Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Phùng Thị Hà đò đưa Hoàng Vũ Thuật


NGHIỆM - HÀNH TRÌNH ĐẾN BẢN NGÃ
Phùng Thị Hà

Hành trình thơ Hoàng Vũ Thuật trải dài gần 40 năm với những thăng trầm vinh quang và hệ luỵ. Và trên con đường đó, Hoàng Vũ Thuật đã lấy thơ ca làm cứu cánh. Thơ trở thành người bạn đồng hành của Hoàng Vũ Thuật. Mọi vui buồn đều được trang trãi với thơ. Ông viết: “Với tôi hầu như tất cả những sản phẩm sáng tạo đều xuất phát từ một chuyên buồn, một niềm cô đơn, vật vã. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt. Cô đơn là một đặc tính của con người. Trong ý niệm tương đố, cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp. Tôi coi trọng cái riêng của con người, chất cá thể con người, nên có lúc bài thơ bật ra trong trạng thái vô thức. Thơ chính là mảnh tâm trạng, cõi riêng thân phận, một cảnh huống đơn độc của con người”. Đọc Hoàng Vũ Thuật, thiết nghĩ cần chọn chìa khoá nội tâm này để tìm ra bí quyết sáng tạo, hay nói theo cách khác, tìm một cơ chế tâm lý của nhà thơ trong quá trình làm ra tác phẩm.
Phật nói “Tùy kỳ tâm tịnh tắc
Phật độ tịnh" (Tâm mình an tịnh thì cõi Phật hiện ra). Khi chân tâm rộng mở, tâm hồn khoáng đạt mới “ngộ” được chuyện đời. Với bài thơ “Nghiệm”, người-thơ Hoàng Vũ Thuật đã đạt đến bến Chân Như.
Bài thơ “Nghiệm” trong tập “Màu” (NXB Lao Động-2010) có lối cấu trúc kiểu phương trình toán học độc đáo, thấm đẫm chất triết lý về thế giới, về cõi nhân sinh:

Mấy vạn cánh chim đến được phương ấy
Khoảng cách ngày và đêm
Đủ nhận biết vũ trụ

Mấy vạn bước chân đến được miền ấy
Khoảng cách tối và sáng
Đủ nhận biết thế giới

Mấy vạn lời nguyền đến được chốn ấyKhoảng cách bão tố và bình yên
Đủ nhận biết nhân gian

Mấy vạn hơi thở đến được cõi ấyKhoảng cách yêu và giận
Đủ nhận biết mình

Bài thơ có bốn khổ. Các khổ lặp lại về mặt cấu trúc cú pháp. Sự lặp lại theo chiều hướng từ xa tới gần, từ ngoài vào trong, từ vĩ mô đến vi mô: vũ trụ - thế giới - nhân gian - mình. Sự giảm dần, thu hẹp khoảng cách giúp nhà thơ tiến gần đến bản thể, chạm đến bản ngã. Tương ứng các khổ là sự lặp lại câu hỏi tu từ: Mấy vạn cánh chim đến được phương ấy; Mấy vạn bước chân đến được miền ấy; Mấy vạn lời nguyền đến được chốn ấy; Mấy vạn hơi thở đến được cõi ấy. Cách dùng số từ ước lệ (mấy vạn) cùng với danh từ không xác định vị trí (phương ấy, miền ấy, chốn ấy, cõi ấy), không gian bài thơ như được nới rộng thêm. Nếu cái đích nhà thơ hướng đến, đi theo chiều giảm dần, thì vị trí không gian lại theo chiều tăng dần. Không đơn thuần là sự tăng dần về vị trí địa lí mà là sự tăng dần, chuyển biến từ cõi thực sang cõi vô thức, chốn hư vô. Cánh chim đến được phương ấy mới nhận biết được thực tại, chiều kích của vũ trụ. Bước chân đến miền ấy để nhận biết sắc màu của thế giới. Lời nguyền đến chốn ấy mới nhận biết được gương mặt nhân gian. Hơi thở đến cõi ấy mới nắm bắt được cái tôi của mình. Tương ứng với không gian thực và không gian siêu hình thì đối tượng được nói đến cũng vừa hiện hữu vừa vô hình. Ở khổ 1 và 2 cánh chim, bước chân là đối tượng hữu hình để đo chiều kích của không gian vũ trụ, của thời gian thế giới đang vận hành. Sang khổ 3 và 4 thì lời nguyền, hơi thở được nhắc đến, đối sánh là những đối tượng siêu hình. Như vậy, nhà thơ đã đi từ cái hữu hình đến cái vô hình, từ cái thực đến cái hư; để rồi làm một chuyến hành trình ngược: từ cái hư vô ấy nghiệm được cả thế giới và vũ trụ.

Thơ ca tồn tại dựa trên hai trục: trục lựa chọn và trục kết hợp (R. Jakobson). Dựa vào cách vận hành thi ca của Jakobson, “Nghiệm” có thể đảo các khổ theo trục ngang bằng nhiều cách. Mỗi cách đều có những ý nghĩa nhất định. Nói như thế, bài thơ có thể đảo và xoay theo chiều vòng tròn. Có thể sắp xếp vị trí các khổ như: 3-2-1-4; 1-3-4-2; 2-4-1-3...

Mấy vạn hơi thở đến được cõi ấy
Khoảng cách yêu và giận
Đủ nhận biết mình

Mấy vạn lời nguyền đến được chốn ấy
Khoảng cách bão tố và bình yên
Đủ nhận biết nhân gian

Mấy vạn bước chân đến được miền ấy
Khoảng cách tối và sáng
Đủ nhận biết thế giới

Mấy vạn cánh chim đến được phương ấy
Khoảng cách ngày và đêm
Đủ nhận biết vũ trụ

Xoay liên tục, bài thơ dường như không có điểm dừng. Phải chăng đây là dụng ý của nhà thơ? Khi những đối lập của cuộc sống liên tục vận hành thì vạn vật vẫn phải tự nghiệm chứng bằng chính năng lực của mình. Thế giới trong “Nghiệm” là thế giới của hai mặt: ngày và đêm, tối và sáng, bão tố và bình yên, yêu và giận. Bất kì một vấn đề nào trong cuộc sống, chúng ta cần phải đối chiếu, xem xét, nghiệm chứng. Có như thế, mới hiểu được quy luật của cuộc sống và quy luật của con người. Tung mình trải nghiệm trong không gian đa mặt ấy, vạn vật mới ngộ. Cái ngộ của con người không nằm ở thế giới mà nằm ngay trong bản thân anh ta. Trong không gian rộng lớn ấy, con người là đối tượng trung tâm, chi phối mọi điểm nhìn và sự chiêm nghiệm. Từ chiêm nghiệm những điều lớn lao trong vũ trụ để trở về bản ngã con người. Hình ảnh con người nghiệm được chính mình, chính là lúc tâm hồn đã đạt đến cái khả thể, đã ngộ được chân lý cuộc sống. “Nghiệm” đạt đến cái khả thể, thấm hương vị của dòng mạch Thiền.
“Người nghệ sỹ luôn gửi gắm tiếng nói, tư tưởng, tình cảm của mình qua tác phẩm. Đọc thơ ông, người đọc dễ dàng nhận ra điều đó. Dưới nguồn cảm hứng nào, thơ Hoàng Vũ Thuật đều ẩn chứa một mạch ngầm tư tưởng, chứa đựng ý nghĩa triết học văn chương. Nói lên cốt cách, bản lĩnh, nhân cách của người nghệ sỹ và trở thành biểu tượng văn hoá sống trong một giai đoạn xã hội nhất định. Thơ ông ở mảng này, không sử dụng ngôn ngữ trực diện, thẳng băng, không lớn tiếng ồn ào, trái lại như một tiếng đàn trầm biết cất lên đúng lúc. Thơ như một lớp sóng ngầm có khả năng thẩm thấu và lan toả trong tâm hồn độc giả” (Hoàng Thụy Anh). “Nghiệm” là bài thơ có kết cấu lỏng. Lỏng về mặt hình thức và lỏng về mặt nội dung. Người đọc có thể vận hành bài thơ theo cách nhìn của mình, đồng thời có thể linh hoạt về sự chiêm nghiệm. Hoàng Vũ Thuật đưa ra các cách nghiệm nhưng không đặt nó vào một khuôn mẫu nào cả. Tất cả hiện tồn trên cơ sở của sự đối lập và kinh nghiệm sống của mỗi người đọc. “Nghiệm” còn thể hiện rõ tính nhân bản: hướng về con người. Hình ảnh con người xuất hiện cuối bài thơ nhưng thực ra nó đã quy chiếu toàn bộ bài thơ. Mỗi lần nghiệm, con người rút dần khoảng cách với vạn vật trong cuộc sống. Chân lý không nằm ở thực tại mà nằm ở trong tư duy và sự chiêm nghiệm của mỗi người.
Đồng Hới, 4/7/2011

Phùng Thị Hà đò đưa Hoàng Vũ Thuật/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét