trong sáng tạo đến cùng cực.
Tự
hành trình ngược vào mình để tìm kiếm tới mức vô vọng từ “khắc biết”
đến “hề biết”, Đặng Đình Hưng đã tạo ra một thi pháp hết sức độc đáo.
Trong lời mở tập “Bến lạ”, người đại diện cho nhà xuất bản Văn Nghệ
thành phố Hồ Chí Minh đã viết: “Có lẽ cái cảm giác khó hiểu khi tiếp xúc
lần đầu với thơ Đặng Đình Hưng cũng từ đó. Lại thêm lối nói nhiều
chiều, dấp dính, lửng chửng mâu thuẫn, xa xôi, hàm súc, vốn là nối nói
thường ngày của ông. Thơ ông là những đợt sóng ngược xuôi ngang dọc của
trí tuệ. Mỗi hình ảnh mỗi cách nói đều có sự lấp lánh. Lại lắm khi lời,
chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, tạo ra một
trường gợi tưởng hơn là một ý tưởng. Và trong dòng tâm thức triền miên
thỉnh thoảng nhói lên một vết đau khiến ai cũng phải cảm thương”.
Người
xưa nói: “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Đã đến tuổi 50 thì không còn thay
đổi gì được mà tuân theo mệnh trời. Vậy mà ở tuổi lục tuần, nằm trên
giường bệnh với khối u ngấp nghé di căn, Đặng Đình Hưng đã thiền tới mức
đủ công lực mình thay đổi mình đến không ngờ. Vị đời đã nếm trải quá
đủ. Đã sống tới mức “tìm ở sau cái gương – cũng không có gì hết”. Nhưng
kể ra chiêm nghiệm này để thực sự thanh thản khi về với “Bến lạ” như một
lời sám hối, một bài nguyện cầu thành khẩn mà mơ hồ thì chỉ có Đặng
Đình Hưng mới làm được. Tôi đã đọc “Bến lạ” theo cách cầu kinh lầm rần
lì rì, thấy lời, chữ như dâng dần sóng âm ra không gian xung quanh. Và
tự nhiên thấy mình như cộng hưởng cùng ông trôi dạt ra một nơi nào đó ở
ngoài cả thể phách. Sao con người lại phải sống trong một thời ghê gớm
đến thế để có thể chắt ra: “Từ góc nhọn A, tôi đi ngềnh V ghê sợ nhất”.
Có thể nào nói ngắn hơn, gây dư chấn mạnh hơn câu này? Nhịp điệu cầu
kinh đã dịch chuyển “Bến lạ” loang xa, loang xa như không cùng. Những
an-pha, mê-ta, mê-ga, tê-ta cứ thể trôi nổi như trong một dao động sóng
của “hột khuya” khiến ngực ta cảm thấy “Có lẽ zẹt. Bởi ở trên ngực, cứ
thình thình một tiếng đập”. Và những “hạt thóc giống của không biết” đã
tự nhiên mọc lên sự biết trong cảm nhận của ta. “Đời gì – sao cứ đi đi
những cái vali cứ về bến lạ”. Đời là thế, biết cả rồi, khổ lắm, nói mãi.
“Bến lạ” cứ gởi gắm như vậy đó. Chuyện cũ nhưng qua Đặng Đình Hưng ta
thấy sững sờ, thấy đầy nỗi niềm, nghẹn ngào. Tìm tới giọng này, Đặng
Đình Hưng đã phải âm thầm ngẫm nghĩ qua bao chiêm nghiệm. Và hình như để
gởi lại những chiêm nhiệm ấy cho đời trước lúc “tạ mùa đi”, Đặng Đình
Hưng lại tiếp tục minh chứng cuộc cách tân thơ âm thầm của mình bằng “Ô
mai” – tác phẩm cuối cùng của ông.
Tôi
nhớ mùa thu 1989, Đặng Đình Hưng lại vào nằm viện. Khi tôi đến thăm,
tuy còn mệt nhưng Đặng Đình Hưng rất vui. Rì rầm trò chuyện, ông lại đọc
nghe vài đoạn “Ô mai ”. Vẫn đích thị là “ô mai Hàng Đường” rồi. Ông ngỏ
ý muốn anh em xúm vào để đưa “Ô mai” ra với cuộc đời. Nhưng cái chết đã
ập đến số phận ông quá sớm. Phải tới sau khi ông mất ba năm, “Ô mai”
mới được ấn hành. Cũng là người đại diện nhà xuất bản Hội nhà Văn, trong
lời nói đầu đã viết: “Ô mai mang một hình thức đặc biệt, có lẽ chỉ có
riêng ở tác giả và cũng chỉ xuất hiện một lần, trên một độc thoại nửa
thơ, nửa văn xuôi, hiện lên câu chuyện tình hư hư thực thực với những
đoạn hát đôi của nhạc kịch, xen kẽ là những tùy bút đầy không khí và
những đối đáp lý thú về công việc sáng tạo mà ông gọi là “thể nghiệm”.
Gọi đây là một tác phẩm thơ thì nó là một thứ thơ không chút bận tâm đến
những quy ước có sẵn về thơ. Và quả thật nó là thơ đến tận cùng, ở một
thứ ngôn ngữ đầy nhạc tính bên trong, nén chặt và âm vang, gợi cảm và
gợi tưởng, ở chất trữ tình trí tuệ, bông đùa rớm máu. Nó là thơ ở công
phu làm bằng tiếng Việt, thứ tiếng Việt – Đặng Đình Hưng, quanh co và
nhảy vọt, chắc nịch và lan man”.
Tôi
may mắn có một thời gian dài thường xuyên uống rượu cùng ông tại nhà và
tại các quán quen quanh nhà từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Vậy nên
những hiện thực mà Đặng Đình Hưng chuyển vào “Ô mai” đều rất quen thuộc
với tôi. Nhưng lạ, khi qua thơ ông những hiện thực ấy đều lấp lánh một
ánh sáng khác thường chiếu dọi từ tinh thần cách tân thơ của ông.
Vẫn
là cái buồng tầng hai của tòa nhà 5 tầng khu Giảng Võ nhìn ra đường,
cái buồng ông được đích danh thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị thành phố
cấp cho ông sau khi Đặng Thái Sơn đoạt giải F.Chopin, cái buồng mà ông
đã viết: “Sống khuôn nhịp. Tới mức người cùng cái ngôi nhà năm tầng này
như thuộc. Thuộc giờ đi, về, sức nặng, nhẹ, dài, ngắn bàn chân cầu
thang”, cái buồng mà ông đã từng bao năm “thường ngồi giờ dài, chẳng
nghĩ. Chỉ cảm. Cảm bằng da. Da của mắt – bàn tay – chủ yếu là lưng. Tới
mức toàn thân gắn hẳn vào không khí, đồ vật, tường, buồng”, khi vào thơ
ông thấy khác lạ nhường bao.
Vẫn
là những quán bình dân quen thuộc mà ông “một ngày hai lần, anh ra
quán. Uống và nhìn. Nhìn người. Anh ngồi dài, tắm vào cái số đông di
động ở quán. Cùng ngần ấy cảm giác – lạc thú. Cái ầm ầm ở quán, anh ầm
ầm vỗ theo” thì chỉ với hai động từ “tắm” và “vỗ theo”, Đặng Đình Hưng
đã gợi cho ta những gì nhàm chán, tẻ nhạt của kiếp người phải “ăn dần
thời gian sống” một cách vô vị đến thế.
Vẫn
là cái chợ quen mà sao khi qua thơ Đặng Đình Hưng, nó tràn trề, cựa
quậy một nỗi đời nhưng nhức. Cái chợ – nói như Thanh Thảo – đã ở trong
ông mà trào ra từ khi nào, trào ra từ cơn thèm một cái gì đó: “Điểm cao
của thèm có khi chạm lại tất cả các thứ thèm: ăn – nghe – nhìn – ngắm,
chẳng hạn ăn một quả chuông buông giờ”
Vẫn
là một cuộc dọn dẹp, thanh lý các thứ thừa trong nhà, nhưng khi qua thơ
Đặng Đình Hưng ta thấy sửng sốt ngạc nhiên như cả một thế hệ khi chợt
ngoái lại hồi ức, quá vãng, kỷ niệm: “ Ảnh. Thuốc long ra. Những khuôn
mặt chập lại. Phải nhẹ tay bóc ra. Lâu chưa? Không mở ra nhìn – Không mở
do thiếu tình – hay ghim tình mà thời gian ăn mặt. Thời gian ăn cả đá,
cả sắt, cả sỉ, sắt chuyển thành vôi đất – chả cứ người – nhan sắc và
công danh”. Một cuộc “lọc – thải và giữ” những gì đã sống qua, đã lưu
lại đến chất chồng trong cõi lòng tan nát: “Dùng dằng trước cái đống
này. Ở hay đi? Cái đống hiện thân một mảng đời dài. Một cuộc tổng tảo
mộ. Để làm gì mà tổng tảo mộ! Một quyết định gì đây? Hay chỉ là cơn
nghiện bệnh tật quen ăn quá khứ che lấp đi cái hiện hành”.
Vẫn
là phố quen của Hà Nội cổ xen lẫn Hà Nội cũ và Hà Nội nay. Vậy mà khi
qua âm hưởng thơ Đặng Đình Hưng ta cứ thấy ngỡ ngàng lạ thường: “Phố:
những dòng đi lúc đậm, lúc nhạt. Vội – vướng – tránh xa nhau … Đi! phố –
ngoặt fố – lại ngoặt fố … anh đi fố fố cột đèn … Về – fố lác đác đèn
…”. Cái mòn mòn, quen quen, nhạt nhạt cứ xâm lấn ta bởi nhịp lời, chữ cứ
cuốn đi, cuốn đi không cưỡng nổi.
Ngay
đến cả nàng “Ô mai”, ta cũng nghĩ là đã gặp nhiều lần ở đâu đó trong
quán quen. Cũng đã từng thấy thấp thoáng trong căn buồng ông. Vậy mà khi
ông thốt lên những dòng thơ tội nghiệp về thân phận nàng, ta cảm thấy
như những oan nghiệt nàng đã trải cứ cứa vào ta một cách chẳng thông
thường. Cứa nhay nhứt:
Em đã mất ấu thơ
Mất ước mơ
Mất mùa tổ ấm
Nhà thơ ơi! anh có phép diệu kỳ
ước mơ mất
làm lại hộ em đi
lửa tắt ngang chừng
nhóm lại hộ em đi
Đặng Đình Hưng đã phong thánh cho nàng “Ô mai” của mình cũng rất nhẹ nhàng và tự nhiên:
- đừng khóc
Đau thương bằng thánh
Em là người thánh
Oan là thánh
Nghe, em của anh
Đã thốt ra được lời
Em lấy lại được đời rồi
Lấy lại y nguyên
Vẫn
là căn buồng “siêu hầm” ở góc đầu tòa nhà trên tầng hai, nhưng khi Đặng
Đình Hưng đắm chìm trong cơn thể nghiệm, cái “siêu hầm” ấy trở nên một
cõi thiền để Đặng Đình Hưng siêu thoát hết thủy mọi cô đơn trong suốt
cuộc rong rêu phận người gớm ghiếc và lạnh lẽo. Cái hầm của Đặng Đình
Hưng, cái ghế của Trần Dần ngày nào cũng ngồi đến lõm cả tường, cái gác
xép của Hoàng Cầm, cái góc tối của Lê Đạt ,cái ghế mây của Văn Cao, tất
cả đều đã trở thành giới hạn nơi các ông bay lên qua nỗi cô đơn để hòa
nhập vào vô cùng.
Đặng
Đình Hưng cách tân thơ âm thầm nhưng không hề cố ý. Bằng tất cả tình
yêu da diết con người, cuộc đời ông đã thôt lên bằng cái giọng Kim rất
Việt của mình những gì ông đã trải nghiệm, đã thấm thía. Nếu “Bến lạ”
mang nhịp điệu cầu kinh thì “Ô mai” mang nhịp điệu nhạc Rap. Vẫn là lời
khép lại của người đại diện nhà xuất bản Hội nhà Văn: “Nếu “Bến lạ là
cơn mê sảng của một tâm hồn đầy khát vọng bị dồn nén, thì có thể coi “Ô
mai” như một sự giải thoát. Sự giải thoát mà tác giả đã gặp được ở cuối
cuộc đời bi kịch của ông”.
Sự
giải thoát ấy đã thực sự chấm dứt vào ngày 21.12.1990. Trong cái buồng
“siêu hầm” ấy, tôi thấy Đặng Đình Hưng nằm im nặng như những lúc thiền.
Nằm im lặng như vẫn âm thầm ngẫm nghĩ những câu thơ, những nét vẽ, những
mảng màu. Bỗng thấy như có một cái gì đó bồng bềnh không nhìn rõ cứ bay
bay trong ánh sáng huyền ảo của lúc ông “tạ mùa đi”. Bay bay mà để lại
mãi mãi.
From; LXQ.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét