Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Lê Xuân Quang viết về thơ Hữu Loan



HỮU LOAN
" Gió Sớm Thu Về Dờn Dợn Nước Sông"

Lê Xuân Quang

(Kỉ niệm ngày giỗ lần thứ 2 của thi sĩ Hữu Loan (18.3.2010 – 18.3.2012) , 96 năm ngày sinh (2.4.1916 – 2.4.2012)

Trong lịch sử thi ca Việt Nam, có thể nói bài thơ Mầu Tím Hoa Sim của Thi Sĩ Hữu Loan gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với người đọc mọi thời đại. Mô típ của thơ Tình yêu – Chia li thường là: Đôi trai gái – Người Tình – Vợ chồng yêu nhau, lấy nhau rồi vì một lý do nào đó phải chia lìa, ly biệt…
Đại thi hào Nguyễn Du – viết Truyện Kiều – cho đôi nhân vật Thúy Kiều – Kim Trọng yêu nhau nhưng phải qua thử thách 15 năm sau, họ mới gặp lại, đoàn viên trong xót xa, mất mát…
Hồng Hà Nữ Sỹ – Đoàn Thị Điểm lấy chồng, yêu chồng nhưng phải xa nhau 3 năm vì chồng bà được nhà vua phái đi Sứ bên Trung Hoa. Một mình vò võ, khắc khoải đợi chờ… bà trút tâm tư tình cảm vào bản dịch Chinh Phụ Ngâm – (từ chữ Hán sang chữ Nôm – nguyên tác của Đặng Trần Côn) . Bản dịch của nữ sĩ họ Đoàn đã trở thành áng thơ tuyệt diệu trong kho tàng văn học Việt Nam.
Đầu thế kỉ 20, đề tài Tình yêu được Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tiếp tục khai thác, nâng lên, đượm mầu sắc cách tân, theo xu hướng thời đại. Thề Non Nước củu Tản Đà, là một thí dụ điển hình về thể loại ’’thơ tình mới’’, tuy nhiên vẫn không khác những cuộc tình của ngưòi xưa: Tình yêu – chia li chỉ mới ở mức độ tạm xa nhau, cả hai đối tượng vẫn nuôi hi vọng ngày gặp lại…
Bước vào những năm ba mươi của Thế kỷ 20, trong phong trào Thơ Mới, xuất hiện những áng thơ li biệt, mà mức độ ’’nước mắt’’ đã gia tăng, điển hình bài thơ Hai Sắc Hoa Tigôn của TTKH, bài đáp lời TTKH, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, cùng thơ tình của những nhà thơ tiêu biểu: Thế Lữ (Bên sông đưa khách), Thanh Tịnh (Mòn mỏi), Xuân Diệu (Lời kỹ nữ…), Huy Cận (Ngậm ngùi), Nguyễn Bính (Cô hàng xóm…)… Thơ Tình yêu đã manh nha một thể loại mới: Thơ vĩnh biệt người tình!
Phải đợi đến gần nửa sau của thế kỉ 20 – giữa cuộc kháng chiến chống Pháp 1949 – Thi Sĩ Hữu Loan mới đẩy đề tài tình yêu trong chia li lên tới mức độ mới: Chia lìa – Vĩnh biệt, thể hiện rõ trong Mầu Tím Hoa Sim. Tác gỉa diễn tả nỗi lòng khi biết người vơ mới cưới ở quê nhà đã chết trong một tai nạn rất đáng tiếc (chết đuối). Nhà thơ đau đớn thốt lên như chất vấn trời xanh: (sao) ’’Không chết người trai khói lửa, mà chết người em gái nhỏ hậu phương’’? Xuyên suốt, bao trùm cả bài thơ là sự đau thương tang tóc đối với người trai ở chiến trường xa, giờ trở về, chỉ còn biết đến nấm mồ viếng người ’’em gái nhỏ – người vợ trẻ’’ đang nằm trong lòng đất lạnh!
Những câu thơ như máu thịt, rứt ra từ cơ thể mình, thi sĩ làm người đọc dù không ở trong hoàn cảnh, tự nhiên cũng xót thương, đồng điệu. Tác giả khóc vợ nhưng người đọc cũng bi lụy’’khóc’’ theo như cảnh ’’Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa’’ của nàng Kiều khi viếng mộ Đạm Tiên…
Trước MTHS của Hữu Loan, chưa có bài thơ nào có chủ đề về Tình yêu – Chia Li – Vĩnh biệt sâu sắc đến dữ dội như vậy. MTHS như một chất xúc tác, kích thích tình cảm của người thưởng thức (đọc và nghe người khác ngâm thơ), đẩy lên tới cao trào… Sự đồng cảm của độc gỉa còn bởi câu chuyện đời thực của tác giả – như một câu chuyện đặc trưng – xẩy ra nơi này, nơi khác, đây đó… xuất hiện trong lòng người Việt. Với bi kịch của chính mình, Hữu Loan chỉ việc ghi lại những rung động (dữ dội) của trái tim rồi bằng tài năng diễn đạt, dùng ngôn từ chắt lọc, dân dã, dung dị khiến mọi lứa tuổi biết yêu, mọi trình độ, tầng lớp trong xã hội đều cảm nhận, rung động.
Thi phẩm đến với người đọc ở hoàn cảnh đất nước đang trong thời tao loạn, đôi lứa rực lửa thanh xuân – phải xa nhau… xa nhau trìên miên trong tâm thức: ’’Cố lai chinh chiến kỉ nhân hồi’’ , ’’Nhât tướng công thành, vạn cốt khô’’ – càng có ý nghĩa nhân văn!
Sự thuyết phục tự nhiên của MTHS, khiến những nhà lãnh đạo tư tưởng (tuyên huấn) đương thời – kháng chiến chống Pháp) – e ngại. Rồi, khi vào cuộc chiến tranh tiếp theo – (chống Mĩ) – sợ ’’tác động ngược’’, nghĩa là – sợ khi đối tượng trẻ tuổi đọc bài thơ sẽ không tránh khỏi trạng thái tâm lý bi lụy, làm giảm ’’khí tiết anh dũng’’ cần phải có trong mỗi người tham gia cuộc chiến, mà tầng lớp trẻ vốn dĩ rất mẫn cảm – đang là số đông, đóng vai trò chủ chốt. Chính vì vậy, trong suốt thời gian dài, MTHS không được phổ biến. Sau 1954, một phần, có thể do dư âm của sự kiện tác giả ’’liên can’’ đến phong trào Nhân văn giai phẩm. Nhưng cái chính, phần khác – Theo những người lãnh đạo tư tưởng quan niệm: Cái tôi (cá nhân – cái riêng) của bài thơ bao trùm lừng lững. Mà thời đó, chủ trương phải cổ võ hết sức cho ý thức tập thể (cái chung). phải ’’Chống chủ nghĩa cá nhân’’ (cái riêng). Sau này, còn được nâng quan điểm lên, đối diện với ’’Chủ nghĩa cá nhân’’ và chủ nghĩa ’’Anh hùng tập thể’’. Bài thơ lại thêm một lí do cấm phổ biến mặc dù không hề có văn bản chính thức cấm – nào.
Cùng chủ đề, cùng cấu trúc như MTHS ,Núi Đôi của Vũ Cao, Quê Hương Của Giang Nam được những người lãnh đạo tư tưởng của chế độ trân trọng, cho quảng bá bằng xuất bản, đưa vào sách giáo khoa giảng dậy ở trường học, còn Mầu Tím Hoa Sim trong suốt nhiều năm bị’’cấm phổ biến, bị giam, nhốt , bỏ trong hòm ’’khóa chặt’’.
Nhưng khi được ’’cởi trói’’ MTHS không thua kém sự ngưỡng mộ của độc gia so với Núi Đôi và Quê Hương. Thậm chí – ngay cả khi vẫn còn đang bị’’giam’’, khi có dịp may mắn được phổ biến’’chui’’, MTHS đã vượt trội sức thuyết phục… Để chứng minh cho nhận định này, tôi kể lại tình tiết một buổi biểu diễn bài thơ Mầu Tím Hoa Sim rất ngẫu nhiên, trong một hoàn cảnh đặc biệt – cách đây gần 50 năm:
Vào khoảng 1966 – 1967, khi cuộc không tập của Mỹ vào miền Bắc leo từng nấc thang, cao dần mà đỉnh cuối cùng của nó chính sự kiện 12 ngày đêm của chiến dịch’’Điện biên phủ trên không’’, từ 18 – đến 30 tháng 12 năm 1972 tại không phận Hà Nội – bằng máy bay chiến lược B.52.
Theo chủ trương của bộ máy tuyên truyền, để động viên cả xã hội bình tĩnh, tránh gây xáo trộn, hoang mang, tổ chức Đoàn Thanh Niên Lao động ở mọi cấp, ngoài việc động viên thanh niên hăng say sản xuất, tham gia tòng quân trực tiếp chiến đấu trên miền Bắc, còn đi vào chiến trường miền Nam, các đoàn cơ sở chẳng những duy trì nếp sinh hoạt thời chiến, mà còn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa bằng cách tổ chức các buổi Hội diễn Văn nghệ.
Ở vào khoảng đầu năm 1966, máy bay Mỹ chưa đánh phá cả ban đêm. Đòan TNLĐ mỏ Cọc 6 tiến hành Hội diễn toàn đoàn. Trình tự tuyển chọn từ chi đoàn, liên chi đoàn, chọn ra 1, hoặc 2 tiết mục đặc sắc nhất về dư đêm chung kết tại hội trường Mỏ.
Buổi chung kết có 2 vở kịch ngắn của kịch tác gia Ngô Y Linh: Diễn Viên Không Chuyên Nghiệp và Đâu có giặc là ta cứ đi, cùng hơn 30 tiết mục: Độc tấu, hoạt cảnh , đơn ca, tốp ca và ngâm thơ. Một cán bộ đoàn có giọng ngâm khá hay, trình diễn bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao (ngâm theo cách miền Bắc). Để Ban giám khảo dễ so sánh khi chấm điểm, chương trình bố trí luôn tiết mục ngâm bài thơ thứ 2 – Quê Hương của Giang Nam – do một nữ diễn viên không chuyên ngâm theo giọng miền Nam. Cả 2 tiết mục đều được người xem tán thưởng. Tiếng vỗ tay chưa dứt, trên sân khấu xuất hiện ông gìa tóc trắng như cước. Mọi người nhận ra đó là ông Vũ Hồng Hải thư kí công đoàn Mỏ – (cán bộ và công nhân Mỏ thường gọi ông ’’Hải Bạc’’ để phân biệt với 3 cán bộ, kĩ sư có tên Hải cùng làm việc ở khối văn phòng).
Ông Hải từ cánh gà tiến ra đón lấy chiếc Micro, đứng vào vị trí trình diễn.
Hội trường xì xào bàn tán…
Người điều khiển chương trình thoáng bỡ ngỡ vì tình huống này không có trong dự kiến…. hội trường đang ồn ào bỗng im lặng trở lại. Mọi người chưa hiểu vị ’’bộ tứ lãnh đạo’’ sẽ làm gi? Sau ít giây ngần ngừ, ông Hải nói chậm: Các đồng chí vừa nghe 2 bạn trẻ trình bầy 2 bài thơ nói về cuộc tình của đôi trai gái ly biệt trong chiến tranh… Tôi xin góp vui với các bạn một bài thơ khác, cũng có chủ đề tương tự như Núi Đôi và Quê Hương. Bài này tựa đề là Mầu Tím Hoa Sim (ông không nói tên tác giả bài thơ).
Cả hội trường lao xao…
Ông Hải ngần ngừ giây lát rồi cất tiếng đọc (mà không ngâm như 2 diễn viên vừa trình bầy trước đó). Giọng ông dàn trải, lúc chậm rãi, lúc gấp nhanh… âm vang, như tiếng của ông gìa trong đêm khuya, bên bếp lửa hồng bập bùng, kể cho mọi người nghe về một mối tình bi thảm… Trước mắt người nghe hiện ra khung cảnh làng quê với con sông nước ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn chảy… bãi tha ma và nấm mồ đất chưa kịp khô… Đặc biệt, người nghe mường tượng ra – mỗi người một hình ảnh – về người ’’em gái nhỏ hậu phương’’:
Nàng có 3 người anh đi bộ đội
Nhưng em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi
Người Vệ quốc quân
Yêu nàng như tình yêu em gái
Cứ từng đoạn… từng đoạn, ông Hải thay tác giả Hữu Loan diễn đạt nỗi lòng mình…
Gần 1000 người đứng, ngồi chật ních hội trường im lặng lắng nghe. Ho đang theo bước chân của anh Vệ quốc quân với ’’đôi giầy đinh bê bết bùn hành quân’’…từ chiến trường về… bước vào căn nhà… hoang vắng, khói lạnh… chiếc bình cắm hoa ngày cưới giờ dùng làm bình cắm hương, tàn hương lạnh vây quanh…
Khi đến đoạn kết thúc, giọng người lính gìa bỗng cao hơn, chuyển thành giọng ngâm:
’’Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm
Mẹ gìa chưa khâu’’!
Tôi đứng bên cánh gà nhìn thấy trong mắt của ông gìa long lanh ngấn nước. Cả hội trường không một tiếng động dù bài thơ đã hết… Ông Hải cúi chào khán gia rồi châm chạp đi vào, chưa khuất, mọi người như nhận ra sự vô tâm – đột nhiên vỡ òa giữa âm thanh reo hò, vỗ tay, thổi ’’còi môi’’… Ông Hải lại quay người đi ra, cúi chào… Khi bóng ông đã khuất, hội trường vẫn rung lên bởi tiếng vỗ tay…
xxx
Sáng hôm sau, thứ 2, đầu tuần, Gíam đốc Mỏ họp giao ban, phổ biến công tác trong tuần. Thành phần họp gồm bộ Tứ lãnh đạo: Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn. Bí thư Đoàn Thanh Niên và Chủ tịch Nữ công (Hội phụ nữ công nhân) cùng các phòng ban khối văn phòng. Cuộc họp thời chiến diễn ra ngăn gọn… Gíam độc tuyên bố kết thúc. Mọi người lục tục đứng dậy nhưng chưa ai ra khỏi cửa, Đột nhiên ông Phó giám đốc phụ trách hành chính, học ở Liên Xô về – mới đưọc bổ nhiệm – tiến đến bắt tay ông Hải, nói: Hôm qua bác trình bầy tiết mục đọc thơ qúa hay. Hình thức trình bầy thơ kiểu này ở châu Âu người ta hay dùng. Bài thơ bác lấy ở báo nào thế? Có thể cho tôi chép lại được không?
Ông Hải chưa kịp lên tiếng, Trưởng phòng Tổ chưc cán bộ, trả lời thay: Hay thi rât hay nhưng đó là bài thơ bị cấm…
- Sao, sao… có gì đâu mà phải cấm – Phó giám đốc Hành chính phản ứng.
Ông Hải quay sang Trưởng phòng tổ chức vẻ nghiêm nghị: Ở lứa tuổi ông và tôi, trong kháng chiến chống Pháp, ai mà chẳng biết dăm ba câu, nhiều người thuộc cả bài MTHS… Có văn bản nào cấm đâu. Ngừng lại một chút, như ngẫm nghĩ, mọi người im lặng chờ – ông Hải, tiếp: Mà có gì phải cấm. Anh Vệ quốc quân thương vợ bỏ mình trong một tai nạn khi đang ở chiến trường xa. Trở về, đau buồn trước mất mát, có tâm trạng bi lụy… đó là hành động rất tình, rất người. Điều quan trọng: Anh không phản chiến ‘’B- quay’’ – tiếp tục lên đường chiến đấu – có sao?
Mọi người xung quanh cười phá lên với vẻ, tán thưởng.
Ông Trưởng phòng tổ chức cũng miễn cưỡng… cười theo.
Thời bấy giờ, dám ’’ngang nhiên’’ đọc bài MTHS trước một hội diễn văn nghệ có nghìn người dự, lại đa số là thanh niên trẻ – là chuyện’’động trời’’. Những người yêu thích văn thơ Tiền chiến, tập tễnh viết lách, láng máng biết lai lịch của bài thơ MTHS và tác giả – phải ‘’sởn gai ốc, lạnh sống lưng’’.
Khi ra khỏi phòng họp, ông trưởng phòng Lao động tiền lương – cùng giới đầu bạc, cùng hàm Đại úy chuyển ngành – tủm tỉm cười, hỏi ’’kháy’’, ’’trêu’’ ông Hải: Sao ông biết, anh chiến sĩ kia không ’’B – quay’’?
Đây là danh từ hồi đó trở thành phổ biến, chỉ thành phần thanh niên ‘’cầu an, sợ chết’’ – trốn lính. Sau khi nhập ngũ, số thanh niên này trên đường hành quân vào Nam, trước khi vượt giới tuyến, họ đào thoát (quay) trở ra, về quê. ’’B… quay’’ là cách nói gọn (4).
Ông Hải hiểu ý bạn, cười xoà: Biết chứ! Vì cậu ấy là bạn cùng đơn vị chiến đấu với mình!
Mọi người vui vẻ chia tay nhau.
Có thể lớp cán bộ quân đội cùng trang lứa, chuyển ngành về nắm giữ các chức vụ chủ chốt của Mỏ nên nể, trọng nhau, không ai nghi ngờ ‘’Tư tưởng biến chất’’ của ngưòi cán bộ quân đội đang đứng ở vị trí lãnh đạo có thứ hạng…
Cũng có thể: Đây là khu mỏ, cơ sở sản xuất nằm cách xa Hà Nội – nơi , khu vực ’’Trường Văn – trận Bút’’ – nên sau đó… sau đó… không có vấn đề gì xẩy ra tiếp theo.

GHI CHÚ
(3). Câu khẩu hiệu hàng đầu của thời đó, được kẻ trên những bức tường, treo khắp nơi trên đất Mỏ nhằm động viên công nhân hăng hái thi đua lao động làm ra nhiều than cho tổ quốc:’’Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ’’
(4) – Việt Nam lúc đó chia làm 3 vùng cơ bản, kí hiệu: A – Miền Bắc. B – Chiến trường miền Trung (có B1 và B2…). C – Chiến trường Nam Bộ. Dân Bắc gọi chung: Đi B là vào Nam). B… Quay là quay trở về quê, Quay ra, không vào chiến trường. Động từ dành cho ’’thanh niên chậm tiến’’, thối chí – thời chống Mĩ. Chàng nào rơi vào hành động này coi như ‘’xong đời’’. Khi về đến địa phương cư trú, bị chính quyền tập trung vào cácTrại cải tạo lao động (một loại tù), bị khinh bỉ,.. mãi sau khi kết thúc chiến tranh, Tội B. Quay mới tự nhiên được xóa. Cánh lính trẻ đã đặt vè vui về hiện tượng ’’B. quay’’ – như sau:
Qủang Bình, Hà (tĩnh), Nghệ (an) – Lên Đường ngay!
Thanh (hóa), Bắc (thái), Hà (nam) Ninh (Bình) – ‘’Vút’’ ban ngày
Hà Nội, Hải Phòng – Tối mới ’’lủi’’
Thái (bình), Nam (định), Hải (hưng) Qủang (ninh) – Hở là ‘’Bay’’!
Cứ nghe đoạn vè này, đủ hiểu’’tinh thần phản chiến’’ của thanh niên miền Bắc khá phổ biến, hầu như ở các tỉnh, trừ 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

LXQ
15.3.2012Tác giả gửi bài/ nnb vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét