Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Nguyễn Anh Tuấn bình bài thơ "Tàu điện đêm" của Nguyễn Nguyên Bảy

Ảnh có tính chất minh họa
"Tầu điện đêm", thơ nguyễn nguyên bảy 

bóng dáng của một thời và thông điệp vượt thời gian


TẦU ĐIỆN ĐÊM


Tầu chạy cuốn đêm đông

Chở độc một người khách
Gió trong khoang chật ních
Run cầm cập môi hôn

Đèn đôi ngọn lom đom

Nhợt nhạt vàng mệt mỏi
Người lái tầu thở khói
Dựng hờ cổ áo bông

Phố như một dòng sông

Tầu trôi ngang qua cửa
Leng keng chuông gọi đỗ
Khách mơ hồ xuống ga

Tầu ngược về Thụy Khuê

Lao nhanh trong giận dỗi
Tội nghiệp chuyến tầu cuối
Gió toàn là gió hoang

Tầu mất hút cuối đường

Cây rơi vài phiến lá
Tầu về ga tầu ngủ
Khách biết ga nào v

 Lời Bình:   

Tác giả không chú thích năm viết bài thơ. Ta chỉ có thể đoán định : đó là vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Hãy hình dung: khi đó, đêm mùa đông Hà Nội vắng ngắt, vắng hơn nữa khi người dân và các cơ quan trường học đi sơ tán khỏi những cuộc ném bom của máy bay Mỹ. Khung cảnh đời sống tĩnh mịch đó làm cái nền cho một hoạt động dường như là duy nhất đang hiển hiện trước mắt - đó là là chiếc tầu điện đang chạy, và nó như được nhân thêm tốc độ bởi  hoạt động đơn độc của gió trong không gian vắng lặng; hơn nữa, con tầu hút gió ngược khiến tác giả tưởng tượng rằng nó đang cuốn theo cả đêm đông: "Tầu chạy cuốn đêm đông"! Điều đặc biệt của chuyến tầu điện này là: "Chở độc một người khách".  Người khách chẳng  phải ai khác, mà chính là tác giả. Ở đây, ta lại gặp một cách thức quen thuộc của thơ NNB là "phân thân" mà tôi từng nói lướt qua trong bài "Thử mở một cánh cửa vào thế giới thơ NNB" (vandanvietnet) - nghĩa là, nhà thơ vô tình (hay cố tình) tách ra làm một người khác để quan sát vị khách đó - vị khách đang chen chúc với gió ( "Gió trong khoang chật ních" ) và chống chọi với giá lạnh bằng cách "Run cầm cập môi hôn"... Cái "chật ních" của gió khiến ta càng có thêm cảm giác cô quạnh, đơn độc - cách dùng từ của tác giả thường lóe sáng tài hoa là ở những chỗ bất thình lình "nhân hóa" và "hóa thân" như thế này!
Sau khi quan sát "vị khách lạ" đó, tác giả bắt đầu quan sát cả toa tầu:
Đèn đôi ngọn lom đom
Nhợt nhạt vàng mệt mỏi
Người lái tầu thở khói
Dựng hờ cổ áo bông
Chỉ mấy chi tiết thông qua cái nhìn đầy thương cảm của tác giả, đã vẽ lên trước mắt người đọc tất cả sự nhọc nhằn, vất vả, mệt mỏi của người lái tầu và cả sự đáng thương của chiếc toa tầu cũ kỹ có từ thời Pháp thuộc. ( Xin nói thêm là, thực đáng tiếc cho các thế hệ sau không còn biết đến cái toa tầu điện cổ lỗ ấy - chúng gắn với bao kỷ niệm khó phai mờ của những thế hệ đi qua chiến tranh; mà cái toa tầu phục dựng vào dịp đầu năm 2010 ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm chỉ là một mô hình bằng gỗ - nó làm vui mắt chốc lát và thay thế  liền đấy là nỗi bực bội của nhiều tầng lớp người bởi sự phô trương tốn kém vô ích của nó! Khó khăn gì mà không đưa mấy chiếc toa tầu điện đang nằm trong kho ở ga Thụy Khuê ra cho người đời chiêm ngưỡng? (Thực ra thì ai cũng hiểu uẩn khúc của điều này )
Hai khổ thơ đầu chỉ là một đợt tả thực, dĩ nhiên là bằng phương pháp "nhân hóa" khá thú vị; và sự "nhân hóa" này được áp dụng một cách khá nhẹ nhàng như giúp người đọc làm quen dần để có thể đưa người đọc vào sâu hơn cuộc hành trình của đêm đông với một nhân vật sống động, có tâm hồn và có thân phận: đó là con tầu...
Tới khổ thơ thứ ba, tác giả đã thoát khỏi sự "phân thân" để từ trong con tàu, chủ động và khách quan  nhìn ngắm ra bên ngoài con tàu:
Phố như một dòng sông
Tầu trôi ngang qua cửa
Leng keng chuông gọi đỗ
Khách mơ hồ xuống ga
Nhưng ở đây, ta có cảm tưởng tác giả đang sống trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh -  ảnh hưởng từ sự "mệt mỏi" của con tàu và người lái tàu, cộng với cả đêm đông ào ạt gió đè lên tâm trí sau một ngày làm việc và nghĩ ngợi căng thẳng ( và cũng có thể có cả nỗi đau buồn nữa ). Con tàu không phải đang chạy mà như đang trôi vật vờ trên một dòng sông được tạo thành bởi những con phố phủ ngập sương đêm. Trong khung cảnh ấy, nhà thơ nghe tiếng chuông leng keng như từ một nơi nào xa lắm vọng lại, chỉ còn đủ chút tỉnh táo để biết rằng đó là "tiếng chuông gọi đỗ" - song cũng mơ hồ biết bao, và cũng mơ hồ như chuyện khách xuống tàu, lên tàu. "Khách mơ hồ xuống ga". Khách nào đây? Người khách duy nhất đang mơ tỉnh trên toa, vậy thì chỉ có "khách mơ hồ" mà thôi... Mơ hồ như chuyện người khách nọ "Đợi chờ Gô-đô" trong vở kịch phi lý của Samuyen Bếch-két mà hầu như không một ai được đọc, được truyền bá trong thời kỳ khắc nghiệt ấy (trừ những nhà nghiên cứu phải lý giải chúng theo cách phê phán phủ nhận triệt để! )
Cũng trong cơn mơ tỉnh đó, nhà thơ chợt nhận ra sự đồng cảm lạ lùng của mình đối với con tầu - một sinh mệnh đã từng gắn bó với cuộc đời mình và đồng bào đáng yêu của mình:
Tầu ngược về Thụy Khuê
Lao nhanh trong giận dỗi
Tội nghiệp chuyến tầu cuối
Gió toàn là gió hoang
Con tàu đang "Lao nhanh trong giận dỗi" xuất phát từ bản thân nó  ( sự "giận dỗi" này thực ra cũng là của tác giả gán cho nó) và trong mối thương cảm "tội nghiệp" của tác giả mà nguyên cớ tưởng không đâu: "Gió toàn là gió hoang"... Nhưng câu thơ lại chứa chất biết bao tâm trạng và suy tư của tác giả. Con tàu thực "tội nghiệp" không chỉ vì nó phải chấm dứt một ngày mệt nhọc với những toa tàu rỗng khách và ngập gió hoang, mà còn chính là vì nó phải xa rời không biết đến bao giờ những hành khách dân dã thân thuộc đủ mọi lứa tuổi, với những buồn vui đời thường mà nó chở theo trong cái cuộc sống tuy còn gian nan nghèo khó nhưng thanh bình yên ả... Những ngày bình yên đó dường đang bị cuốn đi theo cơn gió mùa đông, để lại một thành phố phập phồng lo âu mà những ngọn gió hoang như đang chực nhấn chìm tiếng cười niềm vui con trẻ buổi đến trường... Tâm trạng của tác giả phải chăng cũng là tâm trạng của biết bao bậc phụ huynh trong những năm tháng đó, có điều, tác giả đã trải nghiệm nó thông qua cái nhìn của một thi sĩ đa cảm trong đêm mùa đông thời chiến, bằng hình ảnh vừa rất thực tế vừa rất gợi cảm là một con tầu vắng khách chở toàn gió?
Bài thơ đến khổ này xem ra cũng có thể kết thúc được với một nội dung ý nghĩa tạm gọi là "xã hội khá trọn vẹn đã nêu trên, với một địa chỉ xác định (Bến Thụy Khuê). Nhưng NNB không dừng ở đó! Tới đây, sự thử thách đã đặt ra đối với bản lĩnh nghệ thuật của một nhà thơ, và anh đã vượt qua được thử thách nghiệt ngã này bằng đoạn kết:
Tầu mất hút cuối đường
Cây rơi vài phiến lá
Tầu về ga tầu ngủ
Khách biết ga nào về?
Có bốn "nhân vật" trữ tình xuất hiện ở đây: con tầu, con đường, vài phiến lá, và người khách. Con tầu hóa ra không chỉ đơn thuần là cái tầu điện cụ thể, và nó đã đi "mất hút cuối đường" ( con đường không xác định); vài phiến lá (có thể là lá của bất kỳ loại cây nào ) thì rơi chao đảo trong gió bấc; còn người khách ( không chỉ là tác giả nữa) thì bâng khuâng trước sự cô đơn, trơ trọi của mình giữa đêm đông... Việc con tầu về ga ngủ đêm chỉ là cái cớ trực tiếp để tác giả chạnh lòng liên tưởng tới chuyện: "Khách biết ga nào về"... Thực ra, ngay từ đầu, hình ảnh con tầu đã đặt "đường ray" cho tác giả ngẫm ngợi về thân phận của không chỉ  riêng mình mà của con người nói chung trong cuộc đời này; để đến câu kết, sự khái quát mang tính triết học đã bật lên bằng sức mạnh tổng hợp của hình tượng và cảm xúc nghệ thuật... Bài thơ này nếu xuất hiện vào những năm đó thì chắc chắn sẽ rơi vào cảnh ngộ "bị đày đọa" giống như bài thơ "Nghĩ về Thúy Kiều " của Lý Phương Liên - người Bạn thơ & Bạn đời của anh ! Còn trong hiện tại, không khí văn nghệ đã thoáng hơn trước rất nhiều, một bài thơ giàu ẩn ý về thân phận như "Tầu điện đêm" sẽ chỉ làm giàu có thêm cho đời sống tinh thần ; cạnh đó, nó cũng giúp những người trẻ tuổi hôm nay vốn chỉ biết đến tầu điện qua phim ảnh hoặc mô hình vô duyên sẽ có thêm dịp được hiểu một cách trực cảm thế nào là tầu điện - và đó cũng là một cách góp phần làm phong phú nội tâm, kinh nghiệm đời sống, có khả năng giúp ta quý trọng hơn một thời gian khổ và đáng yêu đã qua của Đất Nước...

Nguyễn Anh Tuấn
Copy từ Hoàng Xuân Họa.blogspot.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét