Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

ĐOÀN VĂN CỪ: Trăng hè, mùa trăng đặc trưng Việt Nam

ĐOÀN VĂN CỪ: Trăng hè, mùa trăng đặc trưng Việt Nam
Lê Xuân Quang
Kỷ niệm 99 năm ngày sinh (25.3.1913 – 25.3.2012),
8 năm ngày mất (7.6.2004 – 7.6.2012)

Có nhiều nhà thơ thời cận đại đã để lại những thi phẩm tuyệt vời viết về đồng quê, thiên nhiên, bốn mùa của quê hương Việt Nam. Nổi bật nhất có 4 người (thời Tiền Chiến 1930 – 1945) được dư luận hôm nay tôn vinh là ’’Người thư kí thời đại đã lưu giữ hồn quê Việt trong thi ca của mình’’, đó là: Anh Thơ, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân.
Trước hết giới thiệu cùng bạn đọc nhà thơ Đoàn Văn Cừ với bài thơ Trăng Hè nổi tiếng.
Trăng Hè có lịch sử khá ’’Chuân chuyên’’.
Đoàn Văn Cừ (ĐVC) viết bài thơ này do cảm hứng bột phát nhân một đêm trăng… nhưng cảm xúc chưa thật nhuần nhuyễn… Viết được vài khổ đầu (thơ thất ngôn), ông bỏ dở…
Một lần người bạn học cùng lớp, cùng làng – Nguyễn Văn Vịnh (1) đến chơi thấy bản thảo viết dở vất lẫn trong đám giấy bỏ, ông cầm, đọc khen chủ đề hay rồi khuyên bạn nên tiếp tục viết hết. ĐVC nghe và quyết tâm thực hiện lời góp ý của bạn…cuối cùng bài Trăng Hè ra đời. Ngay sau đó Trăng Hè được đăng tải trên báo Ngày Nay, nhiều báo thời đó đăng lại, rồi được tác gỉa đưa in trong tập thơ Thôn Ca của mình.
Thôn Ca xuất bản năm 1940 gồm nhiều bài viết về đồng quê, quê hương Nam Định của ông. Sau cách mạng tháng 8, TC tái bản nhiều lần, Trăng Hè được nhà biên khảo Hoài Thanh tuyển chọn đưa vào Thi Nhân Việt Nam cùng tiểu luận viết về tác gỉa ĐVC, xuất bản năm 1941.
Bài thơ tả cảnh một đêm mùa Hè, khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch – Giữa tuần trăng, nắng ráo, ở làng quê nghèo, thời gian từ chập tối đến mờ sáng.
Toàn bài gồm 5 khổ, chia làm 5 đọan, thể thơ thất ngôn .
Mở đầu:
Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa
Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ
Bóng cây lơi lả bên hàng dậu
Đêm vắng người im cảnh lặng tờ. (2)
Người đọc mường tượng như đang đứng bên ngoài hàng rào của một ngôi nhà ở làng Đô Quan xã Nam Lợi thuộc huyện Nam Trực, Tỉnh Nam Định – Quê hương của cụ Đoàn. Cách đây hơn 60 năm, thôn quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có rất ít nhà xây, nhà gỗ. Hầu hết là nhà lợp rạ, gianh, cột kèo tre, tường đắp đất hoặc vách đất. Đêm hè nóng nực, các bà, các mẹ chống nực cho con cháu để chúng ngủ ngon – bằng cách truyền thống, phổ biến: Ôm trẻ nằm trên võng.
Võng khi xưa (ngày nay ở miền quê vẫn dùng) – bện bằng vỏ cây Đay hoặc cây Gai. Ngồi, nằm trên võng, đưa đi đưa lại, tạo ra gió như phe phẩy quạt. Hai đầu của chiếc vọng được buộc vào cột hoặc kèo nhà. Khi võng đưa, sợi chão nối võng với cột kèo, cọ sát nhau, phát ra tiếng kẽo kẹt… kẽo kẹt. (3).
Nhìn ra đầu hè con chó cứ nằm sủa ông ổng. Nó cứ sủa… sủa đều đều… cách quãng… sau mỗi lần ngẩng đầu sủa – lại cúi xuống, để mõm kê lên hai chân trước, nhắm mắt y như đang ngủ… mơ.
Ta nhìn về phia trước – nơi con chó hướng mõm sủa – Chẳng có đối tượng nào quấy rầy hay xuất hiện cả. Hiện tượng này được dân gian ví là ”Chó cắn Ma”- nghĩa là cắn vật tàng hình – (Ma), sau trở thành câu ngạn ngữ ”Ông ổng như chó cắn ma” – chỉ những người vô duyên, say rượu… nói lung tung, nói lấy được mà không thèm biết có ai nghe, hưởng ứng!
Cũng từ hình ảnh này, nếu có người nào đi qua, con chó cũng vẫn cắn sủa như thế. Dân gian liền khái quát lên thành ngữ: Chó cứ sủa, Người cứ đi !
Bên cạnh hàng dậu ngăn nhà với đường làng, có bụi tre.
Những ngọn tre do làn gío nhẹ – chỉ có ở trên cao – thổi, làm đung đưa. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, ngọn tre kia in bóng xuống mặt đường, cứ như bóng người lơi lả… tha thướt – đi lại…
Ta tiếp tục nhìn vào trong sân:
Ông lão nằm chơi ở giữa sân
Tàu cau lấp lánh ánh trăng ngân
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân
Từ trên ngọn cau, tầu lá non được ánh trăng rọi vào, khi gió thổi, lá lay động, hắt ra lóng lánh ánh bạc – như ta cầm chiếc gương hướng về phia nguồn sáng rồi rọi vào mắt người…
Nhà tranh, dân quê thường dùng đồ vật đơn sơ được chế tạo bằng tre, nứa. Chõng tre nhỏ hơn giường, thông dụng hơn ghế vì có thể vừa ngồi, vừa nằm, nhẹ, dễ di chuyển. Mùa hè nóng nực, cụ già sai con mang chõng ra sân nằm vắt chân chữ ngũ cùng thằng chắu lẫm chẫm biết đi – hóng mát, ngắm trăng. Trong khi cụ già thưởng thưc trăng… cậu bé đang nằm trong lòng ông, thấy con mèo, vội tụt xuống men thành chõng… con mèo khẽ kêu meo… meo… đi tới cọ người vào chân bé rồi lượn đi, quay lại… tạo ra cảnh ”quyện dứơi chân”…
Chợt phía xa xa, nơi chiếc giếng khơi – chứa nươc ăn cho cả xóm – có tiếng ồn ào, ta lia mắt nhìn ra:
Bên giếng, dăm cô gái xứ quê
Từng đoàn vui vẻ rủ nhau về
Trên vai nặng chĩu đôi thùng nước
Kĩu kịt đi vào lối cổng tre
Thôn quê vùng các xã Nam Lợi, Nam Long, Nam Thanh – nhất là cac làng Đô Quan, Xối Tây, Xối Thượng, Ngọc Tỉnh – thường rất nhiều ao hồ. Nước ao chỉ dùng để giặt giũ, rửa chân tay… Cac làng, các xóm phải đào những chiếc giếng lấy nước sạch để ăn, đảm bảo vệ sinh. Ban ngày bà con đi làm đồng. Tối về, cơm nước xong các cô gái mới rảnh tay mang thùng ra giếng múc nước về đổ vào bể chưa.’’Từng đoàn vui vẻ (gánh nước) rủ nhau về’’ – nên những tiếng kĩu kịt phát ra từ chiếc đòn gánh – làm bằng tre bánh tẻ (chưa già lắm) – gánh đôi thùng nước, hòa cùng tiếng võng đưa kẽo kẹt làm đêm trường chợt xao động…
Thế nào là cổng tre?
Dân nghèo làm gì có tiền để làm cổng xây, cổng gỗ. Cổng nhà họ là những cậy tre đang sống ở trong bụi – trồng ở hai bên lối đi – được chủ nhà vít xuống, buộc, tạo thành hai trụ. Rồi cũng dùng ngay những cây tre khác đã chặt, ngâm, đan, ghép làm thành cánh cổng. Loại cổng tre này cánh thường không mở sang hai bên mà chống, nâng lên, hình dáng giống cánh của chiếc bẫy chuột. Ngày chống lên lấy lối ra vào. Đêm hạ xuống chốt giữ bên trong nhằm ngăn Trộm… vặt. Tuy đứng ngoài vẫn nhìn thấy mọi thứ bên trong, nhưng muốn đột nhập vào cũng không dễ (tất nhiên không phá hỏng). Loại cổng này được nông thôn sử dụng từ xa xưa. Sau toàn quốc Kháng chiến, cổng Tre lại được dân quê xứ dụng hữu hiệu trong phong trào rào làng kháng chiến chống Pháp, do Ủy ban Kháng chiến các đîa phương phát động…
Sự ồn ào do những chiếc đòn gánh gánh nước của cac cô gái cũng nhanh chóng qua đi. Tiếng kẽo kẹt đưa võng cũng đã ngừng. Có lẽ cháu bé đã ngủ say, bà hoặc mẹ đã vực vào giường, và cái chính trời càng về khuya, nhiệt độ càng giảm. Không khí tĩnh mịch của đêm trường dần trở lại:
Trong xóm giờ lâu qúa nửa đêm
Tiếng chầy giã gạo đã ngừng im
Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi
Đom đóm bay qua giải nước đen Cả ngày đi làm đồng, tối về cơm nước xong nhiều nhà mới đổ thóc vào cối xay, dần, sàng rồi đưa vào giã thành gạo, lấy cám – lớp vỏ gạo bị giã bong ra – cho lợn ăn. (4).
Thế mà đến quá nửa đêm, nhát bổ cuối cùng của chiêc chầy giã gạo mới ngừng, trả lại sự tĩnh mịch hoàn toàn cho đêm trường. Lũ đom đóm lúc chập tối thường bay ra như kích thích con người. Các cô các cậu bé thi nhau đi bắt bỏ vào lọ ngắm nhìn. Khi trăng lên, đom đóm ít bay, ra y như chúng cũng né tránh, không dám đem chút ánh sáng (lân tinh ở bụng) của mình thi với ánh Trăng. Lúc Trăng tà hạ xuống ngang đầu núi… chúng mới lại thi nhau bay là là trên mặt ao. Khi trăng lặn, mặt ao hồ chỉ còn là một khoảng không tối om, đen kịt… ánh lân tinh từ bụng nhựng con Đom đóm phát ra, được mặt ao như tấm gương soi làm nền… dường như rực ánh sáng của đom đón sáng rực hơn.
Bỗng:
Tiếng ốc trên chói rúc thiết tha,
Gió lay cót két rặng tre già,
Sao trời từng chiếc rơi thành lệ,
Sương khói tên đồng ủ bóng mơ.
(Báo Ngày Nay 1939)
Thời xa xưa, phương tiện báo động, đánh thức dân làng là chiếc Tù và làm bằng sừng trâu hoặc vỏ những con ốc biển lớn, do những Tuần đinh, trai tráng (Thanh niên, trung niên) được chức sắc của làng cắt cử canh gác đảm bảo an ninh cho làng xóm. Khi có động (trộm cướp, cháy nhà…) người gác ngoài việc đánh chiêng, trống, hò reo… họ còn thổi Tù và: Tiếng ù ù… của sừng trâu… tiếng úc úc… của vỏ ốc rúc lên nghe chói tai, thúc giục – vang xa, dân làng vùng dậy chống trả, cứu chữa…
Nếu cả đêm bình yên, khỏang 5 giờ sáng, người gác chỉ đưa chiếc vỏ ốc lên miệng thổi… tiếng ốc rúc – âm thanh như tiếng chuột rúc nhưng to, dài hơn nhiều. Tiếng rúc nghe chói tai… nhưng cả làng vẫn cảm thây quen thuộc, thiết tha, thanh bình. Mọi người bật dậy, chuẩn bị cho một ngày lao động mới.
Làng xóm râm ran…
Đã sắp sáng.
Khí hậu lạnh, gió thổi mạnh khiến những cây tre già lung lay, đu đưa cọ gốc vào nhau phát ra những tiếng cót két… Trên trời thỉnh thoảng lại vụt xuất hiện một ngôi sao sa (sao xẹt), trông như những giọt lệ khổng lồ từ con mắt của’’ người trời’’ rơi xuống…
Cả đêm sương rơi, bao phủ làm cánh đồng chìm ngập trong khói sương.
Trời sáng.
Sương dần tan: Bức tranh thủy mạc được thiên nhiên vẽ đang hiện ra…
Phương đông ửng hồng: Mặt trời mọc!
Với 5 khổ thơ mà miêu tả được cảnh đêm hè thât sống động. Từ đầu đến cuối chỉ có mầu sắc và âm thanh :
Tiếng võng kẽo kẹt…
Tiếng chó sủa ông ổng…
Tiếng kĩu kịt của chiếc đòn gánh…
Tiếng thình thịch của chầy giã gạo…
Tiếng ốc rúc… rúc thiết tha…
Cuối cùng là tiếng cót két của những gốc cây tre già cọ vào nhau.
Nhà thơ dùng từ thật diệu nghệ:
Kẽo kẹt của võng đưa
Kĩu kịt của đòn gánh
Cót két của rặng tre già – ba hợp âm Kẽo kẹt – Kĩu kịt – Cót két – tuy rất gần nhau, thậm chí có thể dùng liền làm từ đệm, nhưng ở đây trong từng đoạn thơ, 3 cụm âm thanh lại diễn tả 3 trạng thái hành động ở 3 nơi, 3 thời điểm khác nhau…
Màu sắc thì có:
Ánh trăng ngân…
Bóng đen của con mèo.
Ánh sáng cuả đàn đom đóm.
Mầu đen kịt của dải nước mặt ao hồ (khi trăng đã lặn)…
ánh sao sa – giọt lệ khổng lồ
không gian mờ sương khói
Tất cả âm thanh, mầu sắc đó cùng với lời thơ, nhịp thơ, âm hưởng của thể thơ thất ngôn quyện chặt, nhuần nhuyễn… đã gieo vào lòng người đọc cảm xúc mạnh.
Bài thơ đã tồn tại 2/3 thế kỷ mà người đọc vẫn cảm thấy như tác giả vẽ, viết từ khung cảnh thực, sống động trong những đêm mùa hè ở nông thôn VN ngày nay. Những con dân đất Việt dù xa cách nghìn trùng, nơi chân trời góc biển, khi đọc lại Trăng Hè, như chợt được sống lại cùng quê hương trong khoảnh khắc ngắn ngủi…
‘’Người thư ký thời đại’’ cần mẫn, xuất sắc – Đoàn Văn Cừ – đã lưu giữ được hồn quê Việt trong thi phẩm tuyệt vời của mình, cho hậu thế – Hôm nay và Mai sau!
Berlin – Hè 2007 – Hè 2011
———————————————
Chú thích:
(1). Chính là Trung Tướng QĐND Việt Nam – Nguyễn Văn Vịnh – Chủ nhiệm UB Thống nhất Trung Ương. đồng hương, bạn học của nhà thơ… Theo tin ngoài lề: Ông liên lụy trong vụ’’Nhóm xét lại chống Đảng’’ cùng Thiếu tướng Đặng Kim Giang, Viện trưởng viện Triết học Hoàng Minh Chính và Vụ trưởng Vụ lễ tân bộ Ngoại giao Vũ Đình Huỳnh và nhiều người khác… nên bị kỉ luật, giáng chức xuống Thiếu tướng…
(2) Bài Trăng Hè lấy trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh, NXB Văn Học tái bản năm 1996.
(3). Tiếng kẽo kẹt chỉ vang lên khi võng buộc bằng thừng chão – bện bằng vỏ cây Đay – buộc vào cột kèo tre. Buộc vào móc sắt, cột bê tông… không phát tiếng kẽo kẹt…
(4). Hiện nay do có máy xay, xát… loại cối giã gạo này ở nông thôn hầu như không còn nữa, hoặc lác đác chỉ còn rất ít


Bài Lê Xuân Quang/ Tác giả gửi bài
nnb vi tính giới thiệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét