Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Đồng cảm với tác giả Hoàng Xuân Họa qua bài thơ..

AI MUA HỒ TÂY RA MUA

Ai mua đi hộ Hồ Tây
Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong
Khỏi tôi rối bối bòng bong
Khỏi nhìn sóng cộm, khỏi mong cháy hồn
Khỏi qua đây để đếm buồn
Khỏi chuông Trấn Quốc thỉnh xuông mỗi chiều
Đầy hồ sao sáng bao nhiêu
Bỏ tôi đứng đực ước điều hư không
Đã từng một giải bờ mong
Đã từng chộn rộn sóng lòng dâng chao
Quanh đi bước thấp bước cao
Quành lại gió ném ào ào lá khô
Liễu buông mành liễu vu vơ
Mộng du nện gót đến trơ khấc mình


Hoàng Xuân Họa
(Trót một thời yêu II – Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006)

Lời bình của TRẦN VÂN HẠC:
Trên đời này có ai lại mong: “Ai mua đi hộ Hồ Tây” bao giờ, thế mà nhà thơ Hoàng Xuân Họa lại cầu khẩn như vậy đấy. Thậm chí còn mong người ta: “Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong”. Thật là ngược đời, thật là trớ trêu! Nhưng cái lạ ẩn chứa trong cái tưởng như không bình thường ấy là những suy tư trăn trở, đau xót trước danh lam thắng cảnh Hồ Tây đang mất đi vẻ đẹp nguyên sơ, trong sáng, của một con người biết yêu, biết trân trọng nâng niu cái đẹp của quê hương đất nước.

Nhà thơ đặt ra một giả thiết là Hồ Tây không còn ở đó và không còn trong tâm tưởng mỗi người? Chỉ nghĩ đến lúc ấy mà lòng chợt quặn thắt. Hồ Tây, sản phẩm tuyệt vời của dòng Sông Mẹ – (Hồ Tây vốn là một đoạn của sông Hồng), là nơi sản sinh ra bao truyền thuyết ly kỳ: theo truyện “Hồ Tinh” thì có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo, vì truyện kể là có một con cáo chín đuôi ẩn nấp nơi đây làm hại dân. Long Quân mới dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ.Theo truyện “Khổng lồ đúc chuông” thì hồ lại có tên là Trâu Vàng, gắn với câu chuyện ông khổng lồ có tài thu hết đồng đen của phương bắc đem đúc thành chuông, khi thỉnh chuông, tiếng vang sang bên phương bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ, tới đây nó quần tìm mẹ mãi, khiến đất sụt thành hồ. Từ thế kỷ 11, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (Đầm mù sương), tới thế kỷ 15 thì đã gọi là Tây Hồ.

Ngay từ thời Lý – Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thúy Hoa thời Lý, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa thời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thuỵ Chương thời Lê nay là khu trường Chu Văn An…

Những ngày đẹp trời, chơi thuyền Hồ Tây là một thú tao nhã, đồng thời cũng được thăm khá nhiều di tích và thắng cảnh: Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ “Bà huyện Thanh Quan” với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân như thiếu nữ đương thì khoe sắc hoa đào mỗi độ xuân về, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, sang làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tông, nơi bách quan hội thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời… Và đặc sắc nhất là đền Quán Thánh. Xưa Cao Bá Quát đã miêu tả hồ Tây là Tây hồ chân cá thị Tây Thi (Hồ Tây đích thị là nàng Tây Thi). Đây là một cách ví von độc đáo nhưng thật đúng trước thắng cảnh của thủ đô đẹp cả bốn mùa. Hồ Tây là một không gian văn hóa không thể thiếu của Thủ Đô và trong lòng người Việt.

Nhân vật trữ tình (tôi) trong bài thơ thực ra vô cùng yêu quí Hồ Tây, đồng nhất vẻ đẹp của Hồ Tây với tâm trạng của mình. Hồ Tây tự bao giờ đã gắn bó máu thịt với nhà thơ: “Đã từng một giải bờ mong/ Đã từng chộn rộn sóng lòng dâng chao”. Cái điệp “đã từng” ấy như vết khắc vào tình cảm của nhà thơ rồi và Hồ Tây đã trở thành không gian nghệ thuật cho nhà thơ trải lòng, gửi gắm tình cảm.

Có phải đã bao lần nhà thơ dạo bước quanh hồ. Đã bao lần buồn vui chia sẻ cùng Hồ và cùng Hồ ngâm nga câu ca: “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù bãi cát màn sương. Nhịp chày Yên Thái, bóng gương Tây Hồ”. Đã bao lần nhà thơ thả hồn trong mênh mông mù sương và dõi theo những cánh sâm cầm “vỗ cánh mặt trời”. Đã bao lần nhà thơ lặng trong tiếng chuông chùa ngân xuyên ba cõi… Hồ Tây đã trở thành người bạn thân thiết của nhà thơ. Bởi vậy nếu như Hồ Tây không còn, giống như một nhà thơ từng tuyên ngôn: “Nếu như không có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi”. Thì đây có phải là tuyên ngôn của nhà thơ Hoàng Xuân Họa?

Điệp từ: “Khỏi” được nhắc lại tới năm lần như muốn dứt đi những cái “gai” trong mắt nhà thơ, những cái làm phá vỡ không gian tuyệt vời của Hồ Tây. Bốn câu thơ cuối khắc họa rõ nét tâm trạng đau đớn, khắc khoải, cô đơn, thậm chí bất lực của nhà thơ trước cảnh Hồ Tây bị thu hẹp, bị phá vỡ cảnh quan, bị đầu độc… Cảnh nhà thơ: “quanh đi”, “quành lại” thật đáng suy tư, đầy tâm trạng và xa xót khi thấy nhà thơ: “bước thấp bước cao” mà chỉ có: “gió ném ào ào lá khô”. Ai người đồng cảm? Ai người tri âm?

Cách nói tửng tửng ngược đời của nhà thơ Hoàng Xuân Họa trở thành một dụng ý nghệ thuật, phản ánh thực trạng vô tâm của con người đang diễn ra với Hồ Tây và là cách thể hiện tình cảm rất lạ, độc đáo với thắng cảnh Tây Hồ, tạo nên những dư ba, ám ảnh và trăn trở trong lòng người đọc. “Ai mua đi hộ Hồ Tây/ Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong”! Rồi cái cảnh: “Mộng du nện gót đến trơ khấc mình” sao mà phũ phàng đến thế, nhà thơ đi như trong vô thức với ngổn ngang , bề bộn tiếc nuối và khát khao dẫu nói không thành lời: “Bao giờ trở lại ngày xưa” ? Bài thơ như một thông điệp thức tỉnh lương tri mỗi người.


Copy từ HXH.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét