Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Đọc trường ca "Sông Cái Mỉm Cười" của Nguyễn Nguyên Bảy


Khi sông Cái mỉm cười...

NGUYỄN  ANH TUẤN
*
.Một chiều mưa phùn gió bấc, tôi qua cầu Long Biên, dừng xe ngắm nhìn dòng sông Hồng trơ cạn... Đây là dòng sông đỏ lựng phù sa mà biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà điện ảnh… đã tìm thấy nguồn cảm hứng nghệ thuật vô tận và mãnh liệt của mình! Và tôi bỗng nghĩ đến cái Dự án "Thành phố Sông Hồng"- một công cuộc chỉnh trang lại đê điều sông Hồng lớn nhất trong lịch sử kể từ khi Hà Nội và châu thổ sông Hồng có đê ngăn lũ; và ít ai biết được rằng: Dự án đó lại xuất phát từ tình yêu sông Hồng và ý tưởng của một hoạ sĩ- hoạ sĩ Vũ Văn Thơ...
Nhưng Dự án này khi triển khai, với nhiều nhà khoa học có lương tâm thì lại nổi cộm khá nhiều vấn đề hệ trọng. Nhà sử học Lê Văn Lan đã lên tiếng cảnh báo: Dự án trên “không hiểu vô tình hay là hữu tình…về mặt lịch sử, văn hoá gắn liền với Thủ đô Hà Nội thì chẳng thấy ai đề cập đến!” Tệ hơn, như GS Lê Văn Lan đã vạch ra: Dự án còn định “cấy” một khu đô thị Hàn Quốc vào, “ như thế khác nào đánh mất mình và Hà Nội sẽ không còn nữa!” Và ông đã đặt câu hỏi hộ nhiều người: “ Hôm nay đây, chúng ta đều biết nước sông Hồng đang dần bị cạn kiệt, thì lịch sử sông Hồng, là cội nguồn của nhiều dòng đời liệu có bị cạn theo?  Trách nhiệm này thế hệ của chúng ta có phải trả lời trước lịch sử hay không? ”(Dòng chảy sông Hồng sẽ về đâu?- VN Trẻ )...Trong những ý nghĩ miên man như thế, tôi đã nhớ đến trường ca "Sông Cái mỉm cười" của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy - một người Hà Nội đau đáu nhớ thương Hà Nội đang sống xa Hà Nội hàng ngàn cây số...

1. Không phải ngẫu nhiên mà NNB dùng trường ca "Sông Cái Mỉm Cười" để kết cho phần thơ "Kinh thành Cổ tích"*. Và trong thế giới của Kinh thành Cổ tích, Sông Cái đương nhiên cũng phải là con sông Cổ tích! Quả là dòng sông Cái, hay sông Mẹ mang trong nó và hai bên bờ biết bao huyền tích say đắm lòng người, bao linh khí của thiên thần và nhân thần hiển hiện trong các thành hoàng làng, bao chiến tích của những con người chinh phục Châu thổ và chế ngự hồ tinh, mộc tinh, thuồng luồng, cá sấu, cùng sự tưởng tượng của người dân châu thổ về sức mạnh ma quái của dòng sông qua Thủy Tề, Long Vương, Hà Bá, Bạch Xà, và đôi khi còn lập đền thờ các lực lượng siêu nhiên ấy ở bên sông để mong kìm bớt cơn giận dữ khủng khiếp của nước lũ! Với tiêu đề SÔNG CÁI..., nhà thơ NNB đột ngột mở ra trước người đọc cái thế giới tinh thần, cái hệ thống thi liệu quen thuộc của anh - thông qua một dòng sông mà những ai từng mang huyết mạch sông Mẹ của mấy ngàn năm nước Việt trong người, mang nỗi niềm cha ông vạn cổ lại không thấy lòng rưng rưng…? Đó là dòng sông mà nhà thơ Võ Văn Trực quê gốc ở miền Trung, khi xuôi bè từ miền Phong Châu đất Tổ về miền đất bãi đã có một cảm giác thật đặc biệt, ông kể lại: “cảm giác mình đang lần theo dấu chân ông cha đi về phương Đông ánh sáng”, và ông đã say sưa thốt lên: “ Đây là con sông quê chung cho tất cả dòng giống Lạc Việt!” ( Thượng nguồn và Châu thổ- Tập bút ký, Nxb Thanh niên, 2003)
Nhưng đây lại là SÔNG CÁI MỈM CƯỜI ! Sao lại Mỉm Cười? Trong ký ức của nhiều người dân châu thổ Bắc Bộ vẫn còn in đậm hình ảnh những ngôi nhà đổ sụp, từng cụm làng xóm trôi dạt, những gốc cổ thụ bật gốc cuốn đi trong cơn xoáy lũ, những bàn tay phụ nữ con trẻ chới với trong dòng nước đục ngầu gầm réo…Tiếng trống ngũ liên thúc hối hả, những ngọn đuốc đỏ rừng rực từng đoạn sông, người dân châu thổ mồ hôi chan nước mắt nắm tay nhau lấy thân mình làm bức tường chắn sóng… Đồng lúa ruộng màu bị cướp trắng trước những cặp mắt ưá lệ đau đớn xót xa… Rồi ký ức kinh hoàng của một thời: tiếng trống ngũ liên, tiếng kẻng canh đê, tiếng quát tháo của tuần đinh, cảnh nhốn nháo như ong vỡ tổ lúc một quãng đê nào đó bị vỡ; kèm theo đó là cái cuộc sống đói rách cơ hàn đến tuyệt vọng và bị áp bức đến tàn nhẫn của người dân châu thổ Bắc Bộ... Dòng sông tác giả hình dung nó Mỉm Cười cũng là dòng sông mà vị Ủy viên thông tấn Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp Pierre Gouru đã nhận định gần 100 năm trước: “là con sông chủ yếu của châu thổ Bắc Kỳ; chính nó đã tạo ra châu thổ bằng phù sa và chính nó luôn luôn đe doạ châu thổ khi tràn ngập. Sông Hồng chảy qua châu thổ như một kẻ xa lạ đáng sợ chứ không phải như một ngưòi cộng sự hữu ích; đó là do sự hung dữ và những trận lụt lớn của nó.”  ( Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ- Nghiên cứu địa lý nhân văn. Bản dịch từ tiếng Pháp, Nxb Trẻ, 2003- tr.68 )

Thế sao Sông Cái Mỉm cười? Chẳng phải chính tác giả trong trường ca không chỉ một lần phải miêu tả nỗi lo sợ của dân khi "Sông Cái nước to xuôi về xuôi rất vội" đó sao? Tác giả chơi chữ, hay có ẩn ý gì, hoặc đánh lừa người đọc?
Phác qua những miêu tả trên để thấy rằng: khi đặt tên cho bản trường ca này (nhà thơ gọi nó như vậy ) là SÔNG CÁI MỈM CƯỜI, NNB đã vô tình đặt ra một thử thách rất lớn đối với bản lĩnh của một nhà thơ. Anh dựng lên một bệ phóng của thi liệu & thi cảm cho bản trường ca trên nền lâu đài ký ức bi tráng về Sông Mẹ, và từ đây, liệu anh có thể đương nổi với sức ám ảnh ghê gớm của ký ức một Dân tộc? Anh viết về người Cha đã khuất để song hành, đăng đối, hòa lẫn với ký ức tràn đầy về Sông Mẹ đã trở thành biểu tượng của hành trình Dân tộc, liệu anh có thể vượt qua - ít nhất là với những gì anh đã đạt được suốt chặng đường của "Kinh thành Cổ tích", và có thể đem lại điều gì mới mẻ cho dòng sông trường ca Việt hiện đại? Với quan niệm mang tính tuyên ngôn về thơ như sau, anh có làm người đọc anh phải thất vọng khi tiếp cận với bản trường ca hiếm hoi của "Núi Thơ" anh: "... Thơ cao quí như tên gọi của nó. Sự cao quí thần linh. Sự cao quí bất tử. Sự cao quí vốn chỉ trao cho những con người có đầy đủ tình yêu và nghị lực gieo trồng và thu hoạch nó. Sinh ra đất trời bèn sinh ra bể/ Có bể trời bèn sinh sông/ Chẳng để buồn sông trời bèn sinh cá/ Giận lũ trời bèn sinh rừng/ Có rừng trời bèn sinh cỏ/ Sinh cỏ trời bèn sinh voi/ Lúa trời người dưỡng thành lúa nước/ Sinh ra lúa người sinh ra nhà/ Sinh ra nhà người sinh ra thuyền/ Sinh ra thuyền người cao hứng sinh thơ/ Thuyền thơ chở đầy trăng thơ..." (nguyennguyenbay.com) Sở dĩ tôi trích đoạn này của NNB, là vì ở đó cũng gợi đến cả chặng đường đầy hiểm nguy bất trắc của cư dân Việt cổ đi từ núi cao xuống đồng bằng theo phù sa của dòng sông Cái - hình tượng thơ quan trọng và xuyên suốt ở trường ca. Khi nhà thơ nói về "Lúa Trời, Lúa Ma, Lúa Nước, Thuyền độc mộc", có thể anh không cần biết tới những khảo cứu từ thư tịch cổ, song dường như có một nguồn cảm hứng "thần linh" may mắn hỗ trợ khiến anh có thể biến chúng thành thi liệu chứa đựng thông điệp mới mẻ để gia nhập vào cuộc đời lớn lao của Dòng Sông Mẹ mà trên đó "Thuyền thơ chở đầy trăng thơ..." Có điều lúc này trên Thuyền thơ - con thuyền Số phận, phải chăng nhà thơ mặc áo đại lễ truyền thống trang trọng đọc sớ khấn cha anh bên dòng sông huyền thoại mờ mịt sương, khói ?... Những lời khấn bằng thơ của “Trường ca Lễ Tạ Cha Ông trước thềm Năm Mới” này có điều đặc biệt: đó chỉ là những lời nói thường ngày, mộc mạc chân cảm, giãi bày với một đối tượng cụ thể, trong đó cảm xúc được ghìm nén, và dưới sự chứng giám của dòng sông anh linh chúng bỗng mang một sắc thái thật khác lạ- vừa là đời thường được chắt lọc, gần gũi thân thương vô hạn, lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng về sự sống Tuần hoàn, nhân quả theo triết lý Phật giáo... Bởi chúng xuất phát từ tâm thế của người thơ "Mắt nhìn đâu cũng thấy Mỵ Nương/ Xanh mướt cỏ bờ đê sông Cái". Bởi đây cũng là nơi "Trương Chi hát lời giã bạn" quen thuộc (Tự họa tuổi thơ), nơi mà anh đã nhiều lần "Bay lên non cổ tích bái tình/ Thần dạy trai làng trồng lúa/ Nương dạy thôn nữ tầm tang", nơi có những con người "Xác thân hóa thổ thành đê/ Ngăn cuồng thủy tặc/ Linh thiêng non Tản tình về..." (Bái tình), nơi mà Thánh Thơ họ Cao trước khi hòa máu vào sông đã "nghiêng hồn xin dòng sông Cái/ Cho thân xác Quát trở về sông" để "Mẹ sông ôm Quát vào lòng" (Thánh Thơ)... Những lời đọc "sớ thơ" khi kể lể chân chất khi ngọt ngào dân ca, khi trầm buồn nghẹn ngào khi rắn rỏi bi hùng, để tới khi hồn vong tràn ngập, "Sông hồn bắt đầu sôi/ Khí hồn bắt đầu thăng", hồn thiêng sông núi và biết bao kiếp phận người từng hóa thân vào Sông Cái - trong đó có cha anh giờ chợt hiện cả về trong thơ anh với dáng vẻ của các nhiên thần hùng vĩ, "chói lói" - lúc đó "Sông cái mỉm cười" đã bay lên, ùa ngập cảm xúc bi tráng vào lòng người đọc cho ta thấy nó "đích thực là một tráng ca"- như nhà điện ảnh lão thành người đất Cảng Đào Trọng Khánh đã nhận xét một cách chí lý! ( vandanviet.net)

2. “Sông Cái” đã trở thành một hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể vừa khái quát chảy suốt khúc tráng ca, thấp thoáng ẩn hiện những khuôn mặt người thân yêu của nhà thơ, những kỷ niệm đau đáu suốt đời người và xuất hiện trong nhiều cảnh ngộ đan xen thực ảo... Chúng ta hãy tiếp xúc trực tiếp với văn bản trường ca.
Đoạn mở đầu, hãy hình dung là một trường đoạn phim êm ả như lá cỏ mật, như gió ban mai, như sóng lan nhè nhẹ giữa sông trăng miêu tả dòng sông đỏ lặng lờ, trên nền tiếng đàn bầu thánh thót, nhà thơ chậm rãi và trang nghiêm - y như "Sông mở lòng trang nghiêm", trước hết là kể lại cho người vợ nghe chuyện mình bắt đầu hành lễ bằng những động tác kính cẩn nhẹ nhàng ra sao:

Anh thả tro bụi cha vào sông
Xin mát mẻ hồn
Hồn cười trong nước
Anh hái những lá cỏ mật
Thả xuống sông làm thuyền

Cũng bắt đầu từ đây là sự giao cảm thiêng liêng của người thơ - người con có hiếu đối với Hồn, và anh không che dấu rằng nỗi nhớ thương của mình tới độ "Thương nhớ lòa tròng"; có điều, bên những lá cỏ mật thi vị và những thổ đất kè đê mộc mạc ngàn đời cùng "tiễn cha về cực lạc", dù nước mắt nhạt nhòa,  nhà thơ cũng cảm thấy:

Anh nghe thoáng một triền gió ngát
Sông Cái mỉm cười
Từng đàn cỏ mật chèo khua...

Như vậy là, âm hưởng chính, chủ đề chính của bản trường ca đã được xác định ngay từ đầu qua những hình ảnh Thật - Mộng đan xen xuất phát từ tâm tưởng và được thực tại chứng nghiệm đó. Và nó cần thiết để dẫn sang "trường đoạn phim" tiếp theo, phát triển trọn vẹn chủ đề, làm tròn âm hưởng chính. Đoạn này hoàn toàn là hồi tưởng- nhưng đặc biệt là nó chồng trong trí tưởng tượng cùng ước nguyện cuối cùng của người cha khi ông đã "gần đất xa trời" và đang tìm cách truyền lại những "công án" đời mình cho đứa cháu nội thơ dại.:

Áp thấp gió mưa cờ xí
Quân hồn ngập trời nước lửa
Chiến thuyền phủ kín sông trăng
Cha thiêm thiếp nằm nghe bão nổi
Qua lời kể của thằng cháu nội...

Trong thơ ca xưa nay, hiếm có chỗ nào miêu tả thấm thía rung động như đoạn này về sự giao thoa tâm hồn, sự liên kết tâm linh giữa hai thế hệ ông - cháu:

Anh như thấy nụ môi cha nở mỏng
Bay sang môi con anh đỏ chót mơ hố
Thành ròn cười khanh khách
Anh linh cảm trời đang gần gang tấc
Trong bước chân cha
Và đất trong mắt cha
Thăm thăm hun hút
Anh như nghe âm thanh gọi nấc
Con anh quì áp mặt ông
Hai ông cháu thì thầm
Điều sau này anh mới biết
Ông cho cháu nốt nụ cười
Trước khi ra bến đò sông Cái
Ru sông tan bão nắng hoa...

Có lẽ, phải bằng thủ pháp của một loại điện ảnh siêu thực như trên mới có thể diễn tả nổi, diễn tả hết sự linh thiêng trong giờ phút Tử biệt Sinh ly đó, cùng nỗi đau quặn thắt của người con giờ phút "âm dương hai cõi". Cái hình ảnh thật thơ mộng "Hoa từng cánh se khô" trên môi người ông bay sang môi cháu, và cái hình ảnh đầy kịch tính "Hai ông cháu thì thầm/ Điều sau này anh mới biết" đã làm nền cho sức nặng của mấy câu thơ vượt ra khỏi sự miêu tả thông thường: "Ông cho cháu nốt nụ cười/ Trước khi ra bến đò sông Cái/ Ru sông tan bão nắng hoa..."  Tới đây thì người đọc đã bắt đầu láng máng hiểu ra phần nào: vì sao bản trường ca mang tên "Sông Cái mỉm cười."
Rồi từ cái buổi chia ly không bao giờ có thể quên đó, nhà thơ dẫn người đọc vào cuộc sống ấm áp bình dị của một gia đình bên dòng sông Cái- sự quan tâm chăm sóc của con dâu với bố chồng, của con với cha, của vợ với chồng, chồng với vợ, cháu với ông bà... Có rất nhiều chi tiết chân thực cảm động được kể lại trong tâm thế "Như chỉ mới trưa hôm qua" hoặc "tối hôm qua". Nhà thơ thực sự sống trong tâm trạng của người cha mà "Lần đầu tiên trong đời anh thấy cha khóc", đặt mình trong tâm trạng của mẹ anh khi trò chuyện với chồng, cả cái "Giỗi già hờn vợ" của cha anh, để có thể hiểu được "Tay gầy tay khô cười ra nước mắt", để nhớ lại như in từng lời dặn dò khi "Cha gọi thân yêu quây lại bên giường." Ấn tượng sâu đậm nhất của nhà thơ là mối tình của cha mẹ anh - xa hơn là của ông bà anh:

Trăng xanh cành bưởi
Đôi bạn tình không tuổi
Uống trà thoại yêu

Nhưng dù tâm trạng có "hiu hiu đắng chát" khi kể lại cuộc sống gia đình, nhà thơ cũng nhìn ra được cái số phận chung của biết bao gia đình Việt bên dòng sông Cái, mà ở đó có những người như cha anh - một người "chỉ thèm củ khoai năm Dậu"  nhưng lại tìm ra được triết lý sống sâu sắc cho nhiều thế hệ: “Nước non còn bởi còn người/ Bể mặn bởi nước mắt đời yêu nhau”; đồng thời cũng là người "từng lội qua sông như một con kình" mang bóng dáng của chàng dũng sĩ diệt thủy quái tự thuở xưa bên dòng sông mà lịch sử và huyền thoại, niềm vui và sự lo âu, hạnh phúc và bất hạnh, cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc trộn lẫn, nhưng mọi sắc thái của phong tục dường vẫn nguyên vẹn qua thời gian:

Áo đỏ áo xanh trăm sắc ngàn mầu
Rồng rắn lên đê
Sông Cái nước to
Xuôi về xuôi rất vội
Xuôi theo cả sắc mầu chói lói
Bóng đoàn người rồng rắn trên đê

Trong trường ca, cuộc đời Ông Bà, Cha Mẹ với mọi buồn vui sướng khổ đều gắn với dòng sông Cái... Nhưng nhà thơ không chỉ dừng lại ở những chi tiết tả thực, anh đã theo "Bước người xưa xuống biển mò trai lên rừng săn thú" đưa người đọc về "nơi chò chỉ... tre trúc ngẩng cao đầu" ( Chứng tích chiến tranh)-  nghĩa là "huyền thoại hóa", khái quát hóa tình nghĩa vợ chồng của ông bà, cha mẹ anh thành số phận chung của những lứa đôi trong lịch sử hàng ngàn năm qua nơi châu thổ sông Hồng:

Tôi nhìn thấy trên dòng sông Cái
Bao nhiêu là cầu lụa
Trên cầu xoan ghẹo giao duyên
...Chàng lực điền mồ hôi mật ứa
Tưới mát cánh đồng xanh
Ngày mình theo tôi buôn bè
Vào chợ tiền đầy tay nải
Lại phụng lại công múa vái
Mắt mòn nhìn gái một con...

Cuộc sống  tình nghĩa trăm năm ấy, với những bi kịch có thật, rất đời thường, song ở đây còn lấp lánh màu sắc cổ tích thế sự: " Đồng tiền gieo họa/ Đồng tiền gieo buồn." Đến khi "đôi mình tỉnh ra/ Quẳng tiền xuống ghềnh sông Cái" thì cuộc sống  mới yên bình trở lại:

Mình lại là mình lực điền
Tôi lại là tôi trồng dâu, ươm kén
...Hoa vườn nhà bên thơm ngát
Một vùng sông gió thiên thai

Sau khi đã huyền thoại hóa cuộc đời ông bà, cha mẹ trong mạch sống dân gian ngàn đời, nhà thơ trở lại một nỗi đau có thực của người con từng khiến anh"nước mắt tràn đê" bởi xót xa ân hận:

Cha cũng là người bằng xương bằng thịt
Nào phải thánh thần chi
Mà anh để cha ăn mây uống gió
Nuôi anh một đời vô tích sự
Anh bật khóc thành tiếng
Nước mắt tràn đê
Chảy xuống sông

Nhưng hóa ra đó chỉ là cái cớ để nhà thơ lắng sâu hơn vào những sự thật, những điều cao cả lớn hơn phận số của một cá nhân cụ thể:

Lạ kỳ chưa
Sông Cái mỉm cười
Trôi đi những thuyền cỏ mật.
Cha đứng trên thuyền
Thuyền cười trên sóng nhấp nhô
Cha chầm chậm hóa thân vào sông Cái...

3. Gắn chặt cuộc đời cha mình với dòng sông Cái, nhà thơ đã có thể rút ra được bao suy ngẫm quý về nhân tình thế thái, về lẽ sống. Và Sông Cái trở nên thiêng liêng hơn trong tâm tưởng cháu con, bởi có người cha, người ông đã “hóa thân vào Sông Cái”, hòa vào phù sa để làm nên những bãi mật cho đời trong kiếp luân hồi không hiếm khổ đau song cũng tràn đầy hy vọng, bởi tình người đã "tuần hoàn ân nghĩa" trong "Bể đời thuyền Bát Nhã/ Tượng hình làng quê sông núi" (Khải ca đài). Người cha thanh thản về với cội nguồn khi đã "thương nặng lắng bùn nhập thế" (Tinh túy ngộ duyên) bởi hiểu hơn ai hết qui luật của tạo hóa, bởi có người con chí hiếu. “Sông Cái mỉm cười” bởi có Nụ Cười bao dung thấm đượm sự từng trải và tình thương cao cả. Sông Cái không thể chết, không bao giờ chết bởi nó cần tồn tại để chứng kiến những con người của các thế hệ kế tiếp nhau dũng cảm sống trong bất kỳ cảnh ngộ nào, và chân thành hồn hậu biết bao trong tình yêu thương: “Sông luân hồi miệt mải/ Cho phù sa muôn đời/ Chẳng chút chi đòi lại/ Chỉ đòi còn mãi dòng sông/ Sóng lòng phụ tử ngân nga…” Bản tráng ca có sức lay động lòng người bởi vừa khái quát được bản chất của sự Tồn tại, vừa gợi ra cái khát vọng cháy lòng phải vươn tới bản chất ấy trong mỗi người, bằng hình tượng thơ giàu xúc cảm xoắn xuýt đời sống và tình nghĩa nằm sâu trong mạch chữ. Có thể nói "Sông Cái mỉm cười" tập trung rõ nét nhất đặc trưng bút pháp của NNB: liên kết các tổ hợp hình ảnh trong một trường liên tưởng có xu hướng "lạ hóa", "huyền thoại hóa", mà chất keo kết dính chúng không phải là sự thông minh, là kỹ thuật, mà là nỗi xót xa thương cảm đằm sâu- đó cũng là "phương thức thể hiện rất nhạy cảm với nỗi khổ đau" mà tôi đã từng đề cập trong bài "Thử mở một cánh cửa vào thế giới thơ NNB" (vanvn.net)
Tới đoạn sát kết, ta hãy chú ý một tâm lý kỳ lạ: sự nhớ thương sâu nặng với cha khiến nhà thơ đột nhiên có cảm nghĩ cha hồi sinh, và đó cũng là cơ sở tâm lý nghệ thuật cho việc "đúc" lại tất cả những nỗi đau buồn cay đắng của biết bao kiếp người (trong đó có bốn thế hệ gia đình nhà thơ trên con thuyền Đời xuôi theo dòng chảy và số phận của sông Mẹ) để biến thành những biểu tượng mới của Sự Sống được thăng hoa trong Tình thương và Ân nghĩa:

Sông chảy qua làng
Thuyền cỏ mật đậu xanh mặt bến
Cha hỏi thăm đoàn người gồng gánh phù sa
Có ai là con cháu
Nghe cha hỏi choáng choàng anh gọi
Chỉ thấy môi sông Cái hồng cười
Đón gạo thơm và muối trắng
Con trai anh rắc xuống như hoa
Và dòng sông nắng trôi qua...

Khi viết những dòng này, nhà thơ đã trải qua bao năm tháng cực nhọc, tủi hờn, đã sống qua bao "Bài ru trằn trọc", đã ngộ ra "Hoa cỏ nào hoa cỏ chẳng nên thơ/ Âm dương nào không cười khóc" (Tinh túy ngộ duyên). Tới đây, "dòng sông nắng" dẫn người đọc vào kết bản trường ca:

Hai cha con lững thững về làng
Mỗi người mang theo một dòng sông Cái
Trong anh sông Cái mỉm cười
Và anh tin lòng con anh
Sông Cái cũng mỉm cười...

Nếu hình dung đây là một trường đoạn phim thì sẽ thấy: máy quay ở trên cao, thu hình hai cha con đi chầm chậm trong ánh sáng ngược tạo thành hai bóng silhouette bé nhỏ nhưng không hề tạo cảm giác cô đơn, bởi có muôn vàn ánh phản chiếu lung linh của dòng sông đầy cỏ mật và hoa nắng làm chỗ dựa tin cậy cho họ; rồi tiếp đến hai cận cảnh cha - con đang đi, (máy quay đi theo), lưu lại nụ cười trên môi từng người, sau cùng lại rút ra toàn cảnh dòng sông... Ở đoạn "kết phim" giàu ý nghĩa này, bản giao hưởng sẽ dào dạt dâng lên - bản giao hưởng về dòng sông chất chứa sức mạnh không chỉ của bản thân nó mà còn là sức mạnh của con người vừa chinh phục vừa nương nhờ vào nó theo cách  "Mỗi người mang theo một dòng sông Cái" để vượt qua mọi giông tố của số phận cá nhân cũng như số phận của một Dân tộc. Bằng hai câu thơ cuối: "Và anh tin lòng con anh/ Sông Cái cũng mỉm cười...", nhà thơ một lần nữa lặp lại cái ấn tượng ám ảnh suốt bản trường ca để hoàn chỉnh cái hình tượng thơ nhất quán: "Sông Cái Mỉm Cười". Nó chính là Bản tráng ca của Tình Thương, của khát vọng Sống sao cho xứng đáng là những người con của Sông Mẹ vĩ đại...

.
Hà Nội,Tháng 3-1011
Nguyễn Anh Tuấn

-------------------------
Sông Hồng từ xa xưa vốn mang tên Sông Cái, chắc vì vậy mà người châu Âu hồi thế kỷ 19 gọi là Sông Koi - có nghĩa là Sông Mẹ. Tên sông Hồng là do người Pháp đặt: Fleuve Rouge - Sông Đỏ, còn tên chữ Hán là Nhị Hà.
         
Những trích dẫn thơ đều lấy từ "Thơ NNB", Nxb văn học. 2010
.
Copy nguyên trang từ HXH.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét