Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Số Đỏ và tầm vóc Vũ Trọng Phụng




Số Đỏ và tầm vóc Vũ Trọng Phụng
Nguyễn Trọng Bình

1. Vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn của Vũ Trọng Phụng, trong khi bàn về những đóng góp của ông đối với nền văn học nước nhà có không ít người đặt ra vấn đề: “giá như Vũ Trọng Phụng còn sống đến bây giờ?” [1].
Tôi hiểu rằng, khi nói như vậy, những người này một mặt khẳng định Vũ Trọng Phụng là một thiên tài văn chương. Mặt khác, họ cho rằng, xã hội ngày nay có nhiều mảng hiện thực còn khốc liệt hơn rất nhiều nếu so với xã hội thời Vũ Trọng Phụng sống nhưng đáng tiếc là không có nhà văn nào đủ tầm để “phản ánh” được như ông.
Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng cách đặt vấn đề này có gì đó không được ổn cho lắm. Bởi lẽ, những cách nói như thế này vô tình đã đồng nhất cái hiện thực trong tác phẩm văn học với cái hiện thực ngoài cuộc đời. Vẫn lại là cách tư duy, cách đánh giá, cách “nội soi” giá trị tác phẩm văn học bằng cái “công thức” rất sai lầm – cái công thức vốn đã làm cho Vũ Trọng Phụng (và nhiều văn nghệ sĩ khác ở xứ sở này) phải bao phen “lên bờ, xuống ruộng”.
Ở đây, tôi không có ý bàn về vấn đề mà một thời các “chuyên gia lý luận” nước nhà đã tranh luận với nhau – vấn đề “văn học phản ánh hiện thực”. Tuy nhiên, theo tôi những ai cho rằng  tác phẩm của Vũ Trọng Phụng giống như “tấm gương phản chiếu xã hội” [2] là không hiểu gì về Vũ Trọng Phụng, là chưa nhìn thấy hết “tầm vóc” lớn lao của ông.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, thực ra vấn đề “phản ánh hiện thực” (“tấm gương phản chiếu”) trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng chỉ là cái phần phụ - cái phần nổi của “tảng băng trôi” mà thôi. Tầm vóc của Vũ Trọng Phụng thực ra không phải ở chỗ đã “phản ánh chân thực” xã hội Việt Nam đương thời mà ở chỗ ông đã khái quát hóa nó bằng cách sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật (thế giới hiện thực, thế giới nhân vật...) của riêng ông với tư cách là một nhà văn – một nghệ sĩ nhằm tiến thêm một bước là “lý giải” những vấn đề liên quan đến con người và xã hội mà ông đang sống.
Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại theo thiển ý của tôi có hai người vượt qua tầm “phản ánh” vươn đến tầm “lý giải” là Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Nhờ thế mà hai ông mới trở nên bất hủ. Nếu Nam Cao đi từ cái (không gian) hiện thực có tính “vi mô” để lý giải xã hội và con người thì ngược lại Vũ Trọng Phụng xuất phát từ cái hiện thực có tính “vĩ mô”; nếu Nam Cao “đi từ bên trong để mở ra bên ngoài” thì Vũ Trọng Phụng “đi từ đi từ bên ngoài để hướng vào bên trong”; nếu Vũ Trọng Phụng là “cửa tử” thì Nam Cao là “cửa sinh”;... Hai ngòi bút này là sự bổ sung, bổ khuyết cho nhau để hoàn chỉnh một cách xuất sắc dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam những năm 1930-1945.
Có thể ai đó cho là cực đoan, nhưng với tôi, lịch sử văn học Việt Nam hiện đại đến thời điểm này nếu thiếu một trong hai cái tên Vũ Trọng Phụng hoặc Nam Cao thì đó là một khiếm khuyết không gì bù đắp nổi. 

2.Đọc lại Số đỏ mới thấy chàng trai Vũ Trọng Phụng khi đó mới ngoài hai mươi tuổi đã có những suy nghĩ và tư duy rất “ghê gớm” về con người và cuộc đời thông qua khối lượng tri thức và vốn sống thực tế rất đáng nể. Mở đầu Số đỏ, Vũ Trọng Phụng dự báo về cuộc đời của thằng Xuân Tóc Đỏ qua mấy câu thơ của ông thầy tướng số. Chi tiết này cho thấy, Vũ Trọng Phụng là người rất am tường về Kinh Dịch; nói cách khác Vũ Trọng Phụng rất am hiểu và tinh tường văn hóa phương Đông truyền thống.
Đến chương 19, đoạn Vũ Trọng Phụng để cho bác sĩ Trực Ngôn bàn về sự “hư hỏng” và thói dâm dục một cách “có khoa học” của người đàn bà đang độ tuổi “hồi xuân” (nhân vật bà Phó Đoan) mới biết Vũ Trọng Phụng cũng là “tay” cự phách trong việc tiếp thu tri thức và văn hóa phương Tây. Đây chỉ là hai ví dụ điển hình nhất cho thấy tài năng và tri thức của tuổi trẻ Vũ Trọng Phụng.
Không dừng lại ở đó, nghiền ngẫm lại Số đỏ
sẽ thấy ở Vũ Trọng Phụng là một cái nhìn phản tĩnh rất sâu sắc và“ghê gớm” về một vấn đề lớn – vấn đề mang tính phổ quát của nhân loại, đó là: sự “văn minh”, “tiến bộ” của con người trong xu hướng đô thị hóa ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào. Phải chăng, ngay những năm đầu của thế kỷ 20, qua Số đỏ Vũ Trọng Phụng đã bắt đầu hoài nghi những cái gọi là “văn minh”, “tiến bộ”, “hiện đại” cũng như con đường tiến lên “văn minh”, “tiến bộ”, “hiện đại” của tầng lớp thị dân ở các khu đô thị Việt Nam trong buổi giao thời?
Về phương diện đời sống vật chất, sự “văn minh”, “tiến bộ”, “hiện đại” của con người (nhờ thành tựu của khoa học kỹ thuật) là điều không ai phủ nhận. Nhưng nếu xét ở phương diện tình cảm, phương diện đời sống tinh thần, đời sống tâm hồn thì sao? Đô thị là nơi “khai sáng” cho con người hay là nơi làm cho con người ngày một trở nên “dã man”, trở nên “nhẫn tâm” thậm chí có nguy cơ đẩy con người đi đến chỗ diệt vong? Phải chăng môi trường đô thị chính là “thủ phạm” đã cản trở con đường tiến lên “văn minh” và “tiến bộ” thật sự của loài người; chính môi trường đô thị mới là nơi đã phản bội và làm băng hoại cái thiện tính, cái “thiên lương” của con người?
Thực tế ngày nay ít nhiều cũng đã cho thấy, nhân loại đang ngày một phát triển theo hướng “hiện đại” với tốc độ đô thị hóa chóng mặt; và con người luôn nghĩ rằng mình ngày một “văn minh” và “tiến bộ” hơn nhưng không hiểu sao họ lại có xu hướng tìm cách gây hấn; kích động; phát động chiến tranh để hủy diệt lẫn nhau? “Văn minh”, “tiến bộ”... sao người ta lại có khuynh hướng “loại diệt” hơn là “cộng sinh”? Và dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam thực ra, từ xưa đến nay giữa hai tính chất “cộng sinh” và “loại diệt” thì cái nào nổi trội hơn? Ngoài ra, cách thức và “con đường” mà người Việt “cộng sinh” hay “loại diệt” là gì? Cụ thể, qua Số đỏ chúng ta thấy con đường để Xuân Tóc Đỏ và những kẻ “cùng hội cùng thuyền” với hắn gia nhập vào thế giới “thượng lưu” thực chất là “cộng sinh” hay “loại diệt”...?
Từ đây có thể thấy, qua việc tái hiện “con đường thăng tiến” của Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ (từ một tên “ma cà bông” trở thành “vĩ nhân cứu quốc”), Vũ Trọng Phụng muốn cảnh báo một vấn đề mang tính sống còn của xã hội và con người Việt Nam trong buổi đầu chập chững gia nhập vào thế giới “văn minh”, “hiện đại” (những năm đầu thế kỷ 20) thậm chí là cho đến tận bây giờ. Cụ thể, Vũ Trọng Phụng muốn đề cập đến những hạn chế, những khiếm khuyết về chiều sâu“nội lực văn hóa” người Việt trong quá trình tiếp thu, đón nhận những làn gió văn hóa mới từ Âu châu đang ồ ạt thổi qua.
Một xã hội, một đất nước vì lý do nào đó để cho những loại người như Xuân Tóc Đỏ ngang nhiên và “hùng hồn” đứng lên diễn thuyết trước toàn thể quốc dân đồng bào về những vấn đề lớn lao như “cải cách xã hội”, “cải cách văn hóa” nhằm canh tân đất nước thì dù muốn dù không cũng cho thấy trong lòng xã hội ấy đang tiềm ẩn những bất ổn vô cùng nguy hiểm. Càng bất ổn và nguy hiểm hơn khi những kẻ vốn hiểu rõ bản chất thật của Xuân Tóc Đỏ nhưng vì “lợi ích nhóm” (như cách nói phổ biến của chúng ta hiện nay) chẳng kẻ nào dám vạch trần bộ mặt thật của Xuân ngược lại còn cổ xúy và tung hô, tô vẽ thêm cho hắn. Cho nên, “con thuyền văn hóa” của dân tộc vì lý do nào đó rơi vào tay những kẻ như Xuân Tóc Đỏ và đồng bọn của hắn lèo lái thì sớm hay muộn cũng gây ra thảm họa cho dân tộc, cho đất nước mà thôi.
Số đỏ
, vì thế theo suy nghĩ của cá nhân tôi không đơn giản chỉ là “phản ánh chân thực xã hội”; nhà văn không phải nhằm mục đích phơi bày những cảnh tượng nhố nhăng, giả dối của xã hội và con người VN đương thời mà quan trọng hơn ông muốn “lý giải” cái căn nguyên đã gây nên những vấn nạn ấy. Vấn đề này nhìn ở góc độ văn hóa – xã hội cũng giống cách nói của nhà thơ Tản Đà trước đây là: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. Đây mới thật sự là nguyên nhân sâu xa làm cho xã hội và con người Việt Nam rơi vào cảnh nhố nhăng, lộn xộn thậm chí băng hoại không chỉ ở những năm đầu thế kỷ 20 mà cho đến tận hôm nay.

3.
Cho nên, phải chăng ngay những năm đầu của thế kỷ 20 chúng ta có một nhà văn – nhà tư tưởng lớn mang tầm thời đại, tầm nhân loại mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa kịp hiểu và giải mã một cách thấu đáo?
Dĩ nhiên, đây chỉ là suy nghĩ, là cái nhìn của cá nhân tôi với mục đích góp tiếng để khẳng định giá trị và tầm vóc văn chương của Vũ Trọng Phụng mà thôi. Nhưng nếu ai đó không đồng tình và nhất định cho rằng nhiệm vụ của văn học là phải “phản ánh hiện thực” và tài năng của Vũ Trọng Phụng là ở chỗ đã “phản ánh” một cách “chân thật cái xã hội đương thời” đi chăng nữa thì cũng không nên đặt vấn đề “giá như Vũ Trọng Phụng sống lại...” làm gì?
Bởi lẽ, tôi chợt nghĩ, cái ước mơ (dẫu là không bao giờ có) này có khi nào là quá ích kỷ không? Có ác lắm không khi bắt Vũ Trọng Phụng phải “sống lại” và chứng kiến cái xã hội mà chính mỗi người trong chúng ta hiện nay ít nhiều đã góp phần làm cho nó trở nên khốc liệt và băng hoại?
Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi lo cho Vũ Trọng Phụng, tôi lo với “bút lực” của nhà tiểu thuyết theo khuynh hướng “tả chân” như ông liệu có được bình an, có được sự tự do mà tung hoành với cái bàn phím vi tính nhằm “phản ánh chân thật” cái xã hội của chúng ta hiện nay (như mong muốn của nhiều người hay không)? Trước đây, Vũ Trọng Phụng gọi là cái xã hội mà ông đang sống là cái xã hội “chó đểu”; còn bây giờ nếu “sống lại” thì ông sẽ gọi xã hội hiện nay là gì nếu biết rằng chỉ với mấy dòng “phản ánh hiện thực” trong “Cánh đồng bất tận” thôi mà Nguyễn Ngọc Tư cách đây mấy năm đã phải “lên bờ xuống ruộng” vì mấy ông quan chức địa phương?
Vì lẽ ấy mà tôi nghĩ rằng, xin hãy để nhà văn thiên tài của chúng ta được yên nghỉ, đừng bắt ông phải “sống” dậy chứng kiến cái hiện thực xã hội của chúng ta hiện nay cho thêm đau lòng; xin đừng mang cái quan niệm đã lỗi thời và rất sai lầm (đồng nhất hiện thực trong tác phẩm văn học với hiện thực ngoài xã hội) ra mà giăng bẫy các văn nghệ sĩ của chúng ta. Tội nghiệp cho họ lắm.

4.
Có nhiều lúc tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam câu nói “tài hoa nhưng bạc mệnh” là câu nói chỉ dành riêng cho nhà văn Vũ Trọng Phụng? Có thể nói, không nhà văn nào lại có cuộc đời linh ứng và “xứng đáng” hơn Vũ Trọng Phụng nếu vận vào câu nói kia. Thật kì lạ về một kiếp người; một sự tận hiến để phụng sự cho văn chương nghệ thuật, phụng sự cho cuộc đời của một nhà văn. Sẽ là dư thừa nếu phải nói lời ca tụng những đóng góp về văn học nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng đối với lịch sử văn học nước nhà. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không vinh danh ông như một nhà tư tưởng lớn trong việc cải cách xã hội bằng tất cả tinh lực, trí lực với tư cách của một nhà văn – một công dân. Và phải chăng đây mới là đóng góp lớn nhất của thiên tài văn chương Vũ Trọng Phụng?
Thật đáng kinh ngạc làm sao, một chàng trai chỉ với 27 tuổi đời, cưới vợ chỉ sau một năm rồi vĩnh viễn ra đi nhưng đã để lại cho đời những trang văn chứa đựng những tư tưởng lớn của thời đại và nhân loại. Đây chính là bằng chứng cho thấy sự hi sinh lớn lao của thiên tài Vũ Trọng Phụng: không màng và sẵn sàng vứt bỏ những ham muốn riêng tư của tuổi trẻ để một lòng phụng sự và tận hiến cho cuộc đời; một sự hi sinh lớn lao và bất khuất nhất của một nhà văn dành cho văn chương nghệ thuật nhằm thức tỉnh lương tri con người.
---------------------------------
Chú thích:

[1]; [2]: Mời xem thêm một số bài viết:
1. Vũ Trọng Phụng – người không hề xưa cũ, Tuần Việt Nam, 29/10/2012
2. Vũ Trọng Phụng, nếu ông sống lại? – Tuần Việt Nam, 31/10/2012
3. Còn nhiều Nghị Hách, Phó Đoan, – Tuần Việt Nam, 01/11/2012


Nguyễn Trọng Bình
BT/ qua eMail

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét