Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Lê Xuân Quang viết vả Bàng Bá Lân


BÀNG BÁ LÂN:
Cổng Làng - Tuyệt Phẩm Về Làng Quê Việt Nam!

Lê Xuân Quang

Quê hương – hai tiếng nghe sao mà thương, mà nhớ. Đề tài Quê hương có lẽ trong âm nhạc, mức độ phát huy hiệu qủa không kém Văn, Thơ. Ngay từ những năm 30 – 40 của thế kỉ trước , trong khung cảnh Quê hương còn ’’binh lửa’’ , nhạc sĩ Hoàng Gíac đã cho ra đời bài hát mà nét nhạc thấm đượm tình yêu quê hương, lời ca khơi dậy trong lòng người nghe niềm nhớ thương da diết:

Ai qua miền quê binh khói
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi
Tôi vẫn mơ lùm tre xanh ngắt
Tim sắt se, làng quê điêu tàn...

Nhạc sĩ Chung Quân viết  trong ca khúc Làng Tôi với nét nhạc mượt mà, lời ca thắm thiết, khiến người nghe cảm động:

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh, êm xuôi về nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên những hàng cau: Đồng quê mơ màng...
...
Quê tôi là bao nhớ nhưng se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn
Người bốn phương...

Nhạc sĩ Phạm Duy - viết về làng mình trong một ca khúc nói về Quê nghèo:

Làng tôi, không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài…
có lũy tre còm tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa theo trâu cầy…

Nhạc sĩ Văn Cao lại viết bài hát Làng Tôi theo cảm nghĩ của ông khi quê hương bị quân Pháp dày xéo:

Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung…
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền một giòng sông
Nhưng thôi rồi…
Ngày giặc Pháp phá làng triệt thôn…

Và còn rất nhiều người viết về quê hương, khói lửa, chiến tranh liên miên hơn 30 năm... Khi đất nước hết cơn binh lửa, các nhạc sĩ lại tiếp tục đề tài muôn thuở - Quê hương: Đổ Trung Quân viết bài thơ Quê Hương được nhạc sĩ Gíap Văn Thạch dùng làm lời cho bài hát nổi tiếng cũng mang tựa đề - Quê Hương:

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc…
Quê hương là con đò nhỏ…
Quê hương…
Quê hương…

Và gần đây nhất, nhạc sĩ Phó Đức Phương viết bài hát Về Quê, nét nhạc tha thiết, lời ca mộc mạc, gỉan dị làm rung động lòng người:

Theo em anh thì về, thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về…
Ơi quê ta bánh Đa, bánh Đúc
Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ đẹp bao giấc mơ
Ơi quê ta dầu sương dãi nắng,
Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiêu
Kìa dáng ai như dáng chị , dáng mẹ tôi…
Thế nhưng...
Thế nhưng: Chưa có bài thơ, bài hát nào gợi cho tôi nhớ về Làng tôi bằng bài thơ Cổng Làng của thi sĩ Bàng Bá Lân. (được nhà biên khảo Hoài Thanh đưa vào Thi Nhân Việt Nam xuất bản năm 1942).  Bởi vì cái cổng làng trong thơ của cụ đúng là cổng của làng tôi, mặc dù cụ quê ở đâu tôi không hề biết. Hình ảnh xung quanh chiếc Cổng làng chính là những hình ảnh mà tôi đã chứng kiến: Qủa là vào một buổi chiều mùa thu cách đây hơn nửa thế kỉ, tôi đã từng đứng hóng gió mát ở Cổng Làng như  cụ Bàng miêu tả:

Chiều hôm đón mát cổng làng
Gió Hiu hiu thổi (1), mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời
Đường quê quanh quất bao người về thôn.
 Lúc đó độ mươi tuổi.
Cái tuổi mới cắp sách đến trường tiểu học ở làng bên, thời học sinh viết bút ngòi ‘’’mỏ (chim) sẻ’’, chấm mực tím trong lọ. Sau buổi học, mực dây đầy tay, đầy quần áo… Quanh nhà tôi, xóm tôi  - bạt ngàn cây ăn qủa. Trên cành chim hót líu lo, hoa nở rực rỡ. Bình minh - bọn chim đánh thức - tôi vội vội vàng vàng đến trường cùng các cô bác Nông phu lững thững qua cổng làng, ra đồng làm việc: 
Sáng hồng lơ lửng mây son
Mặt trời thức giấc véo von chim chào
Cổng làng mở rộng ồn ào
Nông phu lững thững đi vào sớm mai.

Mùa hè, đi học về, lại qua cổng làng. Những hình ảnh thân thương sống động xung quanh cổng - tiếp diễn:
Trưa hè bóng lặng, nắng oi
Mái gà cục tác tìm mồi dắt con
Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể oải chờ cơn gío nồm.
Xuân qua, Hè tới.
Mùa Hè ở vùng đồng bằng Bắc bộ hay có mưa rào. Mỗi khi đi học về gặp mưa, tôi lại đứng trong lòng cổng trú mưa. Trận mưa đem theo gió lạnh. Chiều, tối, mưa…  trời xùm xụp, trưởng làng cho đóng cổng. Nhìn khung cảnh xung quanh chợt lòng xao động. Nhưng khi mưa tạnh, trời quang, trăng lên, hình ảnh xung quanh cổng làng trở nên sinh động:
Những khi gió lạnh mưa buồn
Cổng làng im ỉm trên đường lội trơn
Những khi trăng sáng chập chờn
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.

Ngày mùa luá chín hương đưa
Rồi đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng
Mừng Xuân ngày hội, Cổng Làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ
Cách đây hơn 50 năm, tuy tục lệ của làng rất khắt khe với đám trai gái đến tuổi cập kê. Ban ngày, họ không được phép tỏ tình qúa suồng sã… nhưng khi đến tối, sáng trăng, họ cũng hẹn hò nhau và bóng họ tha thướt trên đường qua cổng làng, sang làng bên xem hội…
Gây cho tôi  niềm vui nhất phải kể: Khi mùa gặt tới.  Cổng làng nhộn nhịp, ồn ào tới đêm tối, khi cánh đồng đã vắng bóng người, cánh cổng đóng lại. Làng xóm râm ran: Kéo đá, đập lúa – (làm hạt thóc trên bông rơi ra)… 3 tháng vất vả chăm bón, giờ thu hoạch, người làng hồ hởi được bửa no nê, cơm mới thơm lừng… Hè qua, Thu đến rồi Đông cũng đi. Xuân tới: Làng tôi mở hội.
Ở cái tuổi viết bút ‘’mỏ sẻ’’, chấm mực tím - không gì vui, hạnh phúc bằng được dự hội làng. Đông người dự lắm. Người trong làng đi dự đông đã đành, người các làng bên cũng đổ đến xem… đường đầy Trai thanh – Gái lịch. Nhưng đông nhất vẫn là bọn trẻ . Hội làng chính là nơi ’’chen chúc bao nàng ngây thơ’’. Tôi là một trong số những ’’Chàng, Nàng’’ - ngây thơ đó.
Lớn lên, tôi ra ’’kinh kì sáng chói’’  - học hành, làm việc.
Hàng năm, kì nghỉ, lại về Làng thăm ông bà, Thầy, U, họ hàng… Trên đường về lòng rạo rực. Chưa tới đầu Làng, từ xa, đã nhìn thấy hai cây gạo ở cổng chùa. Cây cao mấy chục mét, gốc to dăm ngừơi ôm. Tới cổng làng, nhìn hai cây đa cổ thụ quầng lá xum xuê,  trùm cả lên mái cổng. Bao cảm xúc rạt rào ập tới: Lòng tôi xốn xang…
Ngày nay dù ở nơi xa
Nhưng khi về đến cây Đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thóang cổng Làng trong tre. (2)
(Tiếng Sáo Diều)
Đọc bài thơ, người đọc như được kích thích trí tưởng tượng.
Cái cổng, cái Làng của cụ Bàng Bá Lân không còn là của riêng cụ, của làng cụ, mà đã trở thành cổng - làng của tôi, của bạn, mặc dù chúng ta không hề biết Cụ quê ở đâu. Cổng, Làng  đã trở thành của cả các làng quê Việt Nam. Thi sĩ Hoàng Cầm có lần đã nói đại ý: Thơ hay, trước hết phải tạo cảm xúc, kích thich được trí tưởng tượng của người đọc. Cổng làng đã đạt tới cảnh giới đó!

30.06.2007
LXQ

(1) Bản in trong Thi Nhân Việt Nam, xuất bản năm 1942: …gió hiu hiu ’’Đẩy’’. Các bản in sau, từ ‘’Đẩy’’ được thay bằng ‘’Thổi’’. Có lẽ sau khi đăng tải, tác gỉa sửa lại khiến từ đúng nghĩa và hay hơn.
(2) Một tờ báo Văn học ở Hoa Kì - đăng lại Cổng Làng, đối chiếu với bản in năm 1942 trong Thi Nhân Việt Nam, bản của tờ báo kia không có 4 câu kết trên đây…
Bài viết Lê Xuân Quang/ Tác giả gửi bài
nnb vi t
ính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét