Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Thơ gặp gỡ thơ



THƠ GẶP GỠ THƠ
Tùy bút Nguyễn Nguyên Bảy
 
Bữa đọc bài thơ Lời Chim Câu ở sân trường UW, một bà Mỹ thân thiện mở lòng: Tôi là J. Tôi muốn là bạn thơ của ông được không? Tôi quá choáng trước câu chào hỏi vang lên bằng tiếng Việt, chuẩn dấu sắc trong chữ muốn, chuẩn dấu nặng trong chữ bạn và chữ được. Tôi đáp như reo: Bà biết tiếng Việt? Bà Mỹ cười: Tôi là cô giáo, tôi biết tiếng Việt một chút. Biết làm thơ bằng tiếng Anh một chút nên rất muốn là bạn thơ của ông. Tôi thích một chút bài thơ Chim Câu ông vừa đọc. Tôi muốn đọc bài thơ ấy bằng văn bản một chút? Tôi gật gật nhiều lần đầu cùng những lời như vô thức yes yes ok ok, mà thực trong lòng đang nói:  Bạn ơi, những câu tiếng Việt bạn vừa cất lên, sắc mầu âm thanh, cung bực nhạc điệu, ý tứ chân tình, tôi cảm như đang nghe bà nói thơ. Cảm ơn bà đã thơ hóa tiếng mẹ đẻ của tôi.. Chúng tôi nắm tay nhau chặt hơn bình thường sau khi hẹn cuối tuần gặp lại. Cho phép chồng tôi, cũng là nhà thơ, đi cùng tôi một chút, được không? Tôi cố thăng hoa niềm hân hoan của mình trong những tiếng Anh đa tầng nghĩa yes ok thank u..
 
Thế là thơ gặp gỡ thơ! Thơ gặp thơ ở quê nhà, hầu như khách chủ chẳng có gì phải chuẩn bị, một thớt chõng, một vuông bàn, một góc sân, một bình trà, sang trọng hơn thì cút rượu là thành một chiếu thơ. Gặp gỡ thơ bên Mỹ cũng vậy thôi ba. Con gái tôi hồn nhiên bầy tỏ. Tuy nhiên, con cũng sẽ chuẩn bị một diner đạm bạc theo trường phái ẩm thực Mỹ Việt song ca: Cà ry bò khoai tây cà rốt, gà nướng nguyên đùi, và cà tím nướng mỡ hành. Ăn uống không thành vấn đề, bạn thơ gặp nhau quan trọng nhất là tấm lòng thơ, đàm đạo thơ, đọc thơ cho nhau nghe, bên Ta, bên Tầu, hay bên Tây con nghĩ cũng vầy vậy. Phần nghi thức ba để con lo, còn phần nội dung thì ba phải chịu trách nhiệm, ba chỉ nên đàm luận về thơ hoặc đọc thơ, chúng ta tuyệt đối No Chính Trị cả hai phần nội dung và hình thức.

Đây là lần thứ hai con gái tôi nhắc lại ba chữ No Chính Trị cao giọng mang ý nghĩa nhấn mạnh. Trước khi tới sân UW đọc thơ tôi đã hứa với con gái là chỉ đọc thơ tình, một bài duy nhất, tôi đã chọn đọc bài Lời Chim Câu. Đang cao hứng khua chân múa tay, chợt nhìn phía trước, thấy con gái, con trai tôi và khá nhiều Ta Mỹ – bạn của chúng đứng tụm một nhóm tư thế bảo vệ, ứng cứu. Tôi nhìn lơ như nói: Hồn nhiên đi các con, thơ của ba tình đời, tiếng lòng, nhất định được cảm thông chia sẻ. Nghĩ cứng vậy, nhưng hoàn cảnh trớ quá, người đọc  bực mình, người nghe lo lắng, vui nỗi gì mà chơi thơ, nghĩ thế bèn chơi gian, tôi bỏ vài khổ cà kê đọc nhanh về câu kết. Các fan hâm mộ hình như chỉ chờ có thế là chạy ùa lên, kèm tôi lặn nhanh vào tiếng vỗ tay. Ba làm tụi con hết hồn, con gái tôi nhỏ giọng đủ nghe, Ba có một kho thơ tình sao lại chọn đọc bài Chim Câu. Xứ này người ta không welcome chim câu. Vậy hả? Tôi hơ hoảng, Ba thực không biết chuyện đó, người ta không welcome chim câu mà mình thơ thẩn chim câu thì kể cũng là chính trị. J. tôi nói ở trên, một giáo sư tiến sĩ, kiêm thi sĩ rất có uy tín ở UW và cả Seattle, đã xuất hiện đúng lúc hóa giải nỗi lo lắng của các con tôi. Tuy nhiên, phải tới lúc xe chúng tôi ra khỏi khu vực UW, vào freeway cậu con trai tài xế mới thực sự hoàn hồn. Xứ này, người ta không welcome chim câu, ba ạ. Anh trai nhắc lại câu em gái nói với tôi khi nãy. Rồi tiếp một hơi. Ở Việt Nam quê mình, bồ câu là loài chim được mọi người ưa thích, đó là loài chim biểu tượng của hòa bình, của tình yêu, của hiền lành, của khát vọng, của thơ cacủa Pi cát xô, của mắn đẻ, của món ăn ngon tên là bồ câu quay, của món ăn bổ tên là bồ câu chưng yến… Nhưng bên này lại khác. Ba đã đến Seattle nhiều lần, ở cũng đã nhiều tháng, đi cũng đã nhiều nơi, lại là người ưa thích quan sát, ba thử nhớ lại xem, đã lần nào, nơi nào, ba thấy bóng chim câu? Album ký ức tôi bật mở, tôi đã sống với con trai khi thuê nhà khu đông, khi thuê nhà khu tây, khi dọn nhà sang khu bắc và bây giờ đang sống với con gái trong một căn hộ nhỏ khu nam, nghĩa là tứ phía Seattle tôi đều đã ở, đều đã từng sáng sáng nhìn ra bãi cỏ vườn hoa, chiều chiều tản bộ vườn hoa bãi cỏ, tự tin đã kết thân được khá nhiều bằng hữu cỏ hoa, gặp rất nhiều chủng loại chim mà sao chưa một lần gặp bóng chim câu. Lạ nữa, cái thứ chim mà ở quê tôi ai cũng ghét bỏ, đó là quạ, thì lại gặp quá nhiều, chúng đen tuyền, lững thững khi thì trên thảm cỏ trong vườn, thảm cỏ hai bên hè phố, khi thì bay vút ngọn cây, bay lên nóc nhà và ngoác mồm quạ quạ..Con trai như đọc được ý nghĩ của cha: Người Mỹ cho rằng chúng ta không công bằng khi đánh giá yêu ghét quạ qua bộ lông đen và tiếng gào đơn thanh không thể hót. Tội nghiệp quạ, chỉ vì mầu lông và giọng nói mà bị chụp mũ là xấu xí, đen tối, xui xẻo và bị xua đuổi. Thơ cũng hắt hủi quạ. Theo họ, quạ đáng mặt chim hơn bồ câu ít nhất trên ý nghĩa tự tôn giống loài và khát vọng sống. Dù bị hiểu sai, dù bị khinh bạc đến mức nào thì quạ vẫn kêu vang tên mình là quạ, vẫn không từ bỏ giống loài chim và vẫn nuôi khát vọng trời xanh. Bồ câu không thế, từ khát vọng trời xanh của chiến binh đưa thư băng qua gió giông, tên đạn, được xưng tụng, được vỗ về nuông chiều, dần dà trở thành lười biếng, không thích bay xa bay cao, chỉ thích luẩn quẩn xó chuồng gù hát, mất dần khả năng tự kiếm mồi, ỷ lại sinh tồn loài khác. Tự tôn giống loài chim suy giảm, khát vọng sống của bồ câu chỉ còn là khát vọng thành chim thuần hóa gia cầm. Đấy là con nói văn vẻ theo kiểu lịch sự Mỹ, còn nói kiểu trắng bạch như Việt Nam mình thì, người Mỹ không welcome bồ câu đơn giản vì loài chim này rất mất vệ sinh, làm dơ bẩn môi trường, đậu cửa sổ bậy cửa sổ, lẻn vào phòng văn bậy lên trang viết, đón hóng vụn bánh mỳ vừa nhai vừa bậy, bậy lúc ngắm hoa, bậy khi tung tăng trên cỏ, bậy nơi công viên, bậy nơi sân trường trẻ chơi, thậm chí vừa bậy vừa gù, chỗ nào cũng bậy, chuyện gì cũng bậy..Chỉ vì thói bậy tèm lem ấy mà bao nhiêu đức tính tốt đẹp của bồ câu cũng không chùi sạch được phân mình..Tôi hắng giọng. Uy của người làm cha còn lực, con trai tôi nín ngay câu chuyện bồ câu, mặc dù miệng giã còn muốn phiếm.

Chiều thứ Sáu, vừa là ngày cuối tuần, vừa là ngày học sinh UW bắt đầu mùa nghỉ hè, nên đường xá kẹt xe, ông bà J. đến trễ 10 phút, sorry đến bốn lần, một lần với tôi, một lần với vợ tôi, một lần với con trai tôi và thêm một lần với con gái tôi ngay ở bếp. Bà J. tặng vợ tôi bài thơ tiếng Anh in vi tính trên giấy quí như giấy điệp bên ta, cuộn trang trọng với một bông hồng cắt tỉa cực đẹp. Vợ tôi tặng bà J. bài thơ in vi tính Lời Chim Câu của tôi. Ông W, chồng bà J., góp tiệc với con gái tôi chai vang trắng. Nghi thức chào hỏi chỉ có vậy, chúng tôi vào bàn. Ông W. cao lớn còn đang lóng ngóng tìm chỗ ngồi cho cân với thấp nhỏ tôi, thì bỗng tiếng thơ của bà J. vang lên thay lời gọi: Này bồ câu trống, em gọi là chồng.. Thế là tất cả an tọa trong cười vang. Ly vang cụng, rồi nĩa thìa và chén đũa bắt đầu thơ.
Bà J. đọc lại câu thơ vừa đọc: Này bồ câu trống em gọi là chồng…chờ cho tiếng vỗ tay ngưng, bà nói với chồng (tiếng Anh, dịch phóng) Cưng à, hôm nay cưng ưu tiên cho em nói tiếng Việt Nam, cơ may thực hành mà, cưng chỉ cần nhìn miệng em là hiểu… Bà vuốt nhẹ vai chồng rồi quay về phia tôi: Câu thơ ngộ quá, tôi nghe một lần thuộc ngay. Thơ yêu thú vị thật. Chúng tôi cụng ly cảm ơn nhau về lời tôn vinh thơ. Một quãng lặng dài. Tất cả ngồi thẫn. Ông W. đưa mắt nhìn vợ, tôi không hiểu ánh mắt ấy nói gì. Vợ tôi định nhiều chuyện về một điều gì đó đàn bà. Nhưng may là không. Quãng lặng chấm  dứt khi bà J. thủ thỉ mở lời và tôi biên tập lại cho bài viết, dưới đây:
 
Tôi yêu Việt Nam. Tôi đã đến Hà Nội, đã ăn Bún chả Hàng Mành và đã thấy Hồ Tây mùa sen nở, tôi đã vào Hoàng Thành cổ mới khai quật và đã được thưởng thức mưa dầm. Tôi đã đến Hạ Long ngắm núi rồng đậu rồng bay. Tôi đã đến Huế chiêm ngưỡng Cửu đỉnh và lăng tẩm vua quan. Tôi đã đến Sài Gòn, đi chợ Bến Thành và uống cà phê vỉa hè trên phố Tây ba lô. Và, ơn Trời đã không phụ lòng ước nguyện, tôi đã gặp bức tranh tôi hằng nghĩ vẽ trong tâm tưởng bấy lâu về Việt Nam, hiện ra trước mắt, đẹp vô cùng. Theo tôi đó là một trong không nhiều những bức tranh thiên nhiên đẹp nhất thế giới mà tôi được thấy, đó là bức tranh chim Lạc bay trên đồng lúa xanh hút mắt. Tôi đã ngồi nhiều ban mai nắng sớm trên triền đê Thái Bình, đắm hồn trong bức tranh thơ ký ảo ấy. Mắt tôi như thấy chim Lạc duỗi vút đôi chân và soải dài cặp cánh từ mặt trống đồng huyền thoại bay ra, khi thì là cò trắng, vạc nâu, khi thì là chim giang, chim sếu, bay lượn hân hoan trên đồng lúa xanh non thơm vàng. Bức tranh thơ này chỉ có ở Việt Nam, một bức tranh thơ thiên nhiên hoàn hảo ý tứ, sắc mầu, âm thanh, và tất cả. Bức tranh thơ tuyệt vời ấy âm ỷ ru vỗ tâm hồn tôi, thôi thúc tôi học tiếng Việt, tôi đang cố như các bạn thấy, tôi sẽ còn cố nữa, cố cho đến khi nào hiểu được, chia sẻ được buồn vui với lòng chim Lạc và ngọt mặn của đời lúa chín..(Một lát hơi dài) Văn hóa người Việt, thơ người Việt biểu tượng chim lạc, còn văn hóa Mỹ, thơ Mỹ biểu tượng chim đại bàng. Văn hóa của hai nước, thơ của hai nước cùng chọn biểu tượng chim, chỉ khác nhau giống loài, một bên là chim Lạc huyền thoại mơ thực, một bên là đại bàng cụ thể, thực dụng. Như đã nói, (bà J. chỉ tay vào mình), tôi yêu thích chim Lạc. Còn ông (chỉ tôi) mong ông mở lòng welcome đại bàng, để chúng ta mãi là bạn thơ của nhau, được không?

Lòng bàn tay vỗ ấp vào nhau thay lời. Gặp gỡ thơ của  chúng tôi kéo dài cả giờ đồng hồ nữa, nhưng không một ai trong hai phe chủ khách nói thêm điều gi thuộc phạm trù lý luận thơ và hành động của thi nhân. Bà J. thật thà đề nghị: Tôi muốn được nghe bà nhà đọc thơ?  Vợ tôi thoáng bất ngờ nhưng khá tự tin sau tiếng Ok. Bài thơ Hoa Nhung vang lên chậm giãi hơn bình thường, con trai tôi bật điện thoại ghi hình, hai mắt bà J. mở nghe say sưa và ông W. thì như thể chìm hồn vào trong thăm thăm xanh đôi mắt ấy. Bà J. khen vợ tôi đọc thơ yêu rất tình. Vợ tôi nhiều chuyện: Tôi nghĩ bà cũng vậy! Bà J. tủm tỉm gật đầu, xích ghế lại gần phía vợ tôi, vuốt ve tờ thơ giấy điệp tặng vợ tôi thẳng lại, rồi bắt đầu thánh thót (tất nhiên là bằng tiếng Anh) cho tất cả cùng nghe bài thơ yêu mà vợ tôi cho là bà đọc cũng rất tình và dù đa phần ngồi đây đều chưa hiểu hết nghĩa tiếng Anh, nhưng cái tình thì mọi người đều cảm được. Ôi, kỳ diệu tiếng lòng thơ..
Seattle, 6.2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét