Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

ĐỌC TẬP THƠ GIẤC MƠ BUỔI SÁNG CỦA NGUYỄN LÃM THẮNG



ĐỌC TẬP THƠ
GIẤC MƠ BUỔI SÁNG CỦA  NGUYỄN  LÃM THẮNG,
NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUẾ, NĂM 2012

Nguyễn Văn Hòa

.
Từ tập thơ đầu tay Điệp ngữ tình (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007) đến nay sau khoảng thời gian 5 năm Nguyễn Lãm Thắng lại cho ra đời tập thơ thứ hai của mình. Nếu như ở tập đầu tay đó là tiếng nói tình cảm, là khát vọng tình yêu với những suy tư, trăn trở, tự vấn của anh trước cuộc đời. Để rồi có lúc anh cảm thấy:
Ngày mai vắng những con đường
Bóng người khuất nẻo mù sương bẽ bàng
Gió mùa rụng những hoang mang
Chiều đi bỏ lại tiếng đàn buồn tênh…
Thì đến tập thơ thứ hai Giấc mơ buổi sáng lại hoàn toàn khác. Giờ đây anh đã dành những tình cảm, sự ưu ái đặc biệt đối với thiếu nhi, một thế giới tuổi thơ vừa gần gũi đời thường, vừa lung linh, huyền ảo.
Tập thơ ra đời giữa lúc văn học thiếu nhi nước nhà đang khan hiếm, đang còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy (thơ cho thiếu nhi lại càng hiếm hơn so với thể loại văn xuôi). Vì thế Giấc mơ buổi sáng ra đời đó là một điều rất đáng quý và đáng trân trọng.
Có thể nói đây là tuyển thơ thiếu nhi tập hợp với một số lượng đồ sộ của một tác giả, 333 bài. Với số lượng bài như thế đủ thấy rằng gia tài thơ thiếu nhi của Lãm Thắng là khá giàu có, mới thấy sức viết khỏe và sức sáng tạo dồi dào của anh. Và điều ấy cũng minh chứng được rằng anh là người dành nhiều tình yêu thương, sự nâng niu, chăm chút đối với trẻ. Vì trẻ em được coi là trung tâm của trời đất, của vũ trụ, trẻ em chính là những mầm non tương lai của đất nước. Do vậy trẻ em cần phải được quan tâm, chăm sóc, giáo dục đặc biệt. Nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, bằng cách nói ngược chị đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
Làm thơ cho thiếu nhi không phải là công việc đơn giản ai cũng làm được mà đòi hỏi người viết phải hội đủ nhiều phẩm chất, nhiều yếu tố, nhiều kỹ năng… Trước hết người viết phải là những người thực sự yêu thương con trẻ, hiểu được tâm lý trẻ thơ, phải có vốn sống phong phú, có khả năng quan sát, khám phá thế giới xung quanh, nắm được những đặc điểm, quy luật của thế giới tự nhiên và con người… Nhà thơ đặt mình trong thế giới ấy để nói hộ, để diễn tả, những tình cảm cũng như sở thích, ước nguyện của các em. Vừa chân thực nhưng cũng có những tưởng tượng, thể hiện được sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện, vui tươi của trẻ… Và ở tập thơ Giấc mơ buổi sáng nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã làm tốt được điều này.
Nguyễn Lãm Thắng vốn là một con người nhạy cảm và giàu yêu thương. Điều đó được anh gửi gắm vào thơ, những vần thơ thiếu nhi được chắt lọc, được viết từ chính trái tim yêu thương của mình.
Trong giấc mơ buổi sáng/ Em gặp ông mặt trời/ Mang túi đầy hoa nắng/ Rải hoa vàng khắp nơi
Trong giấc mơ buổi sáng/ Em qua thảo nguyên xanh/ Có rất nhiều hoa lạ/ Mang tên bạn lớp mình
Trong giấc mơ buổi sáng/ Em thấy một dòng sông/ Chảy tràn dòng sữa trắng/ Đi qua ban mai hồng
Trong giấc mơ buổi sáng/ Em nghe rõ bên tai/ Lời của chú gà trống:/ - Dậy mau đi học bài! …
Trong Giấc mơ buổi sáng mọi sự vật, sự việc, hiện tượng, mọi vấn đề trong cuộc sống được Nguyễn Lãm Thắng miêu tả, phản ánh, nhìn nhận một cách vừa gần gũi thân tình, vừa quen vừa lạ, tạo nên một thế giới đa thanh. Ở đó trẻ được sống trong nhiều khoảng thời gian, không gian, được tiếp xúc với nhiều điều hay và lý thú,  được mơ ước, được vui đùa, được bày tỏ, được lạc vào thế giới thần tiên… Vì vậy khi đọc tập thơ này, chắc chắn một điều là các em sẽ rất thích thú.
Những gì vốn quen thuộc, gần gũi ở thôn quê được nhà thơ đưa vào thơ của mình một cách tự nhiên nhưng không kém phần tinh tế và hấp dẫn. Vì thế thơ anh mang đậm hương sắc, phong vị quê nhà. Hình ảnh của thế giới tự nhiên, cây cỏ, côn trùng, loài vật, đồ vật, con người… lần lượt sống dậy trong thơ. Giàn mướp, cây cau, hàng rào dâm bụt, cây chuối, cây ngô, cây gạo, cây xoan, cánh đồng làng, con đường, ao cá, dòng sông, các loài hoa, chim chóc, gà, vịt, chó, mèo, ve, chuồn chuồn, con cò, con cóc… được tái hiện. Bằng con mắt tinh tường, sắc sảo của một người nghệ sĩ, một người đã từng đi qua tuổi ấu thơ, gắn bó, gần gũi với hương đồng gió nội, với con trâu, cái cày, lũy tre xanh… và hơn hết giờ đây Nguyễn Lãm Thắng đang ở cái tuổi “không còn trẻ cũng chưa già”.  Nên những gì anh phản ánh nó hết sức sống động, có hồn.
Liên tưởng là quy luật của nhận thức và cũng là quy luật của cảm xúc. Nhờ liên tưởng mà cảm xúc được mở rộng và đi vào chiều sâu. Sự liên tưởng làm cho cảm xúc thơ phong phú và đa dạng. Vì vậy, Nguyễn Lãm Thắng đã sử dụng nhiều biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, … trong khi miêu tả  và phản ánh.
Cả tập 333 bài thơ thì thơ 5 chữ chiếm một số lượng lớn 133 bài. Phải chăng anh chọn thể thơ ấy để dễ dàng chuyển tải những thông điệp, phù hợp với khả năng quan sát, tiếp nhận của trẻ. Các thể thơ 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ cũng được nhà thơ vận dụng một cách linh hoạt và có hiệu quả trong việc diễn đạt những cung bậc, sắc thái tình cảm.
Anh biết kế thừa tinh hoa của những bài đồng dao vào thơ của mình với nhịp thơ có điệu thức, gần gũi với đồng dao nhưng vẫn mang hơi thở của thời đại. Đem đến cho thơ thiếu nhi một không khí mới, một sắc thái mới. Đó là ở cảm xúc và dấu ấn của cái tôi cá nhân.
Nhưng có lẽ thơ lục bát của anh là thành công hơn cả. Dù số lượng không nhiều (48/333 bài) nhưng nó làm nên chất đằm thắm, sâu lắng, ngọt ngào, trong trẻo, với những cách ví von, so sánh ý nhị và duyên dáng. Vì thế mà thơ anh dễ đi vào lòng người đọc.
Hình ảnh người ông, người bà, người mẹ, người thầy, người cô… đi vào thơ anh một cách hồn hậu, tự nhiên- đó là sự biết ơn, lòng kính trọng, và cả những nỗi niềm thương nhớ…
Cùng ông thăm lúa trên đồng
Cháu vui, vui giữa mênh mông đất trời
Bồng bềnh mây trắng êm trôi
Tiếng chim ríu rít gọi mời hân hoan
…………………………………….
Theo ông, cháu biết bao điều
- Có hạt cơm phải mất nhiều công lao.
Nói gì mà lúa rì rào?
Hình như lúa bảo: - Sắp vào mùa vui.
                                                     (Cùng ông thăm lúa)
Ông trồng cây vú sữa/ Từ ngày em chào đời/ Bây giờ cây đã lớn/ Bóng xanh tràn sân chơi
………………………………….
Nhìn tóc ông bạc trắng/ Nhìn vòm lá biếc xanh/ Em thấy lòng nằng nặng/ Giữa gió chiều mênh mông …
                                                          (Dưới vòm cây ông trồng)
Hai mươi tháng mười một/ Bé cùng bạn thăm cô/ Tặng cô nhiều hoa cúc/ Và giọng hát ngây thơ
………………………………….
Bé mơ ngày khôn lớn/ Học hành tiến bộ nhanh/ Bé sẽ làm cô giáo/ Dạy và thương học sinh.
                                                (Thăm cô giáo)
Viết về mẹ, nhà thơ đã dành một tình cảm đặc biệt, sự thành kính thiêng liêng đối với mẹ. Với anh, mẹ là duy nhất, mẹ là tất cả, dù bất kỳ ở đâu, bất kỳ hoàn cảnh nào thì tình yêu ấy cũng không bao giờ thay đổi.
Có bao nhiêu cá lội/ Có bao nhiêu sóng lay/ Có bao nhiêu giọt nước/ Chứa trong biển hồ đầy? Có bao nhiêu gió lộng/ Có bao nhiêu vì sao/ Có bao nhiêu mây trắng/ Bồng bềnh trên trời cao?/ Có bao nhiêu hoa thắm/ Có bao nhiêu tiếng chim/ Có bao nhiêu giọt nắng/ Trải vàng bờ thảo nguyên/ Có bao nhiêu khuôn mặt/ Có bao nhiêu nụ cười/ Có một điều tin chắc/ Em có một mẹ thôi (Có một mẹ thôi).                                      
Sau tập Điệp ngữ tình, công chúng yêu thơ lại thấy Nguyễn Lãm Thắng xuất hiện trên thi đàn với những bài thơ mang dấu ấn khác, không còn đằm thắm, mộc mạc, giản dị, da diết như trước nữa. Ngôn từ đã có sự “nổi loạn”- câu thơ ngắn, dài, liền mạch, đứt quãng tạo nên những khoảng lặng, khoảng trống, đôi lúc gây khó hiểu cho người tiếp nhận. Nhưng ở mảng thơ viết cho thiếu nhi, Nguyễn Lãm Thắng tự ý thức sâu sắc rằng mình phải làm gì, phải viết thế nào cho con trẻ.
Thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng luôn đặt ra những vấn đề có ý nghĩa, không chỉ giáo dục, bồi bổ, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em mà  mỗi bài thơ là một bức thông điệp mà anh muốn gửi gắm và chia sẻ với mọi người.
Những bài học về cuộc đời, về lẽ sống được rút ra từ đây:
Bàn chải bảo: - Răng trắng tinh
Là nhờ công trạng của mình tôi thôi
Kem rằng: - Anh nói sai rồi
Có anh mà chẳng có tôi cũng thừa
Hàm răng điềm đạm vội thưa:
- Nhờ hai anh tôi bốn mùa trắng thơm
Xin đừng cãi cọ thiệt hơn
Xét công lao, ấy vẫn còn bàn tay
Của anh cu Tí mỗi ngày
Rất siêng năng, chải chuốt hoài cho tôi
Công lao ai cũng tuyệt vời
Tôi xin đền đáp nụ cười thật xinh.
                                         (Ai cũng có công)
Trong Đất và gạch, bài học rút ra ở đây đó là:Muốn trở thành có ích/ Gian khổ phải vượt qua. Hay ở bài Ếch và Cóc cũng gợi ra bao điều cần suy ngẫm về cách ăn ở, đối nhân xử thế ở đời …
Những suy nghĩ hết sức hồn nhiên, trong sáng, những tưởng tưởng rất đỗi ngây thơ của trẻ lần lượt hiện lên sau mỗi dòng thơ. Để rồi người lớn chúng ta phải nghĩ suy nhiều trước những câu hỏi thông minh và bất ngờ của trẻ:
Bé đi tắm biển/ Nào thấy muối đâu/ Sao bảo là muối/ Lấy từ biển sâu (Muối).
            Lời ru có tự bao giờ/ Cho cái ngủ, những giấc mơ dịu hiền/ Ai qua xứ mộng thần tiên/ Có nghe cổ tích gọi miền tuổi thơ?/ Mây trời có tự bao giờ/ Mà tóc bà cứ bạc phơ mỗi ngày?/ Phải chăng bà có đôi tay/ Dành riêng cho bé những ngày ấu thơ? (Bé hỏi).
Nguyễn Lãm Thắng là người nặng lòng với cảnh vật nông thôn. Anh mơ ước một cuộc sống bình dị, nghĩa tình gắn với thôn quê. Phải yêu làng quê, yêu nông thôn tha thiết, phải xuất phát từ mong ước cháy bỏng của trái tim mình mới có thể viết nên những vần thơ da diết, chan chứa đến thế. Giờ đây khi anh sống ở phố thị, thì nông thôn, làng quê hiện lên trong thơ anh bàng bạc cái tình của một thi sĩ “tha hương”: khắc khoải, nhớ thương, yêu mến, gắn bó và có cả những tiếc nuối xa xăm: Ba lớn lên từ làng/ Ở miền quê rừng núi/ Có cánh đồng gian nan/ Có dòng sông lầm lũi/ Có bài hát chăn trâu/ Có lời ca mót lúa/ Bắt con cá ao sâu/ Nướng củ khoai trên lửa/ Nghe con vượn kêu chiều/ Nhìn đàn chim về tổ/ Mùa đông gầy mưa xiêu/ Mùa hè khô nắng đổ/ Núi đồi nhiều gốc sim/ Mà nhớ mùa xưa đói/ Đôi chân trẻ đi tìm/ từng quả sim chín vội …/ Biết bao điều phải nhớ/ Khi nghĩ về làng quê/ Ba một đời mắc nợ/ Mỗi năm đôi lần về/ Tên con ba sẽ gọi/ Giản dị một chữ Sim/ Để lòng ba nhớ mãi/ Làng quê xưa của mình (Đặt tên nhớ làng).
Anh khéo hóa thân vào những đứa trẻ, mượn cảnh, mượn lời để nói lên những nỗi niềm trăn trở. Nỗi niềm  ray rứt ấy không phải để chỉ tiếc nuối cho mình mà rộng ra là cho cả những em bé, những đứa trẻ- tuổi thơ bị đánh mất. Sống ở nơi phồn hoa, đô thị có lẽ trẻ sẽ thiếu vắng và có một khoảng trống lớn về những gì vốn gần gũi, gắn bó mật thiết với con người (Cây cỏ, hoa lá, ếch nhái, chim muông …). Trẻ thèm lắm được tắm ở con sông quê, được thả diều vào những chiều lộng gió, được chơi những trò chơi dân gian dưới ánh trăng vàng nơi sân kho hợp tác… Tất cả đã trở thành niềm khao khát cháy bỏng trong lòng các em. Vì ánh đèn thành phố đã che lấp ánh trăng. Tiếng xe cộ ồn ào át đi tiếng ve râm ran của những buổi trưa hè;  tiếng còi tàu inh ỏi, tiếng quét rác xào xạc của chị lao công trong đêm… đã thay cho tiếng gà gáy điểm canh, báo sáng. Cái ồn ào, náo nhiệt, bụi bặm của phố phường đối lập hoàn toàn với cái yên bình, tĩnh lặng, mát lành trong trẻo ở quê…
Đọc Giấc mơ buổi sáng của Nguyễn Lãm Thắng, Nhà thơ, Nhà giáo, Nhà phê bình văn học Hồ Thế Hà đã viết: “Cứ tưởng con người si cảm ấy mãi mộng du trong cõi tình tan và mê đắm. Ai ngờ trong hồn thơ dào dạt của anh, lại chất chứa và ám ảnh một thế giới khác- thế giới thần tiên của tuổi thơ bao la, rộng mở. Mà đó là thế giới sáng trong và rất thật. Hình như đó là vương quốc của chính tuổi thơ anh, giờ được đồng hiện trong nhiều mối quan hệ của thực tại và tưởng tượng nên nó có khả năng hóa giải bao niềm vui nhân ái của cõi người”.
Trong tập Giấc mơ buổi sáng, không khó để người đọc tìm ra những bài thơ hay, câu thơ hay, những cái mới lạ, độc đáo và hấp dẫn (vì có thêm 51 ca khúc được phổ từ tập thơ này). Bên cạnh đó, vẫn còn rải rác một số bài chưa thật sự hay theo đúng nghĩa của nó, nhiều hình ảnh thơ, ý thơ, câu chữ lặp lại dễ gây nên cảm giác nhàm chán đối với người đọc.
Giữa lúc văn học thiếu nhi đang còn nhiều khoảng trống. Số tác giả chuyên viết cho thiếu nhi ngày càng ít dần. Người sáng tác chủ yếu là văn xuôi. Những người vẫn còn đam mê sáng tạo thơ thiếu nhi như anh thì quả đúng là đáng quý vô cùng.
            “Hiện nay, văn học thiếu nhi đang dần khan hiếm. Thơ cho thiếu nhi càng hiếm hơn so với thể loại văn xuôi. Số tác giả chuyên viết cho thiếu nhi ngày càng ít dần. Người chuyên sáng tác cho thiếu nhi đã ít và nay hầu như buông bút hoặc chuyển hướng viết sang mảng đề tài khác, thể loại khác. Vẫn biết thơ luôn cháy bỏng và đam mê trong lòng họ, nhưng tác phẩm thơ thiếu nhi được công bố rất ít trên báo chí và vắng bóng hẳn trên thị trường sách. Báo chí rất ít khi đăng những trang viết cho trẻ em và của chính các em sáng tác. Họa hoằn lắm thì chỉ có dịp nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và dịp Trung thu, mới thấy lác đác một vài bài thơ, truyện ngắn cho thiếu nhi được đăng trên báo chí. Vào các hiệu sách, sẽ thấy sự có mặt của văn học thiếu nhi thật quá ít ỏi. Truyện tranh thì có nhiều, nhưng truyện chữ thì rất ít, sách thơ càng vắng bóng hơn. Thật khó tìm mua được một tập thơ ưng ý trong các hiệu sách cho con trẻ” (Nhà thơ Hoài Khánh).
Tôi tin rằng: Giấc mơ buổi sáng của Nguyễn Lãm Thắng là tập thơ có giá trị mà các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi sẽ thích.
.


Bài viết Nguyễn Văn Hòa/ Tác giả gửi qua eMail
nnb vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét