Đầu trần đi dưới trời mưa
TP - Hình ảnh đó in sâu trong tâm khảm của tôi, qua nhiều tháng năm. Tôi nghĩ, tôi đã được nhìn thấy Hoàng Trung Thông khi ông là Hoàng Trung Thông nhất, một Hoàng Trung Thông thi sĩ. Và, tôi nghĩ, tôi đã may mắn.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Một buổi sáng sau Tết Ất Sửu 1985, trời mưa phùn, gió
lạnh. Tôi đưa con nhỏ đi khám bệnh. Hai mẹ con choàng áo mưa, chở nhau
trên chiếc xe đạp mi ni, thong thả dọc theo phố Huế, lên phía Bờ Hồ.
Khi ngang qua rạp Đại Nam, cháu bỗng đập tay vào vai
tôi: Mẹ, mẹ, ông Thông kìa. Theo hướng tay của cháu, tôi thấy Hoàng
Trung Thông để đầu trần, áo xống phong phanh, mắt nhìn tận đâu đâu, bước
đi nghiêng ngả trên hè phố, lạc lõng giữa dòng người xuôi ngược.
Hình ảnh đó in sâu trong tâm khảm của tôi, qua nhiều
tháng năm, đến độ, mỗi lần nhắc đến ông, nó lại hiển hiện như chỉ vừa
mới vài ngày qua. Tôi nghĩ, tôi đã được nhìn thấy Hoàng Trung Thông khi
ông là Hoàng Trung Thông nhất, một Hoàng Trung Thông thi sĩ. Và, tôi
nghĩ, tôi đã may mắn.
Do điều kiện học tập và làm việc, tôi biết Hoàng Trung
Thông từ rất lâu, đã gặp ông ở chỗ này chỗ khác, đã đọc thơ ông, đọc các
bài phê bình, giới thiệu thơ Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Đỗ Phủ, Lục
Du, Puskin, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… của ông nhưng chỉ ở mức độ “kính
nhi viễn chi” thôi.
Chỉ đến khi về làm việc tại nhà xuất bản Tác Phẩm Mới,
nhất là khi tham gia Hội đồng thơ do nhà thơ Xuân Diệu làm chủ tịch, tôi
mới có dịp trò chuyện, trao đổi công việc với ông.
Là những nhà thơ nổi tiếng mà Xuân Diệu rất hiền, Tế
Hanh rất hiền, Hoàng Trung Thông cũng rất hiền. Vài ba người trẻ chúng
tôi thì rất kính yêu, nể trọng các ông. Thành ra mọi việc ở Hội đồng thơ
như giới thiệu hội viên mới, xét tặng thưởng hằng năm đều rất êm thấm,
thân ái. Có tranh luận, trao đổi về các tác phẩm hay tác giả cũng rất
nhẹ nhàng, chân thực. Mọi việc xong là xong, không bao giờ có lời qua
tiếng lại, không bao giờ có điều tiếng ra bên ngoài.
Thi sĩ Hoàng Trung Thông (trái) & họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. (ảnh tư liệu gia đình - chụp 1988). |
Các cuộc họp thường thì ở hội nhưng cũng nhiều lần ở
nhà Xuân Diệu hoặc nhà Hoàng Trung Thông. Những lần họp ở nhà Hoàng
Trung Thông thường rất rôm rả vì bà Hoa, vợ ông, dù thiếu thốn, vất vả,
vẫn cố gắng có một bữa tiệc rượu nho nhỏ. Đôi lần, Xuân Diệu mang rượu
hoặc một ít giò lụa đến góp vui. Hoàng Trung Thông rất ít nói, ông vừa
nhâm nhi rượu vừa lắng nghe, thi thoảng mới góp một lời chí lý.
Dù vậy, mọi việc cũng chỉ dừng lại ở sự thân tình của
những cộng sự vì tôi biết Hoàng Trung Thông lúc này đang là viện trưởng
Viện Văn học và ông đã từng giữ rất nhiều trọng trách, trong đó có việc
làm vụ trưởng Vụ Văn nghệ của Ban Tuyên giáo - cơ quan lãnh đạo tư tưởng
của giới văn nghệ - người xà ích, người ra roi của cỗ xe tam mã văn
nghệ với Tố Hữu là chủ soái, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên là
ba ngựa kéo xe, theo cách nói của Nguyễn Khải (Vương Trí Nhàn: Hoàng Trung Thông và việc học hỏi của một người cầm bút)
Tôi thực sự thân thiết với ông và gia đình là nhờ Bích Hà, con gái ông.
Bích Hà làm việc ở thư viện Hội Nhà văn . Những lúc rỗi tôi thường lên
đó mượn sách vở, đọc báo và trò chuyện với Hà. Bích Hà thông minh, tính
tình ngay thẳng, dí dỏm nên cô cháu thân nhau.
Qua Hà, tôi hiểu gia đình ông và hiểu ông, hiểu cuộc
sống thanh sạch của một ông quan và những ưu tư, buồn bã của một con
người, một thi sĩ. Thỉnh thoảng tôi ghé lại nhà thăm ông bà. Bà Hoa, vợ
ông là một người phụ nữ dịu dàng, nhẫn nại, dáng người mảnh mai, đôi mắt
đen, sâu thẳm như chất chứa lo âu. Các con ông học hành tử tế, sống tử
tế.
Có lần đi chợ Hôm, hai chị em gặp nhau. Bà Hoa đang xếp
hàng mua đường theo tem phiếu. Bà nói với tôi, có chút đường nào là
dành để ngâm mơ cho ông uống giải rượu. Bà lo lắng nhưng không than
phiền về chuyện uống rượu của ông. Bà hiểu.
Chế Lan Viên hiểu: “Lo trăm thứ của cuộc đời dây
nhợ/ Đâm ông buồn nhiều/ Rồi ông cứ nghĩ nốc rượu vào sẽ đỡ/ Cái bệnh ở
lòng, thuốc cho ở cổ/ Cạn chén này, chén khác ùa theo…”. “Buồn nên ta
phải uống rượu. Nhưng bây giờ buồn quá thì uống nỗi gì. Lý Bạch mà buồn
như ta thì cũng không dám viết câu “tu hành lạc… nữa”, Hoàng Cát hiểu:
“Mà cái chính là do bầu tâm sự về nhân tình thế thái trong sâu kín trái
tim nhà thơ”, Trần Chí Thắng hiểu: “Có ai biết đến sự cô đơn của Hoàng
Trung Thông”…
Có lần, ông đến chơi và gặp ba tôi. Khi ông ra về, ba
tôi bảo: “Lão uống rượu vì nhiều tâm sự không giải tỏa được” (lão là từ
thân mật ba tôi dùng khi nhắc đến một người bạn. Ba tôi và Hoàng Trung
Thông quen nhau từ những năm 1954-1955 khi các văn nghệ sĩ khu Tư, khu
Năm về Hà Nội và họ cùng làm việc tại 51 Trần Hưng Đạo, ba tôi kể lúc đó
Hoàng Trung Thông còn đem theo con gái lớn tên Hồng ra ở cùng)…Và chắc
chắn còn rất nhiều người hiểu nguồn cơn uống rượu của ông.
Họ đem rượu đến cho ông, họ uống rượu cùng ông. Có lần
ông nhập viện vì huyết áp quá cao. Tôi đến bệnh viện Việt Xô thăm, thấy
ông vẫn có vẻ như đang ngà ngà say, tôi hỏi anh vẫn có rượu để uống à.
Ông cười: “Rượu thì ở đâu mà chẳng có hả cô”, rồi nhìn dãy rào thưa của
bệnh viện, vẻ rất tinh quái. Chắc có người đưa rượu qua dãy rào này.
Ta sợ nhất gió không còn thổi nữa/ Lặng im gió lặng, mây không còn bay.
Thơ Hoàng Trung Thông
|
Năm 1987, khi biết vợ chồng tôi sắp chuyển hẳn vào Sài Gòn, ông thường
lững thững đi bộ từ 70 Ngô Quyền sang khu tập thể Nguyễn Công Trứ thăm
chúng tôi. Lúc sáng, lúc trưa, lúc chiều, tùy cảm hứng của ông. Có khi ở
chơi lâu, có khi chỉ ghé lại rồi quầy quả bỏ đi, có khi uống chén trà,
có khi nhấp ngụm rượu, có lúc ở lại ăn cùng bữa cơm rau muống, lạc rang.
Một hôm, ông vừa bước tới cửa đã nói đùa, này, Ý Nhi
chỉ là con gà thôi. Thấy nhà tôi cười, ông nói to, thế ông bảo có con gì
gáy ngoài con gà. Nhà tôi chưa kịp phản ứng ông đã quay sang tôi: Thế
cô có biết Bước lặng thầm như chân ý nhi của Huy Cận không. Tôi thưa có,
ông lại hỏi, có biết Cành biếc run run chân ý nhi của Xuân
Diệu không, tôi đáp có biết. Ông gục gặc đầu, không rõ vừa lòng hay
không, rồi nói, các cô bây giờ lười học quá. Mấy cô bên Viện cũng vậy.
Hoàng Trung Thông có vẻ khuynh nữ. Ông đi nơi này nơi
khác thường kéo theo các cô. Có lần, ông dẫn đến nhà tôi mấy cô nhân
viên rất xinh đẹp. Mỗi lần thấy ông một mình, tôi thường trêu, các nữ
viện sĩ xinh đẹp của anh đâu rồi. Ông lại gục gặc đầu, vẻ như cũng chẳng
biết họ ở đâu nữa.
Nhà chúng tôi không có rượu nhưng từ khi ông thường
ghé, tôi cũng mua ít rượu gạo để trong nhà. Hoàng Trung Thông ghét rượu
màu, chỉ uống rượu “quốc lủi” hay “cuốc lủi” (tôi không hiểu nghĩa hai
chữ này, chỉ biết hồi đó cấm rượu nên rượu bị bán lén, có lẽ chữ lủi nói
lên điều này). Quang Dũng dễ tính hơn. Có lần Tết, Quang Dũng cùng Ngô
Quân Miện, Trần Lê Văn ghé thăm. Tôi chỉ có chai rượu màu mua theo tiêu
chuẩn để mời.
Quang Dũng khen ngon, hỏi xin thêm: “Cô có thể cho tôi
xin thêm một chén nữa không”. (Quang Dũng ở cùng khu tập thể với tôi.
Cả gia đình đông đúc của ông ở trong một gian phòng khoảng 25m2. Có hôm
tôi đi chợ, thấy ông chống can, tỳ cả hai tay lên đó rồi tỳ cằm lên hai
tay, đứng nhìn sững mấy cái thùng rác công cộng.
Trong buổi chiều đông lạnh giá, trông ông thật cô độc.
Tôi đã không dám gọi chào, sợ ông giật mình. Đôi lần trong nhà có việc
cần, chị Quang Dũng lại sang gọi tôi. Tôi biên tập tập thơ Mây đầu ô của ông.
Lúc sách in xong, ông lâm bệnh nặng, vẫn bảo vợ làm
bữa bún nem mời bạn bè. Chúng tôi ngồi đó mà nghẹn ngào, chẳng nói nên
lời). Khi chỉ còn vài ngày nữa chúng tôi ra đi, Hoàng Trung Thông ghé
lại, bảo tôi tìm giấy, bút lông, mực Tàu để ông cho chữ làm kỷ niệm. Ông
nghĩ một lúc rồi hạ bút mấy chữ rất đẹp Lộc Nhi hữu chi (trong
Lộc có Nhi). Gần ba mươi năm qua, dời nhà từ Hà Nội vào Sài Gòn, ở Sài
Gòn lại chuyển nhà tới bốn lần, chúng tôi vẫn giữ gìn kỷ vật của ông.
Bút tích nhà thơ HoàngTrung Thông viết tặng nhà thơ ÝNhi và GS Nguyễn Lộc. |
Khi Hoàng Trung Thông mất, Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đã
có một bài viết rất sâu sắc về thơ ông, trong đó có câu: “Trong thâm
tâm, anh là con người nhỏ bé, của những con người nhỏ bé. Trong thơ, anh
chỉ là nhà thơ của những người nhỏ bé” và “Chỉ có một Hoàng Trung Thông
nhỏ bé, không hài lòng với chính mình. Đó là cái lớn của Hoàng Trung
Thông”. Tôi nghĩ, đây là lời khen tặng quý giá nhất mà một nhà thơ có
thể nhận được.
Theo cách nhìn nhận này, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều,
Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát…cũng là con người nhỏ bé của những con người
nhỏ bé và họ lớn chính vì lẽ đó. Hàng chục tập thơ đã ra đời trong suốt
quá trình hoạt động văn nghệ của ông. Tô Hoài có lý khi dùng cụm từ
“trong sáng và hùng tráng cao thượng” để nói đến thơ Hoàng Trung Thông.
Chế Lan Viên có tình khi viết: “Thơ ông suối trong veo/ Chảy tấm lòng
rất thật”. Và Phạm Hổ: “Chúng ta vắng một nhà thơ đích thực/ Thơ anh
không bao giờ là gió quanh cánh quạt/ Thơ anh luôn là gió giữa bầu
trời”.
Các tập thơ của ông như Quê hương chiến đấu, Đường
chúng ta đi, Những cánh buồm, Đầu sóng, Trong gió lửa, Như đi trong mơ,
Hương mùa thơ, Tiếng thơ không dứt, Mời trăng… đánh dấu chân thực
từng chặng đường đời của ông đều được đón nhận và giới thiệu với nhiều
nhận định, nhiều cách đánh giá khác nhau.
Riêng phần mình, tôi yêu thích nhất những bài thơ trong Mời trăng
và một số bài thơ di cảo của ông. Con người “đứng im không nói” bao lâu
nay đã bật lên tiếng nói của riêng mình, da diết, đau đớn, xót xa.
Những gì từng che giữ, nín nhịn bỗng chốc ùa ra dào dạt, không cần để
tâm đến cấu tứ, đến tạo vần, đến nghệ thuật, đến tư tưởng… Đây chính là
lúc Hoàng Trung Thông đã thôi làm thơ “quà tặng” (chữ của Phan Ngọc) để
làm thơ cho mình, là lúc ta thấy rõ hơn “tâm thức thi sĩ” (chữ của Hoàng
Cát) của ông, đây là thời một mình. Vâng, một mình: “Tôi một mình nhìn
và nhớ bạn/ Thấy đời mình bớt nỗi đắng cay”; “Tôi đọc / Và tôi khóc”;
“Một mình ta mời trăng, mời bạn”; “Một bãi cát dài nằm vắng vẻ/ Một
người mộng ủ đứng buồn tênh”… Một mình để có thể nói lên nỗi sợ: “Ta sợ
nhất gió không còn thổi nữa/ Lặng im gió lặng, mây không còn bay”. Một
mình để có thể nhìn thấy giọt mưa là “giọt lệ đời”. Một mình để có thể
ước ao: “Giá ta cũng được như làn sóng/ Bạc xóa đầu đi thỏa kiếp chờ”.
Một mình để có thể thú nhận: “Chưa bao giờ anh biết một con người/ Chưa
bao giờ anh biết một cuộc đời”. Một mình để có thể thốt lên: “Tôi muốn
uống rượu trong/ Lại phải uống rượu đục/ Chao, sông cũng như người/ Có
khúc và có lúc”… Những câu thơ của Hoàng Trung Thông lúc này nhiều khi
châng lâng, mơ màng như được viết trong một giấc mơ - một giấc mơ mà nỗi
buồn, mà nỗi đau là có thật: “Tôi/ tỉnh/ hay/ tôi say/ tôi như cây nhổ
ra khỏi đất/ tôi như cá ra khỏi biển khơi” và ‘Ta không biết ta muốn gì/
Là trăng hay là biển/ Là cá hay là mây/ Là đất quay hay trời chuyển”…
Không biết nhưng mà biết, không thốt nên lời buồn mà thật buồn. Tôi
không hiểu rõ vì sao câu thơ “Thấy nước triều dâng ta giẫm chân xuống
nước” lại khiến tôi bàng hoàng đến vậy. Phải chăng vì sự ngơ ngác, vì vẻ
đơn chiếc, vì không rõ đó là lời với biển hay chỉ là câu nói thầm cho
riêng mình của nhà thơ. Có lẽ là lời nói thầm, cũng giống như những câu
thơ ông viết tặng Xuân Diệu, nói với mình hơn là nói với bạn: “Ai rõ
lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó/… Trăng
biết đâu lòng ta lệ đầm/ Ta thương ta, thương người xa thương thầm”. Mặc
dù, ông đã gắng gượng: “Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm” mà
nghe như giọt lệ đã dâng lên đầy khóe mắt. Có thể nói, bức ký họa Hoàng
Trung Thông của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn đã góp phần hoàn thiện bức chân
dung tinh thần Hoàng Trung Thông giai đoạn Mời trăng. Cũng có thể nói,
Mời trăng là lời từ biệt của nhà thơ Hoàng Trung Thông gửi lại cho chúng
ta.
Tháng 1/1993 tôi ra Hà Nội mới hay tin ông đang nhập
viện. Chưa kịp đến thăm thì ông đã ra đi. Lễ truy điệu ông được tổ chức
trang trọng tại 51 Trần Hưng Đạo, với đầy đủ ban bệ, đầy đủ các quan
chức, đầy đủ bạn bè văn nghệ. Nhưng điều khiến tôi xúc động hơn cả chính
là sự có mặt của Trúc Cương, Tạ Vũ, Hoàng Cát - những bạn thơ, bạn rượu
rất nghèo của ông với một can rượu nhỏ trên tay.
Họ đem theo rượu quốc lủi, thứ rượu ông đã cùng họ uống
ở Trúc Viên, ở 91 Bà Triệu, ở những quán chè chén bên đường - đổ tràn
lên mộ người bạn vong niên của mình, thay cho lời chào, thay cho những
câu thơ vĩnh biệt. Đây là lần thứ hai tôi nhìn thấy việc này. Lần đầu là
khi viếng mộ Nguyên Hồng ở Bắc Giang, Kim Lân cũng đem theo rượu quốc
lủi rưới lên mộ bạn, nói những lời tha thiết như thể Nguyên Hồng đang ở
trước mặt vậy.
Khoảng những năm tám mươi, Cục Vận tải đường sông có tổ
chức một chuyến đi ngược sông Hồng rất thú vị. Trong đoàn đi có hai
nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định và Võ An Ninh. Bác Đinh Đăng Định là người
ngăn nắp, chỉn chu, quần áo tươm tất, ăn ngủ đúng giờ. Trong lúc đó, bác
Võ An Ninh râu tóc lòa xòa, máy ảnh lúc nào cũng lủng lẳng trước ngực.
Bọn trẻ nhỏ nhìn thấy bác, chạy theo, vừa vỗ tay vừa hò
hét: Ông tiên, a, ông tiên. Bác quay lại, cười hóm hỉnh: Ờ, ông tiên
khồng đây. Võ An Ninh thường bỏ bữa, bỏ giấc, ngồi thu lu trước mũi tàu,
rình mây, rình nắng, rình cây, rình gió. Bác bảo, may mắn thì có được
bức ảnh đẹp. Bác bảo, chụp chân dung cũng vậy, phải đợi cho đến khi tìm
được nét đẹp nhất của diện mạo, của thần thái mới bấm máy.
Tôi nghĩ tôi đã may mắn biết bao khi tình cờ nhìn thấy
Hoàng Trung Thông trong buổi sáng lạnh giá ấy. Đó không chỉ là dáng vóc,
không chỉ là tâm tính, nó là tất cả Hoàng Trung Thông (1925-1993), theo
cách nhìn nhận của tôi. Cho đến giờ đây, khi viết những dòng này, tôi
vẫn như thấy ông đầu trần, áo xống phong phanh, mắt nhìn đến tận nơi
nào, bước đi nghiêng ngả dưới mưa xuân.
Sài Gòn 1/2013
“Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi” Tôi vẫn nghĩ, tôi đã may mắn được quen thân với Hoàng Trung Thông khi ông đã cởi bỏ khỏi vai mình những việc “phải làm”, để có thể làm những việc “muốn làm”.
Mặc dù biết ông là một ông quan thanh
liêm, nhân hậu, biết khi làm tổng biên tập báo Văn Nghệ, ông đã ứa nước
mắt khi ký duyệt những bài “đánh” Tình rừng của Nguyễn Tuân, biết khi
người ta muốn tặng thêm cho ông học hàm, ông từng nói: “Làm một nhà thơ
cũng đủ lắm rồi”, biết ông luôn thân ái, hòa thuận với nhân viên, với
cấp dưới, biết ông chưa bao giờ ngừng làm thơ… tôi vẫn chỉ muốn thân
thiết với một Hoàng Trung Thông thuần thi sĩ.
Số phận đã đặt Hoàng Trung Thông vào một
thử thách khắc nghiệt. Đó là việc phải làm quan, làm lãnh đạo. Không ít
người đã gục ngã trong cái bẫy này. Hoàng Trung Thông thì không. Ông là
“thi sĩ trong cốt lõi, trong bản chất” (Nguyễn Bao). Ông “nghèo bạc,
nghèo tiền/ Nhưng anh giàu nhân phẩm” (Phạm Hổ), Ông “Ôm một khối lá
biếc/ Ngạo nghễ nhìn bão giông (Tế Hanh)… Giữ phẩm giá, giữ lòng nhân
ái, được “thiên hạ người người yêu” (Chế Lan Viên) cũng chính là giữ
được cốt cách thi sĩ.
|
Ý Nhi
ST gửi bài qua eMail
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét