Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Hợp đồng bất thành văn/ Hoàng Vũ Thuật


Hoàng Vũ Thuật

HỢP ĐỒNG BẤT THÀNH VĂN

Có câu chuyện ám ảnh tôi hàng chục năm nay trong đời cầm bút. Chuyện thế này, một nhà kinh doanh nọ trưng bày và bán tranh nghệ thuật. Chiều kia có vị khách tìm đến mua. Ông ta đứng trước bức tranh tả cảnh người tiều phu gánh củi ra tới bìa rừng lúc hoàng hôn, đầu ngoái về phía sau mà chân thì muốn bước tới, trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Sau khi ngắm bức tranh rất lâu, người mua ngỏ ý chọn. Biết vị khách hàng rất ưa bức tranh ấy, nên chủ bán nêu giá gấp vài chục lần giá đã định từ trước. Khách không mặc cả, hẹn hôm sau tới lấy. Người khách ra về, chủ hàng ngắm lại bức tranh phát hiện tác giả vẽ thiếu chiếc búa. Ông nghĩ, đã đi lấy củi nhất thiết phải có búa. Có lẽ hoạ sĩ vô tình quên vẽ cái búa, một chi tiết không thể thiếu trong tác phẩm. Chủ hàng lên đèn, bằng tài nghệ của mình vẽ thêm chiếc búa dắt trên bó củi. Theo ông, bức tranh rất hoà hợp về màu sắc, mĩ mãn về ý tưởng. Hôm sau khách đến, ngạc nhiên thấy nội dung bức tranh đã bị thay đổi bố cục, mặt ông tái lại và bỏ ra về.
Tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời đã bị giết chết bởi bàn tay liều lĩnh vì mục đích lợi nhuận của người bán tranh. Còn người mua tranh, chính là người nhận ra chân giá trị tác phẩm nghệ thuật. Toàn bộ chủ đề chính của bức tranh là sự việc người tiều phu bỏ quên cái búa trong rừng. Hoạ sĩ khắc hoạ tâm trạng nhân vật trong bối cảnh ấy. Hoàng hôn đang xuống, đường về còn xa, quay lại hay không quay lại? Sự giằng kéo tâm trí được nhấn mạnh qua động thái người tiều phu, tâm điểm bức tranh. Cái đẹp ẩn náu trong tác phẩm nghệ thuật ở chỗ này đây. Nếu người xem không cảm nhận được nó thì bức tranh chỉ tả cảnh người tiều phu với gánh củi mà thôi.
Một câu chuyện, bao nhiêu vấn đề đặt ra. Tác giả và tác phẩm. Quản lý nghệ thuật như thế nào, phổ biến thưởng thức nghệ thuật ra sao. Làm sao các giá trị nghệ thuật đích thực được tôn trọng vào bảo vệ. Làm sao để có nhiều tác phẩm nghệ thuật hay hơn.
Có điều, nhìn lại văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình đang ở đâu, được tôn trọng, bảo vệ, khuyến khích tới mức nào. Câu trả lời ở cả hai phía, không riêng gì người sáng tác, trách nhiệm một phần rất lớn tuỳ thuộc vào các cơ quan, các tổ chức quản lý.
Chúng ta đều thống nhất một luận điểm tối trọng: Văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Văn hoá như người khổng lồ đặt dấu chân qua các thời đại, xuyên qua các biên giới, các chế độ chính trị khác nhau. Vì văn hoá là di sản lớn nhất của loài người, nó có sức mạnh vô song. Nhiều giá trị của một thời đại, thời gian lịch sử có thể bị xoá bỏ, nhưng văn hoá là bất diệt. Một viên gạch cổ trong lòng đất bị vùi lấp hàng nghìn năm, nhưng khi khai quật, nâng trên lòng tay, thì giá trị lịch sử,  văn hoá của nó bừng sáng. Bởi nó là hiện thân của dân tộc, của nhân loại thời đó. Trên mặt viên gạch, chúng ta có thể đọc được hàng trang sách cha ông. Ta có thể sờ được, nhìn thấy rõ ràng bước đi của văn hoá, lịch sử. Biết là biết vậy, nhưng sự ứng xử với văn hoá xưa nay tuỳ vào trình độ dân trí, trình độ quản lý của thời đại lịch sử ấy.
Trên cùng dải đất chung Bình Trị Thiên cũ, tôi nghĩ rằng, xét về kinh tế chúng ta có những bước nhảy vọt. Nhưng xét về văn hoá, đời sống dân trí không khéo ở tỷ lệ thấp, hoặc ngược lại. Thử đặt câu hỏi: Tại sao thư viện không có người đọc, tại sao các cửa hàng sách phải bán thêm các sản phẩm văn hoá mới nuôi sống được họ. Tại sao nhiều cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học có thể mua sắm nhiều thứ tiện nghi, nhiều loại báo chí khác nhưng thiếu sách báo văn học nghệ thuật. Lúc công tác ở cơ quan Hội đồng nhân dân và văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tôi đề nghị các đồng nghiệp đặt mua và đọc sách báo văn học nghệ thuật. Tôi lập luận rằng, các giá trị văn hoá từ cổ tới kim đang nấp sẵn trong ấy. Tôi rất mừng các anh ấy dù bận rộn công việc, không chỉ đọc mà còn trao đổi cùng tôi nhiều tác phẩm nghiên cứu, sáng tác. Sự hiểu biết về văn hoá, văn học nghệ thuật là năng lượng vô cùng quý giá giúp cho người lãnh đạo có cái nhìn xa rộng, nhân ái trong khi thực thi công việc. Liệu có bao nhiêu nhà lãnh đạo, quản lý mua, đọc sách báo văn hoá, văn học nghệ thuật?
Cái tỷ lệ dân trí tôi nêu ra trên, tại vì tác phẩm văn nghệ và những người sáng tạo ra nó chưa đủ sức nhập vào đời sống cộng đồng, hay vì cái phương thức, cơ chế nào đấy làm cho người ta nghĩ rằng, cơm áo làm chết người, chứ nghệ thuật không gây chết ai. Đúng vậy, văn hoá, văn học nghệ thuật không làm chết ai, nhưng rõ ràng nó giết chết từng tiến trình phát triển của con người mà không ai biết. Nói ra điều này, bởi quả cân đặt lên cho đời sống văn hoá còn nhẹ quá, dù ba năm nay trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, mục tiêu văn hoá xã hội đã được bổ sung để hoàn chỉnh toàn bộ kế hoạch của nó. Nhưng trên thực tế văn hoá, văn học nghệ thuật vẫn ở vị thế chưa tương xứng, vẫn coi nhẹ và sự hưởng thụ đang là bài toán chưa tìm ra đáp số. Đây cũng là câu chuyện đau thương, chẳng khác gì số phận bức tranh mà tôi đã kể.
Khi được mời dự cuộc gặp mặt đầu xuân, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đề nghị tôi nói thay họ đôi điều. Tôi từ chối, vì nghĩ khổ lắm nói mãi, ai nghe và có ích gì không. Nhưng đã lên tiếng không thể không ai nói thẳng ra điều này. Tại sao người bán tranh kia dám vẽ vào đó chiếc búa? Câu trả lời chỉ một, sự nhận thức ấu trĩ, kém cỏi về nghệ thuật đã dẫn anh ta đi đến phạm tội.
Điều này nữa, chúng ta đòi hỏi Nhà nước, công chúng tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hoá nghệ thuật. Chúng ta vinh dự là người được Nhà nước công chúng đặt niềm tin vào đó. Công chúng, xã hội đang đặt hàng cho văn nghệ sĩ-một hợp đồng bất thành văn, nhưng hơn mọi văn tự khế ước. Nhiều văn nghệ sĩ nhìn nhận, hoạt động văn học nghệ  thuật hiện nay mở rộng về diện nhiều hơn về điểm, nặng về phong trào hơn về chất lượng. Chúng ta có nhiều tổ chức, nhiều hình thức hoạt động, điều ấy đáng hoan nghênh. Nhưng chúng ta chưa chú trọng chất lượng hiệu quả sáng tạo. Công chúng, người yêu nghệ thuật chưa đủ điểu kiện thuận tiện tìm và hưởng thụ các giá trị văn học nghệ thuật thứ thiệt. Họ bị bơi trên một dòng sông mà ở đó các giá trị văn hoá, nghệ thuật đục trong lẫn lộn. Sự đổ vỡ nhiều cơ quan kinh tế khi nặng về diện, chạy đua vì phòng trào, âu cũng là bài học cho hoạt động văn học nghệ thuật.
Câu hỏi ta đang ở đâu, thiết nghĩ cần được nhắc đi nhắc lại trong mỗi văn nghệ sĩ và những người quản lý, lãnh đạo văn học nghệ thuật. Chúng ta tôn trọng chiến lược đổi mới, bởi vì đó là sự phát triển, sự sống còn bất cứ một nền văn nghệ nào. Có điều trong mỗi văn nghệ sĩ hình như còn ái ngại lo lắng bởi hai tiếng đổi mới đã được khởi xuớng hai mươi năm nay. Đổi mới  là gì, ra sao và từ đâu? Vì vậy khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật khác lạ, không ít người băn khoăn, ủng hộ hay bài xích, tôn trọng hay ruồng bỏ? Cái chìa khoá mở không ai khác, chính chúng ta tự giải phóng chúng ta. Văn nghệ sĩ có quyền tự do về nhận thức, lựa chọn phương pháp sáng tác để mỗi người là một chân trời nghệ thuật.
Trong đội ngũ những người sáng tạo không ít người tài giỏi, những văn nghệ sĩ đích thực. Nhiều truyện ngắn như truyện Người vẽ chân dung Hồ Tôn Hiến của nhà văn Hoàng Thái Sơn đặt những vấn đề lớn trong đời sống xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật, như một số tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc trẻ Phan Đình Tiến mở ra một chân trời nghệ thuật. Cánh cửa nghệ thuật bấy lâu bị khép kín bởi cái khuôn định một chiều, bó hẹp trong cách tiếp nhận đời sống hiện thực, giờ được tháo bỏ.
Chiều hai mươi tám Tết, Tại cơ quan Tạp chí Nhật Lệ tôi dò tìm số và điện thoại cho anh Văn Lạc để nói câu này, tôi đã đọc được bài thơ hay của anh, điều mà bao nhiêu năm tôi chưa nói. Vì trong số tạp chí còn thơm mùi mực, tôi xúc động khi gặp một Văn Lạc khác trước: Sự cỗi già từng phút, từng giây tấn công thân xác ta. Và anh cảm thấy: Thảng thốt, giật mình, giẫy nẫy...Cái gì vậy hỡi người bạn đồng nghiệp sau hơn 40 năm cầm bút giờ mới bừng tỉnh? Chỉ có thể  trả lời Văn Lạc đang tự mình phá vỡ mình, tự đổi mới ngay trong nhận thức chính anh.
Ở trường hợp khác, một tác giả mới xuất hiện hai năm đây thôi, rất trẻ về tuổi cầm bút, nhưng tuổi đời thì đã ngoại ngũ thập, cùng lúc in trên hai tạp chí Sông Hương Nhật Lệ số Tết Bình Tuất – 2006, bài thơ Cơn mưa đỏ. Tôi bàng hoàng khi đọc những câu thơ viết về loài hoa phượng của Phan Văn Chương:

Cái màu đỏ quặn  thắt đỏ

Cháy điêu linh phút chót đời mình

Về đâu giọt mưa đỏ

Vết thương trĩu những nhành cây.


Thơ ấy đã vắt kiệt lòng mình để thành thơ, như màu hoa máu dưới bầu trời kia.
Tôi không thể kể hết nhiều đồng nghiệp tài năng dù ở bất kỳ thế hệ nào, tuổi đời nào, lĩnh vực nghệ thuật nào. Các anh chị minh chứng chỉ có con đường bứt phá, vượt lên tất cả để chiếm lĩnh đỉnh cao thì sẽ sản sinh ra tác phẩm nghệ thuật xứng đáng sự trông chờ của xã hội. Tôi tin ai cũng làm được. Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh từng khiêm tốn mong mỏi:

Một câu neo được trong lòng biển

Xin gửi khơi xa chút mặn mòi


Xin được thẳng thừng, mỗi khi chúng ta không tự nghiêm khắc với mình, hướng trái tim về phía khát vọng khơi xa ấy dễ bề không nhìn thấy nhau, không thương nhau, không tin cậy nhau, không phát hiện, công nhận nhau, thì cái đơn đặt hàng cho xã hội rút cục chỉ là những sản phẩm nhẹ ký, rập khuôn công thức, để rồi một cuộc đi vòng luẩn quẩn trên con đường nghệ thuật lại tái diễn.
 
Tôi cúi đầu biết ơn vị khách kia đã phát hiện giá trị của bức  tranh và cũng đau lòng bởi người bán tranh mù loà không nhận ra vẻ đẹp ẩn náu nơi bức tranh, vô tình anh ta đã giết chết một tác phẩm nghệ thuật quý giá.
Bài Hoàng Vũ Thuật/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét