Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Về Đỗ Nam Cao


Đỗ Nam Cao - thơ - Tiếng chuông trên cánh sóng
.
PHÙNG VĂN KHAI
.

Đỗ Nam Cao làm thơ từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước ngay tại chiến trường Nam Bộ khi chiến sự đang diễn ra ác liệt. Tốt nghiệp khóa 12 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng với Bế Kiến Quốc, Nguyễn Thị Kim Cúc, Vũ Ân Thi, Lê Quang Trang, Nguyễn Thị Hồng, Vũ Dũng, Trần Bảo Hưng, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu Hùng… lập tức các anh chị xung phong vào chiến trường miền Nam. Mái đầu xanh, trái tim nóng ấm đập mãnh liệt trong lồng ngực trẻ. Những ngày đêm bám trụ vùng chiến sự ác liệt vùng ven Sài Gòn với các địa danh: Lộc Ninh, Bến Cát, Củ Chi, Trảng Bàng… đã dường như lập tức in hằn trong thơ Đỗ Nam Cao. Đó là những: Qua sông Sài Gòn; Đêm tràng cỏ; Màu xanh vùng ven; Cô gái thợ cày; Ớt Trảng Bàng; Gặp người bắn “cá rô” ở Củ Chi; Đêm đột ấp; Trăng địa hình; Những căn hầm bí mật… mô tả trực diện cuộc chiến đấu kiên trung, bất khuất, những hi sinh, mất mát để cho ngày toàn thắng. Ngay sau năm 1975, Đỗ Nam Cao đã có tập thơ Những cánh cò lửa (Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng) in chung với Nguyễn Khắc Thuần.
Làm thơ và in thơ sớm vậy nhưng Đỗ Nam Cao trong con mắt bạn bè và người yêu văn chương là một người không ưa thích sự ồn ào, nhất là trong in ấn và công bố thơ mình. Thơ anh thường được cất giữ trong lòng bè bạn. Nhiều khi hứng thú, Đỗ Nam Cao sáng tác trực tiếp rồi đưa luôn cho bè bạn mà chính anh còn không nhớ. Khi anh mất (tháng 8 năm 2011) bạn bè, với sự thương tiếc và tri ân một cá tính thơ đã tập hợp, tuyển chọn và gom nhặt để cho ra mắt "Đỗ Nam Cao - Thơ", một tập thơ như là tuyển tập của anh.
Với ba phần chính: Những cánh cò lửa; Dính; Thơ sau năm 2000 tập thơ có khoảng không gian và thời gian rộng lớn, xuyên suốt cuộc đời sống và viết của Đỗ Nam Cao. Cuộc đời sống và viết của anh luôn gắn chặt với đời sống tinh thần của dân tộc trong một chặng đường dài.
Viết về chiến tranh, Đỗ Nam Cao đã rất riêng, anh viết:
Chính em và mùa thu đưa anh đi/ Những chiếc lá bàng rơi màu đỏ thắm/ Gian khổ đấy, bàn tay em nhỏ nhắn/ Anh cầm mà không thể buông ra/ Nỗi xa này thử thách cả hai ta/ Vẫn là em và trời thu bát ngát/ Gió khẽ rung trên vòm lá bạc/ Trăng dội xuống chỗ mình những ánh ban đêm/ Anh nhìn mắt em sâu thẳm niềm tin (Mùa thu chia tay).
Và anh viết về thời bắt đầu đổi mới năm 1989:
Cái thời thiếu vắng hơi ấm lửa/ Ta ngờ ta sống lửa tâm hồn/ Ta ngờ luôn nửa hồn ta còn lại/ Một nửa bao giờ lên cháo cơm/ Cái thời đầy ứ ự thông tin/ Bộ lọc ta quen một chiều một cửa/ Có tin vui lại ngỡ tin buồn/ Đời sống động bỗng thấy đời phát sợ (Cái thời).
Và những vần thơ gần nhất trước lúc Đỗ Nam Cao giã biệt thế giới này:
Có không trong cõi vĩnh hằng/ Có cô cắt cỏ có trăng lưỡi liềm/ Có không trong cõi thần tiên/ Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi/ Chỉ còn sờ sợ chút thôi/ Có thơ không để tôi rơi xuống trần (Có không). Thôi thì về bãi Tự Nhiên/ Cho em tắm để thánh hiền lòi ra/ Con vua cũng thể đàn bà/ Dẫu chàng đánh dậm vưỡn là đàn ông (Hỡi cô cắt cỏ).

Tôi luôn hình dung thơ Đỗ Nam Cao dù ở thời điểm nào, dù cách nói thế nào vẫn là một tiếng nói rất riêng và rất quyết liệt. Cái quyết liệt của anh không trôi nổi ở bề mặt mà đã lặn sâu trong các con chữ, thi tứ, hình ảnh. Cũng từ cá tính ấy, mà thơ anh sẽ theo thời gian định vị chắc chắn trong lòng công chúng yêu thơ.
Tôi cũng luôn hình dung, và có một suy nghĩ riêng, cứ len lỏi, cứ cháy sáng dần lên, đó là, thơ Đỗ Nam Cao, với tôi, chính là tiếng chuông trên cánh sóng.

Nguồn: Lethieunhon.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét