Lê Lựu- một người khốn khổ
Cách đây ít lâu, một hôm nhà văn Lê Lựu gọi điện cho tôi, giọng điệu rất lạ: “Em có rỗi không? Đến đây. Có khi, anh chỉ được nói một câu thôi (?)”.
Lạ bởi với tôi, Lê Lựu như người anh nên chẳng bao giờ có kiểu xưng
hộ anh anh, em em với cách nói “cầu cạnh” như vậy. Thường là anh hay “ra
lệnh” và xưng hô “anh (tao) - chú”, kiểu “chú xuống anh (tao) bảo này”.
Nghe mà ứa nước mắt…
Cái một câu mà Lê Lựu “được nói một câu” ấy nguyên văn là thế này:
“Giờ đây, anh chỉ có một mong ước cuối cùng là được trở về thắp hương bố
mẹ, ông bà trên chính mảnh đất mà tổ tiên để lại”.
Có thể nói Lê Lựu là một số phận cay đắng, bi thương của kiếp người cầm bút cả những khi ở trên đỉnh cao của sự sáng tạo.
Nếu xét về thành tựu văn chương, anh là một trong số những nhà tiểu
thuyết hàng đầu của thế kỉ XX và những năm đầu thế kỉ XXI. Là nhà văn
đầu tiên có tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim truyện nhựa
(Người về đồng cói), anh cũng là nhà văn cách mạng Việt Nam đầu tiên
được phía Mỹ mời khi có bình thường hóa quan hệ.
Anh đã từng nhiều lần sang Mỹ, đi khắp các bang của nước Mỹ, tiếp xúc
với đủ các hạng người để rồi khi trở về Việt Nam, những buổi nói chuyện
về nước Mỹ xa xôi luôn luôn hấp dẫn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người
nghe mỗi buổi. Có thời, người ta còn thu băng những bài nói chuyện của
anh để bán ra thị trường với giá cực kỳ đắt đỏ.
Tại Mỹ, bằng các cuộc tiếp xúc với bà con Việt kiều và nhiều nhà văn,
học giả người Mỹ, Lê Lựu đã khiến đồng bào trong và ngoài nước hiểu
nhau hơn, bè bạn quốc tế, nhất là phía Mỹ hiểu Việt Nam hơn.
Với hơn 40 đầu sách trong gần 50 cầm bút, Lê Lựu đã để lại cho nền
văn học Việt Nam một tài sản khổng lồ. Đặc biệt, với nhân vật Giang Minh
Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng đã đưa Lê Lựu trở thành tiểu thuyết gia hàng đầu của Việt Nam, sánh cùng với chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Xuân tóc đỏ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, lão Khúng trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu...
Nhà văn Lê Lựu (giữa) năm 1984
Có thể nói, Lê Lựu 100% là nhà văn người lính. Suốt hơn 40 năm công
tác của mình, Lê Lựu chưa bao giờ rời xa môi trường quân đội. Anh có mặt
ở mọi chiến trường của mọi cuộc chiến.Từ kháng chiến chống Mỹ, chiến
tranh biên giới Tây Nam đến chiến tranh Biên giới phía Bắc đều có bàn
chân của chiến sĩ nhà văn Lê Lựu.
Giờ đây Lê Lựu đang mắc nhiều trọng bệnh. Theo bác sĩ, anh mang trong
mình đến 15 thứ bệnh mà bệnh nào cũng nan giải. Mỗi ngày, Lê Lựu uống
thuốc nhiều hơn ăn cơm. Nhìn thân hình tiều tụy, lê tấm thân nặng nề đè
lên chiếc nạng không thể không xót xa.
Đâu rồi hình ảnh một Đại tá quân đội từng lăn lộn mọi nẻo chiến
trường? Đâu rồi hình ảnh nhà văn Lê Lựu nói chuyện hàng giờ không nghỉ
như thôi miên người nghe?...
Không chỉ buồn về tật bệnh, Lê Lựu còn buồn một nỗi buồn khác lớn
hơn rất nhiều. Đó là sự cô đơn. Trải qua 2 lần lấy vợ, có 3 người con
nhưng giờ đây Lê Lựu sống cô đơn trong căn nhà mượn tạm ở phố Tam Chinh
hẻo lánh của Thủ đô Hà Nội. Số tiền bán ngôi nhà trước đã dùng hầu hết
cho tiền thuốc men, bệnh tật.
Xin không bàn về nỗi đau gia đình bởi hình như từ cổ xưa, số phận
luôn nghiệt ngã với những văn tài. Cụ Khuất Nguyên đã phải nhảy xuống
sông Mịch La. Cụ Lý Bạch cũng chết đuối trên sông và cụ Đỗ Phủ sống cả
đời trong nghèo túng.
Giờ đây Lê Lựu rất yếu. Thời gian còn lại trên cõi đời này của anh không biết còn được bao lâu?
Cả ba bi kịch khủng khiếp nhất của kiếp người là tuổi già, bệnh tật và cô đơn giờ đây đang đổ cả lên số phận nhà văn Lê Lựu.
Buồn hơn là gần đây, theo lời Lê Lựu, anh đã gửi đơn lên tòa án để
đòi lại mảnh đất cha ông để lại vì hiện mảnh đất này mang tên người vợ
đầu của anh.
Chẳng biết kết quả ra sao, chỉ nghĩ ở tuổi ngoại thất thập rồi lại đưa nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp mà thấy lòng buồn tê tái.
Bùi Hoàng Tám
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét