Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Lê Xuân Quang đò đưa về Nhà thơ Tú Mỡ


VỀ NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG TÚ MỠ 

Một nắm Xương khô, cũng gọi Mỡ
Quanh năm múa bút để mua cười
Tưởng Bác vẫn bơi Gìong Nước Ngược
Ai ngờ trở gío, lại trôi xuôi !

Chỉ đọc một cụm từ Giòng Nước Ngược, người đọc đã nhận ra đây là chân dung nhà thơ trào phúng  TÚ MỠ.
Tú Mỡ tên thật: Hồ Trọng Hiếu (sinh năm 1900 tại Hà Nội, mất năm 1976), nhà thơ trào phúng lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông là công chức Sở Tài chính. Khi Tổ chức Tự Lực Văn Đoàn ra đời, được Nhà văn Nhất Linh mời, Tú Mỡ tham gia, giữ mục Giòng Nước Ngược của hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay - cơ quan Ngôn luận của TLVĐ - đăng thơ châm biếm, đả kích những chuyện đời trái tai, gai mắt và những con người xấu xa, tồi tệ đang đầy rẫy trong xã hội đương thời. Tú Mỡ thường dùng các thể thơ truyền thống, cổ điển mà đại đa số quần chúng quen thuộc (lục bát, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, phú, văn tế) - để diễn giải trong thơ của mình, kế tục truyền thống giòng thơ trào phúng của đại thi hào Tú Xương. Chính vì vậy, Hồ Trọng Hiếu đã lấy bút danh Tú Mỡ, mặc dù thể trạng ông gầy gò, như Xuân Sách đã viết trong thơ chân dung: ‘’Một nắm xương khô...’’...
Hồi gần 40 năm trước, một lần đọc được bài viết của cụ Tú Mỡ kể về kinh nghiệm đến với nghiệp Thơ. Bài viết của nhà thơ trào phúng xuất sắc - hằn sâu trong tiềm thức. Đặc biệt nhớ chuyện cụ kể lúc còn học tiểu học, cụ hay nhìn người, sự vật, nắm bắt thuộc tính cơ bản của đối tượng, ghép vần thành những bài (cho là thơ) rồi hãnh diện đem khoe bạn bè trong lớp. Có lần ’’đặc tả’’ hình hài tính nết, cuộc sống của bạn bè, nhằm đùa tếu. Lũ bạn có đứa vui, khen nhưng có đứa tức giận bị nó cho ăn đòn vì ’’bôi xấu bạn’’. Cụ cho rằng, kỉ niệm sâu sắc nhất trong đời làm ’’Thơ thối’’ là vịnh về 2 thầy giám thị khá nghiêm khắc với học trò - có hình hài và tính nết đặc trưng... thế là 4 câu vịnh ’’thối’’ kia loang ra cả trường, đến tai 2 thầy:

Bâng khuâng tôi nhớ cụ Phèn
Cái thói sờ đít đã quen chẳng chừa
Suy tư tôi nhớ cụ Rùa
Cái Chân khạng khạng, cái Mu lặc lè

cũng may các bạn giữ cho, không khai ra tác giả, Thi sĩ Trào phúng tương lai mới ’’thoát nạn’’ và hôm nay chúng ta mới được đọc tập Dòng Nước Ngược  trứ danh của cụ. Cùng dịp, một nhà thơ đàn anh - thời đó đã nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam )Cụ Hoàng Ngôc Phách) - về thăm trường cũ. Cậu bé Hồ Trọng Hiếu mê thần tượng, bầy tỏ, muốn được anh dậy làm thơ. Ông kia nghiêm nghị bảo: Cậu muốn làm được thơ thì lập tức bỏ ngay thứ ’’Thơ thối’’ kia đi, nghiêm chỉnh lại . Thơ gì mà Bâng khuâng... Suy tư... hay đại loại như vậy?
Hồ Trọng Hiếu nghe như nuốt từng lời, cố gắng học làm thơ nhiêm chỉnh... Thế nhưng ’’Chứng nào, tật ấy’’ anh không bỏ được Thơ Thối, trái lại sáng tác nhiều hơn, đề tài rộng hơn...
Rồi năm tháng trôi đi... Cậu học trò Hồ Trọng Hiếu trở thành Tú Mỡ - đệ tử trung thành của Đại thi hào giòng Trào Phúng của Văn học Việt Nam đương đại – Tú Xương.
Ngòi bút của ông trào phúng nhưng sâu sắc - gây cho người đọc tiếng cừơi sảng khoái mà thâm thúy. Năm 1941, ông tập hợp các tác phẩm đăng trên các báo, xuất bản thành 2 tập thơ tựa đề "Giòng nước ngược", danh tiếng Tú Mỡ nổi lên từ đây.
‘’Vì chế độ kiểm duyệt lúc đó khắt khe nên Tú Mỡ ít đề cập đến bọn thực dân đầu sỏ, nhưng ông chế giễu, đả kích không thương tiếc những tên tay sai, đầy tớ của thực dân, từ các đại thần (của triều đình) đến các ông phủ, ông huyện, ông đốc, ông phán, các tên bồi bút xu nịnh hay các nhân vật thân Tây, được quan Tây che chở, nuôi dưỡng, các ông "nghị gật", "nghị cừu" của Viện Dân biểu (Quốc hội bù nhìn) không sót một ai...(1).
Toàn quốc Kháng chiến bùng nổ, Tú Mỡ cùng nhiều văn nghệ sĩ Hà Thành lên đường tham gia. Ở chién khu, ông được phân công phụ trách công tác tuyên truyền văn nghệ, tiếp tục sáng tác thơ trào phúng phục vụ cuộc kháng chiến, lấy bút danh "Bút chiến đấu" trong chuyên mục Nụ Cười Kháng Chiến...
Hoà bình lập lại (1954) Tú Mỡ cho in "Nụ cười chính nghĩa" (1958). Các năm sau đó lần lượt in tiếp các tập "Bút chiến đấu" (1960), "Đòn bút" (1962). Mặc dù từ khi đi kháng chiến (1946) cho đến khi qua đời (1976), Tú Mỡ sáng tác nhiều thơ nhưng các tác phẫm này không được người đọc yêu thích bằng Giòng Nước Ngược xuất bản năm 1941.
Tú Mỡ đã từng giữ các chức vụ: Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1957), uỷ viên thường trực Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1956 nhận giải thường của Hội Văn nghệ Việt Nam.
''Nụ cừơi Kháng Chiến'', cũng là tập thơ châm biếm, viết trong trạng thái ‘’trôi xuôi’’ giòng... Kháng Chiến, nhưng tiếng cưới trong Nụ cười kháng chiến kém xa Giòng nước Ngược.
Vốn là kẻ sĩ Bắc Hà tiêu biểu, Tú Mỡ sống trung thực, khẳng khái dù trong hoàn cảnh bị o ép về tư tưởng, nhà thơ vẫn giữ vững khí tiết ‘’Sĩ phu’’. Ông Tô Hoài kể lại cảm xúc của mình về Tú Mỡ trong cuốn Hồi kí Cát bụi chân ai có những đoạn viết về Tú Mỡ thật thú vị: Hồi đầu những năm Năm mươi của thế kỉ 20 và nhất là sau vụ NVGP, giới VNS phải học tập chỉnh huấn theo cung cách của Trung Quốc. Thường thường, khi người học tập được nghe những người được phân công giảng, giới thiệu về mục đích cuộc học tập (Chỉnh huấn) kèm theo nhiều dẫn chứng nhằm khơi gợi cho người nghe những thiêu sót chung làm ảnh hưởng tới công tác vận động cách mạng hoặc tuyên truyền cho chủ trương mà cấp trên đưa ra... sau cùng yêu cầu bắt buộc người học tập phải tự liên hệ với bản thân, dùng lí luận mà báo cáo viên đưa ra , soi vào mình, nhận ra khuyết điểm, đề ra phương hướng khắc phục, sửa chữa...
Có nhiều người không tìm thấy khuyết điểm của mình, nhưng vì xung quanh ai cũng cố  moi - thậm chí ‘’rặn ra’’khuyết điểm để chứng tỏ với các bạn rằng mình học tập tốt. Phương pháp chỉnh huấn kiểu này đã gây ra phản cảm, dung dưỡng cho sự dối trá mà hậu qủa khuỉng khiếp là cuộc đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất: Không nói có. Ít xit ra nhiều, thậm chí tạo ra những chứng cớ để được ‘’khen’’. Hiện tượng con tố bố mẹ, chồng vợ phản nhau – ra đời chính từ những cuộc học tập chỉnh huấn theo mô hình của Trung Quốc - này...
Ông Tô Hoài kể lại về không khí của một buổi chỉnh huấn, phê phán những nhà văn mà lúc đó bị ghép bừa bãi là’’Phản động’’. Đến lượt Tú mỡ phát biểu, liên hệ... Lẽ ra, thông thường ông phải phê phán đãu tố nhà văn Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), lại hành động ngược hẳn :
''Nguyễn Tường Tam phản bội. Là kẻ thù của dân tộc... tôi cũng thấy như thê, tôi lên án. Nhưng tôi không quên được Nguyễn Tường Tam đã có công với tôi. Không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ...
...
Các anh phân tích thế thì tôi đã nghe ra... chỉ lo trước một điều, quả đất tròn, biết đâu việc đời thường oái oăm thế. Chẳng may lịch sử có cuộc xoay vần thế nào, một ngày kia ta bắt được thằng chết chém ây mà tình cờ lại có Tú Mỡ ở đãy. Xin chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam. Nghiêm nghị, Tú Mỡ nói không nhìn ai :''Tôi đề nghị các anh thế !''. (CBCA trang 110- 111).
Quy hóa thay tấm lòng trung nghĩa của người nghệ sỹ . Chât người quân tử trong cụ thật trọn vẹn. ‘’ Ơn đền, óan trả’’, đọc những giòng viết của ông Tô Hoài về cụ Tú Mỡ mà cứ liên tưởng tơi một nhân vật lịch sử Tàu, nhân vật của truyện Chưởng Kim Dung nào đó hiên ra – đang nhan nhản trên phim chưởng: ''Ta nợ ngươi một mạng người vì ngươi đã cứu ta. Giờ ta trả cho ngươi, hãy đi đi. Lần sau nêu còn gặp lại, chúng ta không ai nợ ai, luc đó ta sẽ lây mạng chó của ngưới !''.
Dù không tiếp tục phát huy được tài năng, như lúc còn ''Bơi'' trong ''Giòng Nước Ngược'', nhưng nhà thơ trào phúng lừng danh của Việt Nam đương đại đã nêu tấm gương sáng về tấm lòng trung thực, nhân nghĩa của Người Quân Tử, của người nghệ sĩ - nhà thơ có lương tri!.

Lê Xuân Quang
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét