Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Bảo Sinh: LÀM THƠ, NUÔI CHÓ, CHỌI GÀ…


Bảo Sinh: LÀM THƠ, NUÔI CHÓ, CHỌI GÀ…
 “Vợ là cơm nguội nhà ta/ Lại là phở tái thằng cha láng giềng”. Người “đẻ” ra nhũng câu thơ bỡn cợt, vui vẻ thế, chính là Bảo Sinh, ông vua của “vương quốc” chó, mèo, gà chọi có một không hai ở thủ đô Hà Nội.

Bảo Sinh khác các nhà thơ khác ở điểm không lấy văn chương lập nghiệp. Ông thẳng thắn thừa nhận: làm thơ không chỉ vì yêu thơ mà còn vì mục đích kinh tế. Bằng chứng của sự thực dụng ấy là ở chỗ ông biến thơ thành công cụ phục vụ cho “vương quốc” chó, mèo, gà mà ông đang làm chủ.
Chưa thấy có nhà thơ, nhà văn nào nói toạc như Bảo Sinh: “Con người tôi có hai nửa, nửa lãng mạn của văn chương, nửa thực dụng của kinh doanh mưu trí. Khi nuôi chó tôi phải tính từng lạng gạo, từng miếng thịt. Còn chọi gà thực tế là một trò cờ bạc”.
“Vương quốc” của Bảo Sinh rộng chừng ba ngàn mét vuông, gió mát rượi và chó sủa ầm ĩ. Gà, chó, mèo được sống trong không gian thoáng đãng mà nhiều người ở thủ đô phát thèm, đã thế lại còn được chủ nhân đãi thơ, giăng khắp nơi. Danh thiếp của nhà thơ tự do này được thiết kế một cách “lừa đảo”, thành cuốn thơ nho nhỏ, xem hết thơ người ta phải đọc một loạt quảng cáo về dịch vụ dành cho súc vật của ông.
Tôi thắng các đối thủ kinh doanh khác là nhờ thơ”, riêng khoản dùng ngòi bút để kiếm tiền, Bảo Sinh dám thách thức ông bạn già thường cặp kè, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. “Tôi hay đùa Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm của cả cuộc đời ông bán đứt cho nhà xuất bản được bao nhiêu?” - dù được trả giá cao nhưng số tiền nhà văn nổi tiếng kiếm được từ việc bán những đứa con tinh thần cũng chưa chắc mua nổi một góc nhỏ “vương quốc” chó mèo của Bảo Sinh.
Gần đây, Bảo Sinh còn lợi dụng tài “xuất khẩu thành thơ” để viết riêng kinh cho chó, ông gọi là “Á kinh” (kiểu như… á hậu) để không mang tiếng “hỗn” với kinh chính thống. Nhân thể, Bảo Sinh cũng khai trương dịch vụ “cầu siêu gọi hồn” cho súc vật. Vài phút cầu siêu gọi hồn cho chó ông đút túi vài triệu. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, ông rủng rỉnh với ngón kinh doanh không đụng hàng này: “Mỗi tháng tôi thu từ dăm chục đến trăm triệu đồng từ dịch vụ này”.
Đọc thơ Bảo Sinh, bất giác người ta thường liên tưởng đến kiểu thơ Bút Tre. Tuy vậy, có nét tương đồng nhưng vẫn dị biệt - so sánh giữa Bảo Sinh và Bút Tre, nhà văn Trung Trung Đỉnh trong một cuộc chuyện phiếm đã nhận xét: “Thơ Bảo Sinh cũng là dạng hậu Bút Tre nhưng phát triển rầm rộ và sát sườn với đời sống hơn. Bút Tre cũng sát sườn nhưng sát sườn các “phong trào” của xã hội, còn Bảo Sinh thì sát sườn với cuộc sống nhân quần”.
Bảo Sinh tự hào về dòng thơ Thiền của mình nhưng “tạng” của ông có lẽ hợp hơn cả với dòng thơ vui, kéo ông gần với quần chúng. Ngay cả những câu thơ ông lấy cảm hứng từ “đạo học”, đọc lên nghe cũng buồn cười: “Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn/ Cho nên được gọi là khôn hơn người/ Em xinh đâu phải nụ cười/ Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn”.
Chủ “vương quốc” chó mèo còn là tác giả của những câu thơ được dân gian thích thú đến mức biến hoá trở nên thô tục hơn để thoả mãn tiếng cười. Thí dụ: “Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Chẳng biết có phải từ thời nhà nghỉ mọc lên nhan nhản ở thủ đô đã tạo cảm hứng cho Bảo Sinh viết những dòng ca tụng “bồ” và trào lưu cặp “bồ” hay không: “Vợ là cơm nguội nhà ta/ Lại là phở tái thằng cha láng giềng”. Rồi: “Vợ là cửa cái nhà ta/ Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng/ Càng nhiều cửa sổ càng sang/ Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra”.
Dường như Bảo Sinh chẳng thể nghiêm túc nổi. Quan niệm về nhà thơ của ông chắc hẳn phải khiến những bậc tiền nhân lừng lẫy như Lê Quý Đôn (“Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”) hay Ngô Thì Nhậm (“Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”) phải nổi giận: “Dại gái, dại lợi, dại danh/ Đủ ba thứ ấy thì thành nhà thơ”.
Cứ theo định nghĩa ấy, Bảo Sinh sở hữu một phần “phẩm chất” nhà thơ, như lời ông tự thú “tôi là thằng hiếu sắc”: “Tôi có hai đời vợ, cô đầu tiên vào dạng hoa khôi, cô thứ hai cũng thuộc hàng xinh xắn nhất dòng họ. Nhưng mà lấy vợ đẹp đâu có sướng”. Thừa biết không sướng nhưng vẫn… lao vào, ông cũng chẳng lý giải nổi: “Hồng nhan, bạc mệnh, đa truân/ Sao ai cũng muốn mỹ nhân ở mình/ Ngu si được hưởng thái bình/ Chẳng ai lại muốn để mình ngu si”.
Không biết Bảo Sinh có bao nhiêu “cửa sổ” nhưng hầu như ông sống một mình, bà vợ xinh đẹp chỉ thỉnh thoảng ghé qua “vương quốc”, ông lại “dành” cho ở khu riêng. Vì thế, có lúc nhà thơ đã tự trào về hoàn cảnh của mình: “Độc thân không vợ đã buồn/ Độc thân có vợ lại càng buồn hơn”.
Khối người mắng thơ Bảo Sinh dung tục, bừa bãi…, nhưng ông cũng chẳng chạnh lòng: “Đã là đời sống phải có khen, có chê. Khi nào thiên hạ tuyền khen tôi tốt, nghĩa là tôi sắp chết”. Ông cũng thừa tự tin: “Hầu như ai chẳng thích thơ tôi, chẳng qua có đủ dũng cảm thừa nhận hay không”. Ngõ vào “vương quốc” chó, mèo không biết từ bao giờ đã mang tên Ngõ Bảo Sinh. Ông coi điều đó cũng bình thường, chẳng có gì đáng tự hào.
Cũng như chuyện gọi ông là “nhà thơ” cũng không làm ông sướng bao nhiêu: “Ai thích gì cứ gọi”. Thế nên nhà văn Đặng Thân tặng ông biệt danh “Khuyển điếm thiền sư” ông cũng hớn hở nhận. Bị bạn văn chọc “Nguyễn Bảo Sinh đứng trên quả địa cầu sủa gâu gâu” ông cũng chẳng phản ứng. Giữ được thái độ nhởn nhơ, bình thản trước mọi sự chắc do ông đã “tu” lâu. Ngay cửa vào “vương quốc” chó mèo, ông cho treo câu thơ: “Buông thõng hai tay đi vào chợ/ Họa phúc đều mua, có hóa không”.
Gia tài thơ của Bảo Sinh có khoảng ba ngàn bài. Với tình trạng sức khỏe sung mãn như hiện nay, gia tài ấy có cơ hội còn gia tăng nhanh chóng. Bảo Sinh có cách sinh hoạt kỳ dị nên nhiều thời gian làm việc: “Tôi ăn ít, ngủ ít. Cả ngày chỉ ăn một bữa, bữa trưa”. Buổi sáng chỉ đạo “vương quốc” chó, mèo. Ba giờ chiều lại phóng xe máy lang thang đến đêm mới trở về.
Bảo Sinh không lang thang cùng gái đẹp mà ông thường đến cà phê Nhân ở phố cổ uống trà, “tám” với mấy ông bạn văn chương. Cứ lơ mơ giữa thơ với gà, mèo và chó cảnh thế mà chẳng thấy Bảo Sinh bơ phờ như ông nói. Ở tuổi 70, Bảo Sinh còn mang ý định lên võ đài. Chỉ sợ ông lại nhìn đối thủ kiểu nửa thơ, nửa gà… thì thua là chắc: “Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/ Ba trò chơi ấy khiến ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ/ Trông ai cũng thấy… nửa thơ, nửa gà”.

Bài và ảnh: Su Su, từ Hà Nội
Lê Duy Phương gửi qua eMail

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét