Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

LÊ THÁI SƠN – THƠ VÀ VĂN VÀ…


LÊ THÁI SƠN – THƠ VÀ VĂN VÀ…

Nguyễn Trọng Tạo

Có những người bạn bên ta, cứ ngỡ là bình thường vậy thôi, nhưng đến một ngày nào đó họ hiện lên trước ta như một tài năng mà ta phải ngạc nhiên thán phục. Lê Thái Sơn bạn tôi là một người như thế.
Tôi chơi với anh từ nhỏ ở quê. Rồi anh vào Tổng hợp Văn, tôi vào bộ đội. Những ngày hiếm hoi thời chiến tranh gặp nhau ở quê, tôi thường đọc cho anh nghe những bài thơ
mới viết. Rồi một hôm, anh bỗng đọc cho tôi mấy bài thơ của anh. Những bài thơ thuở đầu thường có những cái tứ ngồ ngộ, nhưng chưa có gì xuất sắc cả. Bẵng đi một thời gian, thấy anh làm thơ thiếu nhi, rồi cho in cả thơ thiếu nhi lẫn thơ người lớn. Rồi đoạt
nhiều giải thưởng thơ. Rồi được bầu làm Chủ tịch hội văn nghệ tỉnh… Sự trưởng thành trong sáng tạo và sự nghiệp của anh cũng là niềm vui của tôi. Nhưng đó cũng chỉ là niềm vui phải chăng thôi. Cho đến một ngày gần đây, anh đưa tôi tập bản thảo “Thơ và Văn – chọn lọc”. Đọc xong, tôi ngỡ ngàng đọc lại lần nữa, và chợt nhận ra: thơ văn của Lê Thái Sơn không đơn giản như tôi đã nghĩ. Anh đã khiến tôi nhớ lại có lần tôi đã viết về một người bạn văn khác sau khi đọc bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ ba của nhà văn này: “Bạn tài bao giờ mà tôi không biết!”.
Cái tài của nhà thơ không phải là khả năng đánh bóng chữ nghĩa cho trơn tru, bay bướm, mà phụ thuộc vào cảm xúc trí tuệ của tác giả, bởi cái gốc của thơ vẫn là cái tình, lẫn cái tư duy trí tuệ về con người và thời cuộc. Vui thật, buồn thật, đau thật… là những điều mà người tinh ý thường dễ cảm nhận được khi thưởng thức thơ. Nhưng chỉ ngần ấy thì chưa đủ. Nhà thơ còn phải làm cho người đọc ngạc nhiên về những điều mình suy nghĩ, như phát hiện ra một thi ảnh mới, một điệu nhạc mới, một tư tưởng mới hay một chân lý mới bằng thứ ngôn ngữ đắc dụng của nó. Lê Thái Sơn lặng lẽ như một người hay nhìn vào khoảng tối, khoảng khuất lấp của đời sống và phận người để đưa ra ánh sáng những giá trị nhân văn mà người khác dễ bỏ qua. Đọc thơ anh, ta thường gặp những phận người dưới đáy xã hội, đầy lam lũ và nghèo khổ. Đó là cậu bé bán kem, người phu đào huyệt mộ, người hót rác, người đạp xích lô, người kéo xe ba gác, em bé bụi đời, em bé bơm xe, người thu phí chợ quê, người tù, người cửu vạn, người mẹ người chị nông dân, và những người lính hi sinh khuất lấp trong cuộc chiến… Viết về những “thân phận dưới đáy”, Lê Thái Sơn luôn hóa thân chia sẻ nên đã để lại nhiều câu thơ, bài thơ găm vào lòng bạn đọc, những đắng cay xa xót, những vẻ đẹp trần ai... Đấy không chỉ là nỗi đau, là tấm lòng thi sĩ mà còn là chí hướng cải cách của thi nhân trước xã hội.
Nói về thơ Lê Thái Sơn cũng cần nói về sự nhạy cảm và tinh tế. Khi Lê Thái Sơn viết “Những mùa hoa đại trắng/Tiếng mõ chừng cũng thơm” hay ““Tiếng mõ thưa như muốn giãn ngày ra”… thì nhà văn Phạm Lưu Vũ đã phải thốt lên: “Đủ biết rằng tiếng mõ trong thơ Lê Thái Sơn tuyệt tác mọi thời đại. Tôi ghi nhận Lê Thái Sơn, nhà thơ về tiếng mõ. Sẽ không ai có thể viết về tiếng mõ hay hơn Lê Thái Sơn nữa”. Sự thán phục của đồng nghiệp chính là sự thán phục về sự nhạy cảm và tinh tế của hồn thơ Lê Thái Sơn. Mà con người anh đúng là thế. Nhớ thời còn chiến tranh, có lần tôi nhảy xe quân sự ghé Vinh tìm Sơn lúc 1 giờ sáng; nghe tiếng gõ cửa, anh vùng dậy hỏi: “Tạo phải không?”. Phải nói đó là một linh cảm đặc biệt. Có lẽ trời đã cho anh sự nhạy cảm để làm thơ, để phát hiện ra những gì chìm lấp trong dòng chảy thao thiết của cuộc đời – điều mà người ta thường nói là “tính dự báo” của văn chương. Sự nhạy cảm như những ăng-ten thu bắt các tần sóng thật kỳ diệu, nó làm cho con người đột ngột già đi và cũng làm cho con người bất ngờ trẻ lại trong cảm xúc để thăng hoa những ý nghĩ tới cả ngoài vùng phủ sóng. Hai con người già và trẻ trong Lê Thái Sơn đã cùng đồng nhập vào thơ vào văn anh để nó luôn tươi mới như tình yêu không ngừng nghỉ. Có nhiều người làm thơ tình, nhưng thơ tình của Sơn thường làm nổ tung những bí mật tâm hồn. Nhờ thế nó quyến rũ được người đọc mà không cần những yếu tố sexy câu khách. Đọc vài đoạn thơ tình của anh, ta thấy rõ điều đó:
Chúng ta sống và yêu
Trong vùng sóng nhiều chiều va đập
Có khi bất ngờ rối mạng
Lúc đột ngột tắt nguồn
Thì em ơi hãy tin
Số máy này chỉ một mình em biết.

Hoặc:

Ta như lại oa oa cất tiếng chào đời
Trong kỳ ảo vòng tay miền 8X
Trong vũ trụ hoang vu và bí hiểm
Trầm tích người ào ạt vỡ. Và dâng…
***
Thời mới ra trường, Lê Thái Sơn say làm văn nghệ dân gian. Anh thuộc nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ, vè, dặm, câu đối và những câu chuyện trạng truyền khẩu ở vùng Nghệ An quê anh. Anh cũng sưu tầm ghi lại được nhiều phong tục tập quán hội hè lễ tết gần như bị lãng quên trong đời sống hiện đại. Vốn bản tính hóm hỉnh và thâm thúy, anh được bạn bè mệnh danh là “Ông văn hóa cười” như là một nhân vật dân gian đời mới. Có lẽ cũng do cái tính say dân gian mà thơ anh gần với tiếng nói đời thường nơi quê kiểng, làm sống lại rất nhiều xưa cũ ngỡ đã tàn phai. Những “tiếng dế từng gặm mòn tuổi thơ”, “tiếng cú mèo xé vải ăn đêm”, “cán cuốc vô tình làm bươu đầu bạn”… Những “sân chùa hoang lộp độp thị hoang rơi”, “Chuyện nọ xọ chuyện kia dính nhau như tiền lẻ”… Thơ anh cứ giản dị đi vào lòng người như dầu loang trên sóng nước, rồi bất chợt cháy sáng lên cùng những trái tim phát lửa. Mà không chỉ thơ. Ở Nghệ Tĩnh nhiều người còn thuộc cả đôi câu đối của anh: "Thái bình trăm họ dày phúc lộc/ Lạc nghiệp muôn nhà sáng nghĩa nhân". Đôi câu đối này được tái bản nhiều lần tới hàng triệu bản trong các dịp tết Nguyên Đán, được treo trang trọng trên các ban thờ của nhiều gia đình xứ Nghệ. Có lẽ nhờ đắm mình vào dân gian mà thơ và truyện của Lê Thái Sơn luôn đằm thắm tình quê. Những nhân vật tuổi nhỏ hay tuổi lớn trong văn xuôi của anh thường là những nhân vật của thôn làng. Đôi khi họ xuất hiện ở thị thành, thậm chí họ trở thành dân phố, nhưng những đức tính tốt xấu của người nhà quê thì vẫn hiện lên rõ nét và đầy thương cảm. Những thằng Ngọng, thằng Dần, những chú Hàn, bác Cả, những người ăn xin không tên tuổi đều hiện lên dưới ngòi bút của Lê Thái Sơn như những mảnh đời lấm láp quanh ta, gần gũi như hàng ngày ta vẫn gặp họ dù dừng lại chuyện trò hoặc lơ đãng đi qua. Hầu hết các câu chuyện anh kể đều lãng đãng chất thơ, giàu bâng khuâng, luyến tiếc. Âu cũng là do cái tính đa mang, đa tình, cả nể, nhân hậu có sẵn trên bản mặt. Người ta nói “văn học là nhân học” hay “văn là người” kể cũng không ngoa. Dân gian có câu “ở hiền gặp lành”, nhưng cũng có câu “người lành gặp chuyện dữ”. Vậy rồi chuyện dữ cũng vận vào Sơn, một người suốt đời hiền lành ai cũng biết. Hơn hai năm nay căn bệnh ung thư quái ác bỗng ập đến hành hạ anh. Khi biết mình bạo bệnh, Lê Thái Sơn lo cho mình thì ít mà lo vợ con và bạn bè buồn nản thì nhiều. Anh an ủi mọi người, coi đó như là một ngoại lệ biết đâu vẫn qua được. Anh thuốc thang, chuyền hóa chất, và chịu khó tập luyện hàng ngày. Khi Vinh, khi Diễn Châu, khi Hà Nội chữa bệnh, lại nhiều khi vẫn tham gia đọc thơ cùng đồng nghiệp. Và có điều lạ, là Sơn vẫn làm thơ. Những bài thơ của anh càng ngày càng đạt tới độ chiêm nghiệm vô thường. Có lúc tôi giật mình trước câu thơ chiêm nghiệm của anh: “Mất còn... mặc kệ ngày xưa/Trẻ trung hoang phí già nua lần tìm”. Có lúc nghèn nghẹn cùng anh như nghẹn khói thuốc lào trước câu hỏi ngây thơ của đứa cháu bé bỏng: “- Ông cho cháu về hưu với/Tôi đã không thể nào nhả khói lên trời”. Và có lúc thấy xa xót cùng anh trong lời tự bạch: “Mùa/không gió/không xanh/không ngà ngọc/xem như anh đã có địa chỉ cuối cùng”.
***
Trên đời, rồi ai cũng có một “địa chỉ cuối cùng” cho riêng mình. Nhiều lần Sơn đã tự vấn về mình, và anh tự nhận đời mình là một “điệp khúc số không”. Lúc đầu tôi ngạc nhiên về điều ấy, vì tôi biết anh cũng trọn vẹn nhiều bề với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, riêng-chung. Anh nhận mình là “điệp khúc số không”, có khe khắt quá chăng? Nhưng ngẫm kỹ, tôi thấy anh thật chân thành, đấy là sự day dứt cầu toàn của con người anh. Anh muốn tốt rồi còn phải tốt hơn nữa. Tốt hơn nữa vẫn chưa đủ. Có lẽ đó cũng chính là nỗi mặc cảm Phờ-rớt (Sigmund Freud – nhà phân tâm học), mặc cảm lỗi lầm hay mặc cảm thua kém mà chỉ riêng anh nhận biết về mình. Nhưng cuộc đời là “nhân bất thập toàn”, có mấy ai toàn vẹn. Nhớ hồi nhỏ tôi và Sơn chơi với nhau “nghịch như quỷ sứ”, bị mẹ Sơn gọi bố nhờ dạy dỗ. Thật lạ là bố Sơn chỉ nhẹ nhàng nói: “Bây giờ chúng nó dại, rồi sau này con nó dạy nó thành khôn thôi bà ạ”. Ông Tường nói nhẹ nhàng thế mà tôi nhớ mãi, cứ ngỡ ông là một triết gia. Mà quả thế thật, con cái hay cuộc đời đều có thể dạy dỗ mỗi người trưởng thành mà đôi khi ta không hề hay biết. Vậy thì Sơn cũng chẳng phải băn khoăn gì nữa. Sơn còn có bao nhiêu thân ái quanh mình. Và còn có thơ, có văn nữa chứ. Vẫn còn những người đọc Sơn, và viết về Sơn cùng in ở phần cuối cuốn sách này, như một sự nối dài Lê Thái Sơn Thơ Và Văn, Và… Để kết bài viết này, tôi xin dẫn lại câu thơ của Sơn như một lời cảm tạ văn chương:
Cảm ơn những câu thơ
Đã cho ta thêm một lần may mắn
Được hiện ra
Cùng chớp sáng

Và tan…

Hà Nội, 9.5.2013
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Tác giả gửi bài


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét