Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

TẤT VINH - NHÀ THƠ BỊ BỎ QUÊN

TẤT VINH - NHÀ THƠ BỊ BỎ QUÊN
(Nguyễn Khôi Viết  tặng : Yên Thao )

Nguyễn Tất Vinh , sau này viết văn ẩn tên bằng bút danh :Hiền Lương, Hồng Dương.
Sinh ngày 1-7-1928 tại Thanh Trì- Hà Nội, mất ngày 9-2-1982.
Thời 1949-1953, Tất Vinh , được giới văn nghệ Sài Gòn xem là một Thi sĩ kháng chiến (ngoài Bắc) ngang với Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng...chỉ với 3 bài thơ :"Sông Mã, Vô đề, Gửi Yên Thao" thì những câu thơ ấy đã "Găm" vào trí nhớ không ít người một thời. Xin dẫn :

 

MÃ GIANG ĐẦU- VỌNG MỸ NHÂN

Mũ lá rung rung nhớ một người
Sông Mã trôi xuôi mình cũng xuôi
Ai viết tâm thư mà rớm lệ
Thương nhớ vô cùng yêu quá thôi

Mới biết ngày xưa đầu sông Tương
Khói lam nhàn nhạt mà vấn vương
Mình không vó ngựa mờ quan ải
Cũng nhớ thương ai cuối dặm đường

Mặc áo màu xanh xanh lá rừng
Xanh trời xanh nước xanh chờ mong
mà nhớ màu môi màu má đỏ
Người ở bên sông mặc áo hồng

Vọng mỹ nhân người xưa vấn vương
Say mờ mắt rượu tím biên cương
Cũng chỉ như mình xoay mũ lá
Viết trọn bài thơ dài nhớ thương.
1950
BÌNH :bài thơ (1950) của Tất Vinh làm ta nhớ tới bài "Quán nước" -1948, của Quang Dũng...phảng phất chất Đường thi, kiểu "sống trong lòng người đẹp Tô Châu / hay là chết bên dòng sông Đa nuýp" giang hồ , lãng tử, âm điệu như "Tống biệt hành" của Thâm Tâm (trước 1945) . Theo Uyên Thao, trong "Thơ Việt hiện đại" nxb Hồng Lĩnh- Sài Gòn 1969. thì "Trong giòng thơ Kháng Chiến (Việt Cộng- nhóm thứ 3) thì tiêu biểu có thể kể Quang Dũng và Tất Vinh. Họ cũng ở trong hàng ngũ chiến binh, cũng có một cuộc sống tình cảm có vẻ mềm yếu như đồng đội, nhưng ở trong người họ còn có giòng máu khác chảy : giòng máu giang hồ của những kẻ vốn sinh ra đã mang cái cốt ngang tàng. Trong ngành Văn thuở tiền chiến, chúng ta đã có Nguyễn Tuân luôn say sưa với những chuyến đi, chuyến đi không ngừng, không nghỉ .Tất Vinh và Quang Dũng trong hàng ngũ thơ kháng chiến đã làm sống lại mẫu người ấy của Nguyễn Tuân. Tính chất này của cuộc sống tình cảm họ đã khiến họ không mở rộng tâm hồn để đón nhận lấy từ muôn phương những hình ảnh trùng điệp của một cuộc sống xô bồ. Họ ngạo nghễ quay đầu lại đối diện với chính mình, và ít khi lắm, họ mới ngửng lên khinh khi ngắm trời xanh." Như vậy là theo Trần Tuấn Kiệt và Uyên Thao (Sài Gòn-trước 1954) thì Tất Vinh & Quang Dũng là một týp thơ đồng điệu, ngang tài ...được giới văn nghệ Sài Gòn tán thưởng ? Ta hãy so sánh : -Bốn mắt nhìn nhau xa thế kỷ Hai hồn ngăn một Thái Bình Dương -QD. -Mái tóc bồng lên tình sóng biển Hong tròn thương nhớ nếp khăn hoa -TV. Chợt đọc ta tưởng là Vũ Hoàng Chương ? nhưng không :đó là tâm sự của người trai Kháng chiến Tất Vinh (anh Tiểu tư sản ven Đô quen ăn chơi thơ mộng lạc vào giữa đám Nông dân bần cố mặc áo lính) :

ĐI THEO SÚNG


Người trai thời loạn đi theo súng

Mũ cài hoa và răng trắng trong

Một chiều thấy lạnh nơi tim trẻ

Mơ về xanh thắm một dòng sông


Cô gái làng xưa tiếc má hồng

Cũng nghe hồn lạnh một đêm đông

Một chờ biền biệt người không lại

Quên ước thề xưa đi lấy chồng
Người trai thời loạn buồn không nói

Mũ vẫn cài hoa tím trắng trong...

(1948)


LẠNH


Trời khuya chăn mỏng nghèo chia thuốc

Ta về nghe vợi một tâm tư

Hăm ba xuân sắc mười dang dở

Quán trọ nghiêng sầu gió gọi mưa


Hai thằng trai trẻ tóc còn xanh

Đắp mộng trăng vàng đời chông chênh

Rợn nghe tan vỡ làm muôn mảnh

Thế kỷ bao nhiêu chuyện thất tình


Hãy sát vào nhau thương lấy nhau

Chăn nghèo mà ấm vạn đêm thâu

Xua về quá khứ màu môi đỏ

Hãy sát vào nhau thương lấy nhau.

(1951)
 
Tất Vinh không khác gì Quang Dũng (đi Tây Tiến) mà vẫn :"đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm" rất lãng mạn tiểu tư sản (đi với những người Cộng sản nhưng thơ Tất Vinh không hề nói về "lý tưởng cách mạng", về "giải phóng giai cấp" về "thế giới đại đồng") mà chỉ có "Em với buồn" :

Mắt buồn đếm mỏi sao khuya

Tình không dang dở mà nghe tan tành

Nửa trời khói thuốc mù xanh

Lâm thâm mưa bụi cho mình thương em

Mình về hôn tấm áo len

Em đi chừng lạnh thân mềm áo nâu

Dòng sông nghiêng ngửa nhịp cầu

Lung linh một giọt tinh cầu lạc khuya

(chia ly-1950)

Thơ Tất Vinh đằm thắm, trữ tình , thi thoảng vương chút u ẩn... nhưng chủ yếu là thơ tình ủy mỵ ; Tuy là Bộ đội cụ Hồ, nhưng Tất Vinh  vẫn "có một chiều thơ" rất mơ mộng :
Em của ta rồi khói vẫn lên
Hun hút buồn vương nhẹ mắt hiền
Ta vẫn đi theo lời súng gọi
Em về hồn lạc bến không tên.
(1950)
Cuộc đời chinh chiến thì : Ngược xuôi dằng dặc dài mưa nắng/Sự nghiệp buồn lên trắng mái đầu. (tiễn bạn -1951).Và cái cô đơn, lạc loài, vô vọng  (không ăn nhập với đồng đội) hành hạ Thi sĩ :
...Tám buồn thế sự ba que
Mình nghèo nói chẳng ai nghe chuyện mình
Chẳng buồn đến chuyện công danh
Xòe tay mà đếm hư vinh mười lần
Cái gai đâm suốt bàn chân
Tính ra thì đã mười lần buồn tênh
...Chiều tàn lủi thủi chân đê
Co ro thân ốm đi về miếu hoang
(Mười buồn-1951)

Cái gì đến thì phải đến, hồn thơ Tất Vinh đang cất cánh , tỏa sáng (theo kiểu của riêng anh) thì đột nhiên tắt lịm, cái tên Tất Vinh mất hút trên thi đàn Cách mạng Việt Bắc ...Số là do "hồi chỉnh Quân chính trị 1952 ở Chiến khu Việt Bắc : thơ Tất Vinh bị phê phán nặng về tội "mất lập trường", đặc biệt đối với bài Mẹ & U, bị quy là thứ "tư tưởng chủ nghĩa nhân đạo chung chung" (như kiểu "Phá Vây" của Phù Thăng sau này) trong hoàn cảnh bấy giờ; Thơ Tất Vinh bị coi là làm nhụt ý chí chiến đấu, nên bị loại trên Thi đàn là thế . Sau đó, Tất Vinh buông bút và phải đi xuống lao động ở 1 công trường xây dựng vài năm...Rồi "ngoan" ,được lấy  về làm phóng viên Báo Tiền Phong (viết văn, kich bản) cho đến trọn đời với các bút danh...(Cái tên Tất Vinh và thơ của anh hầu như đã rơi vào quên lãng ! ?) Đến khoảng 1960-1961 máu Thi sĩ lại trỗi dậy,  Tất Vinh bí mật viết ":Bản tình ca cuối cùng " còn dang dở (dấu kín không cho ai xem) như một hoài niệm về một thời quá vãng , như một bài tổng kết cuộc đời :

Biết có bao nhiêu
Con thuyền xa bến
Bao nhiêu
người đã ra đi
Quên một người trai
quên một  câu thề
Không khép buồng riêng chờ đợi
Từ đấy
trăng nghiêng vách núi
Nghẹn ngào một nấm mồ hoang...


Đọc đến đây , ta cũng thấy nghẹn ngào cùng Thi sĩ...Chao ôi, thế vì  sao  mà thơ Tất Vinh bị bỏ quên đây ? cũng đơn giản thôi :đó là thứ Thơ nếu truyến bá sẽ " nguy hại cho CHẾ ĐỘ XHCN..".
Đấy là một cách giải thích...thực ra không ít những bài thơ bị "cấm" một thời như "Màu tím hoa sim", "Tây Tiến", "Lá diêu bông"...nhưng nó vẫn bất tử, vì được người đời chép tay, học thuộc truyền mồm (cấm không nổi)...Còn Thơ Tất Vinh, ngoài phần tư tưởng bị phê phán, phần cốt lõi phaỉ nói là tính nghệ thuật chưa cao, nhìn chung là NHẠT, thiếu những Ý mới tứ lạ, thiếu những hình tượng thơ ĐẸP độc đáo để tạo nên thương hiệu "Thơ Tất Vinh";
Thiếu những Câu thơ HAY -để đời" để GĂM vào lòng người , chưa có bài nào đáng gọi là "tuyệt tác" đọc xong còn nhớ mãi ? Thơ Tất Vinh là "trái tim cô đơn" lạc loài "sinh -sống bất phùng thời "...sau hơn 50 năm,ta đọc có thể thông cảm, nhưng không gây được xúc động...do đó Đời "quên" thơ anh có lẽ cũng là một nhẽ đương nhiên vậy chăng? Than ôi, Thơ và đời là thế mà,  tiếc thay, tiếc thay Tất Vinh ơi .. !

Góc Thành nam Hà Nội , 2-12-2012
/ Nguyễn Khôi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét