Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Thơ Bạn Thơ 3/ Thơ Người Thơ Đương Thời/ 3 / Tứ Nguyễn Quang Hà..

NHIỀU TÁC GIẢ
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên)

THƠ BẠN THƠ.3

NXB VĂN HỌC
C

THƠ NGƯỜI THƠ ĐƯƠNG THỜI

21. Nguyễn Quang Hà/ 22. Hồ Thế Hà/ 23. Nguyễn Thanh Hải/ 24. Nguyễn Đăng Hành/ 25.Trương Vĩnh Hạnh/ 26. Bùi Sĩ Hoa/ 27..Nguyễn Công Hoan/ 28. Trương Nam Hương/ 29. Vũ Thị Huyền/ 30. Chu Văn Keng/ 31..

21. NGUYỄN QUANG HÀ

NHỚ TÂY BẮC


Ở Tây Bắc là ở chung với núi
Mây vẫn giang hồ từ thuở hồng hoang
Hoa ban trắng như da em gái Thái
Nhìn suốt đời anh vẫn cứ hoang mang
Tiếng Khèn ai như cánh chim chao liệng
Cho khăn piêu đỏ thắm sắc xuân thì
Quả còn bay theo chiều trái tim mách bảo
Nắng hừng lên từ đôi mắt mê si
Cô gái Hơ Mông theo chồng xuống chợ
Chàng về say lăn bên suối giữa rừng
Nàng vén váy vạch đùi cho chồng làm gối
Thương con ngựa thồ gặm cỏ bờ thung
Quán cóc chiều em ghé tai anh nói nhỏ
"Đệ nhất Lai Châu măng đắng tắm chuồng"
Em cười bóc cho anh đọt măng chấm muối
Cái dây lưng xanh thắt múi đến là thương
Lửa cứ reo rượu bản Mường cứ rót
Em gái xinh đẹp ơi, em làm mắt anh nhòe
Hàng cúc bạc cứ đung đưa theo nhịp trống
Anh gục đầu trong mỗi điệu xòe
Xin tạm biệt những hoa ban Tây Bắc
Đổ đèo Pha Đin lòng dạ bồng bềnh
Chỉ ngũ sắc trên váy em đêm ấy
Thành bảy sắc cầu vồng phía trước cứ mung lung ./.

Thơ Nguyễn Quang Hà/ Ngô Minh đọc chọn

22. HỒ THẾ HÀ

TỜ LỊCH


Cuối cùng
Tờ lịch vét trong năm
Đã lặng lẽ ra đi
Trong sự quên lãng giao thừa!
Trong sự đón đợi giao thừa!

Tờ lịch mang vác số phận mình
Mỗi ngày một đầy – vơi
Mỗi ngày một buồn – vui
Mỗi ngày một được - mất
Tờ lịch rơi vô thức chính mình!

Nhưng tất cả phải quay lại từ đầu
Như những tờ lịch tự ăn mình
Bỏ lại tháng ngày lớn dần phía sau
Hư vô tháng ngày tạ từ phía trước
Đỉnh thời gian là nhân chứng giao mùa!

Mỗi ngày tờ lịch rơi tôi
Tôi mang vác mình đi cùng tuổi
Không thể khác, nếu hững hờ thành sẹo
Thì mùa xuân còn có nghĩa gì?
Khi mỗi ngày tờ lịch rơi tôi!

NẾN TÌNH


Tặng nhau nụ nhớ làm gì
Hoa tròn búp đợi còn chi đêm dài
Người đi lạc hút hình hài
Mơ tàn canh mộng ra ngoài tàn canh

Ngủ đi trăng nước mặp tình
Mai lên đỉnh Ngự soi mình vào sông
Sóng thì sóng của cội lòng
Xanh thì xanh của mênh mông đất trời

Thì ngồi thả lá mà chơi
May ra gió có mang lời cỏ hoa
Nhắn cùng ta chút thật thà
Nến tình hao khuyết sương sa hao chờ

04-12-1995

NGƯỜI HẦU CHUYỆN TIỀN NHÂN

Tặng nhà thơ Văn Trọng Hùng

Tôi đã thấy anh đứng bên trời chim yến
Tóc bồng trong chiều dần buông
Trước mặt là biển lớn
Sau lưng là núi buồn
Vũ trụ tưởng chừng như bé lại!

Bao ý nghĩ không sao kịp giữ
Hỏi và đáp, ghi và xóa
Lặng lẽ và náo động
Những trang thơ không kịp gieo vần
Hiện lên những chân trời viễn vọng!

Anh phản biện chính mình và phản biện tiền nhân
Anh đồng thuận chính mình và đồng thuận tiền nhân
Lịch sử vẫn mênh mông những vùng thiên ẩn ngữ
Xào xạc những tiếng vọng minh triết
Làm sao thơ không biết?

Ngày xuân đọc thơ anh vui buồn thành xác
Hồn người xưa tưởng đang về cõi thực
Lịch sử trong ta và ta trong sử lịch
Anh vực dậy phía không – thời gian ẩn mật
Cho sự thật đồng hành cùng nhận thức!

Tôi đã thấy bóng anh đổ trên trang giấy
Trong phòng văn khuya lạnh mưa xuân
Ngọn bút viết và xóa
Mái tóc buồn lõa xõa
Nỗi niềm nhân thế còn đau!

Vỹ Dạ, mồng Một
tết Nhâm Thìn 2012

Thơ Hồ Thế Hà / Ngô Minh đọc chọn


23. NGUYỄN THANH HẢI


ÁM ẢNH BỌ


1.

những xương dừa lũ bọ gặm trơ
mẹ lần từng cọng từng cọng ngày âu lo chẻ chuốt
gió đàn ông heo hút
bạc nụ cười mùa thu mẹ cong queo phiên bản nắng đàn bà
gom nỗi buồn từng bó nhớ

mẹ chưa bao giờ dị đoan vào những giấc mơ
khi giấc mơ xâu chuỗi mâu thuẫn: tử lành sinh dữ!
khi tiếng chó tru, cú quạ kêu gặm thời gian
mẹ nói linh hồn là chiếc bóng của mình trên mặt hồ lặng yên

2.
tôi giác ngộ khỏi nỗi buồn
đúng thời khắc lũ bọ động ổ
gió gõ vào hộp tim những tính từ về mẹ
lặng lẽ trên đầu đêm thôi miên

đêm gõ vào những dòng sông huyền bí
chúng đang đựng triệu triệu hạt mầm phù sa chúng đang cất giữ
không có nơi nào cho câu thơ tôi
đêm trôi miết trôi miết
giấc mơ bát trận đồ
rẽ mãi cuộc đi tìm phù sa rong hồ
tôi gõ vào những râu ria chưa kịp cắt
soi gương không nhận ra mình
thời gian câm lên nỗi buồn phía mẹ

rồi mai thức giấc tôi sẽ cắt nỗi buồn di cư khỏi khu vườn  mà lâu nay chúng cứ làm ổ dửng dưng nhảy nhót trên đầu những ám ảnh lời rích ra lũ bọ.

3.
Mẹ ơi một tàu lẻ loi gió
giữa giấc mơ bay lên những con ong ký sinh
những con ong ký sinh
ai sẽ ném vào lũ bọ những nhát gặm rất ngon lành từ vòm lá hồi sinh.

Chiều 15/7/2012


ĐỒNG TA


cầm vé gió chuyến trở về hương cỏ

nửa đời người chưa qua khỏi vân tay
máu ký ức trong gam màu nắng đỏ
mưa bóng mây cũng đủ ướt chuyến mai này

về dọc bờ năm tháng trắng gòn bay
tim mảnh gió của ngày xưa rơi vỡ
bông gòn nắng nghẹn xuống cành trưa nhớ
rụng tiếng cười miền thiếu nữ
ta xưa…

ai chưa từng ướt tóc cơn mưa
dù không khóc nhưng cành rơi giọt lá
khi nỗi nhớ lặng lờ rơi lả
thênh thang nào trốn khỏi góc trầm luân
nửa đời chưa hiểu tiếng côn trùng
tâm tư gì mà nghìn đêm thao thiết
muốn làm đêm khuya làm mầm xanh cây biếc
khó một lần nghe được tiếng thời gian
ta không còn chú dế nhỏ lang thang
em dạt trôi phương nào chẳng rõ
ngắt cọng ngò gai mà thương đời Tí - Ngọ
gió đong đưa ru buồn trổ ngọn dừa
nắng cạn vì những chuyến đi trưa
ngã lưng gió nghe đìu hiu bờ giậu
trang áp thấp xếp buổi chiều làm dấu
triệu nỗi buồn trút bão xuống đồng ta.

TỪ CON SÓNG LY HƯƠNG

cây còng mồ côi tội nghiệp
vạt trôi tận đẩu đâu về cắm cuộc tình bên bãi đất
ngày nhón thời gian dõi trông về cố xứ
mọc rễ, chồi… còn biết về đâu?
tôi khỏa nước soi mình mấy nông sâu
nắng đùa trên lưng bỏng rát
ngực trôi
căng đầy nắng
gió
căng đầy sóng vỗ
gió khúc khích cười trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu
sông trôi về đâu
thoát khỏi vòng luân hoàn của đất
đò em nhổ bến
sóng phù vân cong cớn tung hoành
tôi úp ngửa giấc mơ nhọc nhằn
thương cây còng già chiều phơ phất
sau hoàng hôn
rụng một tiếng thở dài

có con đò từng say sưa hát vang trên dòng sông này
vạt phù sa mắc cạn
tôi cắm lòng
cắm sào
cắm dại
tôi đã bị cuốn đi theo dòng mê mãi
vết trăng xưa gãy màu trắng toát
chảy tan

giá như em biết trên mảnh vá hoàng hôn có nụ cười tôi
cây còng già đã không phạc phờ ngóng gió
như tôi lạc dòng từ những con sóng ly hương...

25/01/2012 (Mùng 3 tết)

Thơ Nguyễn Thanh Hải/ Dung thị Vân đọc chọn

24. NGUYỄN ĐĂNG HÀNH


HỎI


… Hỏi rằng ai nắng ai mưa

Ai khô ai ướt ai chưa đèo bòng
Hỏi người ai nhớ ai mong
Ai chờ ai đợi ai lòng hiểu ai…
Hỏi đêm tối, hỏi canh dài
Hỏi chiếc khuy bấm đã cài lại chưa?


QUÊN


Để giải quyết mâu thuẫn, cạnh tranh

Người ta dùng

Đồng tiền
Nắm đấm,
Gào thét chiến tranh
Bao đời xương rơi máu đổ
Chả lẽ loài người đã quên
Con tim thắm đỏ
Có thể giúp ta giải quyết mọi hận thù!


CHẾT


Trái đất ngày đêm có bao cái chết

Cái chết lặng lẽ âm thầm
Cái chết trống kèn ầm ĩ
Chẳng cái chết nào hơn cái chết nào
Tất cả nằm sâu trong đất
Dù tuổi tên có khắc thành bia
Mộ nhỏ, mộ to thi nhau xây cất
Cuối cùng đời cũng vẫn quên
Ngay khi lau khô nước mắt
Chẳng thể làm gì khác được
Thì thôi hết nợ trần gian!

Thơ Nguyễn Đăng Hành/Tác giả gửi bài


25. TRƯƠNG VĨNH HẠNH


VỚI TRANH THIẾU NỮ TẮM

Họa sĩ vẽ chân dung Thiếu nữ
Búp tay mềm lượn nét tóc xan
Thiếu nữ tắm, hay vành trăng nở
Mắt long lanh, làn nước long lanh
Không nền trời, không sắc màu phù phiếm
Riêng cho mình
Thiếu nữ tắm thôi!
Nét mềm mại từ tâm hồn nghệ sĩ
Ta đam mê, thiếu nữ ấy một thời…
Sao mê mãi dáng dịu dàng cô gái
Hình như vẫn gặp ở đời thường
Sau vất vả.
Cuối ngày
Chiều ấy
Em hiện về lấp lánh ánh trăng gương
Và!
Họa sĩ chìm vào giá vẽ
Anh nâng niu như người mẹ đẻ đời
Tôi thầm gọi trước sắc màu lặng lẽ
Nơi vầng trăng
Thiếu nữ không lời!


THÂN ĐÌNH TỰ KHÚC

Trụ nơi non cao trên 300 thước
Những bậc lên nghi ngút khói sương
Huyền hoặc nghìn mây Rào Trù, Rào Đá
Uốn lượn Long vân hội tụ
Luân hồi
Mạch giếng tiên- nước ngọt
Thấm vào hồn thiêng muôn đời…

Trưa lặng trong màu rêu phủ
Màu rêu không tuổi không tên
Ngưỡng bóng thời gian yên nghỉ
Thiên tuế xanh trước cửa thiền.

Thần tựa vào mạch linh đất Mẹ
Đất nước nghìn xưa ân nghĩa câu thề
Mấy trăm năm
Thần Đinh
Núi trẻ
Mấy trăm năm
Người đến với Người
Nơi cõi tâm linh
Lặng lẽ khung trời!

Thần Đinh
Thần Đinh
Mặt ngoảnh về  Đông
Biển nghìn trùng sóng
Sóng

Tôi như cây
Giữa ngày đổ bóng


Núi Thần Đinh, Tháng 3/2013


TRÁI ĐẤT

Như quả bóng miệt mài
Căng sức lửa
Đốt lên trời xanh
Đi qua giông gió
Triệu triệu năm
Mùa xuân sinh ra từ cỏ
Trái đất trường sinh từ cỏ

Đêm áp ngực
Nghe phập phồng thở

Trái đất
Cánh buồm nâu
Mang hình ngọn lửa
Tìm khát vọng
Chân trời!

Và…
Chính lúc nghiệt ngã
Trái đất hóa bài ca!

Thơ  Trương Vĩnh hạnh/ Hoàng Vũ Thuật đọc chọn

26. BÙI SĨ HOA

QUÊN

Nhìn kia, những đám mây tập bay

cơn mưa tập ngưng
ngọn gió tập lay
những người về hưu tinh mơ tập chạy
Những gia đình lủng củng tập sống yên ổn
Đôi ba em bé tập làm người lớn

Còn anh
Ngày ngày tập quên
Giấc mơ ngọt ngào nhẩn đắng
Những tảng đá vô hình sau lưng trước mặt
Em bất ngờ qua đây
Làm mây quên bay
mưa quên ngưng
và gió quên lay

1999


Ở QUÊ

Kính viếng nhà thơ Trần Hữu Thung

Thơ đưa ông từ người nông dân thành nhà thơ
từ Vinh ra Hà Nội
rồi ra thế giới
Còn ông, ông chọn con đường từ Hà Nội
về vinh
rồi về quê !

Ở quê, ông luôn là người mạnh khỏe
với sức vóc của một đô vật
thỏa sức cày xới vốn liếng Nghệ

Ở quê, ông lặng lẽ lật trong từng lớp sò cát
Làm sống lại nước mắm Vạn Phần
Tiếng bễ lò rèn sắt Nho Lâm,
tiếng chuông đồng Diễn Tháp

Ở quê, dân giã bún- giá- cá - ruốc
Vục nước gàu mo khỏa trần sông Bùng
Khuya hò bên tê đồng nghe chân dùng dằng

Ở quê, ông gánh vai này Ký ức đồng chiêm
vai kia Chuyện trạng
Giữa chặng nghỉ đọc những câu thơ
vụt đến

Ở quê, áo gụ thuốc lào chén rượu nhạt
Bạn xe về thăm ngày một đông
Giờ ông đi Thăm lúa không thể tìm gặp
Nhìn khắp đồng chỉ thấy núi Hai Vai trầm ngâm

2000


KHUYA PHỐ


Những ồn ào náo nhiệt không dành cho tôi
Những nhà cao uy nghi không dành cho tôi
Không dành cho tôi công viên tuổi nhỏ
Tình nhân của liễu, của mặt hồ
Tôi về phố khuya

Một thời chỉ thuộc đường ra ga và thư viện
Một thời ba lô hồn tàu phía Bắc
Tôi bây giờ
Vẫn tên đường tên phố lơ mơ
Em đi về nơi khác
Tìm đâu những ánh rêu mờ

Không nhìn rõ con đường xưa
Không gặp lại vẹn nguyên câu thơ nước mắt
Ngõ Giếng cỏ chưa xanh lại
Hoa run vô tình
Gió lạnh về loay hoay

Như đã xa niềm vui tìm người trên phố
Quán nhỏ ai ngồi lơ đãng thời gian
Tờ báo cũ mực phai tên người cũ
Rau dưa chen lấn ngoại thành

Một năm, mười năm
Giọt rơi tí tách
Mắt người thăm thăm
Có gì đâu, có gì đâu mà mang nặng
Bây giờ phố đang về khuya…

2001

Thơ Bùi Sĩ Hoa / Ngô Minh đọc chọn

27. NGUYỄN CÔNG HOAN

ĐIỂM HẸN TRÊN CẦU

Anh chờ em không tính đếm thời gian
Con nước dưới sông hờn ghen giận dỗi
Sao tận trên trời thẹn thùng bối rối
Gió qua cầu mong ngóng đợi em sang
Trời về khuya còn lại mảnh trăng vàng
Anh thờ thẩn chờ em nơi phố vắng
Đứng trên cầu nhìn dòng sông im lặng
Vắng em rồi nước cũng chẳng buồn trôi
Không biết bây giờ em còn ở trong tôi
Hay theo bóng chim chiều về xứ mộng
Cuộc đời anh chỉ còn là khoảng trống
Biết bao giờ lấp hết nỗi nhân gian
Hàng cây xanh rũ bóng héo nghiêng tàn
Cầu chênh vênh tưởng chừng như ngắn lại
Em vui xứ người mình anh trống trải
Trăng trên cầu in mãi bóng em tôi
Tự trách mình sao phận bạc như vôi
Em đi xa không một lời từ biệt
Như bông quỳnh nở sai mùa trái tiết
Rượu thơ nào để ngắm ánh trăng đêm?
Đứng trên cầu anh chờ mãi bóng em!


BỐN MÙA GÁNH NẮNG

Mùa hè em gánh nắng lên
Mùa thu em quảy hai bên nắng vàng
Mùa đông tay xách, nách mang
Nửa gồng giá lạnh, nửa quàng gió rơi

Mùa xuân em hứng mưa trời
Tắm từng nhành lúa, lúa cười trổ bông
Giêng, hai lúa chín vàng đồng
Em ngồi đếm nắng, nắng hồng hôn em

Mặt trời đóng cửa, cài then
Hai vai gánh lúa, trăng chen đường về
Sáng bừng một góc trời quê
Bóng trăng theo bước em về đầy sân.


Thơ Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Văn Hòa, đọc chọn


28. TRƯƠNG NAM HƯƠNG


THOÁNG NGHĨ VỀ CỎ


Người ta nói yêu nhau, yêu và hôn trên cỏ

Người ta nói chia ly, nói những điều đổ vỡ

Cỏ lắng lòng nghe hết - Thản nhiên xanh...

Người ta cuốc cỏ lên, người ta trồng cỏ xuống
Hết thảy nỗi bi quan, hết thảy niềm hy vọng
Cỏ nhận mình đau ấy - Thản nhiên xanh...

Lịch sử bước chân qua những vương triều - vong thịnh
Cỏ đã đắp lên vua, cỏ đã trùm lên lính
Cỏ công bằng nhân ái - Thản nhiên xanh...

Cao hơn mọi khổ đau. Cao hơn nhiều hạnh phúc
Cỏ biếc như niềm vui, cỏ xanh như nước mắt
Vẫn nhận mình thấp bé - Thản nhiên xanh...

TÂM SỰ NÀNG THÚY VÂN

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Muời lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chứ em nuớc mắt đâu dành chàng Kim

Ô kìa, sao chị ngồi im?
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy nguời yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thuơng kẻ khuất, đừng quên ngườì còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể giấu linh hồn đòi yêu

Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đuờng

Chị nhiều hờn giận yêu thuơng
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị, đánh lừa trái tim

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm, nỗi khát khao
Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu?

LỖI HẸN SÔNG CẦU

Ngồi nhớ sông Cầu mơ trẩy hội
Đến hẹn không về em trách đấy
Quê nhà thương quá hóa vô tâm

Tháng giêng hoa xoan rơi vụng dại
Em với sông Cầu xanh ở lại
Anh đi rét ngọt giữa tay cầm

Cỏ níu chân mùa, sông thiếp ngủ
Em tiễn cái nhìn đau cả gió
Chiều chớp đầy anh mắt lá răm…

Lỗi hẹn sông Cầu, xin khất vậy
Mưa bụi giăng mờ không thể thấy
Em ngồi sợ rét lấm vào trăng.

Thơ Trương Nam Hương/ Dung Thị Vân đọc chọn

29. VŨ THỊ HUYỀN

CHỢT LO

Dưới bức tường chùa xám
Những người già bắt đầu vui chùa

Không lột da ếch
Xé mai cua
Cắt tiết gà
Ban phát sự sống cho cả kiến và muỗi
Dẫu chúng có ngạo mạn leo đỉnh mũi, bò lỗ tai
Cắn và hút

Nhân hậu và bình thản
Quạt nan áo nâu sồng kín tay, kín cổ
Chỉ tiếc đã qua thời sinh nở

BUỐT ĐÒ

Bến cũ
Con đò lãng trôi
Có tiếng hú dài không chạm tới
Mười sải nước qua, mười luân hồi

Quên khắc nếu tựa thu thiên thai
Quên bến nếu tựa thuyền thanh thản
Quên trôi tiết đông hàn
Không chạm tới xuân phân

Vì nhớ ngại ngần
Cố hương
Buốt đỏ

AI NGỘ

Vào chùa*
Gặp thượng tọa
Quay nón sắt đuổi ma
Cửa tam bảo nắng sa
Tròn như tôi mắt trố

Ngồi giữa gian nhà tổ
Con bệnh cúi gằm gằm
Người, người xúm chung quanh
Để xem hay để sợ

Tôi một tiếng ai ngộ
Giải bài lú lẫn thời
Rùa, hạc quỳ thảnh thơi
Hương tàn, mùa xuân mới.

*Một ngôi chùa cổ ở Hải Phòng thượng tọa chữa bệnh thần
kinh cho bệnh nhân trong gian giữa nhà tổ. Gọi là “bắt ma”

TÔI HỎI KHÍ KHÔNG PHẢI

Tôi hỏi khí không phải
Lá xanh mùa xưa đâu
Cả dải mây ngày cũ
Vắt ngang gương mặt sầu

Người đong đưa bến lở
Có vào được bình yên
Người rong chơi phố cổ
Có thấy không lạc huyền

Cánh cung và mũi tên
Bắn ngực chiều ứa máu
Hình như trong bảo tàng
Có ổ chim sáo sậu

Hồn tôi lay phên dậu
Phần phật chà rào khô
Tôi hỏi khí không phải
Đêm hay là đang trưa
Thơ Vũ Thị Huyền/ Mai Văn Phấn đọc chọn


30. CHU VĂN KENG


THƠ VÀ ĐỜI


Đem câu thơ thả lưng trời
Làm mòn mưa nắng gạn đời đục trong
Bài thơ gửi gắm tiếng lòng
Dẫu đời xô lệch méo tròn, cũng qua


TÌM EM


Hoàng hôn dần lịm sắc vàng
Màn đêm buông xuống gọi làn sương rơi
Anh đi về phía cuối trời
Đức tin chỉ lối, một đời…Tìm em

TÁO RỤNG  SÂN ĐÌNH
Sân đình chiếu trải giữa đình
Tiện chân ta ghé, để mình vấn vương

Sân đình táo rụng, tình nương
Ta mình một  thuở, biển vương sóng trào
Nào đâu cần phải “Cây cao”
Hợp cùng “Bóng cả“,  mới trao nỗi lòng...

Sân đình táo rụng, đợi mong
Ta mình những đợi, cùng mong xa vời
Sân đình táo rụng, biển đời
Đâu miền trong đục, đâu trời “Thiên thai”?

Sân đình in mãi bóng ai
Chung trong ly biệt tình hoài quê hương
(Đói-no, hờn-giận, buồn-thương...
Gói trong hoài niệm, để nương tựa nhờ…)

Sân đình ta ngóng mình chờ
Đường về quê cũ, mỗi giờ tuyết sương...
Ta giờ nặng bước tha hương
Thương mình  một thuở, vấn vương tơ lòng...

Thơ Chu văn Keng, gửi qua eMail từ LB Đức

/ CÒN TIẾP/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét