Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

CÁCH ĐIỆU CHỮ "GỌI NGƯỜI"/ Thơ Bạch Huệ Anh


CÁCH ĐIỆU CHỮ "GỌI NGƯỜI"
(Thơ Bạch Huệ Anh, NXB Văn học, 2008)
Hoàng Xuân Họa đò đưa


Tôi thực sự bị ám ảnh bởi câu thơ mở đầu trong bài "Tập" ngay khi đọc lần dầu. Thói thường, người ta tập làm quen với những điều lạ vừa đến với mình: như tập quen với môi trường sống mới, tập quen để ở cùng người khó tính; trẻ em tập nói, người diễn trò tập cười, ca sĩ tập hát... riêng Bạch Huệ Anh "tập để lạ với những gì đã quen"? Cách tập thật lạ, tập khác người, nghe vừa ấm ức vừa đau đời:
-"Em tập lạ với những gì đã quen
Để mỗi khi qua phố không thấy lòng buốt nhói
Anh vấn đấy, anh vẫn còn ở đấy
Mà đã không của em lâu rồi
Em giăng mắc không mong hòng gỡ rối
Em tập quen
... long đong".
Sáu câu thơ trên cứ khía vào tâm thức khiến tôi chếnh choáng. Kiếp người sao khổ vậy? Tập để quen long đong, tập quen với sự vất vả đời thường, lại có thứ tập để lạ với những gì quá quen? Chao ôi, điều đó chẳng ai muốn vậy mà đôi khi vẫn phải tập? Thế mới đau!
Tôi thương hay lang thang thả hồn vào sân chơi thơ trẻ trên báo mạng, các trang web cá nhân, vì thích thơ của lớp trẻ. Ở họ có nhiều bứt phá về ngôn từ, làm mới ngôn từ, họ "chơi" ngôn từ, tải ý tưởng bằng ngôn từ; điệu đà và... đôi khi thăng hoa con chữ để lập, tạo ra những ý thơ, tư thơ lạ. Họ giải mã tâm trạng mình bằng ngồn ngộn những ngôn từ; "cách điệu" ngôn từ, chữ nghĩa... Bạch Huệ Anh cũng nằm trong số những người làm lạ chữ để tải thơ:
- "Nhớ nhau/ Bổ cau bằng mắt/ Miếng trầu têm bằng miệng khát tư mùa". Ca dao xưa các cụ ví: "Con mắt em liếc như là dao cau"! Các vụ chỉ ví để mà ví, để tán nhau trong hội hè. Con cháu giờ siêu hơn, hiện đại hơn, bổ hẳn cau bằng mắt... lấy mắt làm dao bổ cau làm bốn, làm sáu, làm tám, và têm trầu bằng miệng khát tư mùa. Tư cũng là bốn, là tứ. Gọi tên mùa, tên tháng xưa nay không mấy ai gọi tư mùa tư tháng bao giờ. Tiếng tư đi liền để chỉ tên riêng, tỉ như: Cô Tư, Bác Tư, Chú Tư, ông Tư Nam, bà Tư Bắc chẳng hạn. Chỉ những người nước ngoài bập bẹ nói tiếng Việt, nghèo vốn từ mới ấm ớ gọi thế. Ở câu thơ trên Huệ Anh dùng tiếng tư lại rất ấn tượng, làm mới câu thơ hơn.
- "Cố nhân ư! Thì vẫn!/ Cố nhân xưa....? Gọi nhau, bế họng!".
Sao không là bể họng, vỡ họng, hay tắc họng? Cả ba từ trên chắc tác giả cho là mòn, sáo nên không dùng! Chữ bế họng thật đắt, đạt điều muốn nói. "tôi gọi người đến bế họng người ơi!" (HXH).
- "Người yêu em mà làm tóc em gầy/ Đêm sinh nhật nấc từng hơi gió bấc". “Nấc từng hơi gió bấc”... thật đắc dụng trong cách dùng từ: - "Hơi gió bấc", hay quá đi.
-Những khi buồn em không phải khóc/ Nước mắt bây giờ xa xỉ hạt cườm sương...". - Có một mùa sinh nhật/ Song hỷ giữa miền yêu...". - "Anh ở đâu? Anh ngày xưa ở đâu?/ Cuộn tháng ngày vào lòng tay/ Ăn vã!".
Mấy dòng thơ dẫn trên vừa hiện đại vừa mới! Mới cả tứ - từ - tư (tứ thơ, cách dùng từ và tư tưởng bài thơ). Đến câu "ăn vã" chỉ một tính cách ăn uống cũng nói được vào thơ, mà lại thơ tình thì hết sảy rồi còn gì.
Trong một tập thơ, ít nhiều phải có một vài bài viết bằng sự rung cảm của người ngoài cuộc, nói những điều của người ngoài cuộc mà mình quan sát được từ thiên nhiên, từ tình cảm người khác. Đằng này tác giả cứ véo lòng mình ra để giãi bày, "Trần tình" những nỗi buồn của riêng mình:
- "Bất chợt em thành cổ tích lọ lem
Ngày nay, bất chợt thấy mình lầm lũi
Bất chợt gặp mình lúi húi
Bến bờ nào cũng sỏi đá bến bờ ơi!
Em cố hong khô kỷ niệm một thời
Xếp sang một bên tháng ngày chưa cũ
Vẫn thế, em cố tin rằng mình vẫn thế
Cố tin rằng vết xước ấy không đau".
(Trần tình)
Nhà thơ Thanh Thảo có lần viết: "Thơ phải mới qua từng dòng, qua từng bài, nhưng thơ chẳng bao giờ là "mốt". Bởi, làm gì có "mốt số phận"?
"Gọi người" được tác giả khai thác từ chính số phận mình, "Trần tình" từ chính con tim với nỗi đau của mình thời gian trong khoảng một năm: Năm 2007 (theo ngày tháng tác giả ghi dưới mỗi bài thơ), trang ra cả trăm trang giấy, khi nhẹ nhàng, lúc rủ rỉ để sẻ bớt lòng mình, để quăng đi một thời vụng dại
- "Em thấy mình ngơ ngác cười
Giữa phố
Ai cũng lay hoay trong
một tấm lưới nhẹn khổng lồ..."?
Không những xót thương cho số phận mình mà chị xót thương cho cả những số phận đang... hoàn cảnh như mình:
- "Chị có nỗi đau của chị
Em có nỗi đau của em
Chị không tị hiềm bon chen
Em không mưu cầu toan tính
Em tãi lòng mình trên trang giấy, yêu đến kiệt cùng cỏ cây...".
(Rượu tình
"Gọi người", tập hợp 40 nỗi buồn day dứt chan chan. Bốn mươi nỗi buồn lòng của riêng tác giả... Kể ra thì mọi nỗi buồn riêng tư có thể giãi bày, nhưng một năm, một năm trời cứ buồn thế này thì tác giả sẽ sống ra sao? Tôi biết, thời gian viết "Gọi người" chị đồng thời làm được nhiều việc đáng kể cho mình, cho gia đình, bè bạn. Vậy những điều chị viết ra là giả chăng? Tôi không tin. Của giả không thể ra tấm ra món được. Lời nói giả còn khó lọt tai nữa là cảm xúc giả, thơ giả!

Bài Hoàng Xuân Họa/ Tác giả gửi bài
nnb vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét