Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

THƠ LÝ-TRẦN MỘT KỲ QUAN RỰC RỠ


THƠ LÝ-TRẦN
MỘT KỲ QUAN RỰC RỠ
Vũ Bình Lục

Kể từ khi họ Đinh (Đinh Tiên Hoàng), dẹp loạn Mười hai sứ quân, lên ngôi Hoàng đế (Năm Mậu Thìn-968), kinh đô đặt tại Hoa Lư (Ninh Bình), đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, độc lập, thống nhất. Công việc bang giao với nhà Tống được thực hiện, bắt đầu vào năm Canh Ngọ 970.  Đinh Tiên Hoàng được một số danh thần như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp…ra sức giúp rập. Cơ nghiệp dường như đang được củng cố, dần ổn định, thì bỗng dưng tai họa ập đến. Vua Đinh và Thái tử Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám sát. Đây là một vụ án cho đến nay vẫn còn để lại nhiều chỗ đáng ngờ. Nhiều câu chuyện bí ẩn còn đó, được che lấp bởi màn sương huyền ảo mà người đương thời tạo ra một cách tinh xảo, người đời nay cứ thế mà tiếp nối cái sự mù mờ lịch sử ấy. Đã đành rằng Lê Hoàn sau khi lên cầm quyền (980), đã tỏ ra là một vị vua xứng đáng, với chiến công đánh bại quân Tống xâm lược trên sông Bạch Đằng. Thế nhưng, những câu chuyện còn lẩn khuất xung quanh cái chết rõ như ban ngày, mà lại đầy bí ẩn của cha con Đinh Tiên Hoàng, đặt dấu chấm hết cho một triều đại đang lên, khiến thiên hạ không thể không nghi ngờ, rằng có bàn tay “đạo diễn” của Lê Hoàn hay không? Hoàng hậu Dương Vân Nga là một phụ nữ nhan sắc và đa tình. Đương thời cũng đã có chuyện đàm tiếu trong dân gian, rằng bà có quan hệ tư tình với Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Cái chết của cha con Đinh Tiên Hoàng, có liên can gì với Hoàng hậu hay không? Đỗ Thích giết vua và thái tử Đinh Liễn, chẳng qua hắn cũng chỉ là con tốt trong nước cờ đã được tính toán rất kỹ của một tập đoàn mưu lợi bí mật nào đó chăng? Sử sách xưa chê bà Vân Nga là người đàn bà kém về đức hạnh. Ngày nay, nhìn Hoàng hậu Vân Nga ở góc độ khác, rộng hơn hoặc hẹp hơn tùy ý, người ta biểu dương bà ở tinh thần vì nước mà hy sinh quyền lợi của Hoàng tộc nhà Đinh. Có hay không điều ấy, cũng không thể võ đoán mà kết luận được. Một vài nhà làm sân khấu còn vì biểu dương bà Vân Nga, mà đã vô tình hay hữu ý hạ thấp nhân phẩm của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, hay Phạm Hạp, những trung thần đáng nể của nhà Đinh, như thế chẳng phải là sai lầm quá hay sao? Làm méo mó lịch sử như thế, chẳng phải là đã vô tình mà  đắc tội với tiền nhân đấy sao?
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, có một bộ phận văn học do nhân dân sáng tạo dưới hình thức truyền miệng, thì vẫn bất chấp sự hưng phế thăng trầm của lịch sử, vẫn không ngừng phát triển, gọi là văn học dân gian. Văn học chính thống, thường gọi là văn học viết, hay văn học thành văn ở thời nhà Đinh có diện mạo như thế nào, cho đến ngày nay, cũng vẫn không thể đánh giá đầy đủ được. Chỉ biết rằng, những cái còn lại là quá ít ỏi. Thứ nhất là bởi triều Đinh quá ngắn ngủi, chỉ tồn tại 12 năm. Thứ hai là do binh lửa chiến tranh, cùng với sự lạc hậu về khả năng tự vệ, nên những di cảo của người xưa chẳng còn được bao nhiêu. Thật đáng tiếc! Đến Tiền Lê (Lê Hoàn), cũng nằm trong tình trạng ấy.
Lê Hoàn mất, các con ông tranh quyền đoạt lợi, giết hại lẫn nhau, tự gây ra cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt. Lý Công Uẩn là người tài đức, được các quan và các nhà sư tôn lên làm vua. Triều Lý bắt đầu từ đó (Năm 1009). Thực ra, các tài liệu dã sử gần đây cho thấy rằng, sự thay thế triều Tiền Lê, hoàn toàn là kịch bản của một nhà sư rất có danh vọng, đồng thời là vị Tổng đạo diễn thông tuệ, đầy tài năng. Đó chính là Thiền Sư Lý Vạn Hạnh (Từ đời Trần, vì kiêng húy Trần Lý, đã đổi sang họ Nguyễn). Hóa ra, những câu sấm truyền, những bài đồng dao được truyền tụng trong dân gian, đều là do Vạn Hạnh sắp đặt cả. Chỉ là mượn màu sắc huyền bí để phủ lên một kế hoạch rất chi tiết và hoàn hảo đến mức tuyệt vời. Lý Công Uẩn không phải từ trên trời rơi xuống. Ông là con của ai? Có phải là con Lý Vạn Hạnh đấy không? Dẫu sao, đó cũng là một sự may mắn cho dân tộc, thay thế một triều đại đã suy tàn, lại tránh được một cuộc đổ máu không cần thiết. Triều Lý mở ra một thời kỳ lịch sử phát triển rực rỡ của nước nhà, bắt đầu bằng cuộc thiên đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi là Thăng Long, năm 1010 . Với sự nghiệp huy hoàng của mình, triều Lý đã lập nên những võ công và văn trị rực rỡ, phá Tống, bình Chiêm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên cương Đại Việt, nhân dân no ấm yên vui.
Tuy nhiên, văn chương thời Lý còn lại đến ngày nay thì lại vô cùng khiêm tốn. Riêng về thơ, chủ yếu là những bài kệ của các nhà sư, cũng xếp vào thể loại thơ cả. Thời Lý, Phật giáo thịnh vượng chưa từng thấy. Các nhà sư thường có học vấn cao sâu. Đó chính là những trí thức hàng đầu, nên thường được mời làm cố vấn chính sự cho các vị vua. Thơ Thiền thời kỳ này, thường được thể hiện trên hình thức các bài kệ, ngắn gọn, súc tích, chủ yếu để chuyển tải tư tưởng triết học Phật giáo. Riêng bài thơ tứ tuyệt hay nhất của thời Lý, Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam), được truyền tụng là của Lý Thường Kiệt, nhưng cũng chưa hoàn toàn chắc chắn. Một triều đại huy hoàng hơn hai trăm năm, chả lẽ thơ ca của nền văn học thành văn lại ít ỏi thế thôi ư? Vì sao vậy? Thứ nhất là vì thời Lý Nho giáo chưa thực sự chiếm địa vị đáng kể. Phật giáo là Quốc giáo. Thứ hai là bọn xâm lược phương Bắc tràn sang bao phen, tàn phá điêu tàn tất cả. Nhất là dưới ách đô hộ của giặc Minh, chúng chủ trương triệt tiêu nền văn hóa của ta, âm mưu đồng hóa giống nòi ta, tội ác không sao kể xiết. Những thư tịch của cha ông ta đều bị chúng triệt để tiêu hủy, bảo rằng còn sót lại chừng ấy thôi, cũng còn là may mắn lắm rồi. Ấy là chưa kể những nguyên nhân khác, cũng góp phần gặm nhấm những di cảo thơ văn của người xưa để lại, sao khỏi bùi ngùi?
Bởi thế nên, mọi nhận xét về văn học thành văn thời Lý, đều không thể là đầy đủ và chính xác, hoặc giả chỉ là phiến diện, vì không thể đánh giá cái mà chúng ta còn mơ hồ. Diện mạo văn học đời Lý nói chung, về thơ nói riêng, do đó, không thể hình dung rõ nét được. Mà cũng không tương xứng với lịch sử dài hơn hai trăm năm của triều Lý.
Nhà Lý thịnh vượng rồi suy tàn, khởi đầu từ triều vua Lý Cao Tông (1176-1210). Phật giáo cuối đời Lý dần suy thoái, mất dần vị thế, thậm chí bị lợi dụng. Xem lời tâu của Thái úy Đàm Dĩ Mông về hiện tình Phật giáo, mới thấy rõ tình trạng suy thoái của Phật giáo lúc bấy giờ. Chúng tôi chép nguyên bản lời tâu ấy, làm cơ sở để lý giải căn nguyên. “Hiện nay ở  (trong nước), số sư sãi đã gần ngang với số phu dịch. Bọn họ tự kết bè lũ, lập càn thủ lĩnh, tụ họp thành bầy, làm nhiều việc xấu. Hoặc ở nơi giới trường, tịnh xá mà công nhiên rượu thịt ; hoặc ở chốn tăng phòng. Tịnh viện, mà riêng tự gian dâm. Ngày ẩn tối ra, như phường cáo chuột. Chúng làm bại hoại phong tục, phương hại giáo lý, dần dần đã thành thói quen. Nay không cấm đi, lâu ngày càng tệ”! Sách Việt sử lược cho hay, lời tâu trên được vua chuẩn y, cho Thái úy Đàm Dĩ Mông triệu tập tăng đồ, giữ lại một số có danh tiếng, còn lại thì bắt hoàn tục. Thái úy Đàm Dĩ Mông chính là nhân vật có vai trò mở đầu cho cuộc cạnh tranh giữa Phật giáo và Nho giáo. Nhà Lý suy tàn, tạo cơ hội cho một thế lực mới trỗi dậy. Mở đầu là vai trò đặt nền móng của Trần Tự Khánh, rồi tiếp đấy là Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ tiến hành một cuộc đảo chính ngọt ngào, giành chính quyền về tay nhà Trần, bắt đầu từ Trần Cảnh, lên ngôi năm 1226. Nhà Trần giành được chính quyền từ nhà Lý, thực ra, cũng là một sự biến đổi theo quy luật vận động khách quan. Triều đại nào rồi cũng hết thịnh đến suy. Sự thay thế cái mới là một tất yếu, không thể khác. Nếu không có Trần Thủ Độ, tất không có triều đại nhà Trần. Mặc dù còn có những ý kiến đánh giá về Trần Thủ Độ, yêu ghét khác nhau, nhưng sự thật càng ngày càng sáng tỏ. Trần Thủ Độ, trước hết, là một vị anh hùng dân tộc, một nhà chính trị kiệt xuất, một vị đại quan đầu triều nhân cách lớn, trong sáng, chí công vô tư. Thử hỏi, trong hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, mấy ai được như ông? Chỉ với một câu nói mãi mãi đi vào lịch sử: “Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo!”, trước sức mạnh như vũ bão của quân Nguyên Mông, cũng đủ thấy ông là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược bản lĩnh thế nào? Vai trò Nguyên soái Tổng tư lệnh của Trần Thủ Độ trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1255), tỏ rõ tài năng quân sự của ông xuất sắc như thế nào. Không có Trần Thủ Độ chèo lái con thuyền đất nước, làm sao có cơ nghiệp vĩ đại của nhà Trần? Làm sao dân tộc Đại Việt có đủ sức mạnh ý chí đánh thắng giặc Nguyên Mông cuồng bạo lúc bấy giờ? Đấy chẳng phải là cái duyên của lịch sử đấy ư? Vai trò đặt nền móng cho triều đại nhà Trần gần hai trăm năm của Thái sư Trần Thủ Độ, cho dù là đứng về phía nào mà phê phán ông chăng nữa, cũng không thể làm lu mờ được vị thế của ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thơ văn thời Lý-Trần, đã được sưu tầm, nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau, từ quy mô Nhà nước, đến các công trình nhỏ lẻ của các cá nhân, ở những góc nhìn khác nhau, phạm vi tìm hiểu cũng khác nhau. Riêng với thơ, khi viết cuốn THƠ LÝ-TRẦN (Tinh tuyển, dịch thơ và bình giải), chúng tôi đã tham khảo các sách Thơ-Văn Lý-Trần, Nxb Khoa học xã hội-Hà Nội, năm 1978, cuốn Tuyển dịch thơ đời Lý Trần, Nxb Lao động, năm 2010, của cụ Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ X-XVII, Nxb Văn hóa, năm 1962, bộ Đại Việt sử ký toàn thư và một số tài liệu bổ sung khác. Trong quá trình tuyển chọn tác phẩm, dịch thơ và viết lời bình giải, chúng tôi có vài cảm nhận sau:

I. Thơ đời Lý hầu như chủ yếu là thơ Thiền. Các tác giả, đồng thời cũng là những Thiền sư. Có người làm vua, làm Hoàng Hậu. Có người làm quan, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, rồi bỏ quan đi tu. Trong số 25 tác giả được giới thiệu trong sách này, chủ yếu là những nhà tu hành từ khi còn trẻ tuổi. Hầu hết họ là những người có học vấn sâu rộng, tinh thông Phật pháp. Một số vị được các vị vua mời về kinh, để vua được gần gũi, tham vấn các vấn đề chính sự. Cũng có người được mời, nhưng lại không muốn về. Có một số người làm quan, đến chức Thượng thư, như Đoàn văn Khâm, không tu hành, nhưng cũng có tình cảm rất sâu nặng với các Thiền sư. Riêng có một tác giả chưa biết tên (Khuyết danh), có một bài thơ được người nghe ghi lại, thể hiện tâm trạng bi quan yếm thế. Đó cũng chính là bài thơ trữ tình vào loại hay, ghi lại tâm trạng của một người không biết mặt biết tên, nhưng lại có giá trị như là một dấu ấn quan trọng về thời kỳ suy thoái của triều đại nhà Lý. Chỉ thế thôi! Phần còn lại thì như trên đã nói, còn lãng đãng trong mơ hồ sương khói.


II. Riêng về thơ đời Trần, có thể thấy rõ hai phần khác nhau về âm hưởng, tương ứng với hai thời kỳ, tạm gọi là thời Thịnh TrầnVãn Trần, ví như thời Lê Sơ và Lê Mạt ở đời Hậu Lê sau này. Thời Thịnh Trần, có thể dừng lại ở triều vua Trần Anh Tông (1276-1320). Đời vua Trần Minh Tông tiếp đó (1300-1357), xem như một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thời kỳ. Trần Minh Tông có một bài thơ viết về sông Bạch Đằng rất đặc sắc, tiếp nối được hào khí Đông A, đó là bài thơ Bạch Đằng Giang, thể thất ngôn bát cú luật Đường. Thơ của một số đại quan như Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, cũng có một số bài tiếp nối được hào khí của thời Thịnh Trần, thể hiện niềm tự hào về một quá khứ hào hùng của dân tộc. Cuối đời Hồ, các quý tộc tôn thất nhà Trần lại trỗi dậy chống quân xâm lược nhà Minh. Trần Ngỗi (Giản Đinh Đế) dương cao ngọn cờ chống Minh, khôi phục nhà Trần, nhưng vì tài đức kém cỏi, vận nước đã suy, cuối cùng thất bại. Sau nữa là Trần Quý Khoáng (Trùng Quang Đế), cũng chả hơn gì. Một số tác giả như Lê Cảnh Tuân, Đặng Dung, cũng có một vài bài thơ cảm hoài, thể hiện nỗi phẫn uất của anh hùng thất thế. Thơ Trần Lâu, rồi Vũ Mộng Nguyên (Sau đổi là Nguyễn Mộng Tuân), cũng viết về Hàm Tử Quan, như một niềm tự hào về quá khứ oai hùng của dân tộc. Có thể xem những sáng tác ấy, như những dư ba của hào khí một thời vang bóng.

III. Thời Thịnh Trần, như trên đã nói, âm hưởng chủ đạo là sự thể hiện hào khí anh hùng bất khuất của dân tộc Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của quý tộc nhà Trần, với ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông cực kỳ hùng mạnh. Đó chính là một sự đối đầu lịch sử, giữa một bên là nhiệt tình yêu nước vô bờ bến, ý chí bất khuất của trăm họ Đại Việt, cùng với tài năng lãnh đạo và chỉ huy quân sự tuyệt vời của vua quan, tướng lĩnh triều Trần, với bên kia là một thế lực quân sự hùng mạnh và tinh nhuệ nhất thế giới lúc bấy giờ, đế quốc Nguyên Mông. Chính nghĩa, tài năng, và sự đoàn kết toàn dân, đã tạo ra một sức mạnh không kẻ thù nào đánh bại được, dù chúng là khổng lồ, là siêu đế quốc tham tàn chăng nữa! Trương Hán Siêu, môn khách của Trần Hưng Đạo, sau làm quan trải bốn năm triều vua Trần, đã tổng kết cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bằng mấy câu, có thể xem là chân lý:
Giặc tan, muôn thuở thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao!
(Bạch Đằng giang phú)
Cái đức cao ấy là gì vậy? Chẳng phải là chính nghĩa sáng ngời, là vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, là tướng sĩ một lòng phụ tử, là sức mạnh toàn dân, là tài năng lãnh đạo của quý tộc nhà Trần hay sao? Những tên tuổi sáng giá, lừng lẫy như các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, cùng với thiên tài quân sự của Trần Thủ Độ (Ở cuộc kháng chiến lần thứ nhất-1255), của Tiết chế Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn (Ở cuộc kháng chiến lần thứ Hai và thứ Ba-1285, 1288), của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Phiêu kỵ đại tướng quân Trần Khánh Dư…(Ở cuộc kháng chiến lần thứ 2 và 3). Những tướng lĩnh tài ba lỗi lạc, như Lê Tần, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Nguyễn Khoái, Trần Quốc Toản…và nhiều lắm những anh hùng dũng sĩ, vô danh và hữu danh, đã mãi mãi bất tử cùng non sông đất nước.
          Không chỉ có thế! Những vị vua anh minh ở thời Thịnh Trần, cùng các tướng lĩnh, từ Thống soái tối cao như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải...đến các tướng quân như Phạm Ngũ Lão, văn quan như Trương Hán Siêu…đều đồng thời là những tác giả. Văn như Trần Hưng Đạo, chỉ với bài Hịch tướng sĩ thôi, cũng đã đủ tạo nên một tượng đài kỳ vĩ, Thiên cổ hùng văn. Thơ như Thánh Tông, Nhân Tông, chỉ với những bài thơ còn lại, cũng đủ làm nên tên tuổi những tác gia lớn ở đời Trần. Đặc biệt là vua Trần Nhân Tông, với những câu thơ hào sảng: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Đất nước hai phen chồn ngựa đá / Non sông nghìn thuở vững âu vàng), rồi như Cối Kê cựu sự quân tu ký / Hoan Diễn do tồn thập vạn binh (Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ / Hoan Diễn ta còn chục vạn quân) ; hoặc như : Người lính già đầu bạc / Kể mãi chuyện Nguyên Phong (Bạch đầu quân sĩ tại / Vãng vãng thuyết Nguyên Phong)…thì sẽ còn mãi với núi sông. Ấy là chưa kể những tác phẩm Trần Nhân Tông viết ở Yên Tử, khi ông đã là Phật Hoàng, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông là một trong những tác gia lớn nhất đời Trần, một vị vua anh hùng, một nhà văn hóa lớn tầm cỡ nhân loại. Ở phạm vi tập sách này, chúng tôi chọn bình giải và dịch 8 bài thơ của ông, thực ra cũng chưa thể phản ánh được bao nhiêu.
          Ở thời Thịnh Trần, hào khí Đông A là âm hưởng chủ đạo. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc của thời bình, các thi nhân, dù là vua hay là quan, cũng có những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của quê hương nước Việt, thể hiện tình yêu đất nước đắm say, đồng thời, ca ngợi cuộc sống thái bình thịnh trị. Những bài thơ của Thánh Tông viết về Phủ An Bang, về Phủ Thiên Trường, về cảnh chiều tà bên ngoài kinh thành Thăng Long…, đều là những bài thơ đặc sắc. Trong quan hệ giữa người với người, Trần Thánh Tông còn có bài thơ Viếng Thiếu sư Trần Trọng Trưng, một vị đại quan trung thành của nhà Tống, khi mất nước phải chạy sang nương nhờ Đại Việt, rồi chết ở nước ta, rất chân thành và cảm động, thể hiện rất rõ tinh thần nhân văn đẹp đẽ và tâm hồn bao dung rộng mở của người Việt ta, rất đáng đọc. Vua Trần Nhân Tông, ngoài những bài thơ thể hiện tinh thần hào sảng như đã nói ở trên kia, ông còn có những bài thơ rất trữ tình, viết về cảnh thiên nhiên ở nông thôn, nhất là vùng Thiên Trường, trong đó, đặc sắc nhất là bài Thiên Trường vãn vọng (Ngắm cảnh trời chiều ở Thiên Trường): Thôn trước thôn sau mờ khói nhạt / Nắng chiều dường có lại như không / Tiếng tiêu thánh thót trâu về xóm / Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Ta cũng từng biết, Trần Quang Khải là Thái sư đầu triều, lại là Thượng tướng (Hàm cao nhất của võ quan thời bấy giờ) khi cầm quân, có bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Hộ giá về kinh) nổi tiếng, phơi phới niềm tự hào chiến thắng và tự hào dân tộc. Nhưng không chỉ có thế! Trần Quang khải còn có một số bài thơ trữ tình đặc sắc, viết ở giai đoạn khi ông đã ở tuổi trên dưới năm mươi. “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Hình như ông đã linh cảm được mệnh trời. Các bài Lưu Gia độ, Phúc Hưng viên, đặc biệt là bài Xuân cảm (gồm hai bài thất ngôn bát cú luật Đường), thực sự là những bài thơ không chê vào đâu được. Nghệ thuật tinh vi, tầm tư tưởng lớn, cảm xúc chân thành, thật đáng kể là những áng thơ có thể truyền mãi muôn đời. Tôi cho rằng, chỉ cần mấy bài thơ trữ tình cuối đời, Trần Quang Khải cũng đủ xứng đáng là nhà thơ trữ tình vào hàng đầu của thơ thời LÝ-TRẦN.
Trương Hán Siêu, một trong những tác gia lớn ở thời Trần. Sau chiến thắng chống Nguyên Mông xâm lược khoảng 50 năm, trở lại thăm sông Bạch Đằng lịch sử, ông đã sáng tác một bài phú, được đánh giá là áng “Thiên cổ hùng văn”, một kiệt tác văn chương hiếm có. Đó là bài Bạch Đằng giang phú. Là người đương thời, nên cảm xúc trong bài phú là tươi ròng, còn nguyên vẹn sự hào sảng và nhiệt tình yêu nước, tự hào dân tộc. Tác phẩm đã đạt đến tột đỉnh của sự thăng hoa nghệ sĩ, nếu xét riêng về thể loại Phú, thì là vô tiền khoáng hậu. Sau kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, Trương Hán Siêu lại làm quan, trải qua bốn năm triều vua nữa. Thời thế dần đổi khác, con người cũng đổi khác dần đi, theo chiều hướng thoái trào. Cũng như nhiều nhà Nho khác, Trương Hán Siêu lại có những sáng tác thể hiện những suy tư trăn trở của mình, trước thế sự nhiều bề rối rắm, trước lẽ “hành tàng”. Tuy nhiên, ông cũng sáng tác một số bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước tươi đẹp. Đó chính là chùm thơ Cúc hoa bách vịnh, gửi gắm nhiều tâm tư thầm kín của mình.
Phạm Ngũ Lão, chỉ còn lại có hai bài thơ thôi, ở hai thời kỳ khác nhau, âm hưởng cũng hoàn toàn khác nhau như thế. Nếu như bài Thuật hoài ở thời kỳ trai trẻ, tráng chí ngút trời, Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu / Ba quân tì hổ khí thôn ngưu / Nam nhi vị liễu công danh trái / Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu , thì trước sự ra đi mãi mãi của Đại Vương Trần Hưng Đạo, mấy chục năm sau, ông lại có bài thơ khóc thương người anh hùng dân tộc vĩ đại, rất thống thiết. Như vậy, có thể nhận thấy một điểm nổi bật, chung nhất, là ở thời Thịnh Trần, cảm hứng trữ tình công dân và cảm hứng trữ tình bản thể bao giờ cũng là hai mặt đối lập mà thống nhất. Đối lập và thống nhất trong cùng một chủ thể nhân vật lịch sử riêng biệt, và cả với tư cách nhân vật trữ tình văn học, như là một sự điều hòa Âm-Dương trong một tiểu vũ trụ vậy. Với thơ thời Thịnh Trần, thì đó chính là một sự hòa điệu đã đạt đến tiêu chí của sự cao siêu, hơn bất cứ triều đại nào khác trong lịch sử dân tộc.

IV. Thơ thời Vãn Trần, nhìn toàn cảnh là âm điệu trữ tình bản thể. Không thể khác, bởi vì văn học nghệ thuật nói chung đều là sản phẩm tinh thần của thời đại. Dưới triều vua Trần Minh Tông trị vì, dưới trướng nhà vua rất nhiều những tài danh lỗi lạc, như Trương Hán Siêu, Trần Quang Triều, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Mại, Phạm Ngộ…Nhưng khi Minh Tông qua đời, các con các cháu của ông nối tiếp nhau cai trị, quản lý thiên hạ, thì đất nước dần dần bước vào giai đoạn suy thoái, và đặc biệt suy tàn từ đời vua Trần Dụ Tông. Các danh thần lương tướng không có chỗ trông mong, thi thố hết tài năng, nhiều người bỏ quan về ẩn ở nơi thanh vắng, hoặc vui thú điền viên. Hoàng tộc thì thất vọng, chán nản. Làm đến chức Tư Đồ như Trần Quang Triều, Trần Nguyên Đán, cũng đều bỏ quan về. Nhân dân đói khổ, điêu linh. Vua chẳng ra vua. Trần Nghệ Tông làm vua chỉ có 3 năm, rồi làm Thượng hoàng những 27 năm nữa, càng già càng lú lẫn, mắc những sai lầm nghiêm trọng, rồi bị Hồ Quý Ly dắt mũi vào chỗ tự diệt vong. Thời ấy, gian thần nổi lên như ong, làm nghiêng ngửa xã tắc. Hồ Quý Ly lợi dụng cơ hội này, ra sức bày mưu tính kế, cướp ngôi nhà Trần, giết hại rất nhiều tôn thất và quan lại có ý bất bình, chống đối. Sự thay thế một triều đại đã suy tàn, là điều không thể tránh khỏi, nhưng tàn bạo xấu xa, khiến trăm họ đau lòng, là điều không ai có thể bào chữa được.

Nội dung thơ thời Vãn Trần, biểu hiện ở một số điểm cơ bản sau đây:
IV.1: Tâm trạng buồn chán, thất vọng trước tình trạng triều chính rối ren, nhiễu loạn. Người đứng đầu triều đình là vua, một là nhu nhược như Trần Nghệ Tông, hai là ngu hèn, ăn chơi phá phách, như Trần Dụ Tông. Bọn gian thần thừa cơ khuynh loát triều đình, khiến trăm họ lầm than điêu đứng. Hoàng thất tài giỏi và nhiều uy vọng như Trần Quang Triều, cũng đành bất lực, bó tay. Tâm sự của Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (1286-1325), thể hiện rất rõ ở hai bài thơ còn lại của ông. Buồn thảm nhất là bài thơ Trần Quang Triều viết khi uống rượu một mình trên một con thuyền (Chu trung độc chước) lênh đênh ở nơi chân trời góc biển nào đó, có thể là vùng biển Đông Bắc, Quảng Ninh bây giờ chẳng hạn. Ông than thở về nhân tình thế thái, lại thêm tin tức gia đình vắng bặt, không làm sao biết được. Kết luận bài thơ, tác giả viết:
Chuyện ấm ức chất chồng trong dạ,
Mượn chén rượu dội sạch nỗi niềm.
(Kỷ đa khối lỗi hung trung sự,
Thả hướng tôn tiền thí nhất kiêu).

Quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390), cũng chả khác gì. Biết sức mình không thể xoay chuyển được tình thế nhằm cứu vãn nhà Trần, ông cáo quan về hưu, làm nhà trong núi Chí Linh ở ẩn. Thơ Trần Nguyên Đán thể hiện sâu sắc nỗi niềm của một vị quan thuộc Hoàng thất, nhưng chán nản, bất lực trước việc đời.
          Sáu mươi  năm sống trong cõi trần ai,
          Ngoảnh lại thấy thẹn với người đội mũ vàng.
Ông than thở về cuộc sống khổ cực của người dân, về cảnh thiên tai lũ lụt, mất mùa liên miên, khiến trăm họ lầm than:
          Đọc hết ba vạn quyển sách thành vô dụng,
          Bạc đầu càng thấy mình phụ lòng dân.
Đấy chính là những suy tư trăn trở của nhà Nho có ý thức, còn biết đến liêm sỉ. Ông xót xa trước cảnh đất nước điêu linh, vương triều đổ nát, mà trong đó ông cũng phải có trách nhiệm tự phê phán chính mình:
          Vận nước loạn, dân sinh như cá trong vạc dầu sôi,
Đất Yên phương bắc, đất Biện Phương đông hoang tàn ra gò đống.
Bất lực, đau xót, buồn thương đau đớn, chính là nét chủ đạo trong thơ Trần Quang Triều và Trần Nguyên Đán.
         
IV.2: Hoàng thân quốc thích thì như thế, còn quan lại thì sao? Đương nhiên, một triều đại đang hồi nhiễu loạn suy thoái như thế, kẻ sĩ có tâm huyết với đời, với dân với nước, cũng không thể không đau lòng, thất vọng. Người phải kể đến đầu tiên, không phải là Chu Văn An (?-1370), thì còn ai nữa? Một nhà giáo tài đức nổi tiếng đương thời, từng là thầy của những đại quan như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, lại từng là thầy của vua, được Trần Minh Tông mời ra giữ chức Quốc Tử Giám tư nghiệp. Nhưng đến Trần Dụ Tông, triều chính suy vi, vua chả ra vua, tham quan nhiễu nhương không chịu được, ông dâng “Thất trảm sớ”, yêu cầu chém 7 tên lộng thần. Vua Dụ Tông không nghe, ông bỏ quan về thẳng. Tiều Ẩn Chu An về ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh, đọc sách, cam phận sống thanh bạch. Thơ Chu Văn An rất đặc sắc về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tả cảnh, lại rất nhiều tâm trạng. Sau vụ Dương Nhật Lễ, Chu An từ núi Phượng Hoàng, chống gậy về Thăng Long mừng nhà Trần dẹp yên loạn lạc. Trần Nghệ Tông mời ông làm quan, nhưng ông từ chối, rồi lại về Chí Linh, chống gậy thăm thú danh lam thắng cảnh núi sông, nhưng trong lòng vẫn ôm nỗi buồn sâu thẳm.
          Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) là một tác gia lớn ở đời Trần. Thơ ông viết về thành cổ Hoa Lư, về cửa biển Thần Phù, thể hiện nỗi niềm hoài cổ và tình yêu đất nước, tha thiết và đẹp lộng lẫy. Riêng bài Thần Đầu hải cảng dạ bạc, nghệ thuật thơ không thua gì bài thơ Thần Phù Hải khẩu của Nguyễn Trãi, cũng viết về địa danh này. Nguyễn Trung Ngạn còn có chùm thơ viết khi đi sứ, cũng rất hay. Có bài đặc sắc mà giản dị, như bài Quy hứng (Hứng trở về). Dâu già lá rụng, tằm vừa chín / Lúa sớm bông thơm cua béo ghê / Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt / Giang Nam tuy sướng, chẳng bằng về! Chùm thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn, cho ta hình dung thấy những chặng đường sang Tàu của ông, qua những địa danh nổi tiếng ở xứ người, đồng thời cũng thấy rõ tâm trạng của một người xa xứ. Có náo nức, có vui có buồn, còn có cả ý chí của một vị quan mang quốc thể Đại Việt nơi ngoại bang, rất nhiều cung bậc. Khi vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng đi tu, có rủ Nguyễn Trung Ngạn cùng đi, nhưng ông từ chối. Ông là một nhà Nho kiên trì hành đạo đến cuối đời, rồi mất ở tuổi ngoài tám chục.
          Phạm Sư Mạnh cũng là một tài năng lớn ở giai đoạn này. Ông là một vị quan được vua tin dùng, giữ nhiều trọng trách, Tổng binh, rồi Hữu Bộc xạ, Đại hành khiển…Qua thơ, thấy ông là một vị đại quan cần mẫn với trọng trách. Ông đi sứ sang Tàu, rồi đi tuần tra hầu hết các vùng biên cương phía bắc, gian khổ nhiều, nhưng bao giờ cũng tận tụy. Thơ Phạm Sư Mạnh có một số bài phần kết hơi đuối, chúng tôi đã phân tích kỹ điểm này ở một số bài. Đôi khi ông quá trung thành, mẫn cán, lại đôi khi ca ngợi vua hơi quá lời, trong khi triều đại mà ông phụng sự, các vị vua thường tỏ ra kém cỏi, nhất là Nghệ Tông và hèn kém phá bĩnh như Trần Dụ Tông. Ngoại trừ phần thơ ấy ra, thì những bài thơ viết về vùng biên cương Tổ quốc, rồi những danh lam hùng vĩ của đất nước, thấy ông như một con người khác, một thi sĩ rất tài hoa. Âm hưởng chung của những bài thơ ấy của Phạm Sư Mạnh là âm hưởng tự hào, về đất nước quê hương và cũng có những câu thơ vào loại đặc sắc, ví như hai câu kết của bài thơ Đề tháp Báo Thiên: “Ta tới đây muốn dầm ngọn bút đề thơ nơi danh thắng / Giữ cả dòng sông xuân làm nghiên mực!”
          Như trên đã nói, Trần Quang Triều cáo quan về, khi ông mới ngoài ba chục tuổi. Một số quan lại từng là thuộc hạ dưới trướng của Quang Triều sau đó, kẻ sớm người muộn, cũng cáo quan về, như Chu Hà, Nguyễn Tử Thành, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức. Có người làm quan Ngự sử liêm khiết, tính tình cương trực thẳng thắn, nhưng bị gian thần dèm pha, bị cách chức oan uổng, như Phạm Ngộ (Ông này không tham gia Thi xã Bích Động mà theo vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành)…Họ sống tự do ngoài vòng cương tỏa, thành lập Thi xã Bích Động, ở Đông Triều, do Trần Quang Triều làm Chủ soái. Đó chính là Hội tao đàn đầu tiên ở nước ta vậy! Trong số những tác giả, những ngôi sao sáng của thi đàn xoay quanh Bích Động, mỗi người mỗi vẻ, nhưng tiêu biểu phải kể đến Nguyễn Ức. Chúng tôi nhận thấy đây là một tác gia rất đáng nể, nên đã chọn giới thiệu tác giả này tới 15 bài, trong số các bài thơ còn lại của ông. Về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, nhóm thơ này không khác nhau là mấy, nhưng Nguyễn Sưởng và Nguyễn Ức nổi bật hơn. Thơ Nguyễn Sưởng rất giàu giá trị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật tả cảnh để tả tình. Chất liệu thơ thì thi sĩ nào cũng có thể sử dụng, như mây gió trăng hoa chẳng hạn. Nhưng sử lý thi liệu một cách tinh vi trong tả cảnh, thì Nguyễn Sưởng là một trong những thi sĩ bậc thầy.
          V.1.  Nhìn chung các tác giả ở thời Vãn Trần giống nhau ở tư tưởng, chán ghét thời thế nhiễu nhương. Họ đều là những nhà Nho tài giỏi, muốn đem tài ra giúp vua giúp nước, nhưng “sinh bất phùng thời”. Tính cách của họ không thể hòa nhập được với thời cuộc. Họ muốn sống cuộc đời trong sạch, làm một vị quan thanh liêm. Không hòa nhập với thói đời ô trọc, họ đành bỏ quan về. Có người dứt khoát không hề luyến tiếc, nhưng cũng có người vì những lý do riêng, băn khoăn , trăn trở, nhưng cuối cùng thì cũng về cả. Nhân cách của những thi nhân thời Vãn Trần, đều là những nhân cách rất đáng nể trọng. Các thi nhân thời Vãn Trần, phần lớn chưa rõ tung tích, hoặc có mà còn mơ hồ. Lý do là vì họ sớm từ quan, sử sách ít hoặc không thấy ghi chép về họ. Họ lưu lạc, chìm đắm trong thôn cùng ngõ hẻm, hoặc nơi rừng sâu sông vắng, đi chẳng ai hay, mất không ai biết. Cũng không loại trừ khả năng tác phẩm và hành trạng của họ đã mục nát theo thời gian, hoặc bị giặc ngoại xâm tiêu hủy khi săn lùng những trí thức yêu nước như họ.
          .V.2.  Một điều thú vị, là khi tìm hiểu kỹ thơ thời Vãn Trần, nhất là những tác giả có quan hệ gần gũi với Trần Quang Triều, thấy họ viết về nhân vật này với những tình cảm chân thành, tâm phục khẩu phục. Hình ảnh Trần Quang Triều hiện lên trong thơ họ, như một nhân cách vĩ đại, một tài năng lớn, văn võ song toàn, chả kém gì Phó Duyệt đời Thương bên Tàu. Không phải ngẫu nhiên mà người đời tôn vinh Quang Triều đến thế. Khi còn làm quan ở triều đình, tiếng nói mạnh mẽ của Quang Triều, khiến bọn gian thần phải kinh hồn sợ hãi. Đại Việt sử ký toàn thư chép về Trần Quang Triều chỉ bằng những câu văn khô khốc, ví như: Ngày X tháng Y, Tư Đồ Quang Triều mất, thế thôi. Người đời sau, nếu không có thơ văn bổ khuyết vào, thì sao thấy được tầm vóc lớn lao của nhân vật lịch sử này?
          V.3. Nguyễn Phi Khanh là một tác gia nổi tiếng đương thời. Tác phẩm của ông còn lại, chỉ là những bài thơ viết khi ông chưa làm quan, đúng hơn là đỗ tiến sĩ, nhưng không được Trần Nghệ Tông cho làm quan. Sống ở quê, cùng với nông phu nghèo khó, nên Nguyễn Phi Khanh biết rất rõ nỗi khổ cùng quẫn của nhân dân. Thơ ông có bài thể hiện thái độ căm phẫn bọn tham quan ô lại, đau xót trước cảnh lầm than của dân đen. Bài thơ ông viết gửi quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, đồng thời là nhạc phụ của ông, kể rõ nỗi cùng quẫn của dân đen trong cảnh đại hạn, đói khát, mà chẳng biết kêu ai. Kêu trời, trời chả nghe thấy, vì trời ở cao tít mây xanh. Kêu vua, kêu quan, vua quan cũng chẳng thèm nghe. Nguyễn Phi Khanh viết: Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy / Đồng quê than vãn không biết trông cậy vào đâu / Non sông của Hậu Thổ đang nứt nẻ / Mưa móc của Hoàng Thiên hãy còn xa vời / Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt / Mỡ màng của dân đã cạn hết quá nửa …Chúng tôi dịch câu Lại tư võng cổ hồn đa kiệt / Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu sang thơ lục bát:  Tham quan liếm sạch sơn hà / Mỡ màu dân chỉ còn ba bốn phần, là bám sát vào nguyên tác đấy!
          V.4. Lê Cảnh Tuân, Đặng Dung, là những nhân vật lịch sử thời Hậu Trần. Đặng Dung chỉ còn một bài thơ duy nhất, nhưng đó là một bài thơ bất hủ, thể hiện rất chân thành nỗi xót xa uất hận của người anh hùng thất thế. Lê Cảnh Tuân cũng vậy. Mặc dù bị giặc Minh bắt đưa về Trung Quốc, chịu cảnh tù đày ở đất giặc, nhưng ý chí của ông thì vẫn sừng sững như núi cao. Thơ ông vừa hay, lại vừa có tư tưởng lớn, thể hiện nhân cách cao đẹp của kẻ sĩ, khi chẳng may rơi vài tay giặc, khi đất nước bị giặc Minh dày xéo. Lê Cảnh Tuân còn là một kẻ sĩ hành động, chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đặng Dung và Lê Cảnh Tuân chẳng những là những thi nhân tài hoa mà còn là những tấm gương lẫm liệt, được người đời tôn vinh, hết lòng ca ngợi.
          Vũ Mộng Nguyên đỗ tiến sĩ cùng khoa với Nguyễn Trãi (1400), làm quan ở thời Lê Sơ. Nhưng ông có một bài thơ viết về Hàm Tử Quan đặc sắc. Các nhà làm sách đều xếp bài thơ của ông vào diện thơ đời Trần, chúng tôi cũng trân trọng giới thiệu ở sách này, cùng với bài Quá Hàm Tử Quan của Tiến sĩ Trần Lâu, cũng là người sống ở đời nhà Hồ, nhưng chỉ làm nghề dạy học.
         
VI. Nghệ thuật thơ đời Lý- Trần, đã đạt đến mức kinh điển, hoàn hảo. Rất nhiều những tác phẩm thơ thời kỳ này vừa có nghệ thuật tinh diệu, lại vừa có tư tưởng lớn, thể hiện được tầm vóc tâm hồn và ý chí của dân tộc. Khi thịnh thì hào sảng, khi suy thì thâm trầm chiêm nghiệm nghĩ suy. Thời Trần, có sự hòa điệu của tam giáo đồng nguyên. Nho, Phật, Lão có khi được biểu hiện rất sinh động trong một bài thơ cụ thể, ví như bài thơ Yên Tử sơn am cư của Huyền Quang Lý Đạo Tái, khi ông đã bỏ quan lên Yển Tử tu Thiền, rồi trở thành vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.  Đó chính là chỗ thú vị, thật hiếm thấy ở thơ văn các triều đại khác và cả thơ Đường thơ Tống bên Tàu. Những triết thuyết, cùng cách hành xử của con người cá nhân ở thời kỳ này, đôi khi thấy được ở trong một ngày, ở trong một người, ở trong một tác phẩm. Có thi sĩ chẳng rõ hành trạng ra sao, chỉ biết ông làm quan Trung thư lệnh đời nhà Trần, đó là Đỗ Tử Vi. Tác phẩm của Đỗ Tử Vi còn lại 2 bài thơ.  Quá Việt Tỉnh cương (Qua đồi Việt Tỉnh) là một bài thơ tứ tuyệt, rất hay. Đồi Việt Tỉnh tiết thu thê lương ảm đạm / Dấu in chuyện cũ khiến lòng buồn bã / Nhờ ai tìm được thứ ngải ba năm /Đem chữa cho cái bướu của trời đất? Bài thơ giàu ý tưởng hàm ẩn. Tìm ở đâu ra thứ ngải ba năm mà chữa được căn bệnh ung bướu của càn khôn? Thật là một ý thơ nghĩ mãi chưa hết. Thơ có thần thái như thế, trong di sản thơ ca đời Lý Trần, tìm đâu mà chả thấy!
         
VII. Thơ Lý- Trần là sản phẩm tinh thần của thời đại, đã trở thành sản phẩm tinh thần chung của dân tộc Đại Việt. Đó là di sản vô cùng quý giá, vô giá của cha ông ta còn lại, cho dù cũng mới chỉ là một phần nhỏ, vì những lý do chúng tôi đã nói ở trên. Có một thời, chúng ta chỉ mới tôn vinh, biểu dương những tác phẩm tiêu biểu cho hào khí dân tộc, tức hào khí Đông A đời Trần. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng một nền văn học được xem là hoàn thiện, không phải chỉ có những tráng ca. Những mất mát đau thương, những nỗi thống khổ của dân đen, những suy tư trăn trở về nhân tình thế thái, biểu hiện sâu sắc tính nhân văn, nhân bản, chưa được đánh giá đầy đủ và thấu đáo, chưa được biểu dương ca ngợi cho đúng với sự cống hiến và giá trị đích thực của nó. Thật là khiếm khuyết và nghiêng lệch, một khi chúng ta có đủ độ lùi để nhìn nhận quá khứ trong mối quan hệ tổng hòa của hiện thực lịch sử. Thơ Lý - Trần của chúng ta, chẳng thua kém gì thơ Đường thơ Tống bên Tàu. Nó là tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt nam, văn hiến Việt nam, trải nghìn năm, mà vẫn Trơ gan cùng tuế nguyệt, chẳng đáng tự hào hay sao?

Hà Nội mùa thu năm 2012
Vũ Bình Lục
Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét