Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Vũ Quần Phương / Bản sắc thiền Việt Nam...

Bản sắc Thiền Việt Nam trong Thơ Thiền Lý Trần
Vũ Quần Phương

Phật hay Bụt là cách đọc theo âm của chữ Budha. Budh có nghĩa là tỉnh thức, là một hoạt động của trí tuệ. Đạo Phật hay Đạo Bụt là con đường nhận thức thực tại, nhận thức bản thân để tìm một nghệ thuật sống cho hạnh phúc.
Vị giáo chủ khai sáng đạo Phật  là vị hoàng tử Ấn Độ mang tên Siddattha (Tất Đạt Đa), mang họ Gotama (Cổ Đàm) thuộc tộc Sakya (Thích Ca). Sinh năm 623 trước công nguyên, nhập Niết bàn vào năm 543 TCN. Năm Phật nhập Niết bàn được coi như năm đầu của Phật lịch.
Đạo Phật nhập Việt Nam theo hai nhánh Đại thừa, Tiểu thừa, qua đường Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng khi tồn tại ở Việt Nam, Đạo Phật đã có những biến đổi, hình thành bản sắc riêng của Đạo Phật Việt Nam. Dõi theo lịch sử, khi nước ta ra khỏi thời Bắc thuộc, lập quốc gia tự chủ thì Đạo Phật cũng ý thức tự cải cách để thành một quốc giáo mang tâm linh Việt. Thiền phái Thảo Đường thời Lý Thánh Tông và đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm thời Trần Nhân Tông đã đưa những nhân tố mới về giáo lý, về nghi thức tu hành, thâm viễn hơn  mà cũng gần đời hơn. Những quan niệm Phật pháp cách tân đó đã được thể hiện sâu sắc trong thơ thời Lý, thời Trần mà ngày nay chúng ta gọi chung là thơ Thiền đời  Lý đời Trần.
Thơ hai triều này được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là giai đoạn huy hoàng nhất của thơ Việt có lẽ cũng là do phẩm chất Thiền ẩn chứa trong nội dung. Chủ đề Thiền vốn khái quát, triết lý về những vấn đề thiết cốt của con người như bàn về sống chết, có không, về hạnh phúc với khổ đau. Thơ Thiền Lý Trần là lời khuyến cáo thuyết phục về một nghệ thuật sống chủ động, vượt lên mọi tình thế để tìm ra hạnh phúc ngay trong đời thiết thực.

Đời là bể khổ, đúng là lời Phật dạy, nhưng lời dạy ấy mới là một nhận thức thực tại. Xử lý thực tại ấy ra sao để con người lặn trong bề khổ lại tìm ra nguồn vui,rấy mới là mục đích của người tu Phật.
Trước hết là cách nhìn cuộc đời. Vạn Hạnh (Nguyễn Vạn Hạnh, không rõ năm sinh, mất năm1018), một thiền sư được tôn kính thời Tiền Lê, người dạy dỗ và đạo diễn cho Lý Công Uẩn lên ngôi, trong một bài thơ khuyên các đệ tử, bài Thị đệ tử, bộc lộ một cách nhìn đời người rất biện chứng và đầy bản lĩnh. Bản lĩnh của trí tuệ đã qua những trái nghiệm tâm linh:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Thân người như bóng chớp có đấy lại thành không
Cây cối mùa xuân tươi tốt, mùa thu khô héo
Mặc cho vận đời khi thịnh khi suy, đừng sợ hãi
Thịnh suy cũng mong manh như giọt sương đầu ngọn cỏ)
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (Từ Lộ, không rõ năm sinh, mất năm 1117), người từng đi học Phật ở Ấn Độ, bàn về lẽ Có không (hữu không) thâm viễn mà cụ thể, dễ cảm nhận và đầy thuyết phục:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
(Bảo là có thì hạt cát hạt bụi cũng coi là có
Cho là không thì tất cả đều không
Có với không như vầng trăng dưới nước
Đừng cố bám hẳn vào cái có và cũng đừng coi cái không là không)
Quả là một cách nhìn biện chứng. câu thơ thứ ba, coi có và không như vầng trăng dưới nước, trông thì thấy có là múc lên thì không, có thể coi là điển hình của cách truyền giáo lý vô ngôn, không cần nói chỉ cần trỏ tay vào sự vật để đệ tử tự đốn ngộ.
Trần Tung Tuệ trung thượng sỹ(1230-1290), ông bác có ảnh hưởng tư tưởng sâu đậm đến ông cháu (Trần Khâm) sau này là vị tổ thứ nhất của Thiền Phái Trúc Lâm (Trần Nhân Tông), đã coi sống chết là hai mặt của một tờ giấy, coi khổ não với bồ đề là như nhau.. Bởi có sống thì phải có chết, muốn bất tử thì đừng sinh ra. Người ta nhận ra mình khổ đau khi so với người đang hạnh phúc nhưng vẫn người ấy, họ sẽ thấy mình hạnh phúc nếu so với người khổ đau hơn. Hóa ra khổ hay sướng lại do cách chọn hướng so sánh. Theo một điều tra xã hội học, người Việt Nam ta có mức độ hài lòng với cuộc sống đương đại lớn hơn dân nhiều nước có thu nhấp cao hơn ta, có lẽ do bà con ta so sánh cuộc sống bây giờ với những năm tháng chiến tranh hoặc thời kinh tế bao cấp. Một Thiền sư thời nay, Thích Nhất Hạnh, có nhận xét: một người bị ung thư gan sẽ coi mình là người hạnh phúc nhất trần gian nếu bệnh ung thư của  họ biến mất. Nhưng tất cả những người không bị ung thư ngồi đây lại không ai cảm nhận được cái hạnh phúc đó. Có mà không biết mình có thì cũng thành không, cũng như không có. Nghĩa là có không hóa như nhau. Tìm cách sống nào làm hiện ra cái có ấy, làm hiện ra cái hạnh phúc ta đang có ngay ở phút này và ngay tại đây chính là cách tu Phật hiện đại của Thiền phái Làng Mai Thích Nhất Hạnh và cũng là chủ trương của phép Thiền mà cha ông ta đã đề xuất trong thơ cách đây mười thế kỷ.
Trần Nhân Tông ( 1258-1308) trong bài thơ chữ Hán Xuân cảnh đã thể hiện một lối ứng xử  với thiên nhiên thật sâu sắc, đến nay vẫn là một gợi ý khả thi với chúng ta:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi
(Chim đang hót chậm trong vòm hoa dương liễu rậm
Đám mây chiều đang bay thì vẽ ảnh lên thềm nhà.
Khách tới thăm không nói năng gì chuyện đời
Mà cùng ta tựa lan can nhìn vào màu xanh xa mờ mịt)
Con người đang có mặt trong vẻ đẹp của đời, đẹp bằng âm thanh, bằng hình ảnh: chim hót trong hoa, mây trời in tranh lên mặt đất. Việc đáng làm nhất lúc ấy của người là gác lại tất cả mọi việc để tiếp nhận, để hưởng thụ vẻ đẹp ấy Vị cao tăng hay vị hoàng đế đã tiếp khách bằng sự im lặng, khách cũng im lặng, không ai nói với ai để tâm hồn được đối thoại với thiên nhiên. Sau này Xuân Diệu không chỉ ngừng trò chuyện mà còn ngừng cả thở: Ngừng hơi thở lại xem trong ấy / Hiển hiện hoa và phảng phất hương. Còn Hồ Chí Minh trong cảnh tù tội ở xứ người từng bối rối nại nhược hà (không biết làm thế nào) vì vầng trăng quá đẹp và Người đã ngắm trăng qua song sắt nhà tù. Mấy lâu nay ta chỉ thấy nơi đó là một tâm thế lãng mạn hưởng lạc kiểu phương Tây, trường hợp Xuân Diêu hay một cách vượt ngục tinh thần ở ngoài lao, trường hợp Hồ Chí Minh, mà ít chú ý rằng nó cùng căn cốt với nghệ thuật sống của Thiền pháp Việt Nam tự thuở Lý Trần.
Thiền Trúc Lâm không câu nệ hình thức tu Phật. Phật ở mọi nơi đâu chỉ ở trong chùa mà phải  vào tu trong núi. Phật tại tâm, nhìn được cõi thật của lòng mình là mở được cánh cửa vào xứ Phật, đâu cần ăn chay hay hành xác. Truyền thuyết còn kể khi cư sỹ Trần Tung đang tu Phật vào triều thăm em gái là hoàng hậu của Trần Thánh Tông, được hoàng hậu mời cơm, ông thản nhiên gắp thịt, cá như mọi người. Hoàng hậu kinh ngạc nói anh tu Phật, ăn thịt, sao thành Phật. Trần Tung trả lời (đại ý); Anh tu không phải để thành Phật. Anh là anh, Phật là Phật. Vả lại, nếu chỉ ăn chay mà thành Phật thì trâu bò thành Phật trước người tu. Câu nói nghe ngược ngạo nhưng lại thật sự hiểu Phật. Thái tử Tất Đạt Đa bỏ cung điện ra đi không vì một ý muốn thành đấng huyền bí mà chỉ để tìm một cuộc sống giải thoát mọi đau khổ. Sáu năm đầu ngài cũng sống khổ hạnh, đói khát, gầy yếu sắp chết thì nhận ra: không có sức khỏe thì trí não không sáng suốt làm sao đủ năng lượng mà nghĩ ngợi tìm đường. Ngài đã trở lại cuộc sống thường và tập trung suy nghĩ dưới gôc bồ đề mà tìm ra Đạo. Thiền học Lý Trần quan niệm chàng đổ tể chọc tiết hàng nghìn con lợn nhưng trong chân tâm có tinh Phật thì buông dao là thành bồ tát. Ngược lại, người không có tính Phật trong lòng thì lần mòn tràng hạt, tụng kinh suốt đời cũng không gặp Phật. Hiện nay trên thế giới có nhiều Thiền viện không có tượng Phật, không cả thắp hương, lễ bái mà Phật tử năm châu tới tu tập rất đông. Tu, trước hết để giác ngộ, để tỉnh thức mà tiếp nhận thực tại và sau cùng là có một cách cảm nghĩ và hành động giúp cho con người thấy được hạnh phúc trong sự có mặt của mình giữa cuộc đời.
Sư Mãn Giác (Lý Trường 1052-1096) trong lúc bệnh đã dùng luật luân hồi làm an lòng đệ tử, ông nói: hoa rụng rồi hoa lại nở. Nhưng ông không cắt đôi luân hồi rồi chỉ lấy phía thuận (từ rụng sang nở) để tự lừa mình. Ông nhìn thấu đáo và bao quát, không né tránh: việc đời nối nhau trôi đi vô tận nhưng đời con người đâu có được vô biên (Trước mắt việc đi mãi / Trên đầu già đến rồi) Hoa rụng nở, nở rụng, xoay chuyển mãi mãi nhưng con người sẽ có lúc phải dừng (Xuân Diệu: Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi). Thực tiễn mâu thuẫn ấy hẳn dẫn đến tiếng thở dài Thảo nào khi mới chôn nhau / Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra ( Nguyễn Gia Thiều) Nhưng dưới vạt áo nâu sồng của vị cao tăng ốm yếu đời Lý lại là một trái tim yêu đời đầynghị lực.  Nghị lực phấn đấu vượt quy luật, hay đúng hơn: giác ngộ một quy luật ở cấp cao hơn. Nguyễn Du chiêm nghiệm trong Truyện Kiều: Muôn sự tại trời nhưng cao hơn lại là Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Mãn Giác không thuyết lý, không biện luận ông tâm truyền tâm, chỉ cho ta thấy một hiện vật thiên nhiên vượt quy luật xuân tàn hoa rụng, chứng cớ rất cụ thể: đêm qua (thời gian) sân trước (địa điểm) một nhành mai (hiện vật). Đình tiền, tạc dạ, nhất chi mai. Hình ảnh nhành mai trắng muốt bung nở cuối bài thơ thành một ám ảnh tâm linh, giúp người đốn ngộ lẽ huyền vi của tạo vật mà thay đổi nhận thức, thay đổi cảm xúc và do đó thay đổi hành vi, lối sống:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
(bản dịch của Ngô Tất Tố)
Con đường diệt khổ của Phật không phải là cầu xin, càng không phải là cầu xin bằng lễ vật hay tiền bạc, để một đấng quyền năng vô hình nào phù hộ, lấy khổ đi cho ta, ta cứ thụ động mà được vui sướng, mà nhập niết bàn. Trái lại, người tu tập phải tự trải qua thực nghiệm. Diệt khổ bằng loại trừ nguyên nhân gây khổ, loại trừ lòng tham, loại trừ hận thù, loại trừ cả si mê, ham muốn. Trí không vụ lợi thì lòng bình thản, đối đãi với đời bằng từ bi hỉ xả. Đây là chỗ khó nhất trong tu Phật. Khó bởi nhận thức (vậy là tích cực hay tiêu cực khi lòng đạt tới độ không) và nhất là khó trong thực hiện. Các bậc cao tăng Lý Trần, trong thơ, đúng ra là trong các bài kệ bằng thơ, không sa lầy vào thuyết giáo hay tranh biện lý trí mà các vị tâm truyền bằng cảm xúc, vừa giàu thuyết phục vừa có tính khả thi. Ấy là cách nhìn vào lòng mình mà tìm ra chân tâm. Trần Tung và ba vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã rất thâm viễn khi chủ trương Cư trần lạc đạo, sống gắn với trần thế thì sẽ tìm ra niềm vui đạo, lấy hồn nhiên mà hiều lẽ đời. Trần Tung khuyên cứ ngủ ngon lành một giấc cho đến sáng rồi hỏi đứa nhi đồng trước mặt thì sẽ hiểu lẽ đời. Tu tập không phải cứ ngồi trước Thiền môn mà lần tràng hạt:
Đi cũng Thiền
Ngồi cũng Thiền
(...) Tỉnh táo lên
Tỉnh táo lên
Bàn chân giẫm trên mặt đất chớ có ngả nghiêng
Ai người đạt được đến đấy
Sẽ cất cao bước đi trên đầu sự tu hành mà lên tới đỉnh.
Hơn một lần, Trần Tung khẳng định:
Bỏ tâm mà tìm Phật
Như tìm bóng mà quên gương
Không biết bóng là từ gương mà ra.
Huyền Quang (Lý Đạo Tái 1251-1331) trong bài Ngọ thụy (ngủ trưa) xuất phát từ lòng người sau ngay giấc  ngủ, khi mở mắt mà chưa nhận ra mình trong cõi thực, mà ông so sánh với cái thanh tịnh của trời đất sau mưa, để nhìn ra bản chất thế giới:
Vũ quá khê sơn tịnh
Phong lâm nhất mộng lương
Phản quan trần thế giới
Khai nhãn túy mang mang
Bản dịch của Băng Thanh:
Sau mưa núi lặng khe trong
Êm đềm một giấc rừng phong lặng tờ
Ngoảnh nhìn thế giới bụi mờ
Mở to đôi mắt mà ngờ đang say
Tư duy Thiền Lý Trần trọng sự hồn nhiên, tâm ngữ tâm, lòng nhủ lòng, nhưng không duy tâm bởi tư duy xuất phát từ thực tiễn, nhằm giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Lời bàn thường cụ thể, sâu sắc nhưng bao giờ cũng thiết thực. Người thời nay hẳn giật mình khi nghe lời khuyên của Trần Tung:
Muốn chăng lưới bắt chim phượng hoàng thì đừng bàn với chim sẻ
Định thả cần  câu cá kình thì cũng đừng làm mất lòng bọn ếch nhái.
Tổng kết việc đời đến như vậy là tầm nhập thế vào tận cốt lõi của chính trị, của xã hội và của tâm lý con người, tầm kinh bang tế thế bao quát hai vế chiến lược điều khiển quốc gia của các bậc cầm quyền.

Áp tết Quý Tỵ 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét