Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Nhà thơ Lý Phương Liên: “Thơ là hơi thở, tình yêu và cuộc đời”


Gặp gỡ cuối tuần:
Nhà thơ Lý Phương Liên:
“Thơ là hơi thở, tình yêu và cuộc đời”

Nhật Lệ thực hiện


Có những người “trời cho làm thơ”, gieo những câu thơ hay, những chùm thơ hay đi vào lòng người với khả năng thấu thị và tiên cảm mãnh liệt. Và bản thân họ cũng phải “đáp ứng” điều khoản nào đấy của yếu tố nhân định (nói như nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy)  để là người thơ. Lý Phương Liên là một hiện tượng đặc biệt như thế.

16 tuổi chị bắt đầu làm thơ, những câu thơ làm người ta kinh ngạc, vì vượt quá sức chịu đựng của độ tuổi thiếu nữ, nhưng lại vẫn giữ được sự chân thành, ngây thơ, chút  trẻ dại  trong tâm hồn. Những bài thơ đi thẳng vào tim độc giả: “Trò chuyện với Thúy Kiều”, “Ca bình minh”, “Lời ru với anh”, “Tiếng đàn bầu, miền mơ và bà mẹ”, “Trò chuyện với sông Hồng”, “Cội nguồn”…Nhưng trên tất cả, thơ là nghiệp, mà đã là nghiệp thì vận vào người tài hoa như định mệnh.  Đó là khi người con gái tuổi đôi mươi bị bầm dập vì thị phi, bị  “chụp mũ”, bị vu oan giá họa nhờ người khác làm hộ. Không quỳ nhục, không cúi đầu, chị âm thầm rời khỏi đàn thơ, nhẹ tênh như khi người ta tự đưa chị đến. Để rồi chỉ có thơ mới giúp chị đi hết đoạn  đời nhọc nhằn, khổ ải, nghĩ đến đã “toát hết mồ hôi” ấy. Chỉ có thơ mới giúp chị tìm thấy tình yêu “tiền định”, và cũng chỉ có thơ giúp chị cười vui dù cho “kiếp người là một gánh lo hãi hùng”(LPL).



Làm thơ hay nhưng chính bản thân người viết lại hết sức khiêm nhường, cũng không nhận thơ mình đáng được hưởng  những lời khích lệ tràn ngập trên mạng, mà “chỉ là những vần thơ học trò bình thường,  nếu không muốn nói là tầm thường, ăn may cái hoàn cảnh éo le cay đắng đời mà  xin được nước mắt bạn đọc mà thành thơ” (Lý Phương Liên tự bạch).

Vì sao chị có lời nguyền  từ bỏ thơ, khi thơ của Lý Phương Liên lúc ấy đang là  hiện tượng sôi nổi của văn đàn?


Mỗi lần nghĩ đến quá khứ là đã muốn rơi nước mắt. Khi ấy tôi mới 16 tuổi, mất mẹ (cha đã mất từ lâu), bản thân chưa học hết lớp 7 mà phải lo cho 5 miệng ăn của bầy em nhỏ  và cả chính mình.  “Cò cha, cò mẹ bay đi/ Cò con côi cút lấy gì nuôi nhau” (“Từ lời ru của mẹ”). Thế nhưng, bài thơ dài “Trò chuyện với Thúy Kiều” viết năm 20 tuổi  đã khiến tôi điêu đứng, khổ sở. Bài thơ có những đoạn  mạnh mẽ, tươi sáng, nhưng lại dấy lên dư luận  cho là bôi đen, là  yếm thế trước thời cuộc. Và thế là hàng loạt bài viết “đánh” vào chỗ “yếu” này. Tôi nghĩ, mình không làm điều gì xấu xa, dơ bẩn, nhưng sao người ta lại nghĩ mình xấu xa? Mình lao động lấm lem, vất vả từ bé, nhưng cái tâm trong sáng và hồn nhiên như trẻ thơ, luôn nghĩ đến ngày mai tươi sáng, ngày đất nước thống nhất, nên  không thể hiểu vì sao bị người ta ghét đến thế? Người ta nói làm thơ là nghề nguy hiểm. Mà tôi chỉ là người bình thường,  đâu cần có bài đăng báo, cũng không nghĩ làm thơ để nổi tiếng.Người ta tự đến xin thơ mình để in thôi. Vậy là tôi tiếp tục đời công nhân, tiếp tục làm thêm để nuôi 5 miệng ăn, mà không dám nghĩ đến chuyện làm thơ nữa.


“Hai trăm năm và chảy dài vô hạn/ Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài/ Trái đất chúng mình cho đến hôm nay/ Vẫn còn những cuộc đời như nàng chìm nổi/ Thời gian còn nửa ngày là đêm tối/ Còn đồng tiền đổi trắng thay đen/ Còn sắc tài bạc mệnh với hờn ghen/ Còn những Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến/ Còn những đất đai triền miên chinh chiến/ Thúy Kiều ơi, nàng sống tháng năm dài…”. Chị có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài “Trò chuyện với Thúy Kiều”- bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất  và đầy những dự cảm phóng chiếu cho đến tận thời  bây giờ?
 

Tôi viết bài thơ ấy hoàn toàn là bột phát. Mọi tâm tư tình cảm dồn vào bài ấy cả, gần như là kể lể, nhưng là từ trong gan ruột mà ra. Khi còn bé,  tôi thường được mẹ  dẫn đi xem cải lương, vở “Thân phận nàng Kiều”.  Tôi  nhớ hết mọi chi tiết. Tự hỏi, tại sao nàng Kiều khổ đến như vậy? Và dường như mình cũng khổ như Kiều. Nàng khổ vì tình duyên,  mình khổ  vì thân phận. “Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu/ Xa sâu như tiếng đàn bầu trong khuya” (“Tiếng đàn bầu, miền nhớ và người mẹ”- LPL). Và còn có không ít những cuộc đời như nàng. Nhưng khi đi trên đường phố, nhiều người đẩy xe đồ giúp chị em tôi, tôi lại xót  cho  nàng “chẳng một đoái thương”, gánh nặng của nàng cũng vì thế mà  trĩu nặng hơn tôi rất nhiều. Từ đó, tôi cảm nhận “Xung quanh tôi không một ngày  buồn vắng/ không một đêm cay đắng tủi hờn…/Giữa biển lớn thuyền chúng ta lướt đến/ Sáng toàn thân ánh sáng của con người”(“Trò chuyện với Thúy Kiều”).

Và rồi 40 năm sau, cuộc tìm kiếm của người lính già, niềm ngưỡng mộ của đồng đội ông đối với thơ Lý Phương Liên, cũng như nguyện vọng của hai người con, đã khiến chị  trở lại với  cuốn “Ca bình minh”?


Chủ yếu vẫn là vì người lính già. Tôi rất xúc động,  và muốn đáp lại lời thỉnh cầu của ông, là in lại những bài thơ nhiều năm qua tản mát thành tập.


Chị có nghĩ rằng với người làm thơ, từ bỏ thơ là một nỗi mất mát không tưởng tượng được; còn đối với độc giả, việc một nhà thơ họ yêu mến bỗng nhiên “biến mất”, như ngôi sao lóe sáng rồi vụt tắt thì quả là một sự hành hạ dai dẳng?


Với tôi thì rất nhẹ nhàng, hoàn toàn không đau khổ gì cả. Và đó là những năm tháng hai vợ chồng giật gấu vá vai để nuôi con, đánh vật với cái nghèo, nên đó cũng là chuyện thường. Nhưng tôi không ngờ trong khi có người ghét mình thế mà cũng  có hàng ngàn người yêu thương mình thế,  vậy sao không cho họ đọc thơ mình để hiểu mình hơn nữa? Thậm chí, có người còn nghĩ rằng tôi đã chết…Năm 2011, sau khi tôi ra tập thơ và có dịp về Hà Nội, họp Thơ bạn thơ, hàng trăm người ùa ra  ôm chầm lấy tôi như người xa quê hương mới trở về. Tôi vô cùng xúc động và không ngờ tình cảm của họ đối với tôi nồng ấm đến như vậy.


Vậy là chị ấp ủ cho ra “Ca bình minh” 2, với  những bài thơ cách đây mấy chục năm, mà cũng có những bài thơ dữ dội của thời này?


Làm gì cũng phải lo hoàn tất bản thảo “Thơ bạn thơ” 3 của mọi người đã. Sau đó mới tính đến thơ mình. Nhưng thú thật là tôi vẫn phải suy nghĩ, vì đã làm thì phải có cái mới, chứ không người ta sẽ nghĩ mình ăn mãi cái ngày xưa ấy. Muốn vậy thì phải làm thật kỹ.


Duyên trời định khiến chị gặp được nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy. Dường như hai người đều có chung những câu thơ trong vắt soi bóng tình yêu bền bỉ qua năm tháng của  mình, những câu thơ mà dường như chỉ dành riêng cho hai người, cũng chẳng màng đến chuyện ngày sau còn ai đọc và chia sẻ mối tình sâu đậm ấy, dù bản thân những bài thơ ấy đã rất nổi tiếng…  Vì những câu thơ không biết nói dối mà anh đã phải nhận một lời thề để rồi sau nhiều năm, mãi cho đến năm 2010 mới ra tập đầu tiên. Bài thơ “Lời ru với anh” của chị dường như nói hộ mối tình tri kỷ ấy: “Xa anh nói nhớ làm sao/ Chân đứng tổ kiến mà chao gió cành/ Lẽ nào em buộc cánh anh/Buộc cánh anh/Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu”.


Ngày gặp anh tôi mới 20 tuổi. Khi ấy anh chưa biết tôi làm thơ, mới giật mình khi tôi đưa mấy tập vở chép thơ cho anh đọc. Anh sửng sốt hỏi có ai làm cho em không? Đọc thơ tôi, anh rất xúc động. Rồi 4 năm sau, chúng tôi cưới  nhau. “Tình yêu như một lẽ thường/ Mùa xuân chim én tha hương cuối trời/ Ở trong nhân thế cuộc đời/ Bao nhiêu buồn khổ đừng rời bỏ nhau”(“Trái hồng”). “Tình yêu đã rộng lại sâu/ Cũng không chứa nổi một bầu nhớ thương/ Nghe rung từng sợi tâm hồn/ Từ xa tựa cửa em ngồi ngóng anh” (“Tình yêu”).Trong lời bạt của cuốn thơ “Ca bình minh”, tôi từng nhắn gửi: “Người liên quan đến thơ tôi và chịu nhiều đắng cay oan ức vì  thơ tôi, là Nguyễn Nguyên Bảy, tình yêu của tôi, chồng tôi, người thầy duy nhất dạy tôi làm thơ và cùng tôi tu thân thành người tử tế”.


Cuộc đời này có số phận thật chăng?/ Từ huyệt mộ cõi âm vọng đáp/ Hãy sống đi rồi biết/ Vời vợi cao xanh chỉ thấy mây cười…/ Mỗi người chúng ta đều có riêng một cửa vào đời/ Mẹ biết chọn cửa nào để sinh con sung sướng”. Những câu thơ của Lý Phương Liên cứ như gieo quẻ định mệnh. Vậy với chị, có thể hiểu thơ là gì?


Thơ là hơi thở, là cuộc sống, tình yêu. Tôi yêu thơ, yêu  từ thuở nhỏ. Thơ làm tôi mỉm cười và sống đẹp. Và thơ  đưa tôi đến với những người bạn mới.


Vì sao chị dành dụm bao nhiêu năm số tiền bỏ ống ít ỏi, chỉ để nghĩ ra một cách làm khác biệt, tuyển chọn và in thơ của những người bạn thơ, thậm chí là những người chưa bao giờ gặp mặt?


Tiêu chí đặt ra là in thơ của những người bị hàm oan, thơ của những người đã khuất cũng như người chưa được đăng thơ bao giờ. Cũng có những người quá nghèo, không thể tự mình in thơ, mà cũng không muốn đi xin in thơ. Tôi là một người tự trọng,  từng ở trong cảnh không bao giờ tự  đưa thơ  mình đi in, hoặc xin đăng thơ. Chính vì thế, ở đây, tôi muốn mình thật công tâm, chỉ chọn thơ hay bất kể là của người không quen biết, người có thơ hay đã là bạn mình rồi.  Hiện tôi đang gắng làm cho được 10 tập. Bạn bè gửi đến nhiều thơ lắm, mà thơ do người khác đề cử, chứ không phải tự họ gửi đến. Thế nên, tôi đang làm tập 3, cũng rất khó khăn vì nếu người ta gửi thơ mà chưa đăng kịp thì có cảm giác như mình cũng có lỗi với họ, còn nếu không đăng thì cũng phải gửi hồi âm vì lý do gì để họ đừng buồn.


Xin cảm ơn chị.


Box: Nhà thơ Lý Phương Liên sinh năm 1948 tại Hà Nội, hiện đang sống tại TPHCM. Chị từng là công nhân ở nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, rồi có thời gian làm báo Nhân Dân,  sau 1975 vào  làm ở Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Chị nổi tiếng như cồn từ sau khi chùm thơ 5 bài được TBT báo Nhân Dân chọn in vào năm 1970, bị “đánh tơi tả” sau khi in bài “Nghĩ về Thúy Kiều” (đổi tên thành “Trò chuyện với Thúy Kiều”), sau đó lặng lẽ ẩn mình cho đến năm 2011 ra cuốn thơ đầu tiên “Ca bình minh”. Chị đang chuẩn bị cho tập thơ mới, sắp xuất bản của mình. Mấy năm gần đây, chị cùng chồng là nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy tự bỏ tiền ra in thơ và văn của những người bạn trên khắp cả nước (“Thơ bạn thơ”, “Văn bạn văn”, dự kiến mỗi bộ 10 tập), do người khác đề cử và giới thiệu, không cần biết đã gặp người viết  hay chưa, miễn là tác phẩm phải hay và cách chọn bài phải công tâm.Báo Lao Động cuối tuần/ số 22/ 31/5/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét