Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Thơ Nguyễn Anh Tuấn


NGUYỄN ANH TUẤN 


NĂM CON GÁI CHÚNG MÌNH MƯỜI CHÍN TUỔI
“ Khi người ta mười chín tuổi,  người ta là bà hoàng
(A. Tolstoi )

Những năm tháng buồn, anh đi lang thang
Trên những nẻo đường rừng quanh co thăm thẳm
Nương lúa khô khan, cỏ tranh cháy xạm
Gốc ban già cô đơn trong nắng mưa

Những năm ấy anh đã viết cho con gái chúng ta
Năm con mười chín tuổi
Bằng tuổi em khi em đến với anh
Mối tình vụng dại chân thành
Cô học trò phố huyện…

Những năm tháng mai sau khi buồn đau đã thành dĩ vãng
Anh sẽ nói với con những gì từng làm hồn anh nhức bỏng
Những cô bé cậu bé cởi trần da cháy như hun
Lớn lên như rừng hoang, cỏ dại
Chúng đang ngơ ngác nhìn anh
Bên một hủm suối
Còn anh, một người trai Hà Nội
Đứng nhìn chúng hoài, lòng rưng rưng…

Mộng lãng du đưa anh đi qua bao nẻo rừng,
Bao con suối, bao dòng sông, bao khoảng trời xa lạ
Đâu cũng là Đất Nước nghèo trong câu ca và rơm rạ
Lán nứa mái tranh che tạm nỗi cơ hàn
Những mái đình chùa cong trĩu nặng kiếp nhân gian
Những cơn đói của anh nối tiếp những cơn đói của ông cha hàng thế kỷ
Và nỗi buồn vui của anh có muối mặn gừng cay của bao đời thường không đếm xuể 
Có những khi anh ngẩn ngơ trước một điệu dân ca đồng bằng
Giữa trưa nắng chói chang, trên vùng quê mới
Núi lại núi, mây giăng vời vợi
Giờ em ở đâu, sau núi và thời gian ?

Anh đã viết cho con gái chúng ta năm con mười chín tuổi
Bằng tuổi em khi em đến với anh
Mặc dù không biết đến khi nào con mới ra đời
Anh không hình dung nổi ra con
Song những gì anh yêu, anh buồn và mong mỏi
Sẽ in dấu trong tâm hồn con
Năm con mười chín tuổi.

1978


CHÚT NGỘ CHỐN THIỀN LÂM

Cành đại thiếp mơ tầng miếu cổ
Gốc tùng giá lạnh khói mây qua
Trời đất gần nhau chừng một niệm1
Thực hư đâu đó cõi Chân như ?2

Em nhỏ hái măng chùa Một Mái
Bên thùng nước vối múc tuỳ tâm
Từ đây leo ngược chùa Bảo Sái
Có nghe gió hát đỉnh Phù Vân…

Quỳnh Lâm uốn đao đình rêu phủ
Bảo tháp run run tiếng chuông ngân
Hoa nhãn dâng hương từ khắp nẻo
Rồng chầu đá mốc chợt ngẩng lên

Am trắng bơ phờ tiền giấy đốt
Xá lị ở đâu giữa lân tinh?
Nhang cong không chỉ ra Thiền viện
Lời cầu làm quỷ khốc, thần kinh!

Vàng hương lấm tấm rắc chân cầu
Xuôi ngược dòng xe dẫn về đâu ?
Dặm dài vạn thuở tìm Đại ngã
Lối hẹp chen chúc kẻ đua nhau…

Tôi trở lại xóm làng đang lên phố
Bóng tre gầy xoã tóc nhúng ao nông
Cây bàng ốm cố xoè ra lá tím
Quán lá khẳng khiu thò thẹn giữa bê tông…

Rồi một ngày đi trong thoáng chốc
Trả lại mịt mù núi xa, xanh
Mặt sông còn nghẹn phù sa máu
Con thuyền rạch gió, sóng kêu than

Cô thôn hỡi ! Ta nợ gì ngươi vậy
Bưng mặt khóc chiều sương, cỏ ngậm ngùi
Đôi bướm trắng nhằm hoa bay chấp chới 3
Sao ru hồn mộng mãi, kiếp hoa ơi...

Lần thứ hai về  Yên Tử
____________
1. Một đơn vị thời gian trong đạo Phật ( satna )
2. Tức chân lý vĩnh hằng, bản thể của mọi hiện tượng- theo triết lý Phật giáo.
3. Ý hai câu thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông



TIẾNG ĐÀN CỦA MẸ
 Kính tặng mẹ

Cứ mỗi sớm, nắng rọi một góc nhà
tiếng đàn của mẹ lại ngân lên
con ngắt dây điện thoại bàn và tắt máy cầm tay
bất giác thở nhè nhẹ…

Giờ đây, mẹ có quyền mơ mộng bên khúc Réveri1
sau nhiều năm tháng, người mơ mộng là mẹ phải cố bơi trong dòng lũ đục ngầu
dòng lũ từng bị ô nhiễm bởi lửa đạn khói bom, bởi máu tươi, bởi giọt nước mắt mồ hôi nhọc nhằn tem phiếu
và giờ lại đang bị ô nhiễm bởi đủ thứ quái gở đời thường…
Mặc kệ hết, mẹ thổn thức trong giai điệu của người anh nhạc sĩ quá cố:
“Tình yêu đôi ta lỡ làng…”
để chiêm nghiệm cái “Bẽ bàng”2 bằng hạnh phúc đơn sơ, nghèo nàn
đẹp như bức tranh lụa tả người thiếu nữ mơ mộng
của người chồng hoạ sĩ vẽ trong thời thất nghiệp…
Bên cái thực tại hổ lốn, thực tại nhờ nhờ
tiếng đàn của mẹ thanh tao, yếu đuối và tự tin biết chừng nào!

Bản Sérenade của người nhạc sĩ thiên tài cái gì cũng dở dang
tia nắng xẻ đôi,
cơn mưa vội vàng chỉ kịp ướt lòng người
nụ cười chưa kịp trao người yêu dấu
giọt lệ nuốt thầm một nửa
Ai hôm nay không tìm thấy mình trong bản Giao hưởng dang dở 3?
Con thay mặt cuộc đời cảm ơn mẹ.

Cháu gái lên ba ngồi chễm chệ bên bà
mắt nhìn hau háu vào những phím đàn ngọc ngà và đôi bàn tay nhỏ xanh xao như của bà Tiên
miệng trẻ bi bô hát theo: lúc ở nhà mẹ là cô giáo
Mắt bà vui rầng rậng nước.

Mẹ cuốn con trở về nơi có lũ ống, lũ tràn , lũ quét, lũ muộn
nơi rừng hoang bị đốn, thú hoang trốn chạy
có những em bé ra vào lán cỏ như đàn thú nhỏ
có nắm xôi trong ếp khẩu chấm chéo4 ngọt bùi đến độ làm con cay mắt
có bước xoè chuếnh choáng ôm vào lòng tình thương không nghi kỵ
con như nhìn thấy trong lòng bàn tay
những nẻo đường đi của miếng ăn cái mặc, của lời nói bài ca dân dã
chúng thật và xót xa đến nao lòng khiến con không sao giả dối nổi-
cả những khi cần đến lời nói dối…
Những nỗi ngao ngán chợt lặng đi. Nhưng chúng không tắt ngấm
Và con ngơ ngác đi tìm cái mà chúng chuyển hoá thành. Chưa tìm thấy
nhưng con chợt nhận ra:
những dòng người đang nhớn nhác, những toan tính nhỏ mọn, những mời mọc trơ tráo
Chưa tìm thấy
nhưng có một sức mạnh vô hình đưa con trở về những năm tháng nẻo rừng
thời mà cái đói thường ám ảnh con
Nhưng chỉ cần ngả nghiêng bước trên con đường mòn
sững sờ trước vệt ban rừng hoang dại
là con thấy đời con không vô nghĩa
và chỉ còn thấy khổ tâm khi không diễn tả nổi sự ngây ngất của mình
cũng như, lúc này đây con day dứt, hoang mang
bởi không tìm được cách nắm bắt con thú hoang xúc cảm
đang rải nốt mưa nốt nắng, nốt buồn nốt vui
đang hiển hiện ra như cái đích của đời con…  

2007
________
1. Bản nhạc “ Mộng mơ” của nhạc sĩ  Shuman
2. Tên một bài hát của nhạc sĩ Lê Yên
3. Bản giao hưởng của nhạc sĩ  Shubert
4. Làn đựng cơm nếp đan bằng mây, tre của đồng bào Thái- Thức chấm đồ ăn được làm từ nhiều loại gia vị trên rừng



BÀ NỘI ĐÊM GIAO THỪA

Đã bao đêm giao thừa đi lang thang
Giao thừa này cháu đến cùng bà nội
Giữa tiếng pháo rền, mịt mù hương khói
Cháu nghe tiếng bà nguyện thầm cho cháu, cho con

Cả một đời sống thanh bạch, mỏi mòn
Bà giữ trọn cả tình thương nhân hậu
Vui, giận, lo, buồn… cặp mắt già đau đáu
Bao thăng trầm như một bóng mây qua…

Nhìn tấm lưng còng cháu chợt ân hận xót xa
Nếu có phút sống chưa hay, bà ơi đừng giận cháu
Cháu đang cố làm theo điều bà hằng nung nấu
Thoả ước nguyện của bà thuở tóc hãy còn xanh

Giao thừa đêm nay trên mái tóc bạc long lanh
Cháu đếm được từng nỗi thương lo vời vợi
Trên má cháu từng giọt rơi nóng hổi
Trong bóng vườn đêm cháu thầm gọi: Bà ơi

Bốn phía dậy vang, pháo nổ đầy trời
Bà vẫn đứng trầm ngâm bên hương án
Cây cối bà chăm cũng dường cảm động
Trước những lời khấn thầm dành cho cháu, cho con

Có những phút giây nhìn tận đáy tâm hồn
Cháu thấm thía quý thương mỗi ngày bà đang sống
Cháu thấy ngợp trước lòng bà lồng lộng
Thêm một vì sao đã tắt giữa trời khuya

Giao thừa đêm nay cháu tới bên bà
Ai biết được cháu sẽ có bao lần như thế nữa
Bà ơi bà, có gì thiêng liêng thế
Trong những lời thầm thì rung động cả khu vườn…



ÁC MỘNG

Quỷ Mê-đuy-za ngóc những đầu rắn thở phì phì
Tôi choàng tỉnh giấc
Nửa đêm
Sương ngập rừng Tam Đảo
Nách áo đọng khô máu
Con vắt rừng chui vào người tự lúc nào!

Thao thức giữa rừng hoang lạnh
Rồi chập chờn nhớ lại những giấc mơ
Chồng giấc mơ

Những dòng lũ bùn, lũ rác đè ập xuống
Làm đứt phựt
Tiếng hát ngây ngô của con gái tôi
Cọ xoè ô che nắng
Thơm mát đường
Lũ rác lũ bùn
Làm xám xịt màu mây trắng Tây Thiên
Tượng Phật, tượng La Hán chảy máu mắt
Nhìn núi thiêng nham nhở, trọc lốc.
Thú lớn thú nhỏ chạy tan tác
Những vòng quay sòng bạc xoay tít
Toé máu ra bốn phương.
Những vó ngựa đua dẫm nát cánh bướm rừng
Những sân golf mười tám lỗ, ba sáu lỗ
Há toác miệng nuốt chửng mọi thứ
Như những lỗ đen trên thiên hà.
Khách sạn, nhà hàng chăng đầy da thú hiếm
Như triển lãm
Những khuôn mặt tự mãn no nê đỏ phừng phừng
Mở miệng lè rắn rết
Ném ra ngoài thành những con khủng long tiền sử đột biến gien
Đớp, ngoạm tất cả !
Vị tiên ông khoác hoàng bào thét vào mặt tôi:
Đây là nơi muôn đời đế vương xưa tựa vào
Và đang là chỗ dựa cho muôn đời con cháu1 !
Nhà khoa học nước ngoài thẫn thờ ôm mặt khóc
Mọc đôi cánh thiên thần rồi lặng lẽ bay đi…
Dốc Rùng Rình2 chợt chao đảo
Suối Bòn Bọt3 bỗng thở dài
Não nuột hơn cả tiếng khóc đại tang…

Sương nặng hạt rơi
Trên nóc lán bạt
Tôi nhìn sang mấy anh lính trẻ
Đang ngủ vùi mê mệt
Sau những chặng dốc cao, vực thẳm cheo leo
Lối mòn chênh vênh, trơn tuột
Trong gió lạnh, mưa phùn…
Có thể, các anh cũng đang trải qua những giấc mơ hãi hùng
Như tôi
Và chúng sẽ không còn là giấc mơ nữa
Khi dự án “ nối mặt đất với thiên đường”4 thành hiện thực
Mở lối dẫn vào
Chín vòng Luyện ngục5 !

Tôi chưa kịp tìm thấy Rừng Lùn
Cùng những con thú được ghi trong sách Đỏ
Mới chỉ thấy những con vắt đói ngạo mạn đang ngóc cổ
Những bụi dứa ma xơ xác
Những thân cổ thụ bị chặt đổ ngổn ngang
Bên những lán lâm tặc
Trên những lối mòn của tuần rừng xưa kiểm lâm nay
Và những ác mộng trong đêm không sao thu hình được rõ nét
Cứ chồng chất lên nhau
Cho tới sáng.

Nơi vắt cắn
Máu lại rỉ không ngừng
Điều dễ chịu nhất trong những cơn ác mộng !

______________________
1. Chiếu dời Đô của vua Lý Công Uẩn có câu: Tiện hình thế nhìn sông tựa núi ( sơn xuyên hướng bội chi nghi…) Thăng Long- Hà Nội nhìn ra sông Cái ( Nhị Hà ) và tựa vào hai dãy núi linh thiêng của người Việt cổ là Ba Vì - Tam Đảo.
2,3. Các địa danh ở Tam Đảo II.
4. Dự  án biến 300 ha vùng lõi VQG Tam Đảo thành khu Du lịch sinh thái của UBND tỉnh Vĩnh Phúc
5. Tức Địa ngục trong Thần khúc của thi hào Ý Dante Alighieri thế kỷ XIII  
  

Thơ Nguyễn Anh Tuấn/ Tác giả tự chọn 
 nnb vi tính giới thiệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét