35 năm với đời người rất dài, nhưng 35 năm cầm bút không ai tính dài
hay ngắn, thời gian không quyết định hiệu quả sáng tạo, tự thân tác phẩm
quyết định giá trị của nó. Với bốn tập thơ đã xuất bản và đang chuẩn bị
hai tập tiếp nối, Hải Kỳ chứng minh sức lao động bền bỉ, chiếm vị trí
tin yêu trong lòng độc giả.
Nhiều người cho rằng tất cả
những gì sắc sảo của Hải Kỳ đều dồn nén vào thơ lục bát. Đọc lại toàn bộ
sáng tác của anh, nhận xét ấy xác đáng, thiết nghĩ ở góc nhìn khác còn
những điều lý thú để tiếp tục bàn thêm.
Phải nói rằng, do
sự ràng buộc về luật vần điệu, người viết lục bát dễ lẫn vào nhau, dẫn
tới sự bằng phẳng và ổn định. Không lạ gì người viết sau đôi khi là cái
bóng của người viết trước. Vì thế mà người ta thường hóm hỉnh nào là
Nguyễn Bính thời nay, Nguyễn Duy thứ hai…Hải Kỳ không vậy, anh có miền
lục bát riêng, không giống ai, điều này đáng khâm phục nể trọng. Cái
chìa khoá nào giúp nhà thơ mở ra cánh cửa mới nơi ngôi nhà cổ đã trở
thành di sản dân tộc? Giải mã vấn đề này ắt thấu rõ thơ hay không lệ
thuộc vào hình thức.
Nhiều người lầm tưởng rằng cứ thay đổi
kết cấu, câu chữ, thoát vần thì sẽ nhập được vào trào lưu mới của thơ
ca. Điều này chỉ đúng một phần, nhưng chưa phải phần quyết định. Cuộc
sống thường nhật luôn vận động và biến đổi. Nhà thơ không thể ghi chép
tất cả các biến đổi ấy theo đơn tuyến một cách máy móc. Cuộc sống vào
thơ nhờ sự vận động của cảm xúc. Sự vận động cảm xúc là nhân tố phát
triển của hình tượng thơ. Nếu cảm xúc không đổi, đơn điệu thì mọi bài
thơ dưới hình thức nào cũng không mới mẻ thêm lên, trái lại nó gây nhàm
chán, mòn cũ. Thơ lục bát hay thơ tự do đều có khuôn định về hình thức.
Dẫu biết thơ tự do giải phóng mọi ràng buộc về niêm luật, phóng túng
trong các thao tác hình tượng câu chữ, nhưng đằng sau đó là cái gì, nếu
không gọi là một khuôn định khác khi đạt tới đỉnh điểm. Chỉ tư duy con
người không có giới hạn đỉnh điểm. Tư duy con người là vũ trụ vô bờ bến.
Nhà thơ tài hoa luôn hướng cảm xúc mình về cõi lạ, không giống trước đó
và không rập khuôn cảm xúc người khác.
Trong số các bài
lục bát hay, Hạt cát, Tôi ra cửa biển là hai bài thơ tiêu biểu sử dụng
tinh luyện các biện pháp nghệ thuật. Sự liên tưởng ở bài Hạt cát không
nghiêng về phía mô tả sinh học, hoặc thao tác kiểu như các nhà thơ khác:
Trắng như là chẳng có gì
Trắng như là buổi người đi không về
Trắng như là buổi người đi không về
Trắng
so với chẳng có gì, đã là phép so sánh giàu hình tượng, nhưng trắng
được ví như buổi người đi không về thì đã vượt tầng qua một thấu kính
thẩm mỹ bất ngờ. Giữa hạt cát trắng, một vật thể được mô tả bằng màu sắc
và hình ảnh người đi không về, không gian nội tâm của cuộc biệt ly, hai
thành tố ấy đứng bên nhau mang lại hiệu quả cao hơn, lạ hơn trong tư
duy sáng tạo.
Ở câu thơ khác trong bài Tôi ra cửa biển: Tôi
rơi vào cuối ngọn nồm / Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi cũng vậy, một
thủ pháp siêu tượng trưng. Chẳng ai rơi theo kiểu ấy. Trước đó câu thơ
mùa đông rụng lá ưu phiền đã làm tiền đề cho trạng thái tình cảm của hai
người “đang rơi”. Giống như hai chiếc lá cô đơn ưu phiền trong trời
đất, mộtrơi vào cuối ngọn nồm, một lại rơi vào cuối nỗi buồn thăm thẳm
mông lung. Nếu đặc tả bằng hội hoạ thì câu lục là bức tranh tả thực về
tâm trạng, còn câu bát chỉ có thể thông qua trường phái ấn tượng mới
thực hiện được. Nhờ các thủ pháp nghệ thuật linh hoạt đẩy tới hai câu
kết làm chân đế toàn bài, tạo nên hình tượng thơ nhất quán, lan toả:
Mùa thu mặc áo gì kia
Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu.
Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu.
Hải Kỳ còn thành công qua các bài: Tôi nhìn cho đến, Tôi và em với
Thiên An, Nằm đếm trời sao, Cỏ mặt trời… Có điều khi đã mở được cánh cửa
mới trong ngôi nhà lục bát, chủ nhân dễ tự bằng lòng, đắm chìm trong
hạnh phúc, quên rằng mỗi cánh cửa chỉ có thể hướng về một chân trời nhất
định. Sẽ còn bao nhiêu cánh cửa chưa mở, thật khó nhận biết, đây là
những thách đố thường xuyên tâm trí nhà thơ. Hình thức thơ lục bát như
những mẩu ngọc sáng trong tay nghệ nhân sáng tạo. Người thợ thông minh
tài nghệ sẽ tạo ra thứ trang sức đẹp và lạ, nhược bằng ít dụng công ,
thì dù là sản phẩm quý đấy nhưng sẽ là những mẫu hàng cũ kỹ, trùng lặp
cái đã đầy dẫy trên thị trường.
Tôi
cho rằng, nếu chỉ đọc và đánh giá Hải Kỳ về thơ lục bát sẽ mất cân đối.
Bên cạnh lục bát, các thể thơ khác không làm mờ đi gương mặt thơ Hải
Kỳ, ngược lại nếu nghiên cứu kỹ, ta còn thấy gương mặt nhà thơ lấp lánh
từ phía khác. Tôi không làm phép đối chiếu so sánh. Bản thân các bài thơ
có sức sống độc lập và tự khẳng định giá trị.
Có thể xem
đây như sự ngẫu nhiên, cũng có thể coi là ý niệm, năm 1984, khi giã từ
Huế về lại Quảng Bình, sau bao năm đeo đẳng học hành, Hải Kỳ viết trong
bài Từ biệt :
Thôi, từ biệt em, từ biệt Huế
Từ biệt chính tôi từ lâu như thế
Bây giờ tôi xa lạ với tôi.
Từ biệt chính tôi từ lâu như thế
Bây giờ tôi xa lạ với tôi.
Một
tuyên ngôn chăng , đúng hay không đúng? Đôi khi nhà thơ không quản lý
nổi ý thức của mình. Trạng thái vô thức đẩy hồn thơ sang bến bờ lạ,
ngoài mong muốn dự định chủ quan. Nhưng cái dòng chảy khoáng đãng này
lắng từ lâu trong tiềm thức anh. Tôi nhớ khoảng năm 1969, những bài thơ
đầu tiên ra đời như Tiếng bom, Đường mưanhà thơ trẻ Hải Kỳ hồi ấy đã có
những câu thơ gây ấn tượng, được chú ý: Chiều đường mưa người đi vội
vàng / Bùn nhão theo vết bánh xe chở nặng…/ Hút về phương Nam. Năm 1980,
bài thơ Với biển in trên báo Văn Nghệ xuất hiện những câu thơ với cảm
quan mạnh mẽ:
Vốc ngụm nước thấy nồng mặn quá
Như tình thật không hề giả trá
Vị muối kia đâu chỉ có gần bờ
Lòng biển xanh nồng mặn đến xa khơi.
Như tình thật không hề giả trá
Vị muối kia đâu chỉ có gần bờ
Lòng biển xanh nồng mặn đến xa khơi.
Một bài thơ dài, cân đối hai mặt cảm xúc và suy tưởng, hình ảnh đột
biến: Nhớ đầy lên ngọn triều…/ Xẻ mình ra / Xả thành muôn tay sóng. Biển
hiện thân sức mạnh nghìn đời, sức mạnh con người. Bằng những bài thơ ấy
Hải Kỳ lập trình một dòng thơ không mềm mại uyển chuyển duyên dáng như
lục bát, nó trẻ trung khỏe khoắn và khoáng đạt. Tư duy tự do cho lập
trình ấy là những bài được cấu tứ chặt chẽ, làm chỗ dựa cho sự vận động
của suy nghĩ và cảm xúc, lật xới các lớp vỉa ngôn từ không theo một trật
tự nào trong sáng tạo.
Mùa hè. Đọng. Trong phòng
Cửa sổ. Vụt. Ùa. Khoáng đãng
…
Chiều. Vỏ bầu khô.Trống rỗng.
Cửa sổ. Vụt. Ùa. Khoáng đãng
…
Chiều. Vỏ bầu khô.Trống rỗng.
(Dấu chấm)
Không
hề thao tác bằng lối kỹ xảo, các dấu chấm trong bài thơ đặt đúng chỗ.
Một chữ, một tiếng đã vang vọng: Chiều. Vỏ bầu khô. Trống rỗng được ngắt
làm ba quãng, dựng dậy trước mắt ta buổi chiều hoang trống rỗng như vỏ
bầu khô, một chiều quan tái xe xót. Thơ hút tâm linh người đọc. Thơ, tâm
linh nhà thơ và người đọc nhập một. Trên con đường ấy Hải Kỳ tung ra
nhiều bài như loạt tín hiệu nóng phát đi từ ngọn đèn thơ: Nửa chừng,
Tương phản, Cây đèn biển tình nhân, Người hành khất, Với cỏ, Gió trong
chiều, Cách xa…
Có thể nhiều người thuộc thơ lục bát, năm
chữ, bảy chữ của Hải Kỳ mà ít biết hoặc thuộc những bài thơ tự do. Hàn
Mặc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên,
Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh… cùng nhau xây nên toà tháp ngà Thơ Mới. Sự
đóng góp của các thi nhân tiền bối tiếp tục tới sau này, trừ Hàn Mặc Tử,
Bích Khê mất sớm. Người đời thuộc thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc
Tử… mà ít thuộc thơ Chế Lan Viên, điều ấy không lấy làm lạ. Có thể khẳng
định trong cùng thế hệ, Chế Lan Viên bằng năng lực biểu hiện và khả
năng thích ứng đã tách ra, hình thành một giọng thơ triết lý đầy hùng
biện lại rất trữ tình. Chế Lan Viên vẫn là người lừng lững trên văn đàn,
một nhà thơ lớn thời đại. Chúng ta từng thuộc lòng hàng chục bài thơ do
được phổ biến, truyền bá qua nhiều con đường mà không nằm lòng được một
câu thơ đáng nhớ. Đó là bài học thấm thía về nhận thức, có dịp xin được
bàn tới trong một bài viết khác.
Tôi cứ ngờ ngợ về những
câu thơ tuôn trào từ dòng chảy thứ hai này của Hải Kỳ. Đọc một lần dễ bỏ
qua, đọc lần nữa, rồi lần nữa. Có cái gì níu ta lại, không thể vội vàng
chia tay:
Dẫu sao thì gió mùa thu trên ngọn cỏ may cũng xa vắng tuyệt vời
Có ai qua mà mong người phải gỡ
Cái vô duyên của ngọn gió hững hờ
Cái hững hờ của người vội vã
Chẳng biết mùa thu nấp trong cỏ may nghe hết những giận hờn
(Cách xa)
Mỗi
người là một thế giới riêng biệt. Càng đề cao con người, tôn trọng cái
tôi trữ tình, hiểu tận ngọn nguồn bản thể, ta sẽ đọc thấy sự linh diệu
trong từng câu thơ tự phá vỡ mình không theo một quy luật nào. Mùa
thu xa vắng tuyệt vời theo ngọn gió ra đi, hay còn đâu đó trong từng
chấm cỏ may kia! Cái bảng lảng thực thực hư hư của thơ, chính là cõi
lòng ta trong thế giới huyền vi: Sau lụi tàn là khởi nguyên mới khát
khao / Ấy thế mà sau nỗi buồn lại tiếp nỗi buồn sâu hơn nữa. Tại sao thế
giới tự nhiên và thế giới nội tâm con người không cùng chung nhịp điệu?
Thơ ấy đọc để hiểu, từ hiểu đến ngẫm chứ không thể đọc để thuộc, giống
như ta vừa nhấp chén rượu trên môi, thấm vào tận da thịt và để cho dòng
nước mắt tự do rơi lúc buồn đau, hay hồ hởi phấn chấn khi vừa cất xong
gánh nặng đường xa vậy.
Không ai tắm hai lần trên một dòng
sông. Cái gì rồi cũng có giới hạn. Thơ cũng vậy dù lục bát hay tự do.
Các nhà thơ hãy tự làm cho mình một bài toán trắc nghiệm rằng bao nhiêu
hình ảnh, từ ngữ, vần nhịp mà ta huy động được sử dụng lại hoặc do vô
tình hoặc cố ý. Ta sẽ thấy sự trùng lặp chồng chéo trong vận động cảm
xúc chính là biểu hiện của già nua sáng tạo. Cảm xúc không thăng hoa,
không nhập thần, thơ sẽ đứng yên, con sông sáng tạo chẳng khác nào mặt
hồ phẳng lặng. Vận động sáng tạo của cảm xúc và gương mặt bài thơ như
hình với bóng. Điều này không loại trừ một ai.
.Đồng Hới, 25 tháng 11 năm 2004
Bài Hoàng Vũ Thuật/ Lethieunhon giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét