Thơ
NGUYỄN VĂN DÙNG
GIẾNG
Em ra giếng gánh nước trong
Còn tôi ra giếng để... không làm gì
Sao em vội gánh nước đi
Để cho tôi đứng làm chi một mình...?
Nước trong, trong đến vô tình
Nước trong múc lấy, dáng hình giữ nguyên
Buồn nào chẳng có căn nguyên
Bỡi tôi vương vấn mắt huyền của em
Ước gì có ánh trăng lên
Cho tôi ngắm rõ dáng em trên cầu
Dõi theo chiếc áo màu nâu
Thương em năm tháng dãi dầu nắng mưa
Em đi khuất bóng hàng dừa
Riêng tôi đứng đó dây dưa nỗi buồn
Thế rồi, mỗi lúc hoàng hôn
Tôi ra giếng để bồn chồn đợi trông
Có gì như thế ước mong...!
THỊ XÃ VÀ TÔI
Tôi đi qua biết mấy phương trời
Lại trở về giữa lòng thị xã
Phố mới, đường xưa vừa thân vừa lạ
Tiếng con tàu réo gọi nỗi niềm ai…!
Thị xã không tròn vuông, chẳng rộng dài
Như hải cảng đời tôi neo đậu
Bao nỗi thương đau, bao niềm yêu dấu
Thị xã tan vào hoài niệm xa xưa…
Thị xã ngẩn ngơ bao cuộc tiễn đưa
Người ra đi ngoái đầu nhìn lại
Người ngóng đợi tim mình đau nhói
Thị xã ơi, đau đáu những đêm hè…!
Thị xã mình không có hàng me
Hoa sữa ngát hương tháng ngày chờ đợi
Phượng cháy hết mình rực trời bối rối
Mỗi khi heo lạnh buổi đông về…
Tuổi học trò bâng khuâng tiếng ve
Khi biết yêu người sang sông vội quá
Tôi lỡ nhịp một cung đàn xa lạ
Để một thời ảo ảnh bóng hình ai…
Thị xã tôi chẳng rộng dài
Đường dốc quá, phố nhỏ nhòa bụi nắng
Em xa xăm mơ điều dĩ vãng
Lòng tôi như hò hẹn với khôn cùng
Có một lần suy tưởng mông lung
Trời đất rộng sao lòng người lại hẹp?
Hồn tôi mở cửa phòng em lại khép
Tôi quay về đối diện với thời gian
Thị xã nhỏ nhoi mây gió đại ngàn
Yêu đến tận cùng nỗi niềm rạn vỡ
Và sống chết cả đời mang nợ
Thị xã ơi, tôi lỗi hẹn mất rồi…!
CHỢ QUÊ
Nắng lên đứng bóng trưa rồi
Hàng chưa vơi gánh đứng ngồi không yên
Đồng tiền một lúm làm duyên
Áo em ướt cả đôi bên vạt rồi
Chợ đông, tìm em đứt hơi
Lạc em lạ cả bao người thân quen
Bất ngờ đôi mắt long lanh
Và câu mời đón em dành cho ai
Nụ cười duyên thắm chằng phai
Sao em nỡ bán cho ai vội vàng
Anh mua đầy gánh nắng vàng
Sưởi con tim lạnh dỡ dang bao điều
Nắng trưa bỗng tái nhợt chiều
Có người nấp ở mép liều đợi em
Tại trời hay nổi cơn ghen
Tại anh hay tại bởi em quên lời?
Bòng tròn, chợ đã tan rồi
Hình như ai đó đang ngồi làm thơ…!
TRƯỚC THÁNH ĐỊA MỸ SƠN
Trầm mặc rêu phong
Thành quách ngàn năm giông tố
Thánh địa vàng son Chămpa một thuở
Bradrarman nhắn nhủ bao điều
Đi giữa Mỹ Sơn khét lẹt nắng chiều
Đất dưới chân rùng mình khắc khoải
Thung lũng sâu gió rừng hú gọi
Tự xa xăm hiện bóng một vương triều
Thánh đô ơi, bao bí mật cao siêu
Văn minh loài người chưa thể nào giải mã
Viên gạch nhỏ dấu bao điều rất lạ
Đến bây giờ câu hỏi vẫn xót xa
Nghệ nhân Chăm kiệt xuất tài hoa
Những Apsara, Hamsa, Linga… lấp lánh
Nét hoa văn tinh anh sắc lạnh
Lại hồi sinh qua biến cố luân hồi…
Baradrarman: Vua Chăm thế kỷ IV làm rạng rỡ Chămpa
Apsara, Hamsa, Linga…: Là biểu tượng tiên nữ, thiên nga, năng lực sáng tạo
MŨI SI
Chẳng phải đa tình
cũng chẳng đam mê
Chỉ vậy thôi, như bao mỏm đá
sao người đời lại gọi Mũi Si*...?
*
Ngàn vạn năm
mỏm đá gan lỳ
Như mũi tàu
hướng ra biển lớn
Ngàn vạn năm
bão xô sóng cuộn
Vẫn kiên gan
ưỡn ngực đón cuồng phong...
Mũi Si hay mũi tàu
em có biết không?
Anh liên tưởng
mỗi lần về với biển
Có gì lạ
trong cái nhìn lưu luyến
Mách hộ anh rằng
em vẫn trung trinh!
*
Trời vẫn xanh
biển vẫn lung linh
Sao em cười
mắt em lại ướt
Có phải cách xa
trở về nơi hẹn ước
Lời thề xưa
mũi Si tạc vào lòng!
*
Đá vẫn biết yêu
vẫn biết chờ mong
Huống nữa là em
tình như biển rộng
Mũi Si – Mũi tàu
buồm lên gió lộng
Ngực căng phồng
nhịp sống trào dâng...!
Mũi si*: Mõm đá nhô ra như mũi tàu ở biển Cửa Tùng, Quảng Trị.
Thơ NguyễnVăn Dùng / Ngô Minh đọc chọn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét