Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Về Nguyễn Việt Chiến


Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến:
Thèm một tiếng đàn mơ hoang nỗi nhớ…


PHẠM KHẢI

Ngày nhỏ, đọc “Truyện cổ Grim”, tôi rất ấn tượng với màn trổ tài của chàng trai nọ: Anh ta đuổi theo một cỗ xe ngựa, tháo bốn móng sắt của con ngựa và thay luôn bốn móng mới trong khi ngựa vẫn phi đều. Để làm được điều này rõ ràng phải là một người thực sự tài ba. Liên hệ với việc làm thơ, tôi cho rằng một thi sĩ tài hoa phải là người trong quá trình tung hứng vần điệu không được để rơi ý tưởng. Nói cụ thể hơn là dù giai điệu có luyến láy, bổng trầm thế nào chăng nữa thì cũng không được để nhòe ý, mất ý, biến câu thơ trở nên tối tăm, vô nghĩa. Như trong câu chuyện nhắc tới trên, cỗ xe giai điệu vẫn chạy mà chiếc móng sắt của ý tưởng vẫn được khớp vào đúng vị trí cần thiết. Với những suy nghĩ như vậy, tôi muốn dùng hai chữ tài hoa để nói về Nguyễn Việt Chiến. Tôi cho rằng, trong xu hướng thơ ca đang dần bị pha tạp hiện nay, cơ hội để xuất hiện những thi sĩ tài hoa hẳn sẽ ngày một trở nên hiếm hoi.
Là một tiếng thơ nhiều mê đắm, thơ Nguyễn Việt Chiến rất giàu nhạc tính. Nó vang, ngân và đầy ắp hình ảnh. Mặc dù theo tác giả tự giới thiệu thì từ năm 1969, khi mới 17 tuổi, anh đã có thơ in báo, song với đông đảo bạn đọc, Nguyễn Việt Chiến chỉ thực sự xuất hiện với tư cách tác giả vào những năm đầu thập niên 90 (của thế kỷ trước). Ở đây, xin lỗi cho tôi được có một liên hệ: Đọc tập “Mưa lúc không giờ” - tập thơ đầu tay của Nguyễn Việt Chiến (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1992), tôi có cảm giác như đó là một sự tiếp nối của Lưu Quang Vũ, một thi sĩ Hà thành đầy tài năng đã mất vì tai nạn giao thông trước đó 4 năm. Cũng những xúc cảm nồng hậu, hào hoa, cũng vẫn những giai điệu thơ quặn siết, du dương, mở ra tầng tầng lớp lớp những thi ảnh bất ngờ, thú vị. Ông trời hào phóng ban tặng cho Nguyễn Việt Chiến một khả năng cảm nhận cuộc sống tinh tế cộng với sức liên tưởng dồi dào, để rồi qua đó giúp anh ghi lại một cách thật ấn tượng những khoảnh khắc tâm trạng của mình cũng như những cảm thức của anh về lịch sử và sự biến thiên thời cuộc.

Đã bao tác giả viết về cảm giác trống vắng của người lữ khách khi đặt chân xuống một sân ga, bến tàu, song đọc những câu thơ sau đây của Nguyễn Việt Chiến, người đọc vẫn không khỏi xốn xang:
Thôi hãy ngủ nào ngọn gió cô đơn
Ngọn gió của những toa tàu rỗng
Người khách cuối cùng trên sân ga vắng
Chỉ còn trăng với anh là hai kẻ xuống tàu
(Bài “Ngọn gió màu lam”).
Ai chẳng từng có cái cảm giác tiếc nuối khi thấy thời gian cứ bình lặng trôi đi, thu hẹp vòng đời của mình lại, vậy nhưng đọc những dòng thơ giản dị này của Nguyễn Việt Chiến, ta vẫn không khỏi thêm lần thảng thốt (chữ “mỏng” trong câu “Tháng giêng ngày mỏng quá” thật đắt):
Tháng giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
mà bên kia tờ lịch
nỗi niềm mưa xót rơi
(Bài “Mưa tháng giêng”).
Sinh ra tại Hà Nội, quá nửa đời gắn bó với cảnh và người Hà Nội, Nguyễn Việt Chiến đã đưa được vào thơ mình nhiều nét đẹp mang phong thái cổ kính, hào hoa của mảnh đất nghìn năm văn vật. Bài “Mưa phố vào tranh” từng đoạt Giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1989-1990 đã lưu lại hình ảnh phố phường Hà Nội qua một trận mưa: “Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa/ Cả vòm trời loang chảy màu sơn/ Những ngôi nhà như đang trượt ngã/ Gọi dìu nhau ở phía bên đường”. Chỉ có những dãy nhà cao thấp lô xô, kiểu như trong tranh Bùi Xuân Phái mới khiến tác giả phải dùng tới mấy chữ “trượt ngã”, “dìu nhau”. Và cũng chỉ cần mấy chữ “trượt ngã”, “dìu nhau” là ra ngay dãy nhà cổ trên con phố cổ của Hà Nội, dù tác giả chẳng cần dùng tới hai chữ “nhà cổ” để gọi tên chúng. Cái tài của tác giả là ở đấy. Điểm ấn tượng nữa là trên nền trận mưa khuấy đảo, hình ảnh cô gái được tác giả chấm phá bằng những nét thật điệu nghệ: “Rất có thể em là nhạc trưởng/ Với chiếc ô màu đỏ trên tay/ Cả thành phố trong mưa giao hưởng/ Màu lam kia cuốn tít gót giày”. Chỉ với ít câu ít chữ thôi, tác giả đã biến cơn thịnh nộ của thiên nhiên thành một màn biểu diễn nghệ thuật ngoạn mục.
Hà Nội ngày mưa được thể hiện một cách nên thơ như vậy, Hà Nội ngày nắng cũng được Nguyễn Việt Chiến chăm chút bằng những nét vẽ tinh tế: “Tôi đã thấy mùa thu/ nắng như bầy chim nhỏ/ lang thang trên mái phố/ đánh rơi quả chuông vàng” (bài “Mùa thu ở lại”).
Đôi khi, chỉ với một đoạn thơ ngắn, tác giả đã đánh thức, khua dậy trong ta những nỗi niềm rất khó nói về một Hà Nội đan xen giữa quá khứ và hiện tại:
Những con Rùa Vàng đã ngủ
Gối đầu lên huyền thoại xưa
Gió thổi qua lòng tháp rỗng
Trăng sao còn đến tận giờ.
(bài “Những con Rùa Vàng”)
Không có hình ảnh con Rùa Vàng gối đầu ngủ trên huyền thoại, sẽ không khơi gợi được dấu tích một thời vinh hiển của cha ông. Song nếu không có câu kết “Trăng sao còn đến tận giờ”, chắc chắn chúng ta chỉ thấy vóc dáng già nua của quá khứ mà không thấy sức trẻ của thì hiện tại, và cao hơn thế, không thấy được dòng chảy xuyên suốt của lịch sử, của thời gian…Thơ Nguyễn Việt Chiến nhiều chỗ ngỡ như ý tưởng được thả xuống một cách ngẫu nhiên, nhưng ngẫm kỹ lại không kém phần sâu sắc.
Có một thời, đọc thơ Nguyễn Việt Chiến, ta thấy anh vận dụng nhiều khúc thức cũ, thậm chí có những cái cũ tới mức có lẽ ngay cả các tác giả thời tiền chiến cũng phải gọi bằng…cụ. Ví như, năm 1990, trong bài “Chim sẻ phố”, Nguyễn Việt Chiến từng đặt bút viết: “Lá rụng, mùa ơi! Rụng nốt đi/ Trên bàn tay vắng, dấu chân khuya/ Tôi nghe hơi phố không còn ấm/ Mà lửa đèn đêm thức nhớ gì?”, và đến năm 2000, trong bài “Ta của Xứ Đoài”, anh vẫn còn viết: “Thanh thản ruộng đồng thanh thản quê/ Trời trong mây biếc rủ ta về/ Sông quê thiêm thiếp đôi bờ cỏ/ Mơn mởn mùa trăng giăng gió mê”. Về âm điệu nào có khác gì so với mấy câu thơ của Hồ Dzếnh viết những năm cuối thập niên 30: “Ta nhớ màu quê khát gió quê/ Mây ơi ngưng cánh đợi ta về/ Cho ta trông lại tầng xanh thẳm/ Ngâm lại bài thơ Phương thảo thê…” (bài “Tư hương”)? Nói vậy nhưng cũng có những cái ngỡ cũ, từng được nhiều tác giả sử dụng chán chê, vậy mà rồi vào tay Nguyễn Việt Chiến, nó đã được “phù phép” và trở nên những câu thơ quyến rũ, đầy ma lực. Bài “Thèm” là một ví dụ. Ở thời Thơ Mới, cái cách dùng cả một khổ thơ, thậm chí cả bài thơ gồm rặt những chữ có thanh bằng nằm cuối câu đã được Xuân Diệu thực hiện ở bài “Nhị hồ”, Bích Khê thực hiện ở bài “Tỳ bà”. Đến Nguyễn Việt Chiến, cách chơi thơ theo hướng này đã được nâng lên một bước. Tất cả là một sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp thánh thót, du dương của giai điệu và vẻ đẹp thanh khiết, hư ảo của hình ảnh. Xin trích khúc giữa của bài thơ:

Thèm một ánh lửa cuối chiều đông xa

Vai em gầy lạnh trên thềm phố mưa
Bế em tôi ủ trong vòng tay mơ
Đốt thơ tôi sưởi những buồn đau xưa

Thèm một ngụm nước nỗi lòng khát khô
Chảy đi giọt suối ta quên bao giờ
Đóng vào chai biếc cánh rừng bỏ quên
Những con suối điếc bóng rừng khô im.

Thèm một tiếng đàn mơ hoang nỗi nhớ
Những chiều mây vàng bồng bềnh lửa phố
Một tay mở cửa một tay ôm đàn
Còn tay nào nữa dắt dìu em sang…
Lại có trường hợp, như ở bài lục bát “Chiều không tắt”, Nguyễn Việt Chiến đã tìm ra một cách chơi chữ khá lý thú - từng cặp hai chữ đầu và hai chữ cuối của câu lục quấn quít bay đôi với nhau: “Mưa bay em ơi mưa say/ Chiều không nắng, ướt một ngày bên tôi/ Lá rơi em ơi lá phơi/ Chiều không nhớ, vắng một trời biệt ly/ Người đi em ơi người mê/ Chiều không hôn thú, mây về dửng dưng/ Lá rung em ơi lá mong/ Chiều không tắt ở muôn cung đàn này…”. Như vậy, ta có thể thấy, với một số cung cách cũ, nếu tác giả là người thực sự tài hoa, có vốn liếng ngôn từ phong phú và biết đẩy cuộc - chơi - sáng - tạo tới tận cùng thì ở một góc độ nhất định, họ vẫn có thể tạo nên những thi phẩm hấp dẫn, thu hút độc giả. 
Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là ta cứ cậy tài mà mãi bó mình trong việc thâm canh, cày xới trên mảnh đất đã bạc màu. Từ nhiều năm nay, Nguyễn Việt Chiến đã có những chuyển hướng trong sáng tác và bên cạnh việc sáng tác, anh còn tham gia viết phê bình, cổ vũ động viên các cây bút mà anh cho là có khuynh hướng tìm tòi, cách tân. Tôi đã đọc một số bài viết dạng này của Nguyễn Việt Chiến. Cũng có bài tôi không thật hiểu anh nói gì và ngờ rằng chính bản thân anh cũng không thật hiểu điều mình đang nói, song thái độ ủng hộ của Nguyễn Việt Chiến đối với đối tượng mà anh đề cập là rõ ràng, quyết liệt. Riêng sự cách tân mà Nguyễn Việt Chiến áp dụng với chính bản thân mình thì xem ra hiệu quả vẫn chưa được là bao. Cách tân là một công việc hết sức khó khăn, đâu phải cứ vung vãi dấu chấm vào khắp câu thơ theo kiểu: “Sông văn. Chảy. Dọc cuộc đời/ Nguyễn ngồi câu chữ. Dưới trời mưa. Đêm/ Có cô gái trẻ. Làng bên/ Ra sông. Giặt lụa. Vào đêm Nguyễn về” (bài “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm”), hoặc chẻ nhỏ, cắt đôi câu thơ - như từ bài “Thèm” (22 câu, mỗi câu 8 chữ) chữa thành bài “Phố” (52 câu, thêm 8 câu mới, mỗi câu 4 chữ) là thành “cách tân”? Cũng vậy, cùng một vấn đề tương tự, khi tác giả khuôn nó vào thể thơ lục bát thì tạo được bầu không khí linh thiêng, thành kính: “Mẹ ngồi hai vạt áo nâu/ Hương ba nén thắp, khói cầu nguyện bay/ Ngoài kia tiếng vạc khô gầy/ Sao dăm mảnh vỡ, gió day dứt lùa/ Nghe như vọng tự nghìn xưa/ Trong sương khói tiếng mõ chùa đêm đêm/ Những ai từ bỏ thiên nhiên/ Lánh đời về dưới cửa thiền…những ai/ Đức tin ở một ngày mai/ Những tượng đất hát, những đền đài thiêng/ Đạp qua khổ nhục oán hèn/ Đạp qua dục vọng, cháy lên Niết bàn” (bài “Mẹ”), mà đập dẹt ra, để như câu nói thường thì nó ra thế này: “Mẹ đang cầu nguyện/ Mỏi mòn chuỗi hạt tháng năm/ bóng mẹ in trên vách thời gian/ như pho tượng tạc bằng nước mắt/ Mẹ bảo: nước mắt ban ngày chảy xuôi đánh thức những ngôi đền/ còn ban đêm nước mắt chảy ngược vào trong/ thấm đến một miền đức tin cứu rỗi” (bài “Chiều xuống rồi, về nhà đi con”). Cùng đề cập tới sự hy sinh của người lính, nếu như ở bài “Về đại bác” được viết bằng một thể thơ ổn định, Nguyễn Việt Chiến đã có những đoạn xúc động đến trào nước mắt: “Đại bác nổ cuộc chiến tranh thứ nhất/ Đất chiến hào cỏ chưa kịp nhú xanh/ Thì lựu đạn và lưỡi lê cường tập/ Lần thứ hai cỏ lại thấm máu mình” thì ở bài “Trận mạc”, mặc dù được tác giả viết một cách “phóng bút” hơn, song những câu thơ lại như thể những dòng tin khô khan, rất ít biểu cảm: “Trên dây kẽm gai/ Những ngôi sao mùa thu trong vắt/ Nơi quả mìn định hướng đêm ấy/ Phạt ngang người những chàng trai/ Các anh nằm vắt mình trên lưỡi kẽm gai/ Máu đọng vũng như hoa hồng bị xéo/ Những hoa hồng bị mảnh mìn phạt chéo/ Nơi ngực áo, lá thư của mẹ máu thấm loang”. Từ hai ví dụ trên, ta có thể thấy việc chuyển đổi từ thơ có vần sang thơ không vần, hoặc từ thơ nhiều vần sang thơ ít vần, trong trường hợp cụ thể này, chỗ nào đắc địa hơn? Không, ở đây vấn đề không phải là đọc những câu thơ trên, “độc giả quen thưởng thức thơ có vần điệu thấy khó đọc, khó vào, khó hiểu” như Nguyễn Việt Chiến từng có lần than tiếc đâu (mấy câu thơ ấy thậm chí còn rất dễ hiểu là khác). Vấn đề là nó nôm na, sống sít, thừa chữ nhưng lại thiếu sức rung cảm. 
Thật ra, việc một nhà thơ loay hoay tìm cách thay đổi phương thức thể hiện để tạo  sự đa dạng trong bút pháp là điều không riêng Nguyễn Việt Chiến mà bất cứ nhà thơ chân chính nào cũng khát khao vươn tới. Vấn đề cần bàn là phải xem tạng của mình đến đâu để việc cải tiến ấy không thành… “cải lùi”. Thi sĩ Nga Evtushenko từng đưa ra lời cảnh báo: “Nếu như tôi còn quẫy lộn đôi khi/ Thì cũng chỉ như cây lắc mình cho rụng lá/ Những ý nghĩ thoảng qua, dịu dàng, buồn bã/ Rằng việc chính của đời đâu phải mãi rung cây”. Quá đúng! Khi cây đã vào mùa rụng lá thì mọi sự rung lắc cũng không vì thế mà làm cho lá dày lên, nếu không nói nó càng làm cho lá rụng nhiều hơn. Điều cần thiết là - vẫn theo cách nói của Evtushenko: “Khó khăn chính là làm sao hiểu thấu/ Bản thân mình trong thế giới đổi thay/ Nhìn rõ hết mọi điều khi mùa thu rụng lá/ Khi đời đã trụi trần đối diện với mình đây”. Cái tạng cảm xúc trời cho mỗi người (như thể chiều cao), đến một tuổi nào đó nó gần như đã được mặc định. Nếu có thay đổi chỉ là sự thêm thắt, bổ sung, chứ có mạnh tay dỡ bỏ làm lại cũng khó “nên cơm nên cháo” gì. Đi vào cụ thể trường hợp của Nguyễn Việt Chiến, tôi thấy ngay từ khi cho xuất bản tập thơ đầu tay “Mưa lúc không giờ”, anh đã là tác giả có phong cách riêng, và phong cách ấy - theo tôi, gần như đã định hình.
Điều tôi lấy làm tiếc cho Nguyễn Việt Chiến: Anh là một thi sĩ tung tẩy, tài hoa, có nhiều câu thơ hay, song hiếm bài hoàn chỉnh. Có những bài đọc rất thanh thoát, thú vị, thế rồi bất ngờ ở một câu nào đó, người đọc bỗng khựng lại bởi một lỗi khá sơ đẳng, như thể nhai phải miếng sạn trong một bát cơm ngon, vấp phải một cái ổ gà trên đường cao tốc (kiểu như trong bài “Cát đợi”, một bài từng được nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến đánh giá rất cao, mạch thơ đang nhuần nhị chảy trôi bỗng gặp phải mấy chữ “chim gì kêu đau” nghe vừa buồn cười vừa không được nhã cho lắm: “Lối mòn bạc cỏ may đê/ Chiều mòn rỗng tiếng chim gì kêu đau”). Như vậy, việc cần hơn cả đối với Nguyễn Việt Chiến lúc này, theo thiển ý của tôi là làm sao tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện những gì mình đang có, hơn là cứ mải cung quăng đi tìm những gì mình chưa có. Việc anh tãi câu thơ của mình ra, hoặc tăng dấu chấm câu, hạ nhiều nấc xuống dòng (như tôi trích dẫn ở trên), suy cho cùng cũng chẳng giúp thơ anh “cách tân” được là bao. Chưa nói nó càng làm thơ anh mất đi cái nhung tuyết vốn là thứ quý giá mà một thi sĩ như Nguyễn Việt Chiến từng có.
.
11-7-2012

Nguồn: Văn nghệ Công an, số 180, ra ngày 16- 7- 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét